Giá như không ăn chơi đua đòi, Phạm Ngọc Lân hẳn đã có một cuộc sống hạnh phúc và một tương lai rực rỡ. Giá như không sa chân vào con đường tội lỗi của cái chết trắng, hẳn giờ này Lân có thể trải qua những ngày tháng bình yên bên vợ con chứ không phải ngồi một mình đối diện với bốn bức tường trại giam...
[links()]
Có rất nhiều câu giá như mà người tù mang án chung thân Phạm Ngọc Lân từng thốt lên trong những năm tháng ở tù, nhưng tất cả sự nuối tiếc đó đều đã quá muộn màng chỉ bởi những nông nổi của một thời tuổi trẻ.
Vấp ngã trên con đường bằng
Tôi là Phạm Ngọc Lân, đã gần 40 tuổi, án chung thân vì tội buôn bán ma túy. Tôi đã từng là sinh viên Đại học Ngoại thương, bố mẹ đều là giảng viên của những trường đại học có tiếng của Hà Nội.
Có lẽ nhiều người sẽ tự hỏi, điều gì đã đẩy tôi vào con đường tội lỗi này, điều gì đã khiến một kẻ có xuất thân gia giáo như tôi, được ăn học đầy đủ như tôi, trở thành một tội phạm buôn ma túy với bản án chung thân chưa biết ngày về?
Trong những đêm triền miên không ngủ được trong song sắt, tôi cũng tự hỏi mình hàng nghìn lần về cái lý do đã khiến tôi rơi vào con đường lầm lỡ, tù tội.
Nhưng chưa bao giờ tôi trả lời được câu hỏi đó một cách đích đáng, ngoại trừ một điều mà tôi luôn biết, tôi đã đi lạc bước ở một đoạn đường nào đó trên con đường đời bằng phẳng mà số phận đã dành cho tôi.
Tôi là con trai cả trong một gia đình có hai anh em trai, cha mẹ đều là giảng viên của những trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Là con trai Hà Nội, bố mẹ lại là những người có học thức, kinh tế khá giả, nên tôi đã sống một cuộc đời êm ả suốt những năm tháng tuổi thơ, tuyệt nhiên không hề biết thế nào là mưa nắng, vất vả, là đói khổ, cực nhọc.
Như những gia đình gia giáo khác của đất Hà thành, cha mẹ tôi – những người thuộc tầng lớp trí thức của xã hội đã cho tôi được học hành đủ đầy, với hi vọng tôi sẽ trở thành niềm tự hào của cha mẹ.
Phạm nhân Phạm Ngọc Lân |
Ngày tôi đỗ đại học và trở thành sinh viên của trường Đại học Ngoại thương, một trong những trường đại học danh giá nhất của Hà Nội, dù không nói ra, nhưng tôi đọc được sự tự hào trong ánh mắt của người cha nhân từ của mình.
Mọi người nhận xét tôi của ngày xưa là một chàng trai thông minh, nhạy bén và năng động trong cuộc sống. Tôi đã từng là niềm tự hào của cha mẹ khi đã tự nỗ lực mở được một công ty riêng chuyên về thiết kế nội thất ở giữa đất Thủ đô.
Những năm đó là những năm đánh dấu sự nở rộ của các công ty thiết kế nội thất. Công ty của tôi nhanh chóng ăn nên làm ra mà không phải mất quá nhiều toan tính. Tôi trở thành một doanh nhân trẻ thành đạt, giàu có khi vẫn đang ngồi trên giảng đường đại học.
Tôi đã nghe rất nhiều người từng trải và thành đạt trong cuộc sống nói rằng, thành đạt quá sớm đôi khi chưa phải là điều hay, bởi nó dễ khiến người ta lầm đường lạc lối. Và có lẽ tôi chính là người thấm thía nhất điều đó. Bởi cái giá của sự thành công khi mới ngấp nghé tuổi 20 đã khiến tôi phải trả một cái giá đắt cho suốt cuộc đời sau này.
Thời tôi vừa đi học, vừa mở công ty riêng, việc kiếm được đồng tiền quá dễ dàng đã khiến tôi – một cậu sinh viên đại học bắt đầu có ý nghĩ coi thường tri thức. Tôi tự tin rằng dù không có tấm bằng đại học như cha mẹ mong muốn, kì vọng, thì tôi vẫn có thể trở thành một người thành đạt, giàu có và được xã hội trọng vọng.
Tôi bỏ học giữa chừng để có thể có nhiều thời gian đầu tư cho kinh doanh, bất chấp nỗi thất vọng tràn trề hiện lên trong đôi mắt người cha già khi thấy đứa con trai cả của mình đang từ bỏ truyền thống gia đình.
Tôi lấy vợ sớm và đã có 2 đứa con kháu khỉnh. Nhưng trở nên giàu có khi còn quá trẻ, tôi đã dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy của những chơi bời xa xỉ. Tôi kết bạn với một nhóm bạn giàu có, thích ăn chơi, thường xuyên ra vào những tụ điểm của dân chơi Hà thành và ném những đồng tiền mình kiếm được vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng không một chút mảy may ân hận, day dứt.
Trong những cuộc chơi đó, tôi bắt đầu biết đến ma túy để rồi nhanh chóng trở thành nô lệ của cái chết trắng. Đó là lúc cuộc đời của tôi bắt đầu với những sai lầm, vấp ngã và tiếc nuối.
Dính vào ma túy, tôi dần dần bỏ bê công việc làm ăn đang thuận lợi của mình. Số tiền tôi kiếm được cũng nhanh chóng tiêu tan theo những cơn thèm thuốc. Ngày phát hiện ra con trai mình nghiện ma túy, cha tôi không tức giận, cũng không chửi mắng.
Nhưng khi ấy, tôi nhìn thấy trong đôi mắt cha dường như có bão. Từ nhỏ đến lớn, cha tôi chưa từng quát mắng, đánh chửi tôi. Ông giáo dục con cái như cách ông vẫn giáo dục những người học trò của mình: dịu dàng và mềm mỏng.
Biết tôi dính vào nghiện ngập, ông hết lòng động viên con đi cai nghiện để làm lại cuộc đời. Nhưng ý chí kém cỏi của tôi đã không đủ để giúp tôi thoát khỏi cám dỗ của ma túy.
Những day dứt muộn màng sau song sắt
Chỉ trong vòng vài năm, người ta đã không còn nhận ra tôi - với hình ảnh một thanh niên thành đạt, giỏi giang, mà thay vào đó là một con nghiện da tái, môi thâm và thường xuyên thiếu tiền để thỏa mãn những cơn nghiện của mình.
Cần tiền để mua thuốc, nghe bạn bè xui, tôi lên Sơn La tìm mối cung cấp ma túy với dự định mang về Hà Nội tiêu thụ. Và trong một lần vận chuyển ma túy, tôi bị bắt với 4 bánh heroin tang vật.
Những ngày nằm trong trại tạm giam trên Sơn La, tôi đã nghĩ rằng với 4 bánh heroin đó, tôi gần như đã cầm chắc trong tay bản án tử hình. Cái án ma túy treo lơ lửng trên đầu đã khiến cuộc sống hôn nhân của vợ chồng tôi tan vỡ, để lại 2 đứa con nhỏ dại, bơ vơ phải về sống nhờ sự che chở của ông bà.
Lúc còn nằm ở trại tạm giam, có lần tôi được 2 đứa con đến thăm. 2 đứa trẻ ngây thơ, trong sáng chưa nhận thức được thế nào là phạm pháp, là tù tội. Chúng cứ khóc vì không hiểu vì sao bố đi lâu thế mà không chịu về nhà. Đến lúc hết giờ thăm gặp, chúng cứ nằng nặc ôm lấy chân bố, đòi bằng được bố về cùng.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi khóc, lần đầu tiên, trong cương vị của một người làm cha, tôi cảm nhận sự thiêng liêng của tình phụ tử và cảm nhận được nỗi đau đớn, xót xa khi không làm tròn bổn phận với những đứa con máu mủ ruột thịt của mình.
Số phận hay nói đúng hơn là pháp luật đã dành cho tôi một ân huệ. Tôi thoát khỏi bản án tử hình và bước vào 4 bức tường trại giam với bản án chung thân chưa biết ngày về.
Tránh được bản án tử hình có nghĩa là dù gì vẫn còn ngày trở về, nhưng đổi lại, tôi phải đối mặt với những bản án lương tâm triền miên từ ngày này sang ngày khác. Thỉnh thoảng, nhận được thư con gửi lên, tôi nhói lòng với những dòng chữ non nớt nhưng tội tình của con.
Con tôi đã đủ lớn để hiểu bố chúng đang rơi vào cảnh tù tội. Chúng cũng đủ lớn để biết xấu hổ trước ánh mắt soi mói và những lời chọc ghẹo của bạn bè. Mỗi lần nhận được thư con, tôi đều khóc, càng thương con bao nhiêu thì lại càng thấy giận mình bấy nhiêu.
Từ sau khi tôi đi tù, mọi gánh nặng gia đình đều đổ lên vai cha mẹ tôi. Cả đời chăm lo cho con cái với hi vọng con cái thành tài, đến tuổi gần đất xa trời, cha tôi không ngờ mình lại phải tiếp tục nuôi con tù tội. Cha tôi gần như suy sụp hoàn toàn sau khi tôi bị bắt. Ông già sọp đi, đôi mắt gần như mù lòa.
Có lần cha tôi lặn lội từ Hà Nội lên trại giam thăm tôi. Đến lúc tôi đứng trước mặt cha, ông vẫn không hề nhìn ra tôi, không hề nhận ra đứa con trai nhiều tội lỗi của mình. Chỉ đến khi tôi cất tiếng gọi: “Cha ơi”, ông mới mỉm cười: “Lân đó phải không con”. Khi ấy, tôi chỉ biết quay mặt đi, cố ngăn lại những giọt nước mắt cứ tuôn dài trên má.
Nỗi đau về đứa con lầm lỡ đã khiến cha tôi ngày càng ốm yếu để rồi qua đời sau 4 năm chứng kiến tôi rơi vào vòng lao lý. Ngày cha mất, là con trai cả, nhưng tôi không thể có mặt để nhìn cha lần cuối, không thể làm tròn chữ hiếu cuối cùng với người cha hiền lành và bất hạnh của mình.
Suốt nhiều đêm sau đó, tôi chỉ biết nằm trong trại giam và khóc. Nhưng những giọt nước mắt cũng chẳng giúp tôi quên đi được lỗi lầm và những đau đớn mà tôi đã gây ra cho những người thân yêu nhất của mình.
Tôi đã dấn thân vào con đường tội lỗi, vào những sai lầm của tuổi trẻ mà không hề có một chút e sợ, lo lắng. Những năm tháng trong tù, tôi đã không biết bao nhiêu lần nghĩ đến hai từ “giá như…”, để rồi lại mơ màng hình dung về cuộc sống hạnh phúc mà tôi có thể có được nếu không vấp phải những lầm lỡ trong cuộc sống.
Nhưng tất cả những câu “giá như..” đều đã quá muộn màng. Và điều duy nhất tôi có thể làm chỉ là để không bao giờ phải nói thêm bất cứ một câu “giá như…” nào đó nữa trong cuộc đời mình.
- Hương Ngọc (ghi)