Chuyện tình của người phi công đầu tiên được Bác Hồ phong Anh hùng

14:40, Thứ bảy 07/05/2011

( PHUNUTODAY ) - Cuộc đời ông không chỉ có những kỷ niệm đáng nhớ liên quan tới 7 lần bắn hạ máy bay Mỹ, mà còn có chuyện tình thơ mộng của vợ chồng ông giữa thành phố hoa phương đỏ..


Chuyện tình giữa thành phố hoa phương đỏ

Một buổi chiều cuối năm 1960, anh bộ đội Nguyễn Văn Bảy được xả trại sinh hoạt tự do trước khi lên đường đi Trung Quốc học lái máy bay chiến đấu dự kiến sẽ kéo dài 4 – 5 năm. Không người thân thuộc ở thành phố cảng, ông rời khỏi doanh trại trong sân bay Cát Bi và đạp xe đi khắp các con đường trong thành phố để ngắm nhìn hình ảnh quê hương đất nước trước chuyến đi xa.

Sinh ra tại một vùng quê thuộc vùng Đồng Tháp Mười (xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân nghèo, ông Bảy đã trải qua phần lớn quảng đời thơ ấu trên lưng bò, vì cha mẹ gửi đi chăn bò mướn. Cuộc đời ông có lẽ đã mãi mãi gắn với con bò, thửa ruộng, nếu như năm 17 tuổi ông không bị cha mẹ ép lấy vợ để sớm có cháu ẳm bồng. Vì quá sợ có vợ, ông đã trốn nhà theo bộ đội.
Ông Bảy bên chiếc Mig-21 trong Bảo tàng không quân TP.HCM.
Ông Bảy bên chiếc Mig-21 trong Bảo tàng không quân TP.HCM.


Một năm sau ông lên đường tập kết ra Bắc theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ. Trên đất Bắc, ông được học tập văn hóa, để rồi cuối năm 1960 ông được chọn đi nước ngoài học lái máy bay chiến đấu. Không một người thân ở Hải Phòng để từ giả trước cuộc đi xa, ông Bảy cũng xách xe dạo quanh thành phố hoa phượng đỏ để “một mình làm cả cuộc chia ly”. Dừng xe bên bờ sông Lấp đốt điếu thuốc Điện Biên cho ấm lòng trước làn gió đông từ biển thổi vào, ông Bảy thả hồn theo khói thuốc, bồi hồi nhớ về những đầm sen ở quê hương Đồng Tháp.

Bất ngờ, một cô bé độ 15 – 16 tuổi dừng xe và cất tiếng hỏi ông: “Chú ơi, chỉ giúp cháu đường nào tới phà Bến Bính?”. Ông giật mình trước câu hỏi của cô gái, bởi lẽ dù cách phát âm của cô có pha tạp chất giọng miền Bắc, nhưng rõ ràng đây là giọng gốc vùng đồng bằng sông Cửu Long, chính xác hơn là giọng đặc trưng của vùng Đồng Tháp quê ông. Thay vì chỉ đường đến bến Bính, ông Bảy hỏi lại cô gái: “Quê cô ở Đồng Tháp phải hôn?”.

Đến lượt cô gái trố mắt ngạc nhiên khi nghe “chú bộ đội” hỏi trúng quê mình, mà lại hỏi bằng âm điệu của vùng Đồng Tháp. Vậy là chỉ sau vài câu qua lại, họ đã nhận ra là đồng hương của nhau, mà lại là đồng hương đến cấp huyện – huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp! Không như ông đi chiến đấu rồi tập kết ra Bắc, cô bé Trần Thị Niên lúc “đình chiến” năm 1954 mới 10 tuổi, đã được gia đình đưa xuống tàu ở Sông Đốc – Cà Mau để lên đường ra Bắc thay cho tiêu chuẩn của cha.

Cô bé đã có hơn nửa tháng trời vừa khóc vì nhớ nhà, vừa ói mữa vì không quen với nhịp lắc lư của con tàu. Đến hải Phòng, cô bé Niên được tiếp tục học nội trú. Nỗi nhớ nhà càng vơi dần theo tuổi lớn lên của cô, nhưng những chiều cuối tuần cô thường lang thang ra thành phố, tìm đến những nơi có sông nước để ngắm nhìn, gợi nhớ về vùng sông nước quê hương vẫn chưa phai mờ trong ký ức tuổi thơ.
s
Ông Bảy trước nhà mình ở Lai Vung – Đồng Tháp.

Tình cờ gặp người đồng hương trong một chiều tiễn biệt trước cuộc đi xa, ông Bảy cảm thấy lòng mình bâng khuâng, xao xuyến. Hai người đã dễ dàng thay đổi cách xưng hô từ “chú cháu” sang “anh em” khi mà tuổi tác chỉ chênh lệch nhau 7 – 8 năm. Họ kể cho nhau nghe bao nhiêu kỷ niệm về quê nhà, về gia đình, những buồn vui trong những năm tháng trên đất Bắc…Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa họ lại gặp nhau bên bờ sông Lấp, để rồi khi tiễn ông lên đường đi xa, hai người đã kịp hẹn ước: “Chờ ngày anh lái máy bay trở về. Sẽ có ngày mình cùng về quê hương Đồng Tháp!”. Ngày ấy chưa có bài hát Thành phố hoa phương đỏ, nhưng từ nơi xa xăm ông Bảy đã biết thầm nhủ: “Tôi yêu thành phố hoa phường đỏ, nơi ấy có người thân yêu nhất, những chiều hẹn hò bên bờ sông Lấp…”. Sau gần 5 năm chia tay, giữa năm 1965 ông Bảy được vinh dự lái một trong 12 chiếc Mig-17 đầu tiên về nước. Lúc ấy “cô bé” Trần Thị Niên đã là cô sinh viên đại học ở Hà Nội, hai người đã có cuộc trùng phùng cảm động bên “hồ Gươm lộng gió”!

Ngày cưới trên cánh bay

Đầu tháng 4 năm 1966 đã diễn ra lễ tuyên bố giữa anh phi công lái máy bay chiến đấu Mig-17 và cô kỹ sư mới ra trường. Có lúc họ tưởng như sẽ không có ngày vui trọn vẹn ấy, khi sau ngày đưa tốp máy bay Mig-17 đầu tiên về nước và thành lập phi đội tiêm kích, trong trận ra quân đầu tiên ngày 7/10/1965, chiếc Mig-17 của ông Bảy đã bị bắn “tơi tả” với 82 vết thủng. Không biết có phải do có một người con gái đang ngóng chờ dưới mặt đất hay không, mà ông đã kiên cường đưa chiếc máy bay bị thương nặng trở về mặt đất an toàn trước sư kinh ngạc của đồng đội và các chuyên gia Liên Xô.

Ngày cưới của mình, ông Bảy phải trực chiến ở sân bay Cát Bi đến 7 giờ tối. Cô dâu một mình từ Hà Nội xuống Hải Phòng cùng đơn vị của chồng chuẩn bị tiệc cưới. Chú rể hết ca trực, thay vội bộ đồ bay để về làm chú rể. Thế nhưng, chỉ sau 45 phút sống cuộc sống vợ chồng, còi báo động trong sân bay lại vang lên, chú rể phải lao vội ra đường băng để chuẩn bị xuất kích… Không biết có phải do cái “số” của ông Bảy “hạp” với người vợ trẻ hay không, mà chỉ vài tuần sau ngày cưới, vào ngày 26.4.1966, trên bầu trời Đại Từ - Thái Nguyên, ông đã bắn rớt tại chỗ 1 chiếc F105 của Mỹ. Hơn 2 tháng sau, vào ngày 29.6, trên vùng trời Việt Trì, ông lại nổ súng tiêu diệt 1 chiếc F8.

Tiếp theo, ngày 5.9.1966, trên vùng trời Nam Hà, một chiếc F8 của phi công Mỹ lại bốc cháy sau loạt đạn của ông. Hơn 10 ngày sau, ông lại ghi tên mình trên xác máy bay F.4 của Mỹ. Với những thành tích ấy, ông đã vinh dự là 1 trong 3 phi công đầu tiên Việt Nam được Bác Hồ ký lệnh phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đầu năm 1967. Sau đó vài tháng, bà Niên đã sinh cho ông đứa con trai đầu lòng, ông đặt tên bé là Phi Hùng để nhớ mãi chuyện “phi công” được phong “Anh hùng”.


Một ngày đầu tháng 5.1972, khi bà Niên từ cơ quan trở về nhà trong khu tập thể dành cho các phi công đã có gia đình ở Hà Nội, mà thấy mọi người nhìn bà với ánh mắt ái ngại. Một lúc sau, bà nghe râm ran: “Ông Bảy đã hi sinh”. Mấy ngày qua chồng bà trực chiến suốt, không về nhà, dù đơn vị của ông đóng ở sân bay Gia Lâm cách đó không bao xa.

Là vợ của phi công lái tiêm kích đánh chặn máy bay Mỹ hiện đại, bà hiểu chuyện xấu nhất lúc nào cũng có thể xảy ra, nhưng thông tin vừa nghe làm bà muốn ngã quỵ. Cố gượng dậy, bà đạp xe qua đơn vị của ông, bình tỉnh hỏi thực hư câu chuyện. Mọi người phủ nhận chuyện “ông Bảy hi sinh”, nhưng cũng không cho bà gặp chồng vì “đang bận chiến đấu”. Trở về nhà, bà không thể ăn ngủ suốt 2 ngày, vừa chuẩn bị tư thế để chịu đựng tình huống xấu nhất. Bất ngờ ông Bảy chạy ào về nhà! Bà vui mừng muốn khóc, nhưng sau đó đã ngậm ngùi thương tiếc khi biết 1 người phi công đồng đội của chồng cũng tên Nguyễn Văn Bảy (Bảy B, quê ở Cà Mau) vừa mới hi sinh. 


Bây giờ, muốn gặp ông đại tá phi công – Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy, tôi đã phải lặn lội vô giữa vùng Đồng Tháp Mười, nơi ông đang là nông dân thực thụ, thậm chí là nông dân sản xuất giỏi. Ông cho biết, những năm đi bộ đội, rồi lái máy bay chiến đấu, sau ngày giải phóng về Nam điều hành sân bay Cần Thơ, lúc nào ông cũng canh cánh nỗi nhớ đồng ruộng. Càng về già ông lại càng muốn sống lại với tuổi thơ. Vậy là sau khi về hưu, ông rời thành phố trở về mảnh ruộng của thời niên thiếu. Bà Niên cũng cùng chung sở nguyện với ông.

 Một ngày cuối tháng 3.2011, tôi đã đến thăm ông bà trong một căn chòi nhỏ ở giữa đồng lúa, xung quanh là ao cá. Ông khoe với tôi là mình vừa trồng được củ khoai mì nặng kỷ lục, đến gần 23kg, làm bà con trong vùng ai cũng kinh ngạc. Đám ruộng nửa hecta của ông cũng thuộc loại có năng suất cao nhất vùng.

 Nhìn ông bà, không ai có thể hình dung đó là vợ chồng một vị đại tá – anh hùng phi công. Với bộ đồ nâu đã sờn, áo phạch ngực, đầu quấn khăn rằn, râu ria lõm chõm, ông Bảy trước mặt tôi thực sự là nông dân Đồng Tháp Mười.
s
Ông Bảy nông dân.

Còn bà Niên, không khác gì những cô dì nội trợ mà tôi gặp ở khắp vùng quê Đồng Tháp Mười. Họ đã trải qua cuộc đời dữ dội. Nay về già, họ muốn tìm sự yên tỉnh giữa thiên nhiên, họ muốn sống trọn vẹn cho nhau. Mỗi lần có khách đến thăm, ông Bảy ra ao kéo cá để bà Niên làm mồi đãi khách.

Trên chiếc đệm trải tạm bợ dưới sàn trong căn nhà nhỏ lộng gió, ông vừa đưa ly “xây chừng” với khách, vừa kể về cuộc đời phi công chiến đấu “dễ như không”, 7 lần ông nhả đạn là 7 lần phi công Mỹ phải ôm hận. Chốc chốc ông lại quay sang bà để hỏi về một điều gì đó mà ông đã quên, thỉnh thoảng ông lại nói vui: “Chắc nhờ tình yêu của bà nên mạng tui mới lớn dữ vậy”. Bây giờ bà Niên lúc nào cũng bên cạnh ông Bảy, xung quanh lại không có nguy hiểm bủa vây, chắc chắn cả hai người sẽ sống hạnh phúc đến trăm tuổi ở chốn thôn dã này.
 

Như Thủy
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc