Với đồ cũ, kẻ bán lẫn người mua đều thấy lợi bởi giá cả bình dân, nếu khéo bán thì hút khách, khéo mua thì có được món thời trang tuy cũ như đẹp, lạ, độc đáo và nhất là luôn rẻ. Bởi thế, dù nằm sâu trong những con hẻm hay đầu đường dẫn vào chợ, lúc nào các gian hàng chuyên bán đồ si cũng nườm nượp khách tới lui.
Sức hút khó cưỡng
Ở TP.HCM hầu như các khu chợ đều có một góc bán đồ sida, được nhiều người biết đến nhất là khu chợ đồ cũ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh), chợ Bàn Cờ (Q.3), chợ Hoàng Hoa Thám (Q. Tân Bình) và các tuyến đường Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi… tấp nập khách lùng hàng “độc”. Giá rẻ, hàng độc đáo, hàng hiệu đã qua sử dụng là những điểm khiến chợ quần áo cũ có sức hút khó cưỡng.
Kim Khánh (24 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) rất "nghiện" đồ sida, tuần nào cô cũng đi săn lùng "hàng độc". Ngôi chợ đồ cũ mà Khánh hay đi là khu chợ Bà Chiểu. Tiếp chuyện với Khánh về chuyện mua hàng "sida", Khánh không ngại ngần chia sẻ: “Hầu như không tháng nào mình lại không đến đây 2 lần. Những bộ đồ ở đây từ chiếc áo phông, sơ mi, quần short, hay phụ kiện như dây lưng, ví, túi xách mình đều thấy chất liệu rất đẹp, kiểu dáng thì độc nữa. Khi mua về mặc và dùng là không bị đụng hàng luôn”.
Quần áo sida chứa rất nhiều nguy cơ truyền nhiễm các bệnh về da... Ảnh: Thanh Vy. |
Một khách hàng khác cũng đang lúi húi chọn quần áo đổ đống ngay gian hàng bên cạnh cũng cười nói: “Quần áo sida chẳng những độc, chất liệu đẹp mà giá còn khá rẻ. Sinh viên tụi em hay rủ nhau đến đây mua. Hôm nay, em mua 5 cái áo thun chất liệu đẹp thế này mới chưa hết 200 ngàn đồng. Trong khi với chừng này tiền, em chỉ mua được một hai chiếc áo mới”.
Khi mang thắc mắc về việc mua hàng sida không sợ bệnh ngoài da hay phụ khoa sao thì Kim Khánh cười lớn bảo: "Mấy năm nay toàn mặc quần áo hàng sida có sao đâu. Mình giặt lại cho kỹ là được. Mua về cho vào ngâm với xà phòng hoặc nước ấm. Sau đó giặt sạch sẽ phơi khô là có thể mặc thoải mái, chẳng lo gì hết”.
Quần áo sida là tên gọi của một số mặt hàng quần áo cũ được bày bán ở thị trường Việt Nam, bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1980. Nguồn gốc của những mặt hàng này là các thùng quần áo cũ do Tổ chức SIDA của Thụy Điển viện trợ. Vì thế chúng còn có các tên gọi đồ sida, hàng sida, đồ thùng, hàng thùng. Việc chữ "Sida" trùng với tên gọi căn bệnh SIDA/AIDS chỉ là ngẫu nhiên.
Chợ "sida" Bà Chiểu có tất cả mọi thứ, từ giày, dép, quần, áo, nón, đồ lót, đồ trẻ em, người lớn đều có cả, hay có cả thú nhồi bông sida. Chợ thường tấp nập vào hai ngày cuối tuần vì đây là dịp các cửa hàng khui hàng mới. Từng kiện hàng lớn sẽ được mở và chị em thỏa sức lựa chọn các món đồ thời trang với giá chỉ vài ngàn tới vài chục ngàn đồng. Phần nhiều khách hàng trong số đó là các chị em tuổi từ 18 - 35.
Dân mua hàng “sida” không chỉ là các bà, các cô nội trợ mà còn có cả những nhân viên văn phòng. Vì vậy, kinh doanh đồ cũ giờ không chỉ gói gọn ở chợ, shop mà còn nở rộ trên internet.
Là một tín đồ hàng si, chị Minh Ánh (ngụ Q. Phú Nhuận, nhân viên văn phòng làm việc ở Q.3) cho biết một tuần ít nhất 2 buổi trưa, chị cùng đồng nghiệp đi lùng mua đồ cũ ở chợ Bàn Cờ. Theo chị, mua đồ si ở chợ cũng hên xui thôi, có khi trúng toàn đồ đẹp nhưng nhiều lúc mua về không dùng được. Do không có nhiều thời gian đi chợ, nên gần đây chị chuyển sang săn lùng đồ cũ trên mạng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trang web chuyên bán đồ si luôn cập nhật từng ngày, từng giờ lịch khui hàng, giảm giá nên khi nào có đồ cũ về phù hợp với nhu cầu, các chị em lại tranh thủ đến cửa hàng để lựa chọn. Hầu hết các chủ cửa hàng kinh doanh đồ cũ qua mạng đều bố trí gian hàng quần áo rất tươm tất, theo từng cỡ, từng loại. Khi đã ưng ý mẫu mã trên mạng, khách sẽ dễ dàng, nhanh chóng tìm kiếm món đồ đó tại cửa hàng.
Giá rẻ, hàng độc đáo, hàng hiệu đã qua sử dụng. Ảnh: Thanh Vy. |
Ngoài ra, các trang web bán đồ si còn phối quần áo, giày dép, túi xách với nhau rồi chụp ảnh, đưa lên mạng. Nhờ đó, những địa chỉ bán đồ kiểu này luôn thu hút được giới nhân viên văn phòng - vốn mua sắm mạnh tay, nhất là hàng “độc”, lạ và không quá mắc so với thu nhập.
Ổ bệnh từ quần áo "sida"
Hầu hết quần áo sida đều đã bị ngả màu, ố, có bộ còn dúm dó, giãn hết chất vải, thậm chí có chiếc quần bị ố vàng phần đũng... nên người mua phải bới trong đống cũ bẩn đó để tìm cho mình cái phù hợp. Đó cũng chính là môi trường của các loại ký sinh trùng nguy hiểm sinh sống trong đồ si để gây bệnh.
Thế nhưng, nhiều người rất vô tư mặc thử các trang phục nằm ngổn ngang trong mớ đồ cũ, nhiều bà mẹ không ngại ngần chọn từ quần áo cũ đến gấu bông, búp bê... cho bé cưng.
Hầu hết người đi mua quần áo “sida” đều có chung quan điểm, đồ mua về ngâm giặt sạch là được, cẩn thận thì luộc lên là “tiệt trùng”. Nhưng các bác sĩ chuyên khoa về da liễu, chống nhiễm khuẩn lại đều cho rằng loại quần áo này chứa rất nhiều nguy cơ truyền nhiễm các bệnh về da...
Chia sẻ về điều này, một bác sĩ chuyên về da liễu cho biết chị em chuộng quần áo cũ mà không lường trước được rằng, những quần áo này rất dễ lây lan cho người mặc lại. Vì nếu chủ nhân trước của những trang phục này mắc bệnh da liễu hay phụ khoa thì có thể lây sang người hiện tại sử dụng nó. Hơn nữa, quần áo này khi lấy về bán bị các chủ ki ốt vứt la liệt trên nền, sàn nhà nên bất bẩn, mất vệ sinh.
Hàng “sida” hầu hết đều xuất phát từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... được thu gom theo nhiều cách và được làm sạch, làm mới bằng các loạt hóa chất độc hại có mùi đặc trưng - mùi đó là kết quả của quá trình tẩy rửa trang phục. Khi mang về, dù có được giặt sạch thì những chất tẩy độc hại vẫn có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Theo chia sẻ của các bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhiễm khuẩn của Đại học Y Dược TP.HCM, những ký sinh trùng như con ghẻ khi chúng ra khỏi cơ thể khoảng 5 ngày thì chết, nếu việc thu gom, vận chuyển và buôn bán hàng sida ngắn hơn 5 ngày, nguy cơ lây bệnh ghẻ rất cao. Đặc biệt nguy hại là các dạng nấm - nhóm nguyên nhân gây bệnh qua da, bởi nấm có thể tồn tại qua nhiều năm. Một người bị nấm thải quần áo ra mà không được tiệt trùng thì người mặc sau đó sẽ bị lây nhiễm các bệnh như nấm bẹn, nấm thân, lang ben, nấm đồng tiền... Đặc biệt, đồ lót, đồ tắm cũ là thứ nguy hiểm nhất vì chúng có khả năng chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, các bác sĩ da liễu khuyến cáo không nên sử dụng bởi một số siêu vi ở dạng tiềm ẩn có thể tồn tại lâu ngày trên vật dụng, bao gồm siêu vi gây bệnh u mềm lây hay mụn cóc... Rất nhiều trường hợp đã bị mắc bệnh vùng kín như lậu, hắc lào, nấm vì mặc đồ lót cũ.
Các gian hàng chuyên bán đồ si ở chợ Bà Chiểu. Ảnh: Thanh Vy. |
Vì vậy, ngoài nhu cầu mặc đẹp thì chị em cũng cần phải chú ý tới trang phục sạch sẽ. Các bác sĩ khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất mọi người nên mặc quần áo mới, nếu không có điều kiện thì mới phải dùng đồ cũ. Tránh việc bắt chước nhau đi mua quần áo cũ mà không biết chất vải có vệ sinh hay không.
Khi mua quần áo về cần có kế hoạch tẩy, sấy, hấp như quần áo bệnh viện để được sạch sẽ, tiêu diệt các mầm mống gây bệnh, tránh giặt quần áo cũ một cách sơ sài, giúp mầm bệnh từ nấm có điều kiện phát triển gây bệnh. Cũng không nên thử đồ lót và áo thun. Quần áo mới mua nên giặt bằng nước nóng và phơi ở nơi khô thoáng trước khi mặc.
Thực tế, nhiều vi khuẩn ngay cả khi được khử trùng tốt, giặt sạch vẫn không bị tiêu diệt và vẫn có thể gây những bệnh về da liễu và phụ khoa bất cứ lúc nào. Hàng năm, các cơ sở y tế phải tiếp nhận rất nhiều ca liên quan đến các bệnh của chị em. Nhiều bệnh nhân cho biết họ rất sạch sẽ và giữ gìn sức khỏe, nhưng chính họ đã phải hoảng hốt vì nguồn cơn căn bệnh lại đến từ sở thích mặc đồ đã qua sử dụng.
Bệnh nhân "hộc máu" giữa bệnh viện, bác sĩ bắt gọi... tổng đài (Xã hội) - (Phunutoday) - Dù bệnh nhân đang điều trị nôn ra máu tươi ngay trong bệnh viện, bác sĩ trực ban không khẩn trương cứu người mà bắt gọi đường dây nóng cấp cứu. |