(Phunutoday) - Câu chuyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” tưởng rằng chỉ có trong truyện cổ tích. Thế nhưng, giữa thường nhật thời hiện đại, người ta vẫn bắt gặp những chú lùn “đặc biệt” mà cuộc sống, tình yêu của họ như phép màu nhiệm của thế gian. Đó là câu chuyện tình của chú lùn Nguyễn Văn Thu, cao 70 cm, nặng hơn 25 kg ở xã Yên Thường, Gia Lâm (Hà Nội).
10 tuổi với 9 năm, 3 tháng nằm viện
Hai vợ chồng hạnh phúc trong ngày cưới |
Pha tách trà nóng, châm điếu thuốc lá Thăng Long, rít một hơi dài rồi ông kể về phận đời kém may mắn của cậu con trai. Sinh năm 1985, Thu là anh cả của 3 anh em trong một gia đình bần nông. Lọt lòng mẹ, Thu chỉ lớn bằng quả đu đủ, cái đầu to hơn thân, hai tay teo tóp và èo uột ra phía sau như không có xương. Như đứt từng khúc ruột, nuốt nước mắt, hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau thương lấy giọt máu của mình.
Nét mặt ông Thi trầm tư, giọng nghẹn ngào: “Không biết kiếp trước nhà tôi có ăn ở ác bạc với ai mà ông trời lại làm khổ nó vậy”. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những năm 1972, ông Thi lên đường tham gia chiến đấu ở Khe Sanh, Quảng Trị, rồi chiến trường Lào. Vợ ông cũng từng là thanh niên xung phong trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Có thể, trong những tháng ngày chiến đấu, sống nơi rừng sâu nước độc, một trong hai vợ chồng ông đã nhiễm phải chất độc điôxin.
Trở lại câu chuyện về đứa con bất hạnh, hai vợ chồng vẫn chưa hết nguôi ngoai sau cú sốc đầu đời. Bà Tình bảo, Thu 10 tuổi thì phải hơn 9 năm ông bà chăm con trong bệnh viện. Hết bệnh viện huyện rồi đến Trung ương, nghe ai bảo đâu có thầy hay, thuốc giỏi, ông bà đều tìm đến nhưng đều không thay đổi được tình hình.. Nhà cửa sa sút, kiệt quệ. Người cha đầu tắt mặt tối đi làm thuê kiếm tiền chạy ăn từng bữa.
Thu có khôn nhưng ít lớn, gần 10 tuổi mà không thể đi được. Mọi sinh hoạt đều do bàn tay người mẹ chăm sóc. 12 tuổi, cậu bé tý hon tập tễnh được vài bước rồi ngã dúi dụi. Từ đó, mỗi ngày cha Thu phải tập cho con đi từng bước một. Một năm sau, Thu mới chạy nhảy tung tăng như những đứa trẻ kém em cả chục tuổi. Bà Tình tâm sự : “Thấy các bạn trong xóm đi học, Thu cũng đòi đi, miệng luôn luôn nói lớn lên con sẽ học nghề bác sỹ để chữa bệnh cho nhiều người”. Thế nhưng đường từ nhà đến trường hơn 1km. Thế là suốt 9 năm, hình ảnh người cha cõng con đi học hàng ngày đã trở nên quen thuộc với người dân xã Yên Thường.
Minh Thu trong một buổi biểu diễn |
Từ mặc cảm… đến chinh phục triệu người
Đang học lớp 9, bị bạn bè trêu chọc, mặc cảm bản thân, không muốn mình là gánh nặng cho gia đình nên Thu quyết định bỏ học rồi lang thang vào Sài Gòn. Kể về ngày chuẩn bị cho chuyến “phiêu du” vượt cả nghìn cây số đến nơi đất khách quê người, Thu dốc bầu tâm sự: “Giữa tháng 4/1999, trong buổi giấu cha mẹ lên lớp mình quyết định khăn gói vào miền Nam. Em cầm trên tay 255 nghìn đồng tiền trợ cấp của chính bản thân rồi ra ga Hà Nội nhảy lên tàu bắt đầu cuộc sống xa nhà, tự lập”.
Đang học lớp 9, bị bạn bè trêu chọc, mặc cảm bản thân, không muốn mình là gánh nặng cho gia đình nên Thu quyết định bỏ học rồi lang thang vào Sài Gòn. Kể về ngày chuẩn bị cho chuyến “phiêu du” vượt cả nghìn cây số đến nơi đất khách quê người, Thu dốc bầu tâm sự: “Giữa tháng 4/1999, trong buổi giấu cha mẹ lên lớp mình quyết định khăn gói vào miền Nam. Em cầm trên tay 255 nghìn đồng tiền trợ cấp của chính bản thân rồi ra ga Hà Nội nhảy lên tàu bắt đầu cuộc sống xa nhà, tự lập”.
Hỏi vào đấy có người thân hay bạn bè không? Thu lắc đầu nguây nguẩy: “Không có lập trường đâm ra chán nản nên đi vô định như vậy chứ có bà con hay công việc nào chờ sẵn mình đâu”. Hai ngày, chuyến tàu cập ga Sài Gòn, chàng “tý hon” có mặt nơi thành phố năng động. Với thân thể như vậy, khó để có ai đó nhận hay thuê Thu làm việc. Như người trên trời rơi xuống, lạ lẫm, Thu rong ruổi suốt hơn 10 ngày, ăn bánh mỳ thay “cơm”, lấy ghế đá công viên, gầm cầu là điểm dừng chân, ngả lưng mỗi khi kiệt sức.
Cái ngày thứ 11, khi trong túi còn mỗi 2000 đồng cũng là lúc Thu gặp đoàn biểu diễn nghệ thuật của những mảnh đời kém may mắn có tên “Chim cánh cụt” do cô Tuyết phụ trách. Đêm hôm đó, khi mọi người đã về hết, phía dưới sân khấu chỉ còn lại một “cậu bé” đang ngồi dưới đất khóc tức tưởi. Thấy vậy, chị trưởng đoàn thân mật lại gần Thu: “Sao con không về nhà?”. – “Con không có nhà” - giọng Thu mếu máo. Từ đây, chàng trai lùn Nguyễn Văn Thu “gắn” đời mình với nghề công chúng.
Vợ chồng Minh Thu- Ngọc Mai hạnh phúc bên con nhỏ |
Năm 2003, Thu về quê thăm gia đình rồi quyết định ở nhà luôn. Nhưng dường như tình yêu nghề đã “ngấm” vào máu, xương thịt của Thu, về nhà được một thời gian anh lại xin gia nhập đoàn nghệ thuật tình thương trên thành phố Hà Nội. Đến năm 2005, trong một lần tình cờ Trung tâm nhân đạo Xuân Mai về xã Yên Thường biểu diễn. May mắn, Thu có dịp bộc lộ, thể hiện những tài năng không phải ai cũng có được.
Hành trình và những chuyến biểu diễn theo tổ chức mới lại tiếp tục. Thân hình nhỏ bé, chân tay co quắp nhưng bằng nghị lực, quyết tâm, với giọng hát khỏe, trầm ấm, truyền cảm “có hồn”, những pha biểu diễn tiết mục ảo thuật như: nuốt lưỡi dao lam, làm giấy thành tiền, ấp trứng nở ra gà con, uốn dẻo người,… chàng trai Nguyễn Văn Thu đã chinh phục được hàng triệu khán giả trên mọi miền đất nước.
Mối tình cảm động
“Em chưa dám nghĩ tương lai mình sẽ lấy được vợ, bởi người như em thì có ma nào thèm để ý tới” - Thu tâm sự thật thà. Thế nên ngoài công việc, gia đình, ý nghĩ tìm lấy mái ấm hạnh phúc trong đầu chú lùn dường như bị chôn vùi. Nhưng hạnh phúc không phải là một thứ gì đó quá cao sang, xa vời. Hạnh phúc là những gì xung quanh ta nếu biết cảm nhận và yêu lấy nó.
Khi chú lùn Minh Thu đến với Trung tâm nhân đạo Xuân Mai thì cô gái như bông hoa hồng, thùy mỵ nết na Nguyễn Ngọc Mai đã là thành viên thâm niên đóng chốt ở đó. Trung tâm gồm những người có hoàn cảnh tương tự nhau nên sự đồng cảm yêu thương đã khiến họ sống vui và sống có nghĩa. Kể về mối tình đầy cảm động, năm nay, ở tuổi 27 nhưng Thu vẫn e thẹn, mặt đỏ bừng: “Sống gần Mai, giúp đỡ chia sẻ với nhau lâu dần nảy sinh tình cảm anh ạ. Em có biết tán tỉnh gì đâu, thế rồi yêu nhau từ lúc nào không hay biết”. Thu yêu rất lãng mạn, ngày lễ 8/3 hay 20/10, rồi 14/2, Thu đều không để cho người người yêu mình buồn. Anh tặng người yêu hoa hồng, quà, bài hát và những thỏi kẹo sô cô la ngọt ngào.
Đem câu chuyện tình đầy cảm động có một không hai về chú rể có chiều cao “khiêm tốn” chỉ với 70 cm và cô dâu xinh đẹp, hiền từ cao hơn 1,6 m có lẽ ít ai tin nổi. Thế nhưng câu chuyện ấy có thật và tình yêu ấy khiến mọi người không khỏi cảm phục. Họ đến với nhau thật tình cờ và tự nguyện. “Em thương anh ấy bởi ý chí và nghị lực. Với em hạnh phúc chỉ cần giữ kín trong nhà chứ không mang ra phô bày với thiên hạ” - Chị Mai nhỏ nhẹ nói.
Từ đấy, họ quyết tâm mỗi người một chiến trận để thuyết phục gia đình. Sau hai năm đất cũng chịu trời, hai bên gia đình đồng ý cho hai người tiến đến hôn nhân.
Đám cưới diễn ra không linh đình, không mâm cao cỗ đầy. Trung tâm nhân đạo Xuân Mai từ ngày thành lập có lẽ ngày này là vui nhất. Họ góp một phần nhỏ mừng hạnh phúc cho đôi trai tài gái sắc bằng phông bạt, loa máy và ánh sáng, bằng chuyến xe đưa đón khách thông gia trong mấy ngày vui.
Càng vui và hạnh phúc hơn khi một năm sau đó, người vợ hiền sinh một bé trai kháu khỉnh. Gọi điện báo cho bố mẹ vợ, hai vợ chồng ôm nhau vừa sung sướng vừa xúc động. Có đứa cháu nội ông Thi, bà Tình cũng mừng, mở mày mở mặt.
Bế đứa con bụ bẫm kháu khỉnh trên tay, Thu khoe: “Cháu tên là Nguyễn Minh Quân, mới được 8 tháng mà lớn bằng này rồi đó. Bố mua nhiều sữa uống chắc vài năm nữa có khi lớn hơn bố”. Hạnh phúc là vậy, chuyện tình cảm động về chàng trai lùn Nguyễn Văn Thu với người vợ Nguyễn Ngọc Mai sẽ được người đời nhắc đến như một chuyện cổ tích đẹp thời hiện đại.
- Hà Long
Theo: giaitri.thoibaovhnt.vn
copy link
Link bài gốc
Từ khóa: