Chuyển đổi sim 11 số về 10 số: Lại làm khổ dân?

( PHUNUTODAY ) - Việc chuyển đổi sim 11 số về 10 được cho là vì sự phát triển, đáp ứng xu thế phát triển lâu dài cho viễn thông. Tuy nhiên nhưng phiền toái và hệ quả của việc đổi số điện thoại thì đang hiện ra ngay trước mắt người sử dụng.

Chiều 29/5, Bộ Thông tin - Truyền thông đã chính thức công bố kế hoạch chuyển thuê bao di động 11 số thành 10 số của 5 nhà mạng. Nhà mạng Viettel với nhiều thuê bao nhất sẽ ôm đầu số 03x, thuê bao MobiFone ôm 07x, và VinaPhone ôm đầu số 08x. Việc thực hiện chuyển đổi này sẽ được thực hiện từ 0h ngày 15.9.

Theo kế hoạch này, năm 2017, khi hoàn tất quy hoạch lại mã vùng cố định, cơ quan quản lý sẽ chuyển đổi thuê bao di động 11 số xuống còn 10 số. Tuy nhiên, việc triển khai đến nay mới rục rịch thực hiện, tức là chậm 1 năm so với kế hoạch ban đầu.

Kế hoạch chuyển đổi sim 11 số về 10 của các nhà mạng sẽ được thực hiện từ ngày 15/9

Kế hoạch chuyển đổi sim 11 số về 10 của các nhà mạng sẽ được thực hiện từ ngày 15/9

Sự cần thiết chuyển đổi mã mạng, theo giải thích của ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, là “vì sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhiều loại hình dịch vụ viễn thông ra đời như 2G, 3G, 4G, 5G...; đáp ứng xu thế phát triển lâu dài cho thị trường viễn thông, đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0, tránh tình trạng thiếu kho số”. Theo tính toán của Bộ TT-TT, kho số di động sau khi được quy hoạch lại sẽ lên tới 1 tỷ thuê bao. Số lượng này có thể duy trì ổn định lâu dài, cụ thể là có thể khai thác ổn định tới năm 2050.

Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng, thuê bao di động 11 số (mã mạng 1XX; được cơ quan quản lý chính thức cấp cho các nhà mạng từ năm 2007) hiệu quả sử dụng không cao nếu so với thuê bao 10 số (mã mạng 9X). Ngoài ra, tỷ lệ số thuê bao di động dùng mã mạng 1XX rời mạng khá cao. SIM rác, tin nhắn rác cũng chủ yếu phát sinh từ mã mạng có độ dài 3 chữ số này. Vì vậy, việc chuyển đổi về mã mạng mới có độ dài 2 chữ số vừa tạo công bằng về độ dài quay số cho người sử dụng dịch vụ vừa góp phần hạn chế tỷ lệ thuê bao rời mạng, hạn chế SIM rác, tin nhắn rác… cũng là một lý do thuyết phục.

Tuy nhiên, bên cạnh cái lợi lâu dài thì trước mắt có khoảng 60 triệu thuê bao di động sẽ chịu ảnh hưởng. Thực tế gần đây, thuê bao 11 số đã trở nên phổ biến, không chỉ được dùng như một SIM thứ 2 hay SIM dữ liệu, SIM rác mà đã trở thành SIM chính chủ. Đã có nhiều người dùng sử dụng thuê bao 11 số để đăng ký cho dịch vụ “bên thứ 3” như ngân hàng, mạng xã hội…

Bạn đọc Trần Đức Sơn nói: “Tôi có nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, địa phương khác nhau. Chẳng lẽ nghỉ việc đi làm lại thông tin tài khoản sao? Thực sự quá phiền phức cho người dùng”.

Tuy nhiên việc chuyển đổi sim sẽ gây ra nhiều rắc rối cho người sử dụng vì rất nhiều thuê bao đã sử dụng số điện thoại để cung cấp cho 1 số dịch vụ như mạng xã hội, ngân hàng...

Tuy nhiên việc chuyển đổi sim sẽ gây ra nhiều rắc rối cho người sử dụng vì rất nhiều thuê bao đã sử dụng số điện thoại để cung cấp cho 1 số dịch vụ như mạng xã hội, ngân hàng...

Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ sự không đồng tình. Ông cho rằng, việc chuyển đổi thuê bao sẽ gây ra phiền phức cho người dân, không những ảnh hưởng đến thông tin liên lạc mà còn tác động đến vấn đề quản lý tài sản cá nhân. Từ việc thay đổi số điện thoại, người dân phải mất thời gian để chuyển đổi lại toàn bộ tài khoản ngân hàng mà họ đã đăng ký bằng số điện thoại và tính đến thời điểm hiện tại, việc chuyển đổi vẫn tiến hành một cách thủ công.

“Sự thay đổi này mang tính đối phó, không hề đi từ một chiến lược tổng thể. Chiến lược về mạng di động phải được xây dựng cách đây 20 năm, chứ không thể ngẫu hứng như vậy”, TS Trí Hiếu nhấn mạnh.

Từ việc này, chúng ta cần xây dựng một kế hoạch lâu dài, nếu không trong tương lai, chúng ta sẽ lại phải tiếp tục thay đổi để chạy theo thời đại, dẫn đến những phiền phức không đáng có cho người dân. Điều này không chỉ gây trở ngại cho sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của toàn xã hội.

Các nhà mạng cũng cam kết sẽ cố gắng giảm thiểu sự bất tiện từ việc chuyển đổi sim số. Nhà mạng MobiFone cũng cho hay sẽ tiến hành tất cả giải pháp để người dùng nhận thấy việc chuyển đổi mã mạng đơn giản. Đại diện Viettel đưa ra các cam kết tương tự, đồng thời tiết lộ Viettel đang xây dựng hệ thống phần mềm để hỗ trợ như trước đây từng hỗ trợ chuyển đổi mã vùng tự động thông qua ứng dụng My Viettel.

Trong bối cảnh cạnh tranh, việc các nhà mạng đưa ra các cam kết bảo vệ khách hàng bằng các giải pháp kỹ thuật, truyền thông là điều dễ hiểu để “khách hàng không giận dỗi bỏ đi với các nhà mạng khác”, song phía người dùng không khỏi lo lắng về mức độ phiền toái. Nguyên do, các dịch vụ phổ biến hiện nay như Facebook, Instagram, Google (Gmail, Driver, YouTube...) hay Apple ID (App Store, iCloud...) thường được kích hoạt thêm lớp bảo mật OTP.

Với phiền toái này, các nhà mạng thừa nhận rằng, chủ thuê bao bị chuyển đổi phải đăng ký lại các dịch vụ “bên thứ ba” có liên quan chứ nhà mạng không thể làm được việc ấy và cũng chưa có kế hoạch nào cho việc này.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link