Mao Nhân Phượng cực kỳ mê tín và đặc biệt tin vào các thuật tướng số, phong thủy. Mao cho rằng, vận mạng con người có liên quan mật thiết tới tướng số. Nhiều người cho rằng, việc Mao Nhân Phượng ngồi ở một văn phòng xấu, ở một ngôi nhà nhỏ không hề đắt tiền là biểu hiện của sự giản dị, liêm khiết nhưng trên thực tế tất cả chỉ vì Mao tin theo phong thủy mà thôi…
1. Sau khi Đới Lạp, “đệ nhất sát thủ” dưới quyền Tưởng Giới Thạch đồng thời cũng là ông trùm của Cục Quân thống, tổ chức đặc vụ của Quốc dân đảng chết trong một tai nạn máy bay vào năm 1946, người được lựa chọn cho Đới Lạp chính là Mao Nhân Phượng. Mặc dù là người kế thừa Đới Lạp tuy nhiên, sự hung hiểm và tàn bạo của Mao Nhân Phượng thì hoàn toàn vượt xa so với sát thủ họ Đới.
Mao Nhân Phượng sinh năm 1897 ở huyện Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Họ Mao vốn tên thật là Mao Thiện Dư, biệt danh thường dùng là Dĩ Viêm. Mao với Đới Lạp không chỉ là “đồng chí” mà còn là đồng hương, đồng niên và là bạn cùng lớp tiểu học.
Năm Tuyên Thống thứ 3, tức năm 1911, khi đó 14 tuổi, Mao Nhân Phượng thi vào trường tiểu học cao đăng Văn Khê của huyện Chiết Giang. Sau khi tốt nghiệp tiểu học tại đây, Mao Thiện Dư đổi tên thành Mao Nhân Phượng và tiếp tục thi vào trường trung học Công lập Số 1 của tỉnh Chiết Giang.
Năm 1920, 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học, Mao nhận một chân giáo viên tại một trường tiểu học ở huyện Giang Sơn. Cuối năm 1925, Mao Nhân Phượng quyết định thi vào Trường Quân sự Hoàng Phố chi nhánh tại Triều Châu. Một năm sau, khi trở về quê nhà lo việc ma chay Mao Nhân Phượng đã tình cờ gặp gỡ Đới Lạp.
Lúc bấy giờ Đới Lạp đang gặp vận hạn, hoạn lộ không mấy thuận lợi, chán nản nên tìm về quê nhà.
Mao Nhân Phượng nói với Đới Lạp rằng, hiện tại tinh thần của cách mạng đều tập trung tại Hoàng Phố và cực lực khuyên Đới Lạp nên tới thi vào Trường Quân sự Hoàng Phố. Đới Lạp đã nghe lời Mao Nhân Phượng, thi vào trường Hoàng Phố.
Quyết định này đã tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời họ Đới. Sau này, khi đã trở thành “cận thần” được Tưởng Giới Thạch rất mực sủng ái và tin dùng, Đới Lạp cũng không quên người bạn cũ đã giúp ông ta thay đổi cuộc đời, thường xuyên tin dùng và cất nhắc Mao Nhân Phượng.
Mao Nhân Phượng có một người em ruột tên là Mao Vạn Lý. Năm 1932, Mao Vạn Lý thi vào trường sĩ quan cảnh sát ở Hàng Châu.
Khi kết quả vẫn chưa được công bố thì Mao Vạn Lý và Mao Nhân Phượng biết rằng Đới Lạp chính là quan chủ khảo của đợt thi tuyển đó. Mao Nhân Phượng đã viết thư gửi cho Đới, nói rõ về việc thi cử của Vạn Lý. Nhận được sự quan tâm của Đới Lạp, chỉ một năm sau, Mao Vạn Lý đã trở thành một trợ thủ đắc lực làm việc bên cạnh ông trùm họ Đới.
Một hôm, Đới Lạp đột nhiên hỏi Mao Vạn Lý về tình hình của Mao Nhân Phượng mới biết rằng Mao Nhân Phượng đang làm một chức trưởng phòng tại cơ quan chính quyền của huyện Sùng Đức.
Để tưởng thưởng công lao của người bạn cũ, Đới Lạp quyết định cất nhắc Mao Nhân Phượng.
Sau khi Mao Nhân Phượng đồng ý, Đới Lạp đã sắp xếp để Mao giữ chức Thư ký Văn phòng Đặc phái viên Chính trị của trường đào tạo sĩ quan Hàng Châu. Bắt đầu từ đây, Mao Nhân Phượng chính thức trở thành một thành viên của Cục Quân thống.
2. Ấn tượng mà Mao Nhân Phượng để lại trong người đối diện là chân thành, trung hậu và thuận phác. Khi làm việc, Mao tỏ ra rất tận tụy, không ngại khó, ngại khổ. Dù là có việc hay không có việc, Mao cũng không bao giờ rời khỏi văn phòng làm việc, luôn nỗ lực làm tốt nhất phận sự và chức trách của mình.
Nhìn bề ngoài, người ta sẽ cho rằng, Mao là kẻ không tồn tại một chút dã tâm hay tham vọng nào thậm chí còn có một chút ngây thơ, ngờ nghệch.
Năm 1935, Mao Nhân Phượng được điều chuyển tới làm chức trưởng ban số 1, thuộc phòng số 3 của Văn phòng hành dinh Vũ Hán cấp bậc thiếu tá.
Cuối năm đó, Mao tiếp tục được điều chuyển tới trưởng phòng số 3 văn phòng Bộ Tổng tư lệnh “tiễu phỉ” (tên mà Tưởng Giới Thạch gọi phong trào truy quét tiêu diệt lực lượng quân Cộng sản Trung Quốc) ở Tây An.
Năm 1936, Mao một lần nữa được điều chuyển về làm thư ký cơ yếu của cơ sở đặc vụ đặt tại Nam Kinh.
Từ lộ trình thăng quan tiến chức của Mao, có thể thấy Mao không phải là một trong 10 thành viên sáng lập nên Cục Quân thống mà chỉ là kẻ “nửa đường xuất gia”. Mãi tới khi cuộc chiến tranh Trung – Nhật nổ ra thì Mao Nhân Phượng mới được điều chuyển về làm thư ký của Cục Quân thống.
Vì vậy, Mao không phải là người có nhiều kinh nghiệm cũng như vây cánh thế lực trong Cục Quân thống của Quốc dân đảng.
Mao Nhã Phương |
Tuy nhiên, so với những người khác Mao lại thăng tiến rất nhanh, đặc biệt là kể từ sau khi Đới Lạp chết, Mao nhanh chóng có được sự sủng tín của Tưởng Giới Thạch, đánh bại hai đối thủ mà cả tư cách lẫn kinh nghiệm đều hơn Mao rất nhiều là Trịnh Giới Dân và Đường Tung để nắm “đại quyền” của Cục Quân thống.
Trên thực tế, sự thăng tiến thần tốc và có phần khó tin này của Mao Nhân Phượng không phải không có chỗ thần bí, ảo diệu của nó. Sự ảo diệu này có thể quy về 5 chữ là: Tiếu (cười), Cần (cần cù), Nhẫn (nhẫn nhịn), Ngận (hung hiểm), Mê (mù mờ).
Cười, tức là luôn thường trực một khuôn mặt cười để đối diện với cả kẻ trên lẫn người dưới. Mao Nhân Phượng khi làm chức quyền thư ký ở Cục Quân thống đã nổi tiếng là một “con hổ có khuôn mặt cười”. Trước sau, người ta chưa từng thấy Mao Nhân Phượng nổi giận bao giờ.
Điều này ngược hẳn với Đới Lạp. Đới Lạp là một kẻ càng làm quan to, tính khí càng nóng nảy khó chiều, nhiều khi chỉ vì một chuyện nhỏ mà sẵn sàng đánh mắng những người liên quan.
Mỗi lúc Đới Lạp nổi nóng như vậy, Mao Nhân Phượng lại trước mặt Đới Lạp tự nhận hết trách nhiệm về mình, khiến cho những người bị Đới Lạp khiển trách và chửi mắng luôn cảm kích và mang ơn với Mao.
Điều đáng nói là, tất cả những việc dù nhỏ hay lớn mà Mao đứng ra nhận trách nhiệm về mình, Mao nhất định sẽ tìm cách để những kẻ mà ông ta chịu tội thay phải biết rõ để mà cảm kích ông ta.
Chính nhờ thủ đoạn này, Mao Nhân Phượng ngày càng có nhiều sự ủng hộ của các đặc vụ và nhân viên trong Cục Quân thống.
Không chỉ ở trong Cục Quân thống, ngay cả ở bên ngoài, Mao Nhân Phượng cũng chưa bao giờ tác oai tác quái, luôn sẵn sàng nín nhịn ngay cả với những người bên ngoài.
Ngoài việc sẵn sàng chịu oan ức thay cho người khác, Mao Nhân Phượng còn sẵn sàng giúp người khác khi gặp nạn đặc biệt là những người có thể cầu cạnh Diệp Tường Chi, phó trưởng phòng tình báo chính trị đảng thuộc Cục Quân thống cùng với Đàm Vinh Chương, đội trưởng điều tra là Đàm Vinh Chương nảy sinh chuyện dan díu với nữ đặc vụ của đại đội điều tra là Dương Cát Xương.
Sau này, Dương vì phá thai chảy máu quá nhiều nên qua đời. Những người bạn của Dương hợp nhau tố cao Diệp và Đàm. Mao Nhân Phượng biết chuyện đã đứng ra dàn xếp khiến sự việc từ có thành không, cả Diệp và Đàm đều bình an vô sự.
Do Mao Nhân Phượng thường xuyên trước mặt Đới Lạp bào chữa, bênh vực cho người khác nên Đới Lạp thường trách Mao là “bụng dạ bồ tát”, không phải bậc “đại trượng phu”, không thể làm được việc lớn.
Trước những lời trách mắng của cấp trên cũng là bạn học của mình, Mao Nhân Phượng chỉ cười mà không nói. Đới Lạp được Tưởng Giới Thạch tín nhiệm, giao cho nhiều quyền bính trong một thời gian rất dài, vì thế thường tỏ ra kiêu ngạo, ngang ngạnh. Do vậy, Đới Lạp khiến không ít những kẻ có thế lực cảm thấy “ngứa mắt”, những người thù ghét tưởng vì thế rất nhiều.
Tuy nhiên, Mao Nhân Phượng lại không hề như vậy. Trước sau, Mao Nhân Phượng không hề đắc tội với những kẻ có quyền lực, ngược lại ông ta luôn tìm cách để điều hòa mối mâu thuẫn giữa những người này và Cục Quân thống vốn tồn tại lâu nay.
3. Tinh thần làm việc chăm chỉ cần cù của Mao Nhân Phượng nổi tiếng khắp cả Cục Quân thống. Người ta luôn thấy Mao Nhân Phượng âm thầm ngồi ở văn phòng, xử lý các loại giấy tờ, văn kiện. Mỗi lần văn phòng đặc phái viên tổ chức hội nghị chỉ đạo chính trị, Mao Nhân Phượng không hề nói một lời, chỉ gập người để ghi chép. Những hình ảnh này gây cho những người xung quan một ấn tượng rất tốt.
Năm 1942, Đới Lạp có ý định điều chuyển Khương Thiệu Mô thay thế công việc của Mao Nhân Phượng để đưa Mao đi học tại trường cao đẳng quân sự.
Hôm đó, Khương Thiệu Mô tới Trùng Khánh ở tại trụ sở chính của Cục Quân thống. Khương có thói quen dậy sớm nên hôm đó tỉnh dậy từ lúc 5 giờ đi dạo ở ngoài vườn. Đang đi thì Khương thấy ánh đèn trong phòng bí thư vẫn sáng.
Mở cửa bước vào, Khương thấy Mao Nhân Phượng ngồi trên bàn đọc công văn, bèn hỏi: “Ông dậy sớm thế?” Mao Nhân Phượng đáp: “Cả đêm qua tôi không ngủ”. Việc Mao Nhân Phượng làm việc suốt cả đêm như vậy khiến Khương Thiệu Mô cảm thấy sợ hãi.
Khương vội tìm Đới Lạp, nói rằng, sức khỏe mình không tốt nên từ chối đảm nhiệm vị trí công việc của Mao.
Sau này, do Đới Lạp kiêm quá nhiều chức vụ khác nhau nên không thể theo dõi, quản lý sát sao công việc của Cục Quân thống được. Vì thế Mao Nhân Phượng lại cả ngày vùi đầu ở Cục Quân thống, một tay thay thế Đới Lạp xử lý tất cả mọi việc. Chính vì thế, với công việc của Cục Quân thống.
Tưởng Giới Thạch nhiều lần hỏi Mao Nhân Phượng về tình hình công việc của Cục Quân thống, Mao đều trả lời rất trôi chảy. Điều này đã khiến Tưởng có ấn tượng rất tốt đối với Mao Nhân Phượng.
Những báo cáo của các đặc vụ trong Cục Quân thống hễ qua tay Mao Nhân Phượng đều được xử lý tới nơi tới chốn. Vì vậy, các đặc vụ trong Cục Quân thống cũng rất thích tìm Mao để nhờ vả.
Trong thời gian chiến tranh, Mao Nhân Phượng ở trong một căn phòng chừng 10 m2, cả ngày chỉ ngồi lỳ trong phòng đọc và xử lý các loại văn kiện, giấy tờ, thậm chí có nhiều đêm không ngủ.
Các nhân viên của Cục Quân thống bất cứ lúc nào cũng có thể tìm Mao để giải quyết công việc và Mao cũng xử lý công việc rất nghiêm túc chứ không qua loa đại khái. Đây chính là chữ “Cần” (chăm chỉ) trong sự thành công của Mao Nhân Phượng.
Mao Nhân Phượng cũng là người có khả năng nhẫn nhịn hơn người thường. Mao Nhân Phượng từng có ba câu nói rằng: “Không được cho cái gì cũng là thật, không được tức giận và không được hời hợt”.
Trong thời kỳ chiến tranh, các đơn vị công khai ở Trùng Khánh nằm trong quyền kiểm soát của Cục Quân thống rất nhiều vị thế, những người phụ trách các bộ phận của Cục thường xuyên lấy cơ thị sát để vòi tiền của những đơn vị cấp dưới.
Tuy nhiên, Mao Nhân Phượng trước sau không hề đi thị sát. Rất nhiều đơn vị thậm chí còn viết thư mời Mao đi thị sát nhưng Mao nói rằng mình không phải là người có trách nhiệm nên từ chối không đi.
Trong những trường hợp không thể từ chối được, Mao Nhân Phượng cũng không chỉ đi thị sát rồi làm báo cáo nghiệp vụ chứ không hề tỏ ra mình là thượng cấp, lãnh đạo.
Mỗi khi Đới Lạp ra ngoài, trong buổi lễ kỷ niệm tổ chức hàng tuần của Cục Quân thống, Mao Nhân Phượng đều mời Trịnh Giới Dân và Đường Tung ra mặt chủ trì, tự mình trước sau không bao giờ ra mặt.
Điều này khiến không chỉ Trịnh Giới Dân, Đường Tung mà ngay cả Đới Lạp đều cho rằng, Mao Nhân Phượng là người không hề có dã tâm.
Trong cách nhìn của Tưởng Giới Thạch thì Mao Nhân Phượng cũng giống như Đới Lạp, là một nhân tài trong việc giải quyết những công việc nội bộ. Do công việc, Mao Nhân Phượng đã gặp Tưởng Giới Thạch rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ có ý kiến với Tưởng Giới Thạch về công việc của mình.
Sau khi Đới Lạp chết, Tưởng Giới Thạch muốn Trịnh Giới Dân chủ trì công việc ở Cục Quân thống, còn dặn dò Mao Nhân Phượng phải hết sức giúp đỡ Trịnh. Mao Nhân Phượng lại một lần nữa phải nín nhịn, chôn chặt dã tâm của mình để chờ cơ hội tới.
Nhờ triệt để sử dụng ba chữ “Tiếu”, “Cần” và “Nhẫn”, Mao Nhân Phượng cuối cùng đã đánh bại được Trịnh Giới Dân và Đường Tung, nắm được toàn bộ quyền lực trong Cục Quân thống. Cũng bắt đầu từ khi trở thành ông trùm của Cục Quân thống thì bộ mặt bồ tát từ bi được Mao Nhân Phượng trang bị bấy lâu cũng bị lột bỏ.
Đầu tiên, Mao Nhân Phượng đánh gục Trịnh Giới Dân. Trịnh Giới Dân trước nay tỏ ra là người thanh cao, liêm khiết không bao giờ ra mặt ăn tiền mà để vợ mình lộ diện. Mã Hán Tam, chủ nhiệm trạm Bắc Bình của Cục Quân thống đã đem một lượng tiền lớn tham ô từ việc phóng thích tù binh Nhật đưa cho vợ của Trịnh.
Mã Hán Tam và Mao Nhân Phượng lại là chỗ bạn bè cũ nhưng khi Mao đánh đổ Trịnh Giới Dân cũng không hề tiếc phải hy sinh Mã.
Mao đã tố cáo Mã tội tham ô, báo cáo với Tưởng Giới Thạch khép Mã Hán Tam vào chỗ chết. Trịnh Giới Dân cũng chẳng còn biết làm thế nào chỉ nuốt hận, trách mình đã nhìn nhầm người.
4. Mao Nhân Phượng có một người cháu họ tên là Mao Sâm, cũng là một nhân viên đặc vụ của Cục Quân thống. Khác với người chú của mình, Mao Sâm nổi tiếng với những thủ đoạn tàn bạo, hung hiểm.
Nhưng cũng vì thế, Sâm rất được Mao Nhân Phượng tin dùng. Trước khi phe Quốc dân đảng thất bại trong cuộc nội chiến, Mao Sâm và đặc vụ Mỹ đã cấu kết với nhau, không chịu tuân theo.
Mao Nhân Phượng lập tức trở mặt, không nề hà chuyện ruột rà máu mủ, ra lệnh sai người giết chết Mao Sâm. Tuy nhiên, thời điểm đó, quân Quốc dân đảng sắp sửa thất bại nên kế hoạch ám sát cháu họ của Mao Nhân Phượng không thực hiện được.
Đối với bạn bè và người thân của mình, Mao Nhân Phượng còn sẵn sàng tàn nhẫn thì đương nhiên với kẻ đối địch, họ Mao không nề hà gì chuyện “diệt cỏ tận gốc”, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”.
Ngay đến một đứa trẻ, Mao cũng không tha. Bất cứ ai động chạm tới quyền lợi của Mao, đều bị Mao tìm cách trả thù bằng được. Cục Quân thống có tổ chức sản xuất một tờ báo ở Quý Dương.
Một lần, trong một bài báo có nhắc tới tên của Hà Ứng Khâm, nói rằng Hà là người giàu có nhất tỉnh Quế Châu. Hà biết chuyện tức giận lắm, gọi điện hỏi Mao Nhân Phượng.
Mao Nhân Phượng muốn lấy lòng Hà Ứng Khâm, lập tức ra lệnh đình bản tờ báo này đồng thời miễn luôn chức của Châu Dưỡng Khiết, trạm trưởng trạm tình báo Quý Châu của Cục Quân thống. Các thành viên của Cục Quân thống đều cho rằng xử lý như vậy là quá nặng đối với Châu Dưỡng Khiết.
Mao Nhân Phượng nói: “Từ này về sau nhất định không được để cho sự việc tương tự xảy ra, cũng không bao giờ được để những việc như vậy làm phiền ta. Ngay cả những việc đến Tưởng Ủy viên (Tưởng Giới Thạch) còn nhìn quen mắt thì việc gì chúng ta phải đắc tội với người ta? Làm thế thì có lợi gì cho chúng ta?”.
Việc đối xử với những kẻ từng phản bội đảng Cộng sản làm việc Quốc dân đảng thì sự tàn nhẫn của Mao Nhân Phượng càng hơn hẳn so với người tiền nhiệm Đới Lạp. Trong đó, sự việc thể hiện rõ nhất sự tàn bạo của Mao Nhân Phượng chính là thời điểm cuộc nội chiến sắp kết thúc và Quốc dân đảng sắp bỏ chạy ra đảo Đài Loan.
Trong thời điểm tình hình nguy cấp, những kẻ từng phản bội đảng Cộng sản này đều vội vàng muốn chạy khỏi đại lục để tránh bị trả thù tuy nhiên, Mao Nhân Phượng đều không chấp thuận cho ai được rời khỏi đại lục. Ngay cả tổ trưởng tổ công tác nghiên cứu vấn đề chính trị là Cù Mộng Thu cũng bị bỏ lại.
Những kẻ này đều chạy tới chỗ của Mao Nhân Phượng, khóc lóc cầu xin Mao cho phép mình cùng rời khỏi đại lục nhưng Mao kiên quyết từ chối.
Mao Nhân Phượng cho rằng, những kẻ đã phản lại đảng Cộng sản thì phải để lại cho đảng Cộng sản. Như vậy, chúng sẽ bị truy bắt và xử tội. Với một số lượng lớn như vậy, những kẻ phản bội này sẽ gây ra nhiều phiền toái cho đảng Cộng sản.
Thêm nữa, nếu như “đuổi cùng giết tận” sẽ tạo nên dư luận rất xấu cho đảng Cộng sản. Quả thực là “một mũi tên trúng hai đích”.
5. Mao Nhân Phượng cực kỳ mê tín và đặc biệt tin vào các thuật tướng số, xem tướng, phong thủy. Mao cho rằng, vận mạng con người có liên quan mật thiết tới tướng số. Trong số thuộc hạ của Mao có một người tên là Phan Kỳ Vũ, làm chức chủ nhiệm văn phòng Cục trưởng Cục Bảo mật, cực kỳ thông thạo tướng số nên rất được Mao tin dùng.
Sau này, dù ở bất cứ đâu hễ phát hiện thầy tướng số có tiếng tăm là Phan lại dẫn tới tiến cử cho Mao. Những lời của thầy tướng số, Mao tin còn hơn mệnh lệnh của cấp trên.
Có một thầy tướng số nói rằng, trong Ngũ hành thì Mao Nhân Phượng thiếu mất “hỏa”, do vậy phải tìm mọi cách để bổ sung hỏa thì vận mạng mới được may mắn.
Đây chính là lý do khi tới làm việc ở Cục Quân thống, Mao Nhân Phượng đã lấy tên là Dĩ Viêm (chữ Viêm trong tiếng Hán là hai chữ Hỏa ghép lại với nhau) và trước sau chỉ sử dụng có một tên này.
Một chuyện mê tín khá hài hước khác của Mao Nhân Phượng chính là việc Mao nhất định không chịu sử dụng những đồ đạc, nhà cửa do Đới Lạp chết đi để lại.
Sau khi Đới Lạp chết trong tai nạn máy bay ở Nam Kinh, những đồ vật mà Đới Lạp để lại ở Cục Quân thống rất nhiều từ xe hơi, phòng ốc.
Tuy nhiên, Mao Nhân Phượng ra lệnh vứt bỏ toàn bộ, không dùng bất cứ thứ gì. Mao cho rằng sử dụng lại những đồ vật của Đới Lạp sẽ gặp xui xẻo như chính vận mạng của họ Đới.
Vì vậy, chiếc xe hơi của Đới mà thường ngày Mao tranh giành sử dụng với Trịnh Giới Dân và Đường Tùng thì nay Mao cho lại một thư ký.
Sau khi khi cuộc chiến tranh Trung Nhật kế thúc, Đới Lạp đã bỏ ra rất nhiều tiền mua nhiều nhà cửa tại Nam Kinh và Thượng Hải. Những ngôi nhà này đều rất sang trọng và đắt tiền.
Tuy nhiên, sau khi Đới Lạp chết đi, Mao Nhân Phượng nhất định không chịu đến ở trong nhà của Đới Lạp mà sẵn sàng ở nhà xấu, sẵn sàng bỏ công sức tự tìm nhà. Văn phòng đẹp nhất, to nhất trong tòa lầu của Cục Quân thống là do Đới Lạp tự tay thiết kế, Mao Nhân Phượng cũng nhất định không chịu sử dụng.
Mao nhờ Phan Kỳ Vũ tìm một thầy phong thủy có tiếng tới, tính toán những văn phòng có phong thủy tốt với vận mệnh của mình rồi mới dọn văn phòng tới đó làm việc.
Tuy văn phòng mới này xấu xí hơn so với văn phòng của Đới Lạp song Mao Nhân Phượng vẫn rất vui vẻ, bởi lẽ ông ta tin rằng ngồi ở văn phòng này sẽ mang lại cho ông ta nhiều may mắn hơn là văn phòng của Đới Lạp.
Trong mắt nhiều người, việc Mao Nhân Phượng ngồi ở một văn phòng xấu, ở một ngôi nhà nhỏ không hề đắt tiền là biểu hiện của sự giản dị, liêm khiết nhưng trên thực tế tất cả chỉ vì Mao tin theo phong thủy mà thôi.
- Hải Phong
[links()]