(Đời sống) Đọc bài viết về chữ hiếu thời hiện đại, thực sự trong lòng tôi thấy rất băn khoăn và phải suy nghĩ về những điều mình đang làm hiện nay.
Bố mẹ tôi đã vì tôi mà hi sinh tất cả. Gia đình tôi ở quê cũng là nhà có bát ăn, bát để nhưng so với phố xá chẳng bằng người ta ngồi lê vẫn sướng, vẫn có tiền tiêu.
Bố mẹ nuôi anh em tôi ăn học đại học tử tế. Khi ra trường, cả hai anh em tôi không ai muốn về quê dù bố mẹ tôi có khả năng xin cho anh em tôi vào cơ quan nhà nước. Chúng tôi nằng nặc đòi bố mẹ bán nhà ở quê lên phố ở với con. Không ép được hai anh em về quê, bố mẹ tôi dành hết số tiền tiết kiệm mua nhà cho chúng tôi nhưng vẫn không đủ. Bí bách quá, bố tôi bàn với mẹ bán nốt căn nhà mà gia đình tôi đang ở để dồn tiền mua nhà Hà Nội cho con.
Căn nhà chúng tôi mua nằm ở sâu trong ngõ Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Nó chỉ vỏn vẹn có 31 m2. Mua nhà cho con cái xong, bố mẹ tôi phải khăn gói lên Hà Nội với con vì có ở quê ông bà cũng không có nhà. Lên thành phố, bao nhiêu thứ phát sinh mà anh em tôi làm lương còn thấp. Không nuôi nổi bố mẹ, chúng tôi thấy xấu hổ lắm nhưng biết làm thế nào.
Ảnh minh họa |
Mẹ tôi buồn chán nên bàn với bố đi ra chợ mua quanh mớ rau, đồng dưa về bán cho đỡ buồn lại kiếm thêm thu nhập. Những người giáo viên quê như bố mẹ tôi không quen với cảnh buôn bán xô bồ, vậy mà giờ lại phải chạy chợ kiếm từng bạc lẻ.
Chiều đi làm về, tôi thấy mẹ hớt hải với xe rau còn ế, mẹ lo bán rẻ cũng phải bán không để mai thì lỗ. Nhìn bố mẹ loay hoay mang rau đi khắp ngõ bán rẻ mà lòng tôi quặn lại.
Tôi nói "bố mẹ không cần vất vả thế đâu. Có nhiều mình tiêu nhiều, có ít tiêu ít. So với nhiều bạn bè anh em con có nhà là hạnh phúc rồi". Mẹ thì gạt đi "nhà có hai anh em trai mà chỉ có một cái nhà, bố mẹ phấn đấu sao bù cho các con mỗi đứa một tý". Nói rồi mẹ lại gánh vội gánh rau đi bán kẻo đèn điện lên không bán được nữa.
Từ ngày lên Hà Nội, mẹ tôi đen sạm hơn, còn bố tôi tóc bạc hơn rất nhiều. Ngoài đi chợ buôn rau, ông bà chỉ làm quen với cái ti vi. Hàng xóm cũng ít giao tiếp bởi nhà nào cũng cửa đóng, then cài. Nhiều lúc, bố xem ti vi thấy những trang trại rộng ở quê, bố lại bảo "bao giờ vợ chồng mình có cái vườn thế kia". Nghe thế, tôi buốt lòng nhưng không biết làm thế nào.
Tôi tự nhủ phải kiếm tiền mua lại đất ở quê cho bố mẹ để ông bà về quê với họ hàng. Chưa thực hiện được ước mơ đó, tôi đã phải trả giá cho phút lầm lỗi là lấy một cô gái mình không yêu về làm vợ. Đứa trẻ trong bụng cô ấy là con của tôi trong một chuyến công tác cùng. Từ ngày có vợ, bố mẹ tôi lại vất vả hơn xưa rất nhiều bởi nhà có thêm một miệng ăn.
Vợ tôi rất lười nên công việc gia đình đè nặng lên vai mẹ. Mẹ tôi chuyển sang bán hoa quả. Trưa đến, mẹ lại vội vàng đẩy chiếc xe cà tàng về nhà để dọn nhà, chăm con dâu, chăm cháu. Đi buôn được đồng lãi nào mẹ dành mua thức ăn cho cả gia đình. Nhiều hôm, hoa quả còn nhiều bố lại đạp xe ra bán giúp mẹ để bà về nấu cơm. Quần áo của cả nhà bố tôi vẫn chịu khó mang lên sân thượng giặt để vừa thể dục, vừa đỡ buồn chân tay.
Trời nắng, trời mưa mẹ lại đội nón với cái áo mỏng manh bán cho hết hàng. Nỗi vất vả in lên khóe mắt bố mẹ vậy mà ông bà không than vãn điều gì. Tôi biết nhiều đêm ông bà không ngủ mà lên sân thượng ngồi than vãn với nhau. Được ở với con, với cháu nhưng ông bà không được an hưởng tuổi già.
Đến nay, bố mẹ tôi vẫn như thế, lên Hà Nội được 6 năm, về quê ai cũng khen người thành phố nhưng thực chất bố mẹ tôi còn vất vả gấp trăm lần ở quê họ sống ngày trước. Đọc bài viết về chữ hiếu thời hiện đại, tôi thấy xót xa vô cùng. Mình đang cố là đứa con có hiếu vậy mà anh em tôi là những đứa con bất hiếu nhất khi đẩy cha mẹ vào cảnh lam lũ với nắng, mưa.
Hôm qua, tôi và em tôi đã ngồi nói chuyện với nhau như hai thằng đàn ông. Nó cũng bộc bạch sợ bố mẹ vất vả thêm nên không nghĩ tới chuyện vợ con. Nhưng khi bàn về cách nào để bố mẹ bớt khổ thì chúng tôi lại bế tắc vô cùng.
- Hoàng Lâm (Hoàng Mai, Hà Nội)