Chú rể đột ngột trúng gió bất tỉnh trên đường đón dâu

06:10, Thứ sáu 08/06/2012

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trước mặt anh, chị luôn tỏ ra mạnh mẽ, nhưng nhiều lần chị khóc nức nở như một đứa trẻ vì nghĩ đến một tương lai mờ mịt phía trước. Nhưng rồi, chị lại tự nhủ lòng mình: “Anh ấy còn khổ hơn mình trăm ngàn lần”.

Đời sống) - Đám cưới là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của một đời người. Vậy nhưng với chị Hoàng Ngọc Ánh (Trực Ninh - Nam Định) thì đám cưới mãi sẽ là một ám ảnh tột cùng bởi sự trêu ngươi của số phận khi anh Phạm Trí Thức - chồng chị đột ngột trúng gió và bất tỉnh trên đường đến nhà cô dâu.
[links()]
Đám cưới suýt thành đám ma
 
Anh Thức được đưa thẳng lên bệnh viện. Bác sĩ bảo: “Cậu ấy khó qua khỏi, mọi người nên chuẩn bị tinh thần”. Nhìn cô gái tuổi 18 xúng xính áo hoa chuẩn bị về nhà chồng, ai cũng xót xa thương cảm.
 
Trong giây phút định mệnh ấy, Ánh lao ra khỏi nhà. Lúc ấy, chị chỉ nghĩ đơn giản rằng: “Phải ở bên anh ấy những ngày cuối cùng…”.
 
Chạy trong sự hoang mang, chạy trong nỗi lo lắng nên được mấy bước, chị cũng ngất xỉu trên đường. Khi tỉnh dậy chị thấy anh nằm giường bên cạnh, thở bằng oxi, bác sĩ bảo người nhà dìu Ánh về nghỉ.
 
Trời vừa sáng, bà con xóm giềng chia nhau đến hai nhà, mọi người thương đôi trẻ nên cố đến để ăn cỗ chứ “nếu không thì đổ cả”, chả ai ăn được bởi vì vừa bưng bát lên, nước mắt đã thay canh chan đầy bát.
Số phận trêu đùa, đám cưới ấy vẫn diễn ra.
 
Một đám cưới diễn ra kỳ lạ, một đám cưới không chú rể, cô dâu không trang điểm, không hoa hồng, mọi người trong đám cưới đều khóc.
 Chị Ánh bảo rằng với chị, sức mạnh đến từ gia đình, đến từ tình yêu chân thành trong trái tim con người. (Ảnh minh họa)
Chị Ánh bảo rằng với chị, sức mạnh đến từ gia đình, đến từ tình yêu chân thành trong trái tim con người. (Ảnh minh họa)
Đồng đội anh, trước khi đến dự đám cưới nhận được hung tin nên mua ngay một vòng hoa trắng với những lời chia buồn. Gần đến nhà, họ cho một người vào làng dò hỏi. Nghe nói Thức vẫn chưa đi nên họ cuống quýt gửi vòng hoa, vào đám cưới như không có chuyện gì xảy ra.
 
Đêm đầu tiên về nhà chồng, người chị dâu đưa Ánh lên căn phòng nhỏ bảo: “Đây là phòng của vợ chồng em”- căn phòng trống không. Chị chạy xuống nhà dưới ôm mẹ chồng nức nở: “Mẹ ơi, con thương mẹ lắm, con thương mẹ nên con mới về chứ giờ này con chẳng thiết tha gì nữa…”.
 
Tối hôm sau, anh được trả về với lý do “không thể cứu vãn được nữa, cần đưa anh về để anh được gần người thân những ngày còn lại…”- chị không cam lòng, gia đình anh cũng không cam lòng.
 
Với niềm tin vào Chúa, với tình yêu của chị dành cho anh, chị tin rằng, anh sẽ không bỏ chị ở lại một mình. Cứ như vậy ,chị ngồi cạnh anh, nắm lấy tay anh, áp vào má mình mà cầu nguyện, mà thổn thức:
 
“Nếu anh thương em thì anh không được bỏ cuộc”- dường như nghe được lời cầu chuyện của chị, nên con tim anh vẫn thổn thức dù toàn thân không còn cử động nữa. Mọi người trong gia đình cũng chỉ dám hy vọng anh được sống thêm những ngày Tết nữa thôi.
 
Mùa xuân năm ấy, khi hàng xóm mải mê chuẩn bị bánh chưng và hoa đào thì gia đình chị đóng kín cửa. Không khí đau thương bao trùm cả con ngõ dài.
 
Sau đó, anh được đưa lên bệnh viện 108 để chữa trị. Sau khi chụp chiếu, các bác sĩ bảo gia đình ký vào biên bản để bệnh viện tiến hành mổ não. Trước khi vào phòng mổ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến (vừa tu nghiệp ở Pháp về) nắm chặt tay chị an ủi.
 
Ca phẫu thuật kéo dài gần 5 giờ đồng hồ đã cho kết quả ngoài mong đợi. Anh được đưa ra, máu vẫn còn âm ỉ chảy. Một tuần trong phòng cấp cứu, chị chứng kiến hàng chục cái chết, người vào hôm trước, hôm sau lấy xác ra.
 
Quá nhiều người đến rồi từ biệt khiến chị rất hoang mang. Đôi khi, trong sâu thẳm nỗi lo, chị cũng sợ có lúc rồi mình sẽ như người ta.
 
Và … hạnh phúc đến ngạt thở khi bác sĩ báo anh đã qua cơn nguy kịch. Những giọt nước mắt đã cùng nhau rơi, bao trái tim thổn thức. Khi anh tỉnh dậy, thấy chị ngồi bên cạnh, anh đưa cánh tay duy nhất không bị liệt về phía chị. Bác sĩ trực ca bước vào hỏi:
 
“Thức à! Em có nhận ra ai đây không?”, anh nắm chặt tay chị, những giọt nước mắt hiếm hoi rơi và gật đầu. Sau này khi đã nói được, anh bảo rằng, lúc tỉnh lại giây phút đầu tiên anh không nghĩ vẫn còn được nhìn thấy chị, đó chính là lý do khiến anh khóc.
 
Nhưng đúng lúc này, bác sĩ thông báo, Thức bây giờ không chỉ bị liệt toàn thân mà não bộ chỉ như một đứa trẻ. Tất cả sẽ phải bắt đầu lại.
 
“Vì em, anh phải sống…”
 
Thực tế khi nghe bác sĩ nói vậy, chị không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng rồi chị kiên quyết: “Giống như ngày xưa đi học O, A…, nay mình cũng sẽ dạy anh như thế”. Chị tập cho anh từng chữ cái, tập nói từng từ. Đầu tiên là một chữ, lên hai chữ rồi ba chữ.
 
Ba tháng sau, anh nói được cả câu dài. Khi anh đã biết nói thì chị lại nghĩ làm sao để tập cho anh có thể đi.
 
Hàng ngày, chị dìu anh tập đi ngoài hành lang hay sân của bệnh viện. Do thân hình chị nhỏ bé, lại thức đêm nhiều đã khiến cho chị từ một cô gái khoẻ mạnh đã dần suy nhược và yếu ớt. Có lẽ vì vậy mà nhiều lần dìu anh đi, dù đã gắng hết sức nhưng vẫn không tránh khỏi những lần ngã kềnh càng trên sân viện.
 
Những lúc như vậy, anh quay sang cáu, chị lại dỗ dành chồng như một đứa trẻ. Cũng có lúc, anh chửi vợ mà chẳng biết mình đang nói gì. Chửi vợ chán, anh quay sang chửi mình, chửi cả cái số phận hẩm hiu và giận dỗi không muốn tiếp tục tập nữa.
 
Trước mặt anh, chị luôn tỏ ra mạnh mẽ, nhưng sau đó, nhiều lần chị khóc nức nở như một đứa trẻ vì nghĩ đến một tương lai mờ mịt phía trước. Nhưng rồi, chị lại tự nhủ lòng mình:
 
“Anh ấy còn khổ hơn mình trăm ngàn lần”. Đó là số phận, chị sẽ không bỏ cuộc. Không gì có thể giết chết tình yêu của chị dành cho anh.
 
Sau sáu tháng điều trị và tập luyện đều đặn, anh được cho về theo dõi tại nhà. Ngày xuất viện, tiến sĩ Tiến nắm chặt tay chị bảo:
 
“Bác chỉ cứu được Thức 50% còn 50 % kia là tình yêu của cháu. Bác không ngờ một người con gái nhỏ bé, ít tuổi như cháu lại mạnh mẽ, dũng cảm và chung thuỷ như vậy…”- Những lời an ủi động viên của vị bác sĩ già như một liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho chị, thôi thúc chị giành lại anh từ tay thần chết. 
 
Sức mạnh của tình yêu
 
Trở về quê hương, bên cạnh việc chăm sóc chồng, chị lao vào làm việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Từ làm ruộng, buôn bán hoa quả ngoài chợ đến nhận những mặt hàng thêu ren của hợp tác xã về cho những người trong xã làm...
 
Có những lúc tưởng chừng như công việc đã khiến chị gục ngã nhưng cứ về đến nhà nhìn thấy chồng là chị cảm thấy mọi mệt mỏi tan biến đi, nhường chỗ cho những hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc sống gia đình.
 
Nhưng nỗi đau về vật chất làm sao lớn bằng nỗi đau về tinh thần? Hạnh phúc nhỏ nhoi mà chị đã gắng sức xây dựng lên nhiều khi bị chao đảo bởi những lời nói độc địa của những kẻ xấu bụng. Nhiều người ra đường gặp chị cứ trêu:
 
“Sao không lấy anh mà đi lấy thằng què”, cũng có kẻ bảo thôi sống chẳng được mấy thì cứ cố mà giữ chứ con cái hy vọng gì….
 
Chị bỏ ngoài tai tất cả nhưng nhiều đêm chị đã khóc cho số phận của mình. Khi tĩnh tâm lại, chị lại tự nhủ mình phải mạnh mẽ hơn, phải chứng tỏ cho những kẻ xấu bụng kia biết rằng, chị đã lựa chọn đúng đắn, rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với những ai biết nâng niu nó.
 
Niềm vui tột cùng đã đến khi chị có thai. Hai vợ chồng hạnh phúc trào nước mắt. Mọi lời nói lúc này đều trở nên vô nghĩa. Hạnh phúc đã thực sự đến trong ngôi nhà bé nhỏ ấy. Nhưng niềm hạnh phúc ngắn ngủi chỉ đến trong chốc lát rồi vội vã bước đi vì ba tháng sau, chị bị sảy thai.
 
Lúc bấy giờ bao nhiêu lời dèm pha tiếp tục bủa vây lấy chị, họ cho rằng chị nói có thai chỉ để cho mình một hy vọng vì sự thèm khát có con chứ tương lai không có, hạnh phúc thì không, ngày mai chưa biết thế nào, làm sao mà có con được,...
 
Thôi thì lời nói gió bay, mình cứ làm tốt công việc của một người vợ, giữ chặt hạnh phúc của mình và dệt nó bằng tấm thảm ước mơ để tất cả được chứng thực là đủ để dập tan những đố kỵ trong cuộc sống này, chị tự nhủ thầm.
 
Tháng giêng năm 1990, chị chuẩn bị sinh con cũng là lúc chồng đến ngày mổ đợt hai. Chị vào nhà thờ cầu Chúa cho anh mổ xong an toàn thì hãy đón con chị ra. Thật may mắn, sau bảy ngày phẫu thuật thành công, chị sinh cậu con trai đầu lòng.
 
Thế là đêm đêm, nhà trên anh nằm dưỡng bệnh thì nhà dưới chị nằm trông con. Cậu con trai chắc thương mẹ vất vả nên không quấy bao giờ. Mỗi lần khoẻ hơn, anh lại chạy vào buồng vợ, vuốt nhẹ lên mái đầu con, nựng yêu nó. Có lúc anh thơm lên má con để cảm nhận niềm hạnh phúc lớn lao đang ngự trị trong căn nhà mình.
 
Có thêm động lực, chị hăng say lao động không kể vất vả, ngày hay đêm, tận tình chăm sóc chồng. Hạnh phúc rồi cũng mỉm cười với gia đình chị, sau lần phẫu thuật thứ ba anh đã hoàn toàn bình phục và có thể lao động như những người bình thường khác.
 
Rồi gia đình chị có thêm hai thành viên nữa, hai cô công chúa nhỏ. Anh Thức cũng may mắn khi được cử đi học chữa bệnh đông y trên tỉnh và nay đã trở thành một thầy thuốc được nhiều người biết đến ở Trực Ninh.
 
Giờ đây, các con đã lớn khôn. Hạnh phúc đã thực sự gõ cửa căn nhà của họ. Chị Ánh bảo rằng với chị, sức mạnh đến từ gia đình, đến từ tình yêu chân thành trong trái tim con người. Đó không phải là những gì xa xôi khó tìm kiếm mà chính là những gì chúng ta đang có.
 
Nhưng để đến được với nó thì phải biết đứng lên từ những điểm tựa dù cho những điểm tựa ấy chỉ là một câu nói, một ánh mắt, hay chỉ là một giọt nước mắt mà thôi...
  • Nông Thu Ảnh

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc