Cân đàn ông)- Không chỉ ích kỷ gia trưởng với vợ và người thân của vợ, anh còn thường xuyên nghe mẹ đánh lại vợ
[links()]
Cuộc sống của nàng dâu Phố Cổ khiến tôi nghẹt thở. Tôi không bao giờ đưa bạn bè, người thân về nhà chơi. Ai cũng bảo nhà ở phố Hàng sướng thế, nhưng chẳng ai biết nỗi khố đằng sau cái mác phố Hàng của gia đình tôi.
Cũng giống bao cô gái khác, tôi nhận lời làm dâu phố xịn với mong muốn gặp được một gia đình gia giáo, tử tế. Tuy nhiên, tôi đã nhầm khi nghĩ vậy.
Lấy nhau 10 năm, con lớn đã học lớp 3 nhưng chồng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng anh phải lo chuyện kiếm tiền nuôi con cái ăn học.
Mẹ chồng tôi lúc nào cũng khoe về cái văn hóa “gốc” của bà. Bà luôn tự hào “ngày xưa mẹ đẹp nhất phố, khu phố này sầm uất lắm, nhà mẹ là tư sản, có người hầu, kẻ hạ… nhưng bà không hề nhìn vào thực tại kinh tế gia đình rất khó khăn, con cái chủ yếu đi làm thuê, lao động phố thông bên ngoài. Trong khi đó, bà luôn mỉa mai người nhà tôi vì nghèo, ít văn hóa...
Hai vợ chồng tôi đều làm nghề bốc vác thuê ở chợ Đồng Xuân. Công việc vất vả chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt eo hẹp của gia đình. Nhà tôi còn không có lấy chiếc xe máy để đi lại.
Chồng tôi là người đàn ông hách dịch và gia trưởng. Anh luôn coi rằng mình là người “cao sang” nhưng lại không nhận ra rằng xã hội này không phải thời kỳ xa xưa. Anh không nghĩ rằng mình có hai người con trai và phải làm thật nhiều để sau này cho các con đỡ khổ. Một ngày anh chỉ làm ca sáng, buổi chiều anh về nhà ngủ.
Chồng phố Hàng vừa gia trưởng vừa nghe lời mẹ miệt thị nhà vợ. Ảnh minh họa |
Mẹ chồng ghét tôi vì hay ca thán chồng lười. Bà để ý tôi từng tý. Nếu tôi vô tình đi qua gian nhà của bà mà liếc mắt vào nhìn thì bà lại la lên rằng “con Hương nó đang rình mò xem mẹ chồng sống hay chết".
Nếu tôi nói chuyện các cháu lớn rồi bà cho con gửi cháu ngủ nhờ thì bà lo loa “con dâu ở đâu chỉ mong mẹ chồng mất để chiếm nhà”... Nếu tôi làm gì trái mắt bà, bà mách con trai ngay. Lúc nào bà cũng sợ con trai mang tiền về quê vợ cho mọi người. Hàng ngày, bà ngồi bà nói mỉa mai "bên chắc, bên lép". Ý bà là nhà ngoại thì chắc còn gia đình nhà nội thì tôi coi không ra gì.
Vốn tính lành hanh nghe mẹ nên anh chồng sẵn sàng đánh vợ để giữ uy lực người con có hiếu. Nhà đông anh em, các anh em khác đã kiếm tiền dọn ra ngoài ở con anh cứ ôm bám mãi cái đất “xịn” mà không chịu kiếm tiền tự giải phóng mình khỏi sự gò bó.
Bố mẹ tôi ở xa bị bệnh nặng không bao giờ anh đến thăm hay là gọi điện. Lấy nhau đã lâu nhưng không bao giờ anh chịu về quê vợ vì khinh người nhà quê. Anh không nghĩ rằng ở quê người ta còn sướng, còn giàu hơn mình, không phải ăn bữa này, lo bữa sau.
Ngày bố tôi mất, anh về đám tang nhưng kiên quyết không chịu đeo khăn trắng chỉ vì “mẹ không muốn”… Nghe người chồng đầu ấp vai kề của mình nói như thế tôi thấy ức nghẹn cổ.
Tôi đã bỏ về quê ở gần hai tháng nhưng thương các con nheo nhóc tôi lại phải lên với chúng. Khi tôi trở về, tôi phải chịu sự “hành quyết” của chồng và mẹ chồng vì cái tội “dám tự ý bỏ nhà đi”.
Đến thời điểm này, tôi hoàn toàn vô cảm với gia đình nhà chồng. Lúc nào tôi cũng mong cho các con về quê đi học để các cháu có không khí thở và sống nhưng chồng tôi kiên quyết cố giữ bằng được cái hộ khẩu Phố Hàng cho con. Bât lực trước người chồng gia trưởng và bà mẹ chồng lắm lời, tôi đành sống trong chờ đợi và hi vọng có ngày tự giải thoát cho mẹ con mình.
- Đào Thị Hương