Chuyện lạ: Nhà thơ 16 vợ giữa thủ đô

07:14, Thứ bảy 16/04/2011

( PHUNUTODAY ) - Nhà thơ, thợ mộc, thợ đóng gạch Nguyễn Đăng Hành, sinh ra và lớn lên ở ngôi làng có cái tên khá lạ: Khoan Tế (xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội), có tới… 16 vợ, 24 con và vô số cháu.

(Phunutoday) - Nhà thơ, thợ mộc, thợ đóng gạch Nguyễn Đăng Hành, sinh ra và lớn lên ở ngôi làng có cái tên khá lạ: Khoan Tế (xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội), có tới… 16 vợ, 24 con và vô số cháu.

Nguyễn Đăng Hành bảo: “Chuyện của tớ chả có gì đáng tự hào, cũng chả có gì đáng xấu hổ. Gọi tớ là nhà thơ cũng được, thợ mộc cũng xong, Chí Phèo tớ cũng chẳng cãi. Làng xóm bảo tớ là Hành điên, Hành dở, Hành đểu… ờ thì họ nói đúng cả. Tớ ị vào mặt mấy cái thằng ngủ với gái nhoanh nhoách rồi quất ngựa truy phong, rồi cứ giữ cái mặt đạo mạo ra vẻ tử tế. Nếu xã hội bảo thằng Đăng Hành này đểu, thì mặc kệ cái quan niệm đạo đức của xã hội, nhưng với những người đàn bà của tớ, cả thảy 16 đứa, chúng nó nghĩ tớ là thằng tốt, là thằng tử tế là được rồi. Chí Phèo cũng có lúc tử tế, ít ra là với Thị Nở. Cậu có tin tất cả các bà vợ đều yêu tớ, coi trọng tớ không? Tớ bấm điện thoại cho cậu nói chuyện nhé!”.

Quả thực, tôi ngỡ ngàng về Nguyễn Đăng Hành. Một người đàn ông có vợ, chỉ cần léng phéng bên ngoài, có thể đã bị cắt toi của quý. Đằng này, Nguyễn Đăng Hành có tới 16 vợ, mà anh khẳng định cả 16 bà đều yêu, đều quý, đều tôn trọng, biết ơn anh? Có điều gì đó kỳ lạ ẩn sau người đàn ông đa thê bậc nhất này?

Một ngày cuối tuần, tôi tìm đến nhà Nguyễn Đăng Hành. Con ngõ cứ nhỏ dần, đến nhà Nguyễn Đăng Hành thì chỉ còn đủ cho một chiếc xe máy chạy. Trên bức tường có đề chữ Kinh Thi và mũi tên chỉ vào trong. Sau này tôi mới biết, Kinh Thi là bút danh làm thơ của anh.

Ngôi nhà cấp 4, cả cửa chính và cửa nách mở thông thống, không có khóa. Màn vẫn mắc trên giường. Trên đỉnh màn có mấy tấm xốp để hứng mưa dột. Bát đĩa ăn dở la liệt dưới nền nhà. Nguyễn Đăng Hành đi vắng.

Tôi loanh quanh sang hàng xóm, hỏi nhà thơ Đăng Hành, đều nhận được câu trả lời: “Cuối tuần đi đón vợ rồi, chưa về đâu”. Bác hàng xóm gọi tôi vào nhà, giới thiệu: “Tôi là chị gái của thằng Hành đây. Nó là thằng út, thằng lắm vợ nhiều con, thằng chả ra gì của nhà tôi”.

Bà chị gái của nhà thơ Nguyễn Đăng Hành là bà Kỷ bảo: “Đúng là nó có 16 vợ, cưới 16 lần, nhưng tôi chỉ nhớ được mấy đứa thôi. Mấy đứa hay qua lại, hay gặp mặt tôi thì tôi nhớ. Vợ đầu của nó là con Lê ở Thạch Bàn. Hồi cưới nhau thằng Hành 21 tuổi, con Lê 23. Chúng nó có với nhau 2 thằng con. Ở với nhau được mấy năm thì thằng Hành đuổi. Con Lê bỏ vào Nam. Chả ai nuôi con chúng nó, nên tôi phải nuôi. Giờ một thằng làm ở Tây Bắc, cũng khá thành đạt, thi thoảng cho bố tiền tiêu, một thằng nghe đâu mới học xong. Vợ hai của nó ở Mỹ Hào, cũng đẻ một trai, một gái, đất rộng lắm. Hồi cưới nhau, cũng mổ lợn ăn, linh đình lắm, Nhưng con này ở với nó cũng chỉ được vài năm là nó đuổi. Đuổi con này đi, thì nó cưới con làng Rồng. Ở với con này những 10 năm. Nhưng trong lúc cưới con này, thì lại tằng tịu với con nữa cũng ở Văn Giang, cũng đón dâu, cũng đông đủ họ hàng. Cứ tưởng xong rồi, nhưng nó lại lấy thêm một đống nữa. Con bé cuối cùng ở Hà Bắc, là giáo viên hẳn hoi, kinh tế khá nhất. Con vợ này bằng tuổi thằng con lớn của thằng Hành. Riêng với con này thì có đăng ký kết hôn hẳn hoi, có với nhau 2 con gái. Nhưng rồi, cũng sống với nhau chẳng được mấy ngày, nó lại đuổi”.

Tôi hỏi bà Kỷ: “Những người vợ này không ra gì hay sao mà lại bị nhà thơ Đăng Hành đuổi đi thế?”. Bà Kỷ giải thích: “Tôi thấy vợ nó đứa nào cũng tốt, cũng tử tế. Có lần, tôi cáu tiết hỏi vì sao nó cứ đuổi vợ đi, thì nó bảo, có đàn bà ở trong nhà, nó không thể làm thơ được, nên nó đuổi! Nó thích ở một mình để còn làm ra được thơ, chứ không phải ghét bỏ gì đám vợ kia. Tuần nào cũng vậy, cứ chiều thứ 7 nó lại xuống Văn Giang đón vợ thứ lên, rồi tiếp tục lên Bắc Ninh đón vợ út xuống. Sáng sớm thứ 2, lại trả vợ út về Bắc Ninh trước để vợ nó đi dạy, rồi mới trả vợ thứ về Văn Giang”.

Ông Nguyễn Đăng Hành (Ảnh: Ngọc Điệp)
Ông Nguyễn Đăng Hành (Ảnh: Ngọc Điệp)

Chàng thợ mộc 16 vợ “mang cái khùng điên giúp đời”

Tuần sau, cuối giờ chiều, tôi lại tìm đến làng Khoan Tế (Đa Tốn, Gia Lâm). Lần này thì thấy chiếc xe máy Trung Quốc không biển dựng ở cổng.

Cổng nhà thi sĩ Đăng Hành cũng lạ, cao đến đầu gối và không khóa. Tôi chợt sững người trước hai dòng chữ trên tường loang lổ: “Hữu duyên tình nghĩa thì vào/ Lý - Bá – Hán – Sở chào chào, cút ngay!”.

Hai người đàn bà đứng tuổi, người nhặt rau, người thái thịt, lúi húi nấu nướng trong cái bếp nhỏ xíu sau nhà. Riêng thi sĩ Đăng Hành ngồi khoanh tròn trong màn… làm thơ.

Có khách đến, nhất là giới văn chương chữ nghĩa, thi sĩ Đăng Hành đều vồn vã. Không một chút cảnh giác, chẳng sợ ai lừa, thi sĩ cứ hồn nhiên xả hết tâm tư, suy nghĩ của mình. Cái bản tính vồn vã, dễ gần, thật lòng, chất phác lại không kém phần lãng mạn, hư thực ấy là thứ mật ngọt hạ gục đàn bà?

Tôi hỏi thi sĩ Đăng Hành một câu, mà có lẽ, ai gặp anh cũng hỏi: “Anh có bí quyết gì mà chị em chết như ngả rạ thế?”. Đăng Hành bảo: “Nếu tớ bảo tớ là người tàn tật, cậu có tin không?”. Nói rồi, Đăng Hành chui vào trong màn, lục trong chiếc túi nhỏ, mà anh vẫn thường đeo vắt ngang vai khi “bầu trời trái đất rong chơi”, để tìm một tấm thẻ đi xe buýt… miễn phí. Không là người tàn tật, thì sao người ta cấp cho chiếc thẻ đó?

Rồi Đăng Hành phanh áo, khoe bộ ngực nõn nà, mà săn chắc bảo tôi: “Cậu có tin không? Tớ mắc đủ các thứ bệnh tim, gan, phèo phổi, dạ dày… Riêng tiểu đường tớ bị nặng nhất”. Nói rồi, thi sĩ lại lục đống giấy tờ ngổn ngang tìm cho tôi xem kết quả xét nghiệm đường huyết đã… rất nặng.

Vậy, 16 người đàn bà mê gì ở một kẻ tàn tật, mắc đủ thứ bệnh trong người, lại nghèo rách nghèo nát, nghèo nhất thế gian như lời thi sĩ?

Tôi hỏi rằng, chắc anh thừa biết lấy 16 bà vợ như thế, thì rõ là anh đã vi phạm quy định hôn nhân một vợ một chồng? Thi sĩ Đăng Hành tuyên bố: “Tớ đang muốn được ra tòa, để tớ nói với mấy bà quan tòa, mấy ông thẩm phán rằng, tôi đã phạm tội, tội của tôi là làm cho mười mấy người đàn bà hạnh phúc, sung sướng…”. Anh lại lý sự thêm, một nữ chính khách nổi tiếng của nước ta đã nói, mỗi người đàn bà đều có quyền có con, nhưng không được phép phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Đăng Hành hỏi: “Nhà nước ta công nhận con ngoài giá thú, cũng xót xa cho những người đàn bà nhỡ nhàng, vậy tớ đang làm cái việc giúp đỡ những người nhỡ nhàng, vậy là tớ làm đúng đấy chứ? Còn ai bảo tớ vi phạm, thì tớ xin khẳng định rằng, cho đến lúc này, tớ đây vẫn là một thằng trai tân, một thằng chưa vợ, bởi vì tớ chưa một lần đăng ký kết hôn (Bắc Hồng có Nguyễn Đăng Hành/ Vợ thì chưa có nhân tình vài xâu – Bài Tự Bạch). Đến cái xe máy của tớ, mua từ năm 2001, tớ cũng có đăng ký đâu. Tớ không thích sự ràng buộc mang tính hình thức, kể cái cái xe máy. Nhưng, có một thứ giấy tờ ràng buộc, tớ không bao giờ chối, tớ sẵn sàng làm, đó là dắt những đứa con, 24 đứa con đi đăng ký khai sinh, mang họ Nguyễn gốc làng Khoan Tế của tớ”.

Có một điều lạ, dù không đăng ký kết hôn với bà nào, nhưng 16 bà vợ trước khi về ở với thi sĩ Đăng Hành, anh đều làm đúng thủ tục, cũng đón rước đàng hoàng, cũng cỗ đầy mấy chục mâm ra mắt họ hàng, chả khác bất cứ một đám cưới nào. Duy chỉ có một điều, theo nguyên tắc bất di bất dịch, là anh chỉ động phòng hoa chúc vào ngày thứ… 3 sau lễ kết hôn.

Thi sĩ Nguyễn Đăng Hành bảo rằng, số anh là số giời đày, phải đi làm công việc giải quyết hậu quả buồn của xã hội. Tất cả những người đàn bà bệnh tật nặng nhất, già nua nhất, xấu xí nhất, không kẻ nào đoái hoài đến, anh sẵn sàng giang tay giúp đỡ. Bà nào chỉ cần có đứa con rồi mất hút, anh cũng quên luôn (số này nhiều lắm, anh không thống kê vào số con chính thức 24 đứa của mình), bà nào muốn có được tấm chồng, không muốn mang tiếng chửa hoang, anh cũng giúp với sự nhiệt tình, vô tư, không tính toán. Từ người đàn bà bị thằng Sở Khanh quất ngựa truy phong sau khi no xôi chán chè ở Hưng Yên, định cạo đầu đi tu, cũng được Đăng Hành nâng đỡ, giúp có thằng cu, đến người đàn bà bị thằng đểu lừa hết đất cát, nhà cửa, tiền tình ở Hải Dương, định nhảy sông tự vẫn, cũng được thi sĩ Đăng Hành giúp lấy lại niềm tin vào cuộc sống bằng 2 đứa con đẹp đẽ.

Thi sĩ vác cưa, đeo dùi đục đi… tuyển vợ 16 lần

Với người làng Khoan Tế, thi sĩ Nguyễn Đăng Hành đích thị là một kẻ điên, một tay khùng, một tên hão huyền bậc nhất. Các cụ trong làng chê thơ Đăng Hành bậy bạ, sexy, chả có tư tưởng, nên câu lạc bộ thơ ca của làng nhất định không kết nạp anh làm thành viên. Anh bảo, từ ngày tập thơ Hỏi của Đăng Hành ra đời, anh nhận được tổng cộng 200 lá thư mà phần lớn là thư… chửi.

Không vào được câu lạc bộ thơ làng, chẳng vào được hội của Trung ương, Nguyễn Đăng Hành tự lập cho mình một câu lạc bộ, trụ sở đặt tại ngôi nhà cấp 4 dột nát, giữa vườn hoang, có tên là “Độc thi nhất quán”. Cả câu lạc bộ chỉ có mỗi ông Nguyễn Đăng Hành, với 4 bút danh Lãn Tử, Kinh Thi, Đăng Lam, Tú Huyết và nhất quyết không tuyển thêm hội viên nào. Thi sĩ Đăng Hành sống theo kiểu tứ bể giai huynh đệ, bốn biển là nhà, đâu đâu cũng có bạn thơ và hễ gặp bất kỳ ai yêu văn chương, là gã đè ra đọc thơ cả ngày.

“Tớ thề với cậu, tới lấy tới 16 bà chính thức, nhưng các bà ấy chưa từng đánh ghen, chưa từng tranh cướp thằng Hành” – thi sĩ Đăng Hành tự hào khoe vậy. Điều thi sĩ Đăng Hành nói chẳng phải bịa, cứ nhìn cái cách hai bà dọn dẹp, nấu nướng, ăn cùng, ngủ cùng Đăng Hành, đủ biết họ như chị, như em. Và lạ hơn nữa, cả 24 đứa con, dù chẳng mấy khi gặp nhau, nhưng hễ tề tựu đông đủ ở ngôi nhà rách nát làng Khoan Tế, lớn bé đều coi nhau như anh em ruột thịt và xưng hô với bà lớn, bà bé nhất nhất là mẹ. Kể cả anh con cả, tuổi đúng bằng cô vợ út của bố, cũng một điều mẹ, hai điều mẹ.

Mỗi lần cưới thêm vợ, Đăng Hành đều làm một việc quang minh chính đại, ấy là chở bà vợ tương lai đến trình diện đủ vợ cả, vợ hai, vợ tư, vợ mười. Họ chuyện trò với nhau, moi móc đủ tính xấu của Nguyễn Đăng Hành, nào là đa tình phóng đãng, nào là nghèo rớt mùng tơi, nào là vô trách nhiệm không ai bằng (nghèo như Đăng Hành, tài sản chỉ có mấy trăm bài thơ, thì lấy gì mà có trách nhiệm), vậy nhưng, sau một số ngày suy nghĩ, họ đều gật đầu đồng ý lên xe hoa. Bà cả, bà út cùng hai mấy đứa con đều góp mặt mổ lợn, mổ gà, lo cho cái đám cưới chu toàn.

Ngoài ra, trước khi cưới vợ, Đăng Hành còn tuyên bố với bà vợ tương lai: “Anh sẽ giúp đỡ nghiêm chỉnh, nhưng anh thích tự do. Ngoài thơ ca, anh là thằng vô tích sự nhất trên đời. Anh không làm ra vật chất, nên đừng hy vọng gì ở anh, vì càng hy vọng sẽ càng thất vọng. Anh là chỗ đường cùng mà em tìm đến. Còn nhìn thấy tương lai, em cứ việc lên đường. Nhưng trước khi đi với thằng khác thì em nói trước với anh 2 ngày. Nói rồi, em đi đâu thì đi, đi với thằng nào cũng được”.

Có một điều lạ là, tất cả 16 bà, sau khi đã động phòng hoa chúc với thi sĩ, thì không có bà nào lên xe hoa lần nữa, dù Đăng Hành tuyệt đối ủng hộ các bà đi tìm hạnh phúc riêng. Đăng Hành cũng chả giấu gì, rằng mấy ông bạn thơ, khi làm bạn với Đăng Hành, cứ mắt lơ mày láo nhòm vợ anh. Có ông nhà thơ nổi tiếng, tưởng mấy bà vợ Đăng Hành là thứ gái đú, ai cưỡi cũng được, đã buông lời ong bướm, gạ gẫm, nhưng đều thất bại. Chuyện đó Đăng Hành biết thừa, Đăng Hành chả thèm chấp, vì với Đăng Hành, giống đực mà mê gái cũng là lẽ thường tình.

Nói về tài cán, ngoài làm thơ, thi sĩ Nguyễn Đăng Hành chỉ có mỗi tài thợ mộc. Treo cưa gác đục thì có thêm nghề đóng gạch, nhưng làm việc tùy hứng. Từng đi lính cán bộ dân vận, làm cán bộ xây dựng ở huyện, chuyên môn đóng bàn tủ, rồi về hưu non năm 1981, giờ lĩnh lương chưa tới triệu bạc. Hồi trẻ Đăng Hành đẹp giai ngời ngời, đẹp giai đến nỗi, có một hoa khôi ở Văn Giang, nhất định không chịu chọn một trong hai công tử con quan đất Văn Giang và Gia Lâm, mà đến ngủ ròng rã hàng năm với anh thợ mộc trình độ lớp 7 Nguyễn Đăng Hành.

Quãng đời làm thợ mộc của Đăng Hành, chính là thời kỳ tuyển vợ hăng hái nhất. Sau khi về hưu, Đăng Hành phóng xe “ba bét nhè” đi khắp gầm trời, lưng đeo cưa (không phải kiếm), hông đeo đục (không phải súng) làm thợ mộc. Ai thuê gì, Đăng Hành làm việc đó. Từ đóng giường tủ, bàn ghế, đến cái máng lợn, anh đều làm được. Cứ ngày cưa xẻ đục đẽo, tối lại rậm rựt làm thơ.

Có lẽ, cưa đục giỏi, làm thơ hay, tài nói chuyện thiên bẩm, đã khiến những người đàn bà gặp thi sĩ Đăng Hành chết mê chết mệt, rồi chấp nhận làm lẽ. Riêng cái dốc Văn Giang, thi sĩ Đăng Hành đã “xơi tái” 4 bà liền. Điều lạ là cả 4 bà này đều biết nhau, đều biết anh chàng thợ mộc kiêm thi sĩ đa tình bậc nhất.

Giờ đây, tuy đã ngót 60, song chưa một ngày thi sĩ Đăng Hành ngồi yên một chỗ. Anh bảo, cái tên Đăng Hành, có nghĩa là lên đường, đã ám vào cuộc đời anh, nên ngồi một chỗ quá một tiếng là anh không thể chịu nổi. Nếu không đi khắp các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội để gặp gỡ, bình thơ, uống rượu với các nhà thơ, thì cũng đi thăm lần lượt các bà vợ. Có những chuyến “đăng hành” bình thơ của Đăng Hành dài đến nửa tháng. Thế nên, nhiều nhà thơ tỉnh lẻ, đã phong Đăng Hành là người yêu thơ nhất Việt Nam!

Thi sĩ Nguyễn Đăng Hành chính thức kết thúc cuộc trường kỳ tuyển vợ vào tuổi 53, tức là cách nay 7 năm, với cô vợ út, là giáo viên ở Bắc Ninh. Sau cuộc hôn nhân này, cho ra đời 2 đứa con, đứa bé mới chập chững biết đi, Đăng Hành tuyên bố sẽ không cưới thêm bất kỳ bà nào nữa và cũng chấm dứt thẳng thừng cái việc cho con. Tất nhiên, chả ai tin cái lời tuyên bố phát ra từ miệng kẻ đa tình bậc nhất ấy.

Mới đây, cô vợ út tỉ tê với chồng, rằng: “Anh ơi, anh hãy làm một việc thiện cuối cùng, ấy là cho cô bạn thân của em một đứa con. Bạn em là công nhân, đã tuổi băm rồi mà vẫn đơn chăn gối chiếc”. Nhưng, thi sĩ Nguyễn Đăng Hành chối phắt: “Thôi, anh chào vĩnh biệt. Anh giờ 60 rồi, chất lượng tinh trùng giảm sút, lão hóa rồi, sản phẩm mà không khỏe mạnh, thông minh, không khéo gây tội ác, gánh nặng cho xã hội. Nhỡ nó bị “đao”, ngớ ngẩn thì sao?”. Thi sĩ Đăng Hành cũng không giấu giếm, rằng từ ngày anh tuyên bố “giải nghệ”, có không ít bà đến nhờ vả, nhưng anh nhất mực từ chối.

Người tàn tật, cô đơn nhất thế gian!

Để tìm hiểu thực hư chuyện 16 bà vợ, tôi gặp anh Vũ – Phó Chủ tịch UBND xã Đa Tốn. Anh Vũ là người cùng làng Khoan Tế với thi sĩ Nguyễn Đăng Hành. Anh Vũ bảo: “Đúng là ông Đăng Hành thợ mộc biết làm thơ có 15-16 bà vợ, mỗi tỉnh, mỗi địa phương đều có một vài bà, dân làng đều biết, nhưng không thấy ra xã trình báo, đăng ký gì cả. Ông ấy sống hiền lành, không vi phạm, không động chạm gì đến hàng xóm cả”.

Từ thông tin xã cung cấp, chị gái cung cấp, làng xóm cung cấp và chính miệng thi sĩ Đăng Hành kể lể, chứng cớ là hàng đống ảnh chụp cưới xin, thì quả thực thi sĩ Đăng Hành có 16 bà vợ. Nhưng vì sao, lúc này, trong căn nhà từng chứng kiến 16 lần thi sĩ Đăng Hành làm lễ phu thê giao bái, lại như một căn nhà hoang, không có lấy một người đàn bà?
Những ai một lần đến nhà thi sĩ Đăng Hành, có lẽ, điều ấn tượng nhất không phải là chuyện anh làm thơ hay, lấy nhiều vợ, mà là được chứng kiến một cái… ổ chuột hôi hám, bẩn thỉu, kỳ dị. Căn nhà đã nhỏ, nhưng rác rưởi, bát đĩa, chai lọ ngổn ngang khắp nơi. Cưa, đục, lốp xe treo lủng lẳng đầy mái nhà.

Thi sĩ Đăng Hành kể, có lần, ngồi uống rượu với ông bố vợ ở Văn Giang, ông bố vợ chửi: “Mày là thằng vô trách nhiệm. Con mày là đứa xinh nhất thôn này, cả 6 năm liền nó là học sinh giỏi, mà mày chẳng bao giờ thèm hỏi đến nó một câu”. Thi sĩ Đăng Hành bảo: “Đấy, tớ đểu thế đấy, con mình là học sinh giỏi mà cũng không biết. Riêng bà này, đẻ xong cho bà ấy một đứa, tớ ít qua lại, nên không biết nó là trai hay gái, mấy tuổi rồi. Riêng vụ này thì tớ vô tình thật”.

Thi thoảng, gặp các con, thi sĩ Đăng Hành lại dặn các con, rằng nếu người ta mà nói với con, bố mày vợ nọ, con kia, bỏ mặc chúng mày nghèo đói, thất học, thì các con nói đỡ cho bố một tiếng, rằng “bố cháu là nhà thơ ạ!”.

Cứ nhìn cái ngôi nhà của thi sĩ Đăng Hành thì biết anh nghèo thế nào. Đến cái chỗ kê bát cũng không có, phải tha mấy tấm bia mộ người ta bỏ đi đem về làm giá. Lương mất sức của anh chỉ được gần triệu bạc. Thơ anh tháng nào cũng đăng báo, phát trên đài, nhưng thu nhập từ thơ cũng chỉ được đôi ba trăm bạc, không đủ mua rượu ăn mừng. Hàng ngày, ngoài lúc làm thơ, gặp bạn thơ, anh vẫn đi đóng gạch thuê cho một ông chủ ở gần nhà kiếm vài chục ngàn đồng. Cứ khi nào có lương, là Đăng Hành biến mất khỏi ngôi nhà ở Khoan Tế. Anh đi gặp bạn thơ để ăn nhậu, bình thơ, gặp vợ, thăm con, ai nghèo, ai thiếu thì anh cho hết. Hết tiền, anh lại về làng… đóng gạch.

Ngoài những lúc lên đồng với thơ, vô ngã, vô chú, vô chứ, vô tranh, vô danh, vô cầu, vô vi… với thơ, đôi lúc, anh cũng buồn, cũng xót với cái nghèo của mình, vì không thể đem thơ ra xào nấu thành món ăn no bụng.

Bà chị Nguyễn Thị Kỷ kể, cưới vợ được một thời gian, đưa vợ về nhà được dăm hôm bẩy bữa, thằng em vô trách nhiệm của bà lại đuổi họ đi. Lý do Đăng Hành đuổi vợ đi là vì, có vợ ở nhà, vợ la, con khóc, gã không thể làm thơ được.

Đăng Hành bảo, trước khi cưới bà nào về, anh đã nói trước rồi, anh thích sự tự do, không thích ràng buộc, vì anh là thằng vô tích sự. “Cả 16 bà đều thích tớ, đều yêu tớ mê mệt, tranh nhau đòi về ở với tớ đấy. Mấy bà cứ đòi bán đất, đem tiền về xây biệt thự ở chung với tớ. Này nhé, đất ở Thường Tín, Văn Giang, Gia Lâm, Long Biên của các bà đều bạc tỉ đấy. Nhưng Nguyễn Đăng Hành bảo sao rẻ thế, tự do của Nguyễn Đăng Hành mà có bạc tỉ thôi à?”.
Mỗi lần cưới vợ, Nguyễn Đăng Hành cho tân nương được hai lựa chọn: Một là ở nhà chồng, hai là Đăng Hành ở rể. Dù ở nhà chồng hay ở rể, hễ bà vợ có con rồi, Đăng Hành sẽ nói “bai bai” để đi tìm tự do tự tại với bầu rượu, túi thơ.

Nói về những bà vợ, thi sĩ Đăng Hành thường gọi họ là đồ ế, đồ thiu, đồ thừa, đồ đáng thương, là Thị Nở của xã hội, còn anh là Chí Phèo tái thế, nhưng kể chuyện về những đứa con, thi sĩ Đăng Hành không khỏi lộ vẻ tự hào. Có đứa đang là kỹ sư, có đứa đang học đại học, có đứa là học sinh giỏi nhiều năm liền, có đứa thi thoảng lại qua nhà thăm bố, dúi cho bố ít tiền uống rượu, có xăng để đi gặp bạn thơ. Cũng có lúc, cả chục đứa tề tựu đông đủ, nhưng cũng có lúc, trong thời gian dài, chả thấy đứa nào hỏi đến ông bố, người mà chỉ có mỗi công là giúp mẹ nó đẻ ra nó, cho nó mang họ, còn lại thì hoàn toàn vô trách nhiệm.

Vậy đấy, sống giữa đàn vợ và bầy con, thế mà Nguyễn Đăng Hành lúc về già vẫn cô đơn giữa căn nhà hoang với cỏ dại và hai cây ổi chẳng chịu trổ hoa. Tôi nhớ láng máng, có một nhà tâm lý nói rằng, đàn ông càng yêu nhiều, càng cô đơn, và cái hành trình lấp đầy nỗi cô đơn sẽ chỉ làm cho họ thêm trống rỗng. Và như vậy, cuộc đời thi sĩ Đăng Hành đa tình kia cũng chả sung sướng gì. Anh vẫn bảo, Hành nghĩa là giời hành mà lại.

[links()]

  • Phạm Ngọc Dương

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc