50 chuyên gia Việt Nam đầu tiên đã được đến nhà máy điện hạt nhân Rostov, tỉnh Volgodonsk của Liên bang Nga để thực tập xây dựng tại hai lò phản ứng hạt nhân thứ ba và thứ tư đang hoạt động của nhà máy này.
[links()]
Trước đó, vào năm ngoái công ty cổ phần Sông Đà 5 thuộc tập đoàn Sông Đà (Việt Nam) với công ty Atomenergoproekt Nizhny Novgorod (NIAEP) là công ty con của Rosatom đã ký kết thành công bản hợp đồng thực tập của các chuyên gia Việt Nam, SGTT dẫn thông tin từ Đài Tiếng nói nước Nga cho biết.
Lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà làm việc với Công ty NIAEP (tại TP. Nyznhinovgorod, Liên bang Nga) |
Các chuyên gia Việt Nam này sau khi được đào tạo tại Rostov sẽ trở về tham gia vào xây dựng các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam tại Ninh Thuận.
Sắp tới đây các chuyên gia này sẽ tham gia trực tiếp vào công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) sẽ do tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) là đối tác tham gia xây dựng.
Được biết, nguồn vốn cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I, sẽ được nguồn vốn tín dụng và viện trợ của chính phủ Liên bang Nga cho vay. Bộ Tài chính đã chỉ định Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sẽ là cơ quan cho vay lại nguồn vốn, còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là cơ quan vay lại nguồn vốn tín dụng vừa nêu để đầu tư, thực hiện dự án
Trong công tác đảm bảo chương trình phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020.
Nhà máy điện hạt nhân Rostov, nơi 50 chuyên gia Việt Nam đến thực tập |
Theo đó, tổng nguồn vốn kinh phí dự kiến thực hiện đề án là 200 tỷ đồng, nguồn vốn này lấy từ ngân sách nhà nước được bố trí theo hai giai đoạn: Giai đoạn 2013-2015 khoảng 50 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 khoảng 150 tỷ đồng.
Cũng theo Đề án, các nội dung thông tin tập trung vào chủ trương của Đảng, chiến lược, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển điện hạt nhân; định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân đến năm 2030 ở Việt Nam; Đặc điểm, tính chất và lợi ích kinh tế-xã hội của điện hạt nhân; lịch sử, thành tựu, kinh nghiệm, tình hình và xu hướng phát triển của điện hạt nhân trên thế giới; Sự cần thiết phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam; Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các cơ chế, chính sách di dân, tái định cơ, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút lao động... phục vụ dự án.
Các nội dung về đảm bảo an toàn, an ninh trong phát triển điện hạt nhân bao gồm: an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, ứng phó sự cố hạt nhân; Chu trình nhiên liệu hạt nhân, xử lý và quản lý chất thải phóng xạ; Hệ thống quản lý nhà nước và các văn bản pháp luật về đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và phát triển điện hạt nhân.
- NQ (Tổng hợp)