Chuyện mê tín hài hước của đệ nhất sát thủ Trung Quốc

06:30, Thứ năm 23/02/2012

( PHUNUTODAY ) - Đới Lạp trở thành “kẻ tín đồ trung thành” của Tổng thống Tưởng Giới Thạch.

Năm 1932, Đới Lạp được Tưởng Giới Thạch giao cho chức vụ Sở trưởng Sở Đặc vụ thuộc Bộ Tổng tư lệnh Quốc dân đảng. Từ đó, Đới Lạp trở thành “kẻ tín đồ trung thành” của Tổng thống Tưởng Giới Thạch.

Tuy nhiên, những thuộc hạ và bạn bè thân cận của Đới Lạp đều biết rằng niềm tin mà Đới Lạp dành cho vị Tổng thống thượng cấp của mình hoàn toàn không là gì đối với sự cuồng tín mà đệ nhất sát thủ Quốc dân đảng này dành cho tướng số và phong thủy

1. Người ta nói rằng, trong số rất nhiều lớp huấn luyện mà Cục Quân thống (tên gọi của Sở Đặc vụ Quốc dân đảng) tổ chức, Đới Lạp yêu cầu bắt buộc phải có một khóa giảng về tướng số và phong thủy.

Để thực hiện kế hoạch táo bạo này, Đới Lạp đã cho người lặn lội mời về Bộ Tổng tư lệnh các loại ông đồng, bà cốt nổi tiếng ở vùng Sơn Đông để làm “giảng viên”. Có thể nói là Đới Lạp không chỉ tin mà còn rất kính trọng các thầy tướng số, phong thủy.

Có lần, Cục Quân thống hợp tác với Mỹ lên kế hoạch xây dựng một trụ sở của Hội hợp tác Trung Mỹ tại La Gia Loan, thuộc chân núi phía Bắc núi Lạc Sơn. Lần đó, Đới Lạp đã đích thân đi tìm thầy tướng số để xem phong thủy, vẽ bản đồ, đánh dấu kỹ càng những vị trí nào là “long mạch”, chỗ nào không thể xây nhà, chỗ nào phải tránh “Lôi công” (thần sấm) và “Thổ địa”.

Chân dung Đới Lạp
Chân dung Đới Lạp


Công việc xem phong thủy chưa kịp hoàn tất thì Đới Lạp có việc phải đi Trùng Khánh. Không may, một người công nhân họ Liễu không biết công trình còn phải đợi Đới Lạp xem xong phong thủy, đã hấp tấp khởi động xây dựng tòa nhà. Khi Đới Lạp từ Trùng Khánh trở về, thấy mọi địa thế phong thủy đã bị phá hủy cả, nổi giận đùng đụng.

Ngay lập tức, Đới Lạp hạ lệnh giết người công nhân họ Liễu ngay trong đêm đó để tế ma quỷ.

2. Cổng nhà Đới Lạp bỗng nhiên bị sét đánh đổ. Ngay lập tức, Đới Lạp cho mời thầy tướng số về gieo quẻ, sau đó tìm tới thầy cúng để hỏi chuyện dưới âm.

Không ngờ hai ông thầy này đã hợp mưu với nhau, nói với Đới Lạp rằng ở dưới đất chỗ cổng bị đổ có một hòn đá tai họa, phải đào được nó lên thì mới thoát khỏi kiếp nạn. Đới Lạp nghe xong sợ quá, vội vàng ra lệnh cho thủ hạ đào đất tìm viên đá “quỷ”.

Tuy nhiên, đất đã đào sâu tới 3 thước mà vẫn chẳng thấy viên đá nào. Hai vị “thuật sĩ” lại nói: “Không phải ở dưới thì tất ở trên”. Vì vậy, muốn trấn tà ma thì buộc phải “ba lần xây, ba lần phá”.

Đới Lạp dù là đệ nhất sát thủ thời bấy giờ, giết người không ghê tay nhưng lại rất ngoan ngoãn nghe theo lời phán bậy của hai ông thầy rởm, vì vậy đã hạ lệnh cho thuộc hạ xây cổng lên rồi lại phá, phá rồi lại xây, cứ như vậy làm đi làm lại tới ba lần để “trừ tà ma”.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau đó, trong một trận lũ do mưa lớn tạo thành, cổng nhà Đới Lạp lại một lần nữa bị phá sập.

3. Trong thời gian hoạt động ở Cục Quân thống, mật danh mà Đới Lạp sử dụng nhiều nhất đều mang ý nghĩa là nước, hoặc gần với nước chẳng hạn như Uông Đào (Uông nghĩa là vũng nước, còn Đào nghĩa là sóng, đều gần với nước), Dư Thanh Ba (Ba cũng có nghĩa là sóng) hay Hải Đào Nguyên, Lôi Vũ Văn (trong tiếng Hán, các chữ này hầu hết đều có bộ Thủy, nghĩa là nước).

Vì sao lại Đới Lạp lại thích đặt tên liên quan tới nước như vậy? Lý do lại cũng bắt nguồn từ sự mê tín của Đới Lạp. Đới Lạp được các thầy tướng số phán rằng, tướng mệnh của ông ta là “khuyết thủy kỵ mộc” (thiếu nước và kỵ với mộc).

Vì vậy, Đới Lạp sử dụng các loại tên liên quan tới nước làm mật danh là để bổ sung phần thủy còn thiếu trong tướng mệnh của ông ta.

Trong số những tên gọi này thì tên gọi Thẩm Bái Lâm (chữ Thẩm có bộ thủy, chữ Bái nghĩa là tràn đầy, còn chữ Lâm trong tiếng Hán nghĩa là mưa dầm). Đới Lạp nghiệm thấy rằng, từ khi ông ta sử dụng tên gọi này làm mật danh thì bệnh tật rất ít khi tìm tới, thậm chí tới cả cảm cúm, nhức đầu cũng không còn, mọi công việc trở nên thuận lợi, suôn sẻ.

Vào năm 1944, sau khi ăn Tết, thư ký của Đới Lạp là Anh Lương cảm thấy cái tên Thẩm Bái Lâm đã sử dụng quá lâu rồi nên đề nghị Đới Lạp đổi tên thành Hồng Diểu (Hồng nghĩa là lớn, hồng thủy, còn Diểu nghĩa là nước mênh mang).

1
Ngoài tên là Đới Lạp, tên tự của Đới Lạp cũng là Vũ Nông,


 Đới Lạp vừa nghe đã thấy ngay cái tên mới là Hồng Diểu rõ ràng “nhiều nước” hơn là Thẩm Bái Lâm. Vì vậy, Đới Lạp không chỉ sử dụng ngay cái tên mà người thư ký vừa nghĩa ra đồng thời tặng cho người bí thư này một khẩu súng ngắn.

Một lần, Đới Lạp và cố vấn người Mỹ của ông ta ăn tiệc uống rượu. Người cố vấn đế từ Mỹ tò mò hỏi vì sao Đới Lạp lại có cái tên lạ như vậy. (Đới Lạp trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là mang nón, đội nón).

Đới Lạp ban đầu dẫn đủ sách vở để chứng tỏ rằng tên của mình bắt nguồn từ trong sách vở của thánh hiền, là một cái tên có nguồn gốc cao quý.

Tuy nhiên, một lúc sau, khi đã ngà ngà say, Đới Lạp đã quên sạch những gì mình nói trước đó, thật thà nói ra nguồn gốc cái tên kỳ dị của mình. Thì ra, năm Đới Lạp sinh ra thì nhà của cha Đới Lạp bị người ta phóng hỏa.

Vừa may lúc đó, mây đen từ đâu kéo tới rồi mưa một trận rất to, nhờ thế mà nhà Đới Lạp không bị cháy rụi thành tro. Sự việc đó khiến cha của Đới Lạp tin rằng thủy (nước) là cứu tinh của nhà họ Đới. Chính vì vậy, ông ta mới quyết định đặt tên cho con trai của mình là Đới Lạp với ý nghĩa là tránh mặt trời và cầu nước.

Ngoài tên là Đới Lạp, tên tự của Đới Lạp cũng là Vũ Nông, đều mang ý nghĩa là cần nước. Sau này, em trai của Đới Lạp cũng được đặt tên là Vân Lâm (Vân nghĩa là mây, Lâm nghĩa là mưa dầm, đều liên quan tới nước).

4. Có người còn nói rằng, do trận hỏa hoạn đó xảy ra vào đúng ngày 13 tháng 5 âm lịch, vì vậy sau này Đới Lạp rất ghét con số 13. Đới Lạp ghét con số này tới mức ông ta sinh vào ngày 13 tháng 8 năm 1896 nhưng sau đó nhất định đổi ngày sinh của mình chậm đi một ngày, tức là ngày 14.

Ngoài ra, trong một lần Đới Lạp cùng với Hồ Tông Nam đánh bài với nhau ở Tây An, khi đánh tới ván thứ 12 thì giả vờ đau bụng. Hồ Tông Nam tin là thật, cho gọi quân y tới chữa trị. Đới Lạp nhìn thấy trên hộp thuốc của vị bác sĩ quân y này có in số 13 thì nổi cáu, chửi bới rồi đuổi vị bác sĩ ra ngoài.

Khi ở Tây An, Đới Lạp đã chiếm một tòa biệt thự rất lớn của Vương Duy Chi, Quân nhu trưởng của tướng quân Dương Hổ Thành. Một hôm, Đới Lạp định cho xây lại một cái cổng mới thì phát hiện ra rằng tòa biệt thự có số nhà là 13.

Đới Lạp ngay lập tức nổi giận, cho gọi Cục trưởng Cục thị chính Tây An là Tiêu Thiệu Hưng tới quát: “Ai đặt các số nhà này?”.

Họ Tiêu vò đầu bứt tai, không hiểu chuyện gì, vội nói: “Thưa trưởng quan, căn nhà này của ông chính xác là phải mang số 13”. Đới Lạp nổi giận đùng đùng, quát: “Cái gì gọi là chính xác? Cái gì là phải? Ông đổi nó thành số 14 cho tôi”.

5. Đới Lạp tin vào tướng số và phong thủy, rất thích thủy và kiêng kỵ với con số 13. Tuy nhiên, sát thủ lừng danh của Tưởng Giới Thạch có nằm mơ cũng không thể nghĩ rằng cái chết bi thảm của ông ta lại gắn với cả “thủy” lẫn con số 13 mà Đới Lạp cho là đen đủi.

Tháng 3 năm 1946, Đới Lạp đi lên phía Bắc để thị sát. Khi máy bay chuẩn bị cất cánh từ Thiên Tân để trở lại Nam Kinh thì Đới Lạp phát hiện ra hôm đó là ngày 13/3, chính vì vậy, Đới Lạp lấy cớ là đau răng, dời chuyến bay tới ngày 17/3.

Tới ngày 17/3, trời quang mây tạnh, tâm trạng Đới Lạp rất vui vẻ, lên máy trở về Nam Kinh. Không ngờ rằng, khi máy bay về tới bầu trời Nam Kinh thì gặp đúng một trận mưa lớn, sấm sét đùng đùng, máy bay mất liên lạc với mặt đất.

 Cuối cùng, máy bay của Đới Lạp đã đâm vào một ngọn núi ở ngoại ô Nam Kinh, bốc cháy rồi rơi xuống mặt đất. Toàn bộ những người có mặt trên chuyến bay đều tử nạn. Ông trùm mật vụ Quốc dân đảng - người cả đời cầu thủy - sau khi chết đã được như ý nguyện, thi thể nằm trong mưa bão suốt 3 ngày 3 đêm mới được người tìm thấy.

Điều mỉa mai và hài hước hơn nữa là, sau khi Đới Lạp chết thảm trong tai nạn máy bay, thư ký của Đới Lạp là Viên Kỳ Tân trong một hôm nhàn rỗi mới giở âm lịch ra xem thì phát hiện ra rằng ngày Đới Lạp lên máy bay trở về Nam Kinh 17/3 lại chính là ngày 13/2 âm lịch.

Hải Phong
[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc