Chuyện tình câm lặng bên dòng Nậm La

16:32, Thứ ba 19/02/2013

( PHUNUTODAY ) - Ngôi nhà ấy giờ không còn gọi là ngôi nhà câm lặng nữa, ở đó đã có tiếng hát của cô con gái đầu Cà Thị Hợp Trang, có tiếng đùa nghịch của đứa con trai Cà Văn Tiến Đạt, trở thành những thanh âm trong trẻo của cuộc sống.

Người đàn ông ấy chưa một lần cất tiếng yêu thương, còn người đàn bà kia chưa một lần được nghe lời thề hẹn, nhưng duyên phận đã đưa họ đến với nhau, vun vén hạnh phúc trong một mái ấm nhỏ rộn ràng tiếng con trẻ. Tình yêu không phát ra tiếng nói nơi cửa miệng, nhưng cứ réo rắt chảy trong tim mỗi người, để dệt nên một chuyện tình đẹp bên dòng Nậm La sóng sánh nước.

[links()]

Đóa hoa rừng bất hạnh

Đó là câu chuyện tình của anh Cà Văn Chanh và chị Tòng Thị Lan ở Bản Chậu, phường Chiềng Cơi, Thành phố Sơn La. Hơn 10 năm nay, ngôi nhà nằm chon von bên dòng sông Nậm La oằn mình chảy bên thành phố đã chứng kiến những ngày tháng vun vén hạnh phúc của họ.

Người bản kể lại, những ngày đầu mới về với nhau hai vợ chồng không có lấy một nơi để chui ra chui vào. Cám cảnh thân phận đôi vợ chồng trẻ bất hạnh, họ hàng nội ngoại phải đốt lửa mời nhau đến họp gấp. Họp mãi rồi cũng đưa ra được quyết định, bằng mọi cách phải cho đôi vợ chồng được một căn nhà đàng hoàng để còn sinh con, đẻ cái.

10 gia đình của cả hai bên nội ngoại, người góp của, người góp công chọn ngày đẹp dựng nhà cho đôi vợ chồng câm lặng bên dòng Nậm La, họ sơn căn nhà ấy thành màu xanh, hàm ý như một lời chúc cho tình yêu của đôi vợ chồng cũng như màu xanh trên những rừng bương đã gắn bó với người Sơn La bao nhiêu thế hệ.

Thấy khách miền xuôi lên, chị Lan cứ luống ca luống cuống đi lại trong nhà, mãi sau một người hàng xóm làm nhiệm vụ “thông ngôn” cho tôi mới giải thích: Cô ấy muốn nói, người xuôi lên thì phải mặc áo truyền thống của người dân tộc Thái, nhưng vì bộ đồ của cô ấy đã cũ chưa mua được nên phải đi mượn của người khác.

Vợ chồng anh Cà Văn Chanh và chị Tòng Thị Lan
Vợ chồng anh Cà Văn Chanh - chị Tòng Thị Lan

Ra hiệu cho chúng tôi xong, chị Lan liền thoăn thoắt chân đi về phía cổng, đoạn khuất sau những mái nhà lô nhô. Tự tin trở về với bộ đồ của người con gái Thái, mái tóc được búi cẩn thận theo luật tục của Tằng cẩu (dấu hiệu phân biệt của người con gái đã có chồng) chị Lan bắt đầu ú ở miệng lưỡi, đưa tay ký hiệu để kể lại chuyện đời, chuyện tình của mình.

Theo chị Lan, chị không phải là người câm điếc bẩm sinh, tiếng nói và sự cảm nhận thanh âm cuộc sống chỉ mất đi trong chị sau một trận dịch viêm não. Suốt mấy ngày, chị nằm hôn mê bất tỉnh, bố mẹ chị đã dự cảm tình huống xấu nhất, đứa con gái nhỏ nhắn của họ có thể về với đất, với Giàng.

Nhưng điều kỳ diệu đã đến, sau khi được cứu chữa kịp thời, chị Lan đã tỉnh lại. Niềm vui về sự hồi sinh của con vừa chợt đến, nụ cười đã chợt tắt ngay khi bố mẹ thấy chị Lan không còn lảnh lót nói được những câu rõ nghĩa, rõ vần mà chỉ là những âm thanh ú ớ, vô nghĩa trong miệng, thêm vào đó dường như mọi lời nói của mọi người xung quanh cũng không còn được đôi tai nhỏ nhắn của chị ghi nhận.

Nỗi lo lắng bắt đầu lan tỏa, ai cũng sì sụp khấn vái những mong đó chỉ là triệu chứng thông thường sau một cơn bạo bệnh của trẻ nhỏ, nhưng lời khẳng định của bác sỹ, chị bị câm điếc vĩnh viễn đã dập tắt hi vọng mong manh đó.  

“Cái miệng của nó không còn biết gọi tên người thân nữa, cái tai của nó không còn biết nghe lời khuyên của người thân nữa. Nhìn nó lăn lộn trên giường, cố nói ra điều gì mà không được, tôi chỉ biết khóc thôi. Thương con quá mà” - Bà Hoàng Thị Hương, mẹ chị Lan đứng bên cạnh nói.

Thương con, nhưng bố mẹ chị cũng an ủi nhau, ông trời không cướp đi sinh mạng của con mình cũng đã là một sự may mắn, nói là nói thế nhưng nhìn vào đứa con nhỏ nhắn của mình giờ đây chỉ có thể giao tiếp bằng đôi mắt và cử động tay với mọi người, ai cũng dự cảm được đó là một khó khăn không dễ vượt qua.

Bù lại cho sự mất mát của mình, chị Lan cũng nhanh chóng lấy lại sự cân bằng, không được học về ngôn ngữ ký hiệu, chị tự sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ của riêng mình và bắt đầu được người thân nhận ra. Nhưng sự giao tiếp đó cũng không phải lúc nào cũng chính xác.

Bà Hương kể: “Có những lúc nó muốn tôi làm việc này, tôi lại hiểu thành việc khác. Nó cứ khoát tay liên hồi, giải thích lại mà tôi cũng chẳng nhận ra được nó muốn nói gì. Những lúc như thế nó lại vùng vằng tay chân, rồi ừng ực nước mắt. Thương lắm”.

Biết mình thiệt thòi hơn bạn bè cùng trang lứa, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, chị Lan cũng thức khuya dậy sớm cùng bố mẹ lên nương, lên rẫy, lo toan việc nhà chu đáo. Dần già, những cơn bực giận cũng qua đi, nụ cười nở nhiều hơn trên khuôn mặt héo hắt, phảng phất buồn.

Chị lớn lên giữa núi rừng, từ một cô bé như đóa hoa ban e ấp mầm nụ, đã trở thành một thiếu nữ mặn mà như đóa hoa ban đã rộ sắc. Đó cũng là lúc mọi người bắt đầu nghĩ đến tương lai của chị với một câu hỏi đau đáu:

Liệu có ai dám làm chồng một người câm điếc như chị không, và ai cũng có niềm tin để nghĩ rằng trong đầu một cô gái đang phơi phới xuân thì kia cũng vang lên câu hỏi tương tự.

Tình yêu không lời thề hẹn

Cuộc sống cứ chảy trôi cho đến khi điều kỳ diệu tìm đến, hạnh phúc khe khẽ gõ cửa cô gái  thiệt thòi. Qua một lời mối lái, anh Cà Văn Chanh người bản Dan xã Mường Bú- huyện Mường La đã vượt núi, lội sông tìm đến nhà chị Lan.

Không thốt lên được một lời, cũng chẳng nghe được một lời nào từ người con gái mình đang tìm hiểu, nhưng qua những ánh mắt trao gửi nhau e thẹn ấy, ai cũng hiểu tình yêu đang lớn lên trong họ.

Ngôn ngữ ánh mắt và cử chỉ cứ kéo gần họ đến gần nhau, để đến một hôm cả hai người cùng đưa nhau đến trước mặt đấng sinh thành và cùng làm một cử chỉ giống nhau, biểu thị hai người muốn được sống chung dưới một mái nhà.

Khỏi phải nói cả hai gia đình vui mừng như thế nào về cuộc tác hợp này, nhưng lập tức điều lo ngại cũng đến: “Đã đành hai đứa chúng nó ưng nhau thì hợp lắm, nhưng cả hai vợ chồng đều không nghe nói được, rồi sinh sống với nhau thế nào, dạy dỗ con cái ra sao” – Bà Hương thở dài thõng thượt kể lại suy nghĩ của mình lúc đó.

Điều băn khoăn ấy cũng nhanh chóng bị niềm vui lớn lao ấy nhấn chìm, tất cả cũng xúm tay vào để chuẩn bị cho một đám cưới tươm tất, bù đắp cho đôi trẻ những thiệt thòi trong cuộc sống.

Người bản vẫn kể, trong ngôi nhà màu xanh ấy cứ lẳng lặng, bình yên như ngôi nhà không, thỉnh thoảng chỉ thấy tiếng lạch cạch của những dụng cụ va chạm vào nhau.

Để lo toan cho cuộc sống gia đình, hai vợ chồng cũng bắt đầu bắt tay vào cuộc mưu sinh cơ cực, chị Lan tất bật với những gánh rau bán ở chợ, thu vén từng đồng tiền nhỏ, còn anh Chanh cũng trở thành nhân viên bốc vác ở một cửa hàng vật liệu xây dựng.

Một thời gian sau, giống như bao cặp vợ chồng khác câu chuyện tình của họ cũng được viết tiếp với sự ra đời của những đứa con. Nhắc đến con mình, đôi mắt chị Lan như sáng lên, long lanh đầy tự hào. Đôi tay chị lại cử động một cách linh hoạt, người “thông ngôn” cho tôi dịch vội: Chị ấy nói con gái, con trai nhà chị ấy xinh và ngoan lắm.

Hai quả ngọt của mối tình câm lặng đó là em Hợp Trang và Tiến Đạt. Bà ngoại của Trang và Đạt giải thích hai cái tên đó do ông bà nội ngoại hai bên thống nhất đặt cho cháu mình với mong muốn các cháu sẽ có một cuộc sống phẳng lặng, may mắn hơn bố mẹ mình.

Sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ không thể nói những lời thương yêu với con, không thể dạy con làm người, nói chuyện đạo lý… nhưng cuộc sống khắc nghiệt, khó khăn dường như luôn tạo ra cho con người một sự thích nghi phù hợp, cả hai em Trang và Đạt tự khắc lớn lên, hấp thụ được những điều hay lẽ phải từ cuộc sống, từ chính sự yêu thương qua vòng tay của bố, qua nụ hôn của mẹ mình.

Đặc biệt, em Trang vẫn được người trong bản ngợi ca ở tính tự lập, được mệnh dang là đóa hoa rừng của bản Chiềng Cơi, Trang biết được sự thua thiệt của mình so với các bạn, nhưng không vì thế mà em tự ti với bản thân mà luôn biết tự vươn lên để làm vừa lòng bố mẹ.

Điển hình là việc em một mình nộp đơn đi thi vào trường chuyên của tỉnh và trở thành học sinh của trường THPT Chuyên Sơn La.

Trang vừa làm chị, vừa thay mẹ làm nhiệm vụ dạy dỗ em trai của mình. Ngôi nhà nhỏ màu xanh bên dòng sông Nậm La bây giờ không còn được gọi là ngôi nhà câm lặng nữa, ở đó đã có tiếng hát véo von của cô con gái đầu Cà Thị Hợp Trang, có tiếng đùa nghịch của đứa con trai Cà Văn Tiến Đạt, đó trở thành những thanh âm trong trẻo, niềm tự hào bù đắp cho đôi vợ chồng trẻ thiệt thòi nhưng đã tìm được nhau trong một tình yêu không có lời hoa mỹ.

  • PV
     
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc