Gia đình anh Triệu Văn Thức (Hàn Thuyên, Hà Nội) cũng thuộc vào dòng dõi, có của ăn của để. Bố anh Thức là một doanh nhân nổi tiếng. Ông bị một cơn đau tim dẫn đến đột quỵ. Chưa đầy 1 tháng nằm cấp cứu, ông qua đời ở tuổi 71.
Bố anh Thức là "tín đồ" của rượu ngoại. Ông chỉ uống rượu ngoại trong đó có một số chai rượu có giá cả nghìn đô la. Lúc sinh thời, bố anh vẫn thường nói với mọi người "khi nào chết phải làm cái lăng to to còn thiết kế tủ rượu".
Khi ông mất đột xuất, gia đình anh Thức không kịp tìm cho ông cụ một mảnh đất nghĩa trang để ông có thể thiết kế ngôi mộ như ông vẫn thường nói. Điều đó khiến anh Thức rất ân hận vì đã báo hiếu bố quá muộn. Anh đưa thi hài bố lên nghĩa trang Thanh Tước, Hà Nội. Hơn một năm sau, anh mua một lốt đất nghĩa trang ở Ba Vì, Hà Nội rồi thiết kế một "biệt phủ" nghĩa trang cho các cụ trong nhà. Chờ hết 3 năm anh đón bố anh về đó như điều anh mong muốn.
Biết bố thích rượu ngoại, anh Thức thiết kế "ngôi biệt thự" có cả tủ rượu để trưng bày. Mỗi ngày, anh nhờ người quản trang rót 1 ly rượu để thắp hương mời bố anh về uống. Cụ thích Cognac, thích Camus... đọc danh sách những loại rượu lúc sinh thời cụ còn sống khiến chúng tôi không khỏi sốc về mức độ sính rượu ngoại của cụ.
Anh Thức khoe, trung bình hai tháng anh lại mang lên đó một chai rượu ngoại và yêu cầu người quản trang phải làm đúng "hợp đồng" gia đình anh nhờ. Vì làm cho người cõi âm nên phía quản trang làm rất nghiêm túc. Hỏi chi phí chỉ tiền rượu ngoại và tiền thuê người rót rượu mời người cha quá cố dùng hàng tuần, anh Thức chỉ cười "rượu thì vô giá, tùy điều kiện có chai 2 - 3 triệu, có chai 5 -7 triệu. Tiền thuê người rót rượu hàng tháng là 1,2 triệu đồng". Nghe anh Thức nói thế nhiều người cũng phải thán phục về mức độ chịu chơi của gia đình anh Thức. Nhưng đối với anh, việc báo hiếu này khiến anh thoải mái vì làm được điều mà bố anh lúc sinh thời vẫn muốn. Tại nghĩa trang, tủ rượu được anh thiết kế bày các mẫu rượu lúc sinh thời ông cụ sưu tầm.
Trong điều kiện kinh tế khủng hoảng nhưng người con trai hiếu thuận này vẫn thực hiện đều đặn việc này hàng tháng. Khi nói đến chuyện thiết kế mộ cho bố mẹ khi còn sống, anh Thức chỉ cười "nếu trước khi bố anh mất anh tìm được mảnh đất nghĩa trang sớm thì anh cũng để cho cụ tự thiết kế cho mình. Cảm giác xây mộ cho người thân của mình rất hạnh phúc. Tâm trạng còn thích hơn là xây nhà cho mình".
Những biệt phủ cõi âm của nhà giàu |
Còn trường hợp của gia đình anh Vũ Việt Đức (Hàm Tử Quan, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng sính rượu ngoại. Không sang như gia đình anh Thức mời rượu cha hàng ngày, anh gửi ở ban quản lý nghĩa trang một chai rượu ngoại. Cứ đến rằm, mồng một anh gọi điện lên dịch vụ của nghĩa trang đặt dịch vụ một ly rượu ngoại cho bố anh thưởng thức.
"Trần sao, âm vậy, khi còn sống bố anh thích rượu mạnh nên khi ông qua đời anh cũng chỉ muốn tri ân ông sở thích của ông. Hàng sáng, nhân viên của nghĩa trang vẫn ra châm thuốc mời ông hút". Chi phí dịch vụ anh Đức khoe rất rẻ.
Còn anh Nguyễn Văn Hưng, Lương Thế Vinh, Hà Nội lại có cách báo hiếu rất lạ. Bố anh mất sớm. Một mình mẹ nuôi anh trưởng thành. Ngày cha còn sống, nhà nghèo nên bố anh thường xin những vỏ chai rượu ngoại của những nhà hàng xóm bỏ đi. Ông về chắt rượu quốc lủi của mình vào đó và tự nhâm nhi như thưởng thức rượu ngoại. 43 năm sống trên đời, ông có cả đống vỏ chai rượu ngoại nhưng chưa bao giờ ông được thưởng thức một chai rượu ngoại đúng nghĩa. Ngày cha bị ốm, anh nhớ cha thèm có một bữa tiệc giống nhà hàng xóm. Nhưng nhà nghèo, mẹ con anh tổ chức sinh nhật cuối cho cha cũng chỉ có rượu giả đựng trong chai xịn.
Đến bây giờ, khi có của ăn, của để, anh thương cha nên thường xuyên mua rượu ngoại cả chục triệu/chai xuống mộ cha mời cha uống. Thắp hương xong, anh mang những ly rượu xịn tưới quanh mộ cha mình.