“Nhà chồng em cũng thuộc loại khá giả, trước kia thì săn đón, chiều chuộng em như tiên, nhưng vừa cưới về, bà mẹ chồng em trở mặt, bắt em đi bán bánh mì dạo hàng đêm, bảo là phải cho em thấy khổ, thấy kiếm tiền khó khăn, để biết quý trọng đồng tiền.
Bụng mang dạ chửa mà được có 45kg, có lần đạp cái xe bánh mỳ, đằng sau nặng quá còn bổng cả xe lên, đổ hết ra đường.
Không bán hết hàng, về nhà mẹ chồng đay nghiến, chồng đánh đập đòi tiền đi mua thuốc. Chồng thì nghiện ngập, mẹ chồng thì dung túng, còn cho tiền chồng em đi chích, thử hỏi có ai khổ như em nữa không...”.
Vừa nói, đôi hàng nước mắt chị Hưởng cứ thi nhau chảy, không khỏi làm mọi người cũng phải rơm rớm nước mắt xót thương...
Chồng nghiện ngập, mẹ chồng quái thai
Lật giở đống hồ sơ cao ngất trên bàn, bác sĩ Quyết - giám đốc trung tâm tư vấn và chăm sóc sức khỏe phụ nữ bệnh viện đa khoa Đức Giang ( Gia Lâm - Hà Nội) không nén nổi tiếng thở dài. “ Mỗi người phụ nữ tới đây đều có nỗi đau riêng, không ai giống ai, chỉ có điều hoàn cảnh nào cũng thật ngang trái, đều thật xót xa.” Khuôn mặt trầm ngâm, đầy nét suy tư, bác sĩ nói với giọng buồn bã, đầy sự trăn trở.
Được nghe bác sĩ Quyết kể về trường hợp một chị phụ nữ mới về làm dâu, đã bị chồng và mẹ chồng hành hạ không khác gì con ở, chúng tôi cũng không khỏi xót xa.
Nhìn dòng chữ nguệch ngoạc ghi lại trong hồ sơ của mình, mới càng thấy trong xã hội còn thật lắm hoàn cảnh trớ trêu, ngang trái mà không biết bao nhiêu phụ nữ phải nhẫn nhục chịu đựng, phần vì thương con, phần vì hoàn toàn bất lực.
Câu chuyện về cuộc đời và hạnh phúc dở dang của người phụ nữ tên Hưởng cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Gặp Hưởng ở văn phòng của bác sĩ Quyết, lắng nghe cô kể lại cuộc hôn nhân đầy nước mắt của mình, chúng tôi càng không thể nào quên được.
Hưởng sinh ra ở vùng đất Nam Định, ngay từ thời còn đi học đã nổi tiếng là người con gái xinh đẹp, nết na hiền dịu.
Cũng chính vì thế mà không ít phụ huynh luôn muốn có được người con dâu như chị Hưởng. Trong số bao nhiêu chàng trai từng tán tỉnh, Hưởng lại thấy có cảm tình hơn với Tuấn - cậu bạn hơn Hưởng 2 tuổi.
“ Ngày em còn đi học, mẹ anh Tuấn quý em lắm, ngày nào cũng đến tận cổng trường cấp 3 đón em, chở em đi mua sắm, rồi đưa đi chơi, cứ mẹ mẹ con con ngay từ những ngày ấy cơ.
Cứ tưởng có được bà mẹ chồng hiền lành, thương con dâu, nào ngờ đâu, cưới về là bà ấy trở mặt luôn.” Hưởng mở đầu câu chuyện về cuộc đời mình bằng dòng hồi tưởng lại quá khứ về người mẹ chồng mà cô tưởng là tốt đẹp.
Ngày ấy, được mẹ của Tuấn săn đón, lại đối xử tốt và được lòng mọi người trong gia đình Hưởng, nên vừa học xong lớp 12, cô lên xe hoa về nhà chồng luôn, bỏ lại giấc mơ được bước chân vào giảng đường đại học của mình.
Ngẫm thân phận người con gái, như hoa trôi bèo dạt, nay đã có được một bến đỗ bình yên, thì hãy coi đó là hạnh phúc, là số phận mà ông trời định đoạt rồi. Chính vì suy nghĩ đó, nên Hưởng cũng gật đầu nghe theo, cũng bước chân về nhà chồng, với hi vọng sẽ trở thành một nàng dâu hiền thảo, một người vợ đảm đang.
Nhưng, sự thật về mẹ chồng và về người chồng bảnh trai, ga lăng của Hưởng chưa thấy đâu, thì ngay ngày đầu tiên ở nhà chồng, cô đã phải rơi nước mắt đầy xót xa. Vừa cởi áo cưới, cô đã bị mẹ chồng lên giọng quát tháo, chửi rủa khi nhìn thấy tủ đồ quần áo của cô.
Nào có gì đâu, chỉ là vài bộ quần áo thời con gái cô vẫn hay mặc, nhưng mẹ chồng cho là cô ăn chơi, mua sắm nhiều, nên đã ra lệnh “tịch thu” hết quần áo, không để lại bộ nào chô cô được mặc cả.
Có giải thích bao nhiêu, thì bà ấy cũng một mực không nghe, và ngay trong đêm tân hôn, đã bắt cô phải mặc bộ đồ ngủ cũ kĩ, nhàu nát.
“ Lấy hết quần áo của em xong, mẹ chồng còn lấy ngón tay, chỉ lên trán, rồi véo tai, mắng em sa sả, nói là cấm tiệt cái thói ăn chơi, đú đởn ngày xưa, về nhà bà là phải nghe bà không bà cho chết...” Hưởng kể lại những lời nói cay nghiệt của bà mẹ chồng trong đêm tân hôn.
Đã thế, chứng kiến cảnh mẹ chồng chửi từ đầu tới cuối, anh Tuấn chồng Hưởng cũng không hề lên tiếng bênh vợ, hay can ngăn mẹ, mà chỉ nhếch mép cười, rồi nằm lăn ra ngủ, mặc cho Hưởng khóc thút thít cả đêm vì thấy tủi thân, vì thấy hoảng sợ.
Tuần đầu tiên ở cùng với gia đình chồng, với cô em chồng đỏng đảnh, lại có thói hay lườm nguýt, Hưởng đã nhớ nhà, nhớ bố mẹ đẻ nay lại càng thấy nỗi nhớ da diết hơn.
Nhất là cả tuần, khi làm bất cứ việc gì, dù là có làm tốt thì cô cũng bị mẹ chồng soi xét, mắng nhiếc đủ điều, đi chợ mua đồ về nấu cơm bà cũng lo cô ăn bớt tiền, nên về đến nhà là đòi khám xét, có khi còn bắt cô cho kiểm tra người, xem có giấu tiền thừa vào đâu không. Ngẫm lại mỗi lần như thế, Hưởng chỉ thấy thêm tủi nhục, xót xa.
Mọi chuyện còn trở nên trớ trêu và đớn đau hơn khi Hưởng phát hiện chồng mình nghiện ma túy từ lâu mà cô không hề hay biết. Vừa lén lau những giọt nước mắt, Hưởng vừa thút thít kể lại: “
Ngày yêu nhau, em không phát hiện ra anh ấy nghiện ngập, lại cứ thấy mẹ anh ấy nhiệt tình đưa đón, chiều chuộng, nên em mới dễ dàng cưới luôn. Không ngờ đấy chỉ là một vở kịch hết, sau này phát hiện ra đã muộn, vì cái thai trong bụng đã được mấy tháng, nên em đành nuốt nước mắt chịu đựng.” Hưởng chưa dứt lời, lại thút thít khóc.
Bắt con dâu đi bán bánh mì dạo hàng đêm
Khi cái thai trong bụng được 5 tháng, cũng là lúc Hưởng bị đối xử thậm tệ hơn, bà mẹ chồng càng ra mặt là con người ghê gớm, xảo quyệt hơn.
Vốn dĩ gia đình nhà chồng cũng thuộc loại khá giả, có của ăn của để, nhưng thấy Hưởng không có công ăn việc làm gì, chỉ ở nhà cơm nước chợ búa, bà mẹ chồng càng ngày càng kiếm đủ cớ hành hạ, chửi mắng cô con dâu nhiều hơn.
Bà còn bắt cô đi bán bánh mì rong, với lí do là: cho cô thấy sự quý giá của đồng tiền, cũng như những khó nhọc để kiếm ra nó, để rồi cô sẽ không có thói quen chi tiêu bừa bãi.
“ Hôm ấy, thấy mẹ chồng mang về cái xe đạp cũ, bảo từ nay em hãy học đi bán bánh mì, để có tiền mà chi tiêu, bố mẹ chồng không nuôi được nữa. Tại mẹ chồng sợ em ăn bớt tiền đi chợ, em chi tiêu hoang phí.
Đúng thật là, từ ngày về nhà chồng, em không làm được gì ngoài việc cơm nước, dọn dẹp phục vụ cả nhà như con ở, tiền đi chợ là tiền mẹ chồng đưa, còn chi tiêu cá nhân, em cũng nào có ngửa tay xin. Chồng em nghiện ngập, em đã không được nhờ gì rồi, nay lại còn phải đi kiếm tiền nuôi chồng...” Nói xong, Hưởng lại rưng rức hai hàng nước mắt.
Kể từ ngày đó, bụng chửa vượt mặt, đi lại còn khó khăn, huống hồ lại phải đạp xe, đi lấy bánh mì, rồi đi bán dạo hàng đêm. Có lần, cái xe bánh mỳ đằng sau nặng quá, mà Hưởng chỉ nặng có 45 kg, nên nó bổng ngược lên, làm cô bị một phen hú vía, may mà được mọi người đi đường giúp đỡ kịp thời, không thì lần ấy khó giữ được cái thai trong bụng.
Mà ngày nào cô không bán hết chỗ bánh mì được lấy, thì cô cũng không dám về nhà, sợ mẹ chồng mắng chửi là đồ ăn hại. Mỗi lần như thế, Hưởng lại lang thang ở ngoài cả đêm, mong bán hết để nhanh được về, cô không dám về nhà mẹ đẻ, sợ nhìn thấy con gái như này, mẹ cô lại thêm đau lòng.
Lúc mang thai đến tháng thứ 8, cô vẫn phải hàng ngày dậy sớm đi lấy bánh mì đi bán tới tối khuya mới được về. Về tới nhà, thì anh Tuấn chồng cô khi thì lên cơn thèm thuốc, đang lục tung cả phòng để tìm tiền đi mua thuốc về chích.
Vừa thấy bóng dáng vợ ở cửa phòng, hắn lao tới, lục hết túi này túi nọ, quát tháo bắt cô đưa tiền cho hắn đi mua thuốc.
Biết trước là sẽ có cảnh như thế, nên hôm nào bán hàng xong, Hưởng đều giấu tiền chẵn vào một chỗ riêng, chỉ để dăm ba nghìn lẻ ở ngoài, nên khi không lấy được tiền, gã chồng nghiện ngập lại mắt long sòng sọc, tát cô túi bụi, mặc cô van xin, kêu khóc.
Mỗi lần như thế, bố mẹ chồng ở dưới nhà cũng cứ đóng cửa để yên, không thèm lên can ngăn đứa con đang đói thuốc của mình câu nào. Thậm chí có lần, thấy cô van xin kêu khóc chồng đừng đánh, bà mẹ chồng chạy lên, còn mắng cô thêm.
“ Thấy em kêu khóc, mẹ chồng em còn đạp cửa xông vào, mắng em là đứa không ra gì, chồng đánh thì câm miệng mà nhịn, chứ còn kêu ca gì. Rồi bà cũng lục cả người em được mấy nghìn lẻ, ném cho chồng em rồi bảo xuống nhà bà cho thêm tiền mà đi chích".
Kể lại những lần như thế, Hưởng cứ cúi gằm mặt, khóc nấc lên từng hồi. Ngồi nghe câu chuyện của cô, chúng tôi cũng không khỏi xót xa cho cô, rồi lại càng thương cô bấy nhiêu.
Ngày cô sinh đứa con đầu lòng, cũng may là mẹ tròn con vuông, nhưng cũng là ngày làm cô rơi đầy nước mắt. Lúc đứa con cất tiếng khóc chào đời, thì cũng là lúc hay tin anh Tuấn chồng mình bị công an bắt, khi đang tụ tập cùng tụi con nghiện chích thuốc.
Đã thế, khi chuyển dạ, chỉ độc có mẹ đẻ cô ở bên cạnh, còn mẹ chồng và những người gia đình chồng tuyệt nhiên không thấy.
Mãi đến sáng hôm sau, bà mẹ chồng mới vào thăm cháu, khi nhìn thấy cô nằm xanh nhợt nhạt trên giường bệnh, cũng không hỏi han được câu gì, còn chì chiết cô rằng: “ Thằng chồng mày đi tù rồi, bây giờ mày sướng nhá, tha hồ mà đú đởn theo trai. Mà thằng cháu này, liệu có phải là cháu tao không đấy. Tao phải điều tra đã rồi mới nhận cháu, không lại mất công nuôi.”
Hưởng nhớ như in từng lời như xé gan xé ruột mà bà mẹ chồng ghê gớm nói vào mặt cô khi còn nằm trên giường bệnh. Nước mắt cứ lã chã tuôn rơi, ngẫm xót xa cho thân phận mình, thấy cuộc đời thật bất công khi mới 20 tuổi đầu mà cô đã phải gánh chịu nhiều nỗi đau như thế.
Tâm sự hết câu chuyện về cuộc đời mình cho bác sĩ Quyết và chúng tôi nghe xong, khuôn mặt Hưởng như có chút gì đó nhẹ nhõm hơn, cô vội gạt nước mắt, ngồi thẳng lưng dậy, vẻ mặt như có gì đó quyết tâm lắm. Được nghe bác sĩ Quyết tư vấn, động viên, an ủi, hình như Hưởng đã tìm ra lối thoát cho cuộc đời mình.
Cô bước ra khỏi văn phòng của bác sĩ Quyết, bước những bước đi dõng dạc, đầy quyết tâm. Và chúng tôi cũng tin và cầu mong cô sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn những gì cô đã từng phải trải qua.
- Thùy Chi
[links()]