Chú ý: Vợ chồng chửi nhau có thể bị phạt tới 10 triệu đồng?

09:37, Chủ nhật 13/04/2025

( PHUNUTODAY ) - Hành vi vợ chồng chửi nhau đã được luật hóa thành hành vi lăng mạ chì chiết và có thể bị xử phạt hành chính.

Vợ chồng nào cũng có lúc giận dỗi nóng nảy to tiếng với nhau. Nhưng nếu vợ chồng chửi nhau, xúc phạm, lăng mạ nhau thì có thể là vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.

Vợ chồng chửi nhau bị phạt tới 10 triệu đồng?

Vợ chửi chồng hay chồng chửi vợ là vấn đề không mới lạ. Gần đây báo chí cũng đã đưa tin trường hợp cặp vợ chồng ở TP Đồng Hới cãi nhau nghiêm trọng khiến công an phải đến lập biên bản, xác nhận hai vợ chồng có hành vi xúc phạm danh dự nhau. Sau đó Công an tham mưu cho UBND ra quyết định xử phạt mỗi người 7.5 triệu đồng. 

Hành vi vợ chồng chửi nhau có thể được cụ thể thành hành vi bạo lực gia đình được quy định rõ trong luật là "Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Theo quy định của Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình... thì hành vi này bị phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng.

Vợ chồng xúc phạm nhau có thể bị xử phạt hành chính
Vợ chồng xúc phạm nhau có thể bị xử phạt hành chính

Những hành vi bị xem là bạo lực gia đình

Điều 3 Luật phòng chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 quy định những hành vi sau là bạo lực gia đình:

  • Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
  • Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
  • Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
  • Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
  •  Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
  •  Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
  • Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
  • Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
  •  Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
  •  Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
  • Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
  •  Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
  • Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
  •  Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
  • Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
  •  Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật

Những hành vi trên sẽ bị xử phạt hành chính nếu chưa tới mức nghiêm trọng xử lý hình sự. Theo đó mức phạt cho các hành vi trên thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 30 triệu đồng. 

Trong trường hợp hành vi nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 185 Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể

Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu có hành vi xâm phạm thân thể người thân gồm: 

  • Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu có hành vi bạo lực gia đình trong các trường hợp như:

  • Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
  • Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Gia đình phải là nơi để yêu thương và cùng nhau chia sẻ, là nơi trú ẩn cuối cùng và an toàn nhất của con người. Bởi thế bạo lực gia đình là đi trái luân thường đạo đức và trái pháp luật nên hãy cùng nhau chung tay chống lại bạo lực gia đình, tố cáo hành vi bạo lực gia đình.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Như Bình
Từ khóa: vợ chồng