Những ngày qua, một đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội ghi lại cảnh một cô gái bị du khách nước ngoài kiên quyết bắt dắt xe máy trên phố đi bộ, anh ta hét lớn: “Đi bộ đi! Rất đơn giản mà. Hãy xuống xe đi!”
Khi cả những người xung quanh lên tiếng khuyên, cô gái vẫn không chịu nghe theo mà còn chống chế rằng “Cháu hiểu nó nói nhưng cháu không thích thế". Bằng thái độ dứt khoát và quyết liệt của anh chàng kia mà cô gái buộc phải xuống xe dắt bộ. Ngay lập tức chàng Tây đã vỗ tay ủng hộ hành động này.
Clip được lan truyền trên mạng thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Hầu hết là những nhận xét chê bai dè bỉu đại ý gồm vài kiểu tâm trạng như “xấu hổ”, “nhục”, “vô ý thức”,..
Video ông Tây chặn đường, bắt cô gái dắt xe máy ở phố đi bộ Hà Nội. |
Đồng ý là khi xem xong clip tôi cũng cảm thấy xấu hổ thay cô gái ấy, nhưng ai đó có buông một chữ “nhục” ra không biết có cảm thấy thực sự “nhục” không?
Và một điều nữa tôi thắc mắc là tại sao những người dân xung quanh đó không nhắc nhở cô gái mà phải chờ đến khi một du khách nước ngoài can thiệp vào. Không lẽ mình không nhắc nhở được ý thức dân mình mà phải nhờ “người ngoài” mới được?
Ai cũng biết cô gái ấy sai và chàng trai người nước ngoài kia làm vậy là đúng. Nhưng có ai tự nhìn lại rằng đã biết bao lần chúng ta cũng hành động giống cô gái ấy.
Các phương tiện đi lại “hồn nhiên” giữa phố đi bộ; giờ cao điểm xe máy xe đạp và thậm chí cả ô tô (tôi đã chứng kiến cảnh này) leo lên vỉa hè vì dưới lòng đường đông quá, trên vỉa hè thì bon bon hơn mặc sự sợ hãi và bức xúc của người đi bộ; ô tô xe máy vượt đèn đỏ, đánh võng tạt đầu xe khác, “cân” 3,4, đi sai làn,… là chuyện bình thường như trình diễn xiếc đường phố vậy.
Những lúc đó tại sao ta nghĩ là bình thường mà không thấy “nhục”?
Hay chính bởi ta coi đó là “chuyện bình thường ở phường” nên chả buồn quan tâm, để ý và định cho qua?
Một người nước “chủ nhà” vi phạm bị người nước ngoài nhắc nhở quả là không thể đẹp mặt hơn, nhưng sự thật là những du khách ấy họ cũng đã quá ngán ngẩm và sợ hãi với ý thức giao thông của nhiều người Việt “xấu xí” rồi.
Câu chuyện ý thức đến bao giờ mới kết thúc?
Dù ta không muốn phạm luật đâu nhưng thử hỏi trong những hoàn cảnh mà đèn đỏ đứng lại thì bị chửi là ngu, là điên; những phương tiện khác lấn hết làn của ta và kẹt xe tắc đường nên “buộc phải” tìm con đường khác “thoát thân”,… thì ai còn có thể “giữ mình” nổi?
Phố đi bộ mà đi xe máy được thì nên gọi là “phố đi gì cũng được”. Vỉa hè mà các loại xe đi lên đó được thì nên gọi là “đường đi gì cũng được”. Đường một chiều mà các phương tiện vẫn ngang nhiên phóng vào thì nên gọi là “đường đi chiều nào cũng được”,…
Cái sự nhục nó có vẻ chưa thể dừng lại được khi mà chúng ta còn coi đó là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”.
Và cái lối suy nghĩ này sẽ chỉ khiến chúng ta giống như con ếch trong một câu chuyện nào đó, khi thả vào nồi nước sôi nó sẽ giãy giụa ngay, nhưng cho nó vào nồi từ khi nước lạnh và đun dần đến khi sôi mà nó vẫn không biết, khi nhận ra thì… đã quá muộn.
Bởi nếu xét như vậy, người nước ngoài khi đến Việt Nam sẽ là những chú ếch phải nhảy vào nồi nước sôi, còn chúng ta là những chú ếch đang ngồi trong nồi từ lâu rồi nên đâu có nóng.
Nghĩ về quốc thể! Quốc thể sẽ được bảo vệ chính từ những việc rất nhỏ, từ những người dân bình thường, và những điều đó diễn ra hằng ngày như một việc hiển nhiên, không có gì to tát. |