Chuyện tình cổ tích của người đàn ông nhiễm HIV

08:19, Thứ ba 29/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Hơn 12 năm trước, ở thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã diễn ra một đám cưới kỳ lạ, khiến nhiều người bàn tán xôn xao: cô dâu mới 23 tuổi, trẻ trung và hoàn toàn khỏe mạnh, chú rể là một người đàn ông 44 tuổi gầy gò, bị nhiễm HIV.

(Phunutoday) - Hơn 12 năm trước, ở thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã diễn ra một đám cưới kỳ lạ, khiến nhiều người bàn tán xôn xao: cô dâu mới 23 tuổi, trẻ trung và hoàn toàn khỏe mạnh, chú rể là một người đàn ông 44 tuổi gầy gò, bị nhiễm HIV. Họ đã gặp nhau, yêu nhau và đến với nhau, bất chấp nỗi ám ảnh về căn bệnh thế kỷ, bất chấp những lời đàm tiếu khắc nghiệt của dư luận, để chứng minh rằng, tình yêu là có thật và tình yêu có thể đến với tất cả mọi người trên thế gian này.
 
Ước mơ cuối cùng của người đàn ông nhiễm căn bệnh thế kỷ
Họ đã đến với nhau, giữa lúc cả xã hội còn mang những định kiến nặng nề với những người nhiễm HIV. (Ảnh minh họa)
Họ đã đến với nhau, giữa lúc cả xã hội còn mang những định kiến nặng nề với những người nhiễm HIV. (Ảnh minh họa)
Đã có lần, GS. Đỗ Nguyên Phương (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) kể cho tôi nghe về câu chuyện tình yêu kỳ lạ mà ông đã được chứng kiến trong những chuyến vào công tác ở Đắk Lắk, thời ông còn giữ cương vị người đứng đầu ngành Y tế. Đó là câu chuyện tình yêu của anh Trần Văn Hồng và cô gái kém anh 21 tuổi Nguyễn Dạ Thảo - câu chuyện tình giữa một người đàn ông đã sống một quãng đời dài lầm lỗi, mang trong mình căn bệnh thế kỷ và một cô gái trẻ có trái tim trong sáng và can đảm.
 
Họ đã đến với nhau, giữa lúc cả xã hội còn mang những định kiến nặng nề với những người nhiễm HIV, vượt qua tất cả những định kiến đó để sống những ngày tháng thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời mình. Câu chuyện tình ấy đã khiến người đứng đầu ngành Y tế thời đó - GS. Đỗ Nguyên Phương thực sự cảm động.
 
Trần Văn Hồng là một chàng trai sinh trưởng ở thành phố Huế, nhưng nơi gắn bó với anh và mang lại cho anh nhiều kỉ niệm đẹp nhất lại chính là thành phố Buôn Mê Thuột, nơi anh đã sống những năm tháng cuối đời đầy ý nghĩa. Thời trai trẻ nông nổi, bồng bột, anh đã phạm phải một sai lầm lớn, khi đua đòi, chơi bời với bạn bè và vướng vào “nàng tiên nâu” đầy cám dỗ.
 
Những năm tháng ấy, không nhiều người ý thức được sự nguy hiểm của ma túy. Cả Trần Văn Hồng cũng vậy. Với những chàng trai trẻ như anh hồi đó, việc “thử” một vài lần hút thuốc phiện chỉ để chứng tỏ độ chịu chơi, thời thượng của mình. Nhưng sau vài lần thử, đến một ngày, Trần Văn Hồng nhận ra anh đã trở thành một con nghiện ma túy.
 
Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện của mình, Trần Văn Hồng đã làm nhiều thứ, kể cả việc lừa dối những người thân trong gia đình. Không biết bao nhiêu lần, gia đình đã động viên anh cai nghiện, nhưng hết lần này đến lần khác, chỉ sau một thời gian ngắn, Hồng lại quay trở lại với ma túy. Lòng tin của người thân dành cho Trần Văn Hồng chính vì thế cũng mất dần theo những năm tháng nghiện ngập của anh.
 
Cuộc đời Trần Văn Hồng có lẽ sẽ mãi mãi chìm đắm trong sai lầm như thế nếu không có một lần, cậu em trai hơn 10 tuổi đầu của anh, khi chứng kiến anh trai như thế đã rất thất vọng nói: “Nếu có người nào giúp anh cai nghiện được, em sẵn sàng hiến cho họ một phần thân thể của em”.
 
Câu nói của đứa em nhỏ hơn 10 tuổi nhưng có suy nghĩ vô cùng chín chắn đã khiến Trần Văn Hồng cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Lần đầu tiên, sau những năm tháng dài nghiện ngập, anh đã bắt mình phải nhìn lại chặng đường mình đã đi qua. Chỉ khi ấy, anh mới nhận ra mình đã sống những năm tháng vô nghĩa đến mức nào. Anh quyết định cai nghiện bằng mọi giá, để xứng đáng là người anh tốt của đứa em nhỏ.
 
Khi Trần Văn Hồng hứa với gia đình sẽ cai nghiện, gia đình anh không mấy ai tin anh sẽ làm được. Chỉ có em trai anh là tin. Anh vào cái rẫy cà phê của gia đình và nhốt mình trong đó. Ngày ngày, em trai anh đến đưa cơm cho anh và giúp anh dọn dẹp nhà cửa. 1 năm sau, bằng sự kiên trì và ý chí tuyệt vời, anh đã cai nghiện thành công và trở về trong vòng tay chào đón của cả gia đình.
 
Nhưng những năm tháng nghiện ngập, hút chích đã khiến Trần Văn Hồng phải trả giá. Anh đã bị nhiễm HIV sau những lần dùng chung kim tiêm với những bạn bè nghiện ngập của mình. Sau những ngày đầu ngắn ngủi sống trong tuyệt vọng, anh chợt nhận ra rằng, cuộc sống của mình còn quá ngắn ngủi. Vì thế, anh muốn sống những ngày cuối cùng thật có ý nghĩa, để chuộc lỗi cho những năm tháng tuổi thanh xuân đầy những sai lầm của mình. Anh muốn sống như cái tinh thần của người thanh niên trong “Thép đã tôi thế đấy”: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn về dĩ vãng của mình”.
 
Không ai bảo, nhưng tự sâu thẳm trong lòng mình, Trần Văn Hồng muốn đi giúp đỡ những người nghiện, để họ tránh được căn bệnh thế kỷ mà anh đang mắc phải. Sự quyết tâm của anh đã khiến các lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk tin tưởng giao cho anh thành lập Đội đồng đẳng, do anh làm đội trưởng.
 
Những ngày sau đó, Trần Văn Hồng đã sống như thể, mỗi ngày anh đang sống đều là ngày cuối cùng. Không thể thoát khỏi căn bệnh đó, anh chiến đấu với nó theo cách riêng của mình. Anh đi gặp gỡ những người nghiện, mua kim tiêm đến cho họ dùng và không quên khuyên bảo họ sớm rời bỏ ma túy. Với những người nhiễm HIV xung quanh địa bàn thành phố, anh tình nguyện đến nhà chăm sóc, tắm rửa cho họ những lúc ốm đau. Anh là một trong số hiếm hoi những người nhiễm HIV thời điểm đó dám công khai căn bệnh của mình, với hi vọng bài học mà anh nhận được sẽ là tấm gương cho những người khác.
 
Một tình yêu trong sáng và can đảm
 
Cả tuổi thanh xuân của mình, Trần Văn Hồng vướng vào ma túy. Đến lúc từ bỏ được ma túy, anh lại phát hiện ra mình nhiễm HIV, nên anh hầu như chẳng có cơ hội yêu thương và rung động với bất cứ người con gái nào. Hơn 40 tuổi, anh chưa hề nghĩ đến việc lập gia đình, chỉ sống hết mình cho công việc mà anh theo đuổi.
 
Nhưng ngày đó, có một người con gái phố núi đã để ngầm để ý anh. Đó chính là Nguyễn Dạ Thảo - cô thiếu nữ mới ngoài 20 tuổi. Nguyễn Dạ Thảo có một người anh họ bị nhiễm HIV. Chị làm nghề bán nước ngay trước cổng nhà người anh họ ấy. Ngày ngày ngồi bán nước, chị đều nhìn thấy Trần Văn Hồng đến chăm sóc, giúp đỡ người anh họ bệnh tật của mình. Hình ảnh đó đã dần trở nên quen thuộc với chị từ lúc nào không biết.
 
Thỉnh thoảng sau khi kết thúc việc chăm sóc người bệnh, Trần Văn Hồng ra ngồi ở quán nước ven đường của Dạ Thảo. Những lần đầu mới bắt chuyện với nhau, chị gọi anh là chú và nói: “Cháu sẽ mai mối cho chú”. Những lúc ấy, anh chỉ cười buồn bã, gượng gạo.
 
Chị biết anh bị nhiễm HIV qua những lời kể của người xung quanh. Nhưng tình yêu thì có lí lẽ riêng của nó. Cho đến một ngày, chị nhận ra chị yêu anh và không thể sống thiếu anh. Chị đã tỏ tình với anh  một người đàn ông mang trong mình căn bệnh thế kỷ, dù chị là một cô gái hoàn toàn khỏe mạnh.
 
Khi được chị bày tỏ nỗi lòng, anh vừa hạnh phúc, vừa sợ hãi, vừa hoảng hốt khi nghĩ tới những điều anh sẽ gây ra cho chị nếu họ cưới nhau. Anh sợ anh sẽ làm chị khổ, anh sợ anh sẽ lây bệnh cho chị, anh sợ chỉ vài năm nữa thôi, sau khi anh chết, chị sẽ thành góa phụ. Chính mẹ anh cũng phản đối tình yêu đó, vì thương chị. Nhưng trước sau như một, chị vẫn nhất quyết làm vợ anh.
 
Năm 1999, đám cưới của họ diễn ra. Khi ấy anh đã 44 tuổi, còn chị mới tròn 23 tuổi. Nhưng trong ngày cưới, khi đứng bên nhau, họ vô cùng đẹp đôi và hạnh phúc. Bạn bè đến dự đám cưới hầu hết đều là những thành viên của Đội đồng đẳng và những cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk. Nghe tin về đám cưới của anh, đích thân Bộ trưởng Bộ y tế lúc ấy là GS. Đỗ Nguyên Phương đã gửi lẵng hoa và quà mừng đám cưới. Là lãnh đạo đứng đầu ngành Y tế và đang nỗ lực hết mình để truyên truyền về căn bệnh HIV cho nhân dân, GS. Đỗ Nguyên Phương đã vô cùng xúc động về tình yêu của anh chị.
 
Khi lấy nhau về, chị tình nguyện đứng đằng sau ủng hộ anh thực hiện những tâm nguyện của mình. Chị chăm sóc cho anh từ bữa ăn, giấc ngủ, để anh có sức khỏe, thời gian đi chăm sóc những người bệnh khác. Thời đó, thuốc cho bệnh AIDS còn hiếm hơn bây giờ rất nhiều, có lần, anh chị còn chia sẻ cả phần thuốc quý báu đó cho một người bệnh nhiễm HIV khác ở Buôn Mê Thuột. Yêu nhau, chị cùng anh đi chăm sóc những người bệnh, bất chấp những nguy hiểm mà mình có thể gặp phải khi tiếp xúc với người nhiễm HIV. Chị từng tâm sự, dù cho sau này có phải thành góa phụ, chị vẫn hạnh phúc và toại nguyện vì lấy được anh.
 
Anh đã hoàn thành được tâm nguyện của mình: sống những ngày cuối đời thật ý nghĩa, chăm sóc cho những người nhiễm HIV, khuyên bảo người lầm lỗi. Không chỉ thế, anh còn luôn có ở bên mình một người phụ nữ luôn là chỗ dựa cho anh mỗi lúc ốm đau, bệnh tật.
 
Năm 2004, anh ra đi mãi mãi. Đến tận lúc đó chị vẫn ở bên anh, vẫn nắm chặt tay anh. Chị đã chứng minh tình yêu chị dành cho anh là có thật. Và tình yêu đó đã vượt qua được thử thách của bệnh tật để đến với nhau. Ngày anh mất, Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương đã gửi vòng hoa viếng với những lời tiếc thương sâu sắc.
 
Anh không còn, nhưng câu chuyện tình yêu của anh chị, câu chuyện về người phụ nữ có trái tim trong sáng và can đảm đã dám yêu và lấy một người nhiễm HIV, sẽ mãi mãi là một câu chuyện đẹp ở Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk.
 
  • PV
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc