Chuyện tình cảm động của thầy giáo làng tật nguyền

( PHUNUTODAY ) - Và cho tới bây giờ, anh chỉ có thể dựa vào chiếc xe lăn vì đôi chân đã không còn đi lại được.

12 tuổi cậu học trò nghèo Hoàng Văn Uyến mắc phải căn bệnh vôi hóa các khớp. Đi khắp nơi mà vẫn không chữa khỏi, tiền cũng hết, sức cùng lực kiệt. Và cho tới bây giờ, anh chỉ có thể dựa vào chiếc xe lăn vì đôi chân đã không còn đi lại được.
[links()]
Những tưởng cuộc sống đã không còn chút hi vọng gì với anh, thế nhưng cũng chính nỗi đau ấy đã cho anh quyết tâm, nghị lực và ý chí để vươn lên để vượt qua chính bản thân mình. Đặc biệt là tình yêu cổ tích của chị Phạm Thị Hằng đã giúp anh hồi sinh để tiếp tục hi vọng ở một tương lai tươi sáng.

Nghị lực vươn lên của “thầy giáo làng”

Khi tôi tới thăm, anh Uyến đang ngồi co ro bên một góc chiếc ghế, đôi chân teo tóp, tê liệt vắt lên nhau, hai tay ôm lấy đầu gối và làm chỗ tựa nhẹ cho cái đầu, khiến cho lưng anh như bị gù đi. Thấy tôi tới, anh ngó đầu ra rồi nở nụ cười hiền hậu chào đón.

Anh Hoàng Văn Uyến (40 tuổi), thôn Bãi Sậy 3, xã Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên được người trong thôn gọi là “thầy giáo làng”. Cái biệt danh gắn với anh cách đây đã hơn chục năm.

Đó là một kỉ niệm để anh tự hào, và cũng bởi nó gắn với một nỗi đau mà suốt đời này anh không bao giờ quên được. Giọng anh hơi run, đôi mắt anh hơi đỏ và long lanh hướng ra phía cửa rồi anh bắt đầu kể về cuộc đời thăng trầm với những nỗi đau của mình.

Anh sinh ra trong 1 gia đình thuần nông, cuộc sống vốn lam lũ nghèo khổ từ nhỏ. Thế nên ngay từ khi còn nhỏ anh đã nhận thức được là sẽ phải cố gắng học thật tốt để sau này bớt nghèo.

Nghĩ về những năm học cấp 1, anh Uyến tự hào: “Hồi còn đi học, lúc nào tôi cũng đứng đầu lớp về kết quả học tập, nhất là môn toán. Năm nào tôi cũng được bầu làm lớp trưởng. Các thầy cô ai cũng quý mến”.

Thế nhưng số phận đã không mỉm cười với cậu học trò nghèo thông minh, nhanh nhẹn. Học đến lớp 5, anh phát hiện mình bị tê thấp, đau đớn hết khớp bàn chân, cổ chân. Lúc đó cả nhà không ai để ý vì nghĩ chắc do anh chạy nhảy, đùa nghịch.

Thế nhưng 1 tháng sau, cả 2 đầu gối chân sưng tấy không đi được; đau nhức, lúc đó bố mẹ anh mới mang đi khám bệnh. Các bác sỹ nói 2 chân anh bị vôi hóa các khớp.

Bệnh nặng, không thể đi nổi, anh Uyến phải nghỉ học mất gần 1 năm để điều trị tại bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Y học cổ truyền. Sau một thời gian nằm viện, các bác sĩ vẫn không thể chữa nổi căn bệnh cho anh và đưa anh về nhà. Cả gia đình đã khó khăn nay càng trở nên khó khăn hơn khi mà tiền của và tài sản trong nhà đã hết sạch.

Thầy giáo Hoàng Văn Uyến
Thầy giáo Hoàng Văn Uyến


Đôi mắt anh ngấn lệ: “Tôi bị bệnh, bố mẹ thương tôi lắm, biết ở đâu có thuốc gì, có thầy thuốc nào cũng đem tới nhưng đều không khỏi. Bao nhiêu tiền của trong nhà đều dành chữa trị hết cho tôi nhưng vẫn không đủ.

 Cả đàn lợn con và những cây xoan cuối cùng cũng đem bán hết. Ngày tôi đi viện, bố chở tôi trên chiếc xe đạp cũ không phanh. Nghĩ lại mà ứa nước mắt. Tôi thương bố mẹ lắm nhưng cũng không biết làm thế nào cả.”

Niềm hi vọng cuối cùng cũng đã tắt, tất cả mọi thứ đều vô vọng. Anh Uyến đã bị liệt hoàn toàn. Vậy là cuộc đời anh chỉ còn bó hẹp trong chiếc giường. Ước mơ học hành gác lại, ngày ngày anh chỉ quẩn quanh làm bạn với chiếc giường, mọi sinh hoạt đều được bố mẹ và em trai là anh Hoàng Văn Huyến làm giúp.

Anh đã khóc thầm không biết bao lần vì thương gia đình và số phận nghiệt ngã của mình. Những ngày tháng với anh thật dài vô tận.

Anh nằm liệt giường 5 năm, đến năm 1990 anh bắt đầu cử động được nửa người rồi toàn thân. Hi vọng, niềm tin trong anh và gia đình lóe sáng. Từ đó anh bắt đầu tập đi bằng đôi tay với những chiếc ghế gỗ, nhưng đôi chân thì đã teo tóp, chỉ còn có thể cử động được chút ít.

Năm 2001, bố anh qua đời, gánh nặng lại đổ lên đầu người mẹ già tần tảo. Không chịu khuất phục trước số phận. Anh Uyến lại bắt đầu theo đuổi ước mơ học hành của mình bằng cách mượn sách về tự học. Rồi sau đó anh lại dạy học cho các con của anh những kiến thức mà anh lĩnh hội được. Được anh dạy đứa nào đứa nấy đều được học sinh giỏi cả.

Anh Uyến vui vẻ nói: “Lúc đầu tôi chỉ dạy cho con cháu, sau mọi người trong làng xóm thấy vậy cũng đem con tới nhờ dạy. Mỗi ngày tôi dạy 2 buổi. Được dạy chúng là niềm vui và an ủi đối với tôi, để tôi còn cảm thấy mình có ích và có niềm tin vào cuộc sống hơn. Cái biệt danh “thầy giáo làng” cũng được mọi người đặt cho tôi từ đó.”

Và rồi nghị lực vươn lên của anh ngày càng được tiếp sức khi có tình yêu của chị Phạm Thị Hằng. Chị đã cho anh niềm tin, sức mạnh và sự quyết tâm để nỗ lực hết mình, vượt lên số phận và không chịu khuất phục trước hoàn cảnh.

“Em chỉ yêu anh, lấy mình anh thôi…”

“Em chỉ yêu anh, lấy mình anh thôi…”. Đó là câu nói ấn tượng, khắc sâu trong tâm trí anh Uyến khi nghĩ về người vợ yêu quý của mình. Cũng chính câu nói ấy đã giúp anh có thêm động lực để phấn đấu trở thành người đàn chồng, người cha tốt.
 

Anh Hoàng Văn Uyến bên các con
Anh Hoàng Văn Uyến bên các con



Những ngày còn nằm liệt giường không thể đi lại được, đến sinh hoạt của bản thân còn không lo nổi thì việc lấy vợ sinh con và có 1 gia đình với anh thật quá xa vời. Không ít lần anh cảm thấy tự ti, mặc cảm, chán nản và thất vọng về cuộc sống và chính bản thân mình.

Nhưng rồi niềm tin trong anh bỗng lóe lên khi biết mình được một người yêu thương thật lòng. Anh Uyến tâm sự: “Âu cũng là cái duyên cái số. Trước giờ tôi đâu dám mơ mình có 1 gia đình như thế. Tôi thích nghề điện tử từ nhỏ và cũng mày tò tự nghiên cứu học nghề.

Lâu dần mọi người trong thôn xóm tới nhờ sửa cái nọ cái kia. Trong đó có bố đẻ của vợ tôi. Ông ấy thường xuyên tới nhờ tôi sửa giúp, thấy tôi bệnh tật nhưng vui vẻ, lại có ý chí phấn đấu nên ông quý và có ý định gả con gái cho. Thấy ông cụ quý, lại cứ động viên nên tôi cũng xuôi.”

Kể về những ngày mới quen chị Hằng, anh Uyến tâm sự, hồi ấy anh nghĩ nhiều lắm, lúc nào cũng nghĩ và cảm thấy tự ti, mặc cảm. Chị Hằng (sinh 1972), là người xóm 9, cùng xã, nghe lời giới thiệu của bố thì tự nguyện đến tìm hiểu anh Uyến, rồi chị yêu anh Uyến lúc nào không hay, nguyện gắn bó cả đời với anh.
“Không nghĩ thì thôi chứ nghĩ lại thấy tủi thân.

Mình bệnh tật thế, lấy vợ về làm sao lo nổi cho vợ con. Hàng xóm láng giềng dị nghị. Tôi buồn lắm. Cũng nhiều lần tâm sự với Hằng nhưng cô ấy cứ nhất định “Em chỉ yêu anh, lấy mình anh thôi…” khiến tôi xúc động chảy cả nước mắt. Nhưng cũng từ đó có quyết tâm và tin tưởng vào mình hơn.” – Anh Uyến bộc bạch.

Quen và yêu nhau gần 1 năm, anh Uyến và chị Hằng quyết định kết hôn. Bố chị thì ủng hộ, còn mẹ chị thì nhất định phản đối vì lo cho tương lai của con sau này. Lấy một người tàn tật như anh Uyến thì cuộc sống sẽ càng thêm vất vả.

 Nhưng rồi những giọt nước mắt và sự thuyết phục của chị Hằng cũng đã khiến mẹ chị cảm động mà đồng ý. Ngày cưới con, nhìn các con mà bà khóc rưng rức. Tháng 6-2001, anh Uyến và chị Hằng trở thành vợ chồng. Đám cưới diễn ra một cách đơn giản, có nụ cười, có niềm vui và cả những giọt nước mắt hạnh phúc.

Anh Uyến vẫn còn nhớ như in cái ngày anh đón chị Hằng về nhà chồng: “Ngày ấy nhà nghèo, vẫn chưa mua được xe lăn, tôi chỉ có thể di chuyển bằng tay trên chiếc ghế. Thế nên hôm đón dâu, tôi không đi được. Lúc nhìn thấy vợ rơm rớm nước mắt mà tôi cũng muốn khóc theo, càng thương cô ấy nhiều hơn và quyết tâm hơn.”

Sau khi kết hôn, anh Uyến và chị Hằng sinh được 2 bé gái là Hoàng Thị Tố Uyên (sinh năm 2002) học lớp 4, cháu thứ hai là Hoàng Thị Tố Quyên (sinh năm 2005). Hai đứa trẻ năm nào cũng được giấy khen học sinh giỏi và biết thương bố mẹ, những lúc rảnh lại giúp bố mẹ nấu cơm, dọn nhà.

Chị Hằng ít nói, nhưng là người được tiếng chăm chỉ, chịu khó. Khi hỏi về động lực giúp chị vượt qua khó khăn trong cuộc sống, chị chỉ cười và nói: “Cõ lẽ tình yêu với chồng tôi quá lớn và còn vì những đứa con của mình”.

Kể về vợ và những đứa con, anh Uyến vui hẳn lên. Và cũng vì thế anh quyết tâm học thêm nghề sửa chữa điện tử.

Ảnh cưới thời trẻ của anh Hoàng Văn Uyến
Ảnh cưới thời trẻ của anh Hoàng Văn Uyến


Năm 2010, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có dự án “Hỗ trợ hòa nhập kinh tế-xã hội và việc làm cho người khuyết tật tại các khu vực can thiệp dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế và phát triển Tây Ban Nha” cho 6 tỉnh Việt Nam giai đoạn từ năm 2010-2014 và anh Uyến được Hội Chữ thập đỏ huyện Khoái Châu giới thiệu đi học nghề.

Hàng ngày anh ngồi xe lăn tới thị trấn Khoái Châu, cách nhà khoảng 4 km, không quản nắng mưa, gió rét. Mỗi ngày 4 lượt đi về nhưng anh không hề nản chí.

Chị Hằng một mình phải lo 2 sào lúa, 3 sào trồng màu, thế nên lúc nào cũng bận bịu. Ngoài việc học nghề, anh còn tự mình nấu cám nuôi 1 đàn lợn, gà và cơm nước giúp chị Hằng.

Chị dâu anh Uyến cho biết: “Thấy chú ấy đi lại vất vả, lê ghế đi lê ghế lại quấy nồi cám lợn mà tôi thấy thương quá. Tôi bảo để tôi làm giúp thì chú ấy không nghe, muốn tự mình làm cho quen để còn giúp vợ con về sau này. Nhìn thấy cảnh tượng ấy mà tôi muốn khóc".

Chị Thương (hàng xóm) cũng vui vẻ cho biết: “Nhiều lúc tôi thấy “ghen” với chị Hằng, vì lấy 1 người tàn tật như anh Uyến còn sướng hơn tôi. Bởi mọi công việc gia đình anh đều giúp đỡ vợ con được, như thế vợ cũng yên tâm mà chăm nom ruộng đồng, cấy hái"

Hiện tại, anh Uyến đã có 1 gia đình hạnh phúc, với người vợ tần tảo, 2 đứa con chăm ngoan, học giỏi và căn nhà nho nhỏ mới cất lên từ thành quả của cả gia đình. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, nhìn vào mắt anh Uyến, tôi thấy một niềm hi vọng đang rực cháy. Anh nói có quyết tâm sẽ làm được mọi thứ. Và tôi tin anh, tin vào điều đó.
 

  • Song Lê
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn