Chuyện cảm động ở Trung tâm điều trị bệnh phong Bình Dương

05:55, Chủ nhật 28/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Là người ngoài nhưng họ gắn bó với công việc không chỉ là trách nhiệm, mà họ gắn bó hay đúng hơn họ chăm sóc cho bệnh nhân như chính thân nhân, bằng cả tình thương và trái tim của mình.

Về thăm Trung tâm điều trị bệnh phong Bến Sắn (ấp 4, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vào một buổi chiều, không gian trung tâm rộng rãi, thoáng mát khiến người đến cảm nhận được vẻ yên bình. Trong khuôn viên ấy có nhiều bệnh nhân phong từ khắp mọi miền đất nước tìm về điều trị. Về đây, họ tìm được sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ. Và cũng tại nơi đây, có những con người ngày ngày thầm lặng chăm sóc bệnh nhân bị phong như người thân của mình.
[links()]
Mỗi người mỗi cảnh

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, bệnh phong đã ăn mòn đôi chân bà Nguyễn Thị Nưa (quê tỉnh Long An) lên đến đùi, đôi tay co quắp và bị bào mòn gần hết. Bà không nhớ rõ mình vào Bến Sắn từ năm nào, bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ khi bà sinh đứa con gái đầu lòng được 2 tuổi, người lên cơn sốt, đau nhức thấu xương, đi khám thì hay mình mang trong mình bệnh phong.

Sau nhiều lần chạy chữa hết trạm xá, bệnh viện da liễu không dứt, bà được chuyển về Bến Sắn sống điều trị, gắn bó từ đó đến nay. Cũng từ ngày ấy, người thân thỉnh thoảng lui tới thăm hỏi là đứa con gái duy nhất ấy.

Bà chia sẻ: “Trước kia anh em cũng đông. Vào đây lâu rồi, lại chưa một lần về thăm quê thế nên anh em, làng xóm bây giờ tôi chẳng thể nhớ nhiều, và chắc họ cũng không nhớ đến mình. Họ cũng nghèo, bận rộn làm ăn thì lấy đâu thời giờ vào thăm. Như đứa con gái tôi, một năm nó cũng chỉ cố gắng lên thăm được vài lần…”.

Nhớ đến đây, bà nghẹn ngào không nên lời. Nhìn vào đôi chân cụt lên đến đùi, đôi tay ngày càng teo tóp, bà lại thở dài. Thực ra trước khi bị bệnh, bà Nưa và chồng vẫn thường xuyên đi lại dù tình cảm vợ chồng không còn nhiều, bởi lúc ấy đứa con nhỏ là sợi dây gắn kết hai người.

Có những tình người cảm động như cổ tích ở trại phong Bến Sắn này
Những bệnh nhân phong đang điều trị ở trại phong Bến Sắn

Khi phát hiện mình bị bệnh, phần vì mặc cảm, phần vì sợ ảnh hưởng đến cha mẹ, anh em, bà lẳng lặng giấu chồng, giấu người thân, hàng xóm tìm đến các bệnh việc điều trị. Giờ đây, cuộc sống của bà phụ thuộc vào xe lăn, sự quan tâm chăm sóc của các y bác sĩ, điều dưỡng và sự quan tâm hỏi han của những người bạn già chung hoàn cảnh là chính.

Hay trường hợp ông Đào Tư Duy, người ở Sài Gòn. Hoàn cảnh của ông cũng đáng thương không kém. Năm nay ngoài 80 tuổi, hơn 30 năm nay cuộc sống của ông khó khăn vì chân và tay bị căn bệnh bào mòn hết các ngón.

Ông về Bến Sắn cũng như bến dừng chân cuối cùng bởi người thân chẳng còn nhiều. Ông cũng có vợ, có con như bao người khác thế nhưng khi hay ông bị bệnh, vợ ông bỏ mà đi. Cứ mỗi lần trời trở gió, thời tiết lạnh, cơn đau thấu xương lại lên, ông chỉ biết cắn răng chịu đựng.

Người thân không có, họ hàng cũng không, cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của ông là những chuỗi ngày trong bệnh viện. Ngày vào Bến Sắn điều trị, con cái ông cũng thỉnh thoảng lui tới, nhưng số lần đến thăm thưa thớt dần.

Hầu hết những bệnh nhân phong ở Bến Sắn này về đây khi tuổi đời còn rất trẻ. Không ai giống ai nhưng đều có chung hoàn cảnh mang trong mình bệnh phong. Bệnh tình không chỉ khiến cơ thể họ bị khiếm khuyết, đớn đau mà còn kéo người thân xa dần họ.

Ngoài bệnh phong, họ còn mang trong mình nhiều bệnh khác như bệnh tim, bệnh tiểu đường… Một bệnh nhân phong từng sáng tác câu thơ nói về số phận: “Bệnh cùi không bao giờ chữa hết/ Người cùi như xác chết chưa chôn”.

Họ về đây như bến đỗ cuối cùng và để tìm sự đồng cảm người cùng cảnh ngộ. Ông Lê Anh Tuấn (44 tuổi, quê tỉnh Bình Định), nhân viên điều dưỡng Khoa Lão cho biết:

“Với cái nhìn khắt khe của xã hội đối với bệnh nhân phong khiến họ gánh chịu nỗi đau thể xác lẫn cả tinh thần. Nếu người thân hiểu cho thì còn cưu mang, chữa chạy, còn hàng xóm, láng giềng thì đều tránh xa, dè bỉu.

Ở trung tâm này, có người thì một năm cũng có đôi lần người thân lui tới, có người thì cả mấy chục năm trời không có lấy bóng dáng một người thân. Thậm chí, có người trước khi vào đây được người nhà đưa đến, thế nhưng ngày ra đi chỉ còn bạn bè cùng bệnh tật, những người trong Bến Sắn đưa tiễn”.

Hiện tại Khoa Lão, ông Tuấn đang đảm nhiệm chăm sóc, có nhiều cụ đã lớn tuổi. Mỗi cụ một tính, một cách. Có cụ ngồi đếm từ 1 đến 30, nếu thuận miệng thì đếm đúng, đếm xuôi, nếu không thuận thì dừng lại một số và cứ đếm mãi số ấy. Có cụ thì cứ như trẻ con, chia quà rồi nhưng vẫn cứ đòi thêm, không được thì hờn dỗi, có cụ thì không còn nhớ gì về bản thân, gia đình…

Nương nhau sống trọn một kiếp người

Trung tâm điều trị bệnh phong Bến Sắn được thành lập năm 1959 do các soeur (sơ) người Pháp chủ trương. Năm 1975 trung tâm chuyển giao cho Nhà nước tiếp quản và sở Y tế TP.HCM trực tiếp quản lý.

Ngoài Bến Sắn còn hai cơ sở phụ là Phước Tân (TP.Biên Hòa) và Bình Minh (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Theo quy định thì trung tâm chỉ nhận những bệnh nhân ở khu vực phía Nam, thế nhưng hầu hết các bệnh nhân tại trung tâm từ khắp mọi miền đất nước đổ về.

Toàn bộ khu vực Bến Sắn rộng 87 héc ta được chia ra làm nhiều khoa điều trị, trong đó có cả khu dân cư dành cho các hộ gia đình có người từng bị bệnh phong. Có nhiều gia đình đã sống ở đây từ 2 đến 3 đời.

Vợ chồng ông Kim Rùm (đồng bào Khơ Me) và bà Trần Thị Thới (quê tỉnh Bình Thuận) cũng đang cư ngụ ở đây. Bà là người con gái trắng trẻo, xinh xắn trong vùng quê Bình Thuận bấy giờ. Chẳng may bị bệnh lâm bệnh, tinh thần như sụp đổ, bà vào Bến Sắn với mong chốn chạy cái nhìn dè bỉu của xã hội.

Thế nhưng được sự động viên, quan tâm thường xuyên của ông Rùm, bà dần tìm được chỗ dựa tinh thần, sự đồng cảm số phận rồi ông bà nhanh chóng nên duyên vợ chồng.

Ngày ngày, ngoài khoản trợ cấp 240 ngàn đồng/người/tháng của Nhà nước, đôi vợ chồng còn trồng rau, chăn nuôi con gà, con lợn để có thu nhập. Năm nay ông bà đã ngoài 60, cuộc sống cứ trôi qua, ông bà có hai con đã khôn lớn, trưởng thành, đều có công ăn việc làm ổn định.

Hay nhà thơ Đơn Phương, tên thật là Trần Hồng Phương và vợ là bà Thu ở khu dân cư B mà câu chuyện về vợ chồng ông Phương như câu chuyện cổ tích ở Bến Sắn.

Trước khi về đây, ông bà đã nên duyên vợ chồng. Lương duyên cũng hết sức tình cờ, ông kể, “Ngày ấy mặc cảm vì bệnh tật, tôi trốn trại trẻ mồ côi, lang thang, hành khất sống qua ngày.

Tình cờ một hôm người bạn nhờ tôi giúp bà ấy về Tây Ninh trốn bọn côn đồ, ai ngờ sau lần đó bà ấy đem tình cảm thương mến tôi. Thật sự một người bệnh tật để hòa nhập xã hội đã khó huống chi trông mong một người thương yêu mình, trông mong một gia đình bé nhỏ. Tôi phải cảm ơn ấy bà nhiều”.

Sau này, ông đã sáng tác không ít vần thơ tặng bà, người tình, người vợ và người mẹ của những đứa con ông. Và cũng để quên đi nỗi đau cuộc đời, ông đã gửi gắm tâm tư tình cảm của mình vào thơ là chính. Mỗi bài thơ ông sáng tác như tạc họa lại cuộc đời mình nói riêng, cuộc đời cũng bệnh nhân phong nói chung.

Có thể nói, Bến Sắn một xã hội thu nhỏ của những bệnh nhân phong, hơn hết họ về đây tìm đến bến đỗ cuối cùng cho cuộc đời. Hiện nay ngoài 457 bệnh nhân hiện tại thì có đến 250 người thân liên quan đến sinh sống, làm việc tại Bến Sắn, 57 hộ gia đình sinh sống ổn định.

Con cái họ lớn lên, cùng lập gia đình, xây dựng kinh tế trên mảnh đất này. Có một điều đặc biệt, không ít những đứa con của bệnh nhân phong, theo cha mẹ vào đây sinh sống và gắn bó luôn ở đây.

Trường hợp ông Tuấn như đề cập trên là điển hình. Ông gắn bó công việc điều dưỡng hơn 20 năm không phải vì thu nhập mà hơn hết vì tình cảm anh dành cho những con người kém may mắn. 

Ông chia sẻ: “Ba tôi cũng là bệnh nhân phong. Năm 1979, tôi cùng ba vào Bến Sắn để tiện chăm sóc ba. Chứng kiến y bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc cho ba mình cũng như bệnh nhân khác khiến tôi vô cùng cảm động.

Không chỉ đơn thuần thay băng, cho uống thuốc mà điều dưỡng, hộ lý còn kiêm cả công việc tắm rửa, thay quần áo, thậm chí chăm sóc khi đi vệ sinh. Mấy ai làm hết và làm được những công việc ấy thế nhưng họ đã làm. Bây giờ gắn bó với nghề tôi cũng chỉ mong làm lại những việc mà trước đây ba tôi đã được nhận từ họ”.

Còn bà Đoàn Kim Phượng, năm nay cũng ngoài 40 tuổi. Bà nấu ăn tại Bến Sắn ngót hơn 20 năm. Vốn dĩ trước đây mẹ của bà cũng bị bệnh phong. Nhìn cảnh người đời hắt hủi, xa lánh mẹ mình, bà ngậm ngùi khăn gói theo mẹ vào Bến Sắn để tiện chăm sóc.

Ban đầu bà cũng nghĩ khi nào mẹ khỏi bệnh rồi ra ngoài xây dựng kinh tế, nhưng vào đây mới hay, không riêng mẹ mình mà nhiều người còn đáng thương hơn. Nhớ lại, bà Phượng kể:

“Nhìn một bà cụ cố gắng rướn người, tỳ hai tay đã cụt đến khuỷa lên đầu giường để lấy cái khăn lau mặt tôi liên tưởng đến mẹ mình. Liệu rồi mai đây mẹ mình như vậy thì bà phải làm sao. Hình ảnh ấy khiến tôi không còn suy nghĩ rời xa chỗ này và muốn được giúp họ điều gì đó.

Thôi thì người lành giúp người bệnh cũng là nương nhau mà sống cho trọn vẹn. Họ vui một chút, mình ấm lòng, hạnh phúc cũng nhiều”.

Hàng ngày công việc của bà Phượng bắt đầu từ sáng sớm đến chiều, nấu và chuẩn bị 2 bữa ăn trưa, chiều cho bệnh nhân.

Những năm trước khi điều kiện còn khó khăn, ngày ngày bà phải dậy sớm quay nước từ giếng lên rồi gánh về đủ để dung cho cả một ngày nấu ăn. Đôi khi mệt cũng nản thế nhưng chưa một lần bà than vãn cũng như rằng phải rời xa nơi đây.

Người đời thường nói, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” để ví đến tình cảm ruột thịt vẫn là hơn hết, thế nhưng về Bến Sắn mới thấy, từ bệnh nhân cho đến công việc chăm sóc bệnh nhân của các y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, bảo mẫu cho đến những đầu bếp thì không có gì để đắp đổi được.

Là người ngoài nhưng họ gắn bó với công việc không chỉ là trách nhiệm, là công việc mà họ gắn bó, hay đúng hơn họ chăm sóc cho bệnh nhân như chính thân nhân, bằng cả tình thương và trách nhiệm của mình.

  • Thùy Linh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc