Chuyện tình của nhà thơ Đỗ Việt Dũng

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ông bảo mình khờ dại đi trước một người đàn bà đẹp tử tế. Cái đẹp của chị chinh phục cái bồng bột trong ông. Và sự tử tế chinh phục chiều sâu tâm hồn ông, khiến nó dẫu không cầm nắm được, vẫn vĩnh viễn nằm trong tay chị.

(Phunutoday) - Họ gặp nhau lần đầu khi chị mới vừa 16, còn ông đã gần 40. Ông - Đỗ Việt Dũng, lúc đó đã đi qua bom đạn chiến tranh, lĩnh 2 vết thương chí mạng vào đầu, kịp trở về quê ngồi kéo vó bè đọc sách, ăn học tử tế, rồi trở thành trưởng phòng kinh doanh điện ảnh của tỉnh Hà Bắc cũ... Nghĩa là đã đi qua không biết bao nhiêu cay đắng ngọt bùi. Đến lúc đó, ông cũng đã yêu đương không ít, tam tứ bận điêu đứng vì tình, đã “mài đến vẹt cuộc đời” vì nhớ. Thế mà rồi, vẫn lại một lần nữa ngốc nghếch vì tình, vì một cô Cúc ngây thơ người Kinh Bắc.
[links()]

 

Vợ chồng Nhà thơ Đỗ Việt Dũng
Vợ chồng Nhà thơ Đỗ Việt Dũng

1. Ông bảo hồi đó, họ đến với nhau vì chị còn dại dột, còn ông thì bẻm mép. Tình yêu ấy làm cuộc đời họ hạnh phúc vì nhau mà cũng sóng gió vì nhau. Đó là một tình yêu phải đánh đổi và chắc chắn không hoàn mỹ. Nó có thể xấu - đẹp, tùy góc nhìn, nhưng là một tình yêu say đắm đến điên dại. Đến nỗi người đàn ông dám từ bỏ gia đình, sự nghiệp; còn người đàn bà thì không tiếc tuổi xuân.

Chị đến với ông trong trắng, không một chút toan tính thiệt hơn, dù biết ông lúc đó đã vợ con đề huề. Ông cũng không gian dối chuyện gia đình, chuyện chị không phải là tình đầu, mà cũng không chắc sẽ là tình cuối. Không thề thốt sẽ là vĩnh viễn, nhưng ông dâng hiến cho chị một thứ tình yêu không lý trí. “Từ nay trong anh không có mùa thu/ Không có loài hoa nào được mang tên là Cúc/ Không có ngôn từ nào được gọi là hạnh phúc/ Không có mối tình nào được anh gọi là Yêu”.

Ông bảo mình khờ dại đi trước một người đàn bà đẹp tử tế. Cái đẹp của chị chinh phục cái bồng bột trong ông. Và sự tử tế chinh phục chiều sâu tâm hồn ông, khiến nó dẫu không cầm nắm được, vẫn vĩnh viễn nằm trong tay chị.

Vì yêu, ông làm nhiều chuyện điên rồ lắm. Thân đang giữ chức vụ trong một cơ quan văn hóa, lại trong lúc cái nhìn về mọi thứ còn khắc nghiệt, thế mà ông vẫn đường hoàng yêu đương. Đó là cái gàn dở của ông, khi không muốn biến mọi thứ thành lén lút, đen tối; nhưng cũng chẳng có lý gì để mà đưa ra ánh sáng. Đỉnh điểm của sự việc là khi ông với vị trí thư ký công đoàn, đã ký giấy triệu tập mọi người trong cơ quan làm đại hội, thế rồi lại quên mất vì mải dẫn người yêu đi Lạng Sơn chơi. Đến giờ nghĩ lại, ông vẫn áy náy với vị sếp cũ vì mê tài mà bỏ qua tật, vẫn thường nâng đỡ ông, thấy có lỗi cả với lòng tốt của người ta.

Nhưng lúc đó, ông đúng là quên thật. Vì sự kiện đó, ông bị mang ra cơ quan xét kỷ luật lên xuống. Chị cũng bị gia đình vốn toàn quan chức có máu mặt của tỉnh gây sức ép phải chia tay. Hết lần này bị lên án “phạm pháp”, lại lần kia bị bảo “vô đạo đức”, ông đâm ra cùn, tuyên bố trước mặt hội đồng kỷ luật: “Tôi đạo đức hơn chán vạn những thằng không có người yêu. Đàn bà con gái người ta khôn ngoan cả, có ai đi yêu thằng đầu trộm đuôi cướp không? Tôi càng có nhiều người yêu, chứng tỏ đạo đức tôi càng tốt”...

Sau vài đêm thức trắng để trả lời câu hỏi: Sẽ hi sinh tình yêu, hay hi sinh những gì đang có? Chức vị, với 47 đội chiếu bóng, 3 cái rạp, hàng nghìn bộ phim... trong tay? Và nữa mảnh đất đã gắn bó 10 năm, bao nhiêu thói quen nếp cũ, bao nhiêu bạn bè thân hữu, bao nhiêu chỗ thầy trò, bao nhiêu là hạnh phúc? Và nữa, sẽ là tồi tệ nhất, khi ông sẽ mang nợ với các con, sẽ phải gánh trên vai gánh nặng đạo đức khi từ bỏ gia đình.

Tưởng là ngăn trở trùng trùng trước mặt, thế rồi ông cũng bước qua cái một, khi đứng trước tình yêu. Ông để lại một lá thư trên bàn, nói mình không nợ nần gì ai, mang theo là 1 cái chăn, 1 cái màn, mấy bộ quần áo, vài chục nghìn đồng, dắt theo người yêu đi đến cái đích còn bất định. Đó là khởi đầu của quãng thời gian lang bạt kỳ hồ, của đói khổ. Cái thời vừa mới manh nha mở cửa, không phải ai buông cái ghế nhà nước, buông ruộng vườn ra cũng sống được. Thêm nữa, ông lại là thương binh 2/4, chấn thương sọ não, hoàn toàn không có sức lao động.

Họ lang thang vào Sài Gòn, thấy bơ vơ, dạt ra Đà Nẵng, vẫn chưa hết bơ vơ, lại dạt về Lao Bảo và cuối cùng dừng lại ở thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Đêm đầu tiên, họ ngủ dưới chái nhà người, không chăn không chiếu. Khổ thế, nhưng họ tuyệt nhiên không cãi nhau. Chị tuyệt nhiên không khóc lóc hờn trách. Mấy ngày ở Bỉm Sơn, hai người lang thang có gì làm nấy, kiếm được gì ăn nấy.

Thế rồi, như có cái duyên, khi ông vô tình đi ngang qua một đám cưới ồn ã, ông chủ nhà đang chửi bới loạn xạ vì quá giờ mà chủ hôn không thấy đến. Có cái vốn văn nghệ trong người, viết kịch, làm đạo diễn, làm thơ, dựng hợp xướng suốt... ông liền đến bảo: “Không có chủ hôn thì để tôi thay”. Bí quá, ông chủ nhà cũng gật. Thế rồi có lẽ vì cơm áo gạo tiền bức bách quá, hôm đó ông có một bài nói xuất thần. Cả đám cưới tưng bừng như pháo rang.

Trong đám cưới, vô tình thế nào lại có ông Trưởng Công an thị xã đang bí người dựng vở để đi dự hội thi toàn ngành. Đúng sở trường lâu nay chưa được sờ đến, ông nhận lời bắt tay vào dựng hợp xướng cho công an thị xã. Tiết mục ấy, mang ra tỉnh thi thì được Giải Nhất. Mang ra thi cả nước lại ẵm ngay cái huy chương vàng. Khi Công an tỉnh, công an huyện nức lòng tìm đến nhà tác giả để chúc mừng, ông vừa mua được cái chòi lấn chiếm chừng mươi mét vuông, suốt ngày bị rập rình dọa dỡ. May sau buổi thăm ấy, ông không thấy người ta đến đòi dỡ nhà nữa.

Thế rồi, có một tí tiếng tăm nhờ cái giải thưởng, ông bắt đầu nghề cắt chữ, trang trí phông bạt, chủ xị đám cưới; rồi đến cai quay phim, chụp ảnh, cho thuê loa đài... Vốn sẵn tài hoa, nói chuyện người ta nghe như nuốt từng lời, lại sẵn chữ nghĩa, ông làm gì cũng đông khách nườm nượp. Rồi cái máu văn nghệ kéo đến cho ông không biết bao nhiêu là bạn bè, toàn là những anh máu mặt của thị xã. Ông vươn ra cai cả công trình, làm đường làm xá.

Có những lúc, kiếm tiền dễ như bắt cá trong chậu. Tưởng là mọi thứ êm xuôi, đùng một cái khoảng năm 93, ông bị phát hiện ung thư vòm họng. Tóc rụng đằng tóc, cổ cháy đằng cổ, không ăn không nói được, người ông tọp lại chỉ còn đúng 32 kg. Bao nhiêu của nả trong nhà đổ hết ra chữa bệnh, thế nhưng cũng chẳng ăn thua. Ông có sống được đến ngày nay, là nhờ bạn hữu, nhờ vợ. Ai có gì quí báu cũng mang cho: sừng tê giác, cao hổ, thuốc nam, thuốc bắc... Có bệnh thì vái tứ phương, ai cho gì ông dùng cái nấy, đằng nào mà chả chết.

Thế mà rồi, ông lại sống, bệnh tiêu tan mất, cũng chẳng biết là nhờ cái loại thuốc gì. 5, 6 năm sau, ông lại bị phát hiện ung thư gan. Thế nhưng giờ cũng đã khỏi. Ông bảo kinh qua bao trận không chết thế, chắc là mình sống cũng không đến nỗi nào. Ông quan niệm cuộc sống như một vòng tròn, người nọ đấm lưng cho người kia. Cái người được mình đấm lưng, chưa chắc đã với tay đấm lại được cho mình một cái đâu. Thế nhưng rồi sẽ có người khác. Bởi vậy, cứ tốt với nhau đi!
 

2. Ông và chị hiện đang sống ở đường Chùa Láng. Qua bao bôn ba, ông chọn Hà Nội là chỗ dừng chân. Tài sản lớn nhất của ông là 5 người con (của cả 2 bà vợ), hết thảy đều thành đạt, đều ngoan ngoãn. Đặc biệt là cô con gái Hồng Nguyên, được sinh ra từ những ngày bố mẹ phiêu bạt khốn khó thì đúng là xinh đẹp như hoa, đang theo học năm thứ 9 Nhạc viện. Những người con vợ cả, dù có lúc ông phải bỏ chúng đi trong day dứt, thì ông cũng lại kịp quay về bù đắp. Ông cũng không hỏi có đứa nào oán trách ông không, cũng không cầu sự tha thứ. Ông chỉ lặng lẽ yêu thương và bù đắp.

Đã ngoài 60, vết thương chiến tranh và bệnh tật, ông cũng đã yếu nhiều lắm. Tóc mà ngơi đi quên nhuộm là bạc trắng. Thế nhưng vẫn tham gia làm chủ tịch hội đồng quản trị công ty thương binh đồng đội (chuyên giải quyết công ăn việc làm cho con em thương binh liệt sỹ), cố vấn văn hóa doanh nghiệp cho COMA 18, làm công đoàn cho HTX dịch vụ vệ sinh Thành Công, lại còn kiêm luôn Giám đốc trung tâm hỗ trợ tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ...

Ông không giàu, chỉ ở trong cái phòng bé tý, nằm vừa đủ duỗi chân (vì căn nhà to đã cho thuê làm nhà hàng), nhưng tự nhận mình có cuộc sống phong lưu của một bậc trưởng giả. Ông giúp ai không lấy tiền, sáng tác thơ, dựng tiết mục văn nghệ cũng miễn phí hết. Nhưng nhờ thế mà quy tụ được bên mình bao nhiêu người tốt.

Bạn cho từ đôi giày đến cái cà vạt, bộ comple, đến cái đèn đọc sách, đến cả cái ô tô ông đang đi. Tết đến, gà qué, gạo nước, rượu Tây đầy nhà, không cần mua sắm. Hạnh phúc của ông còn đủ đầy hơn nhiều vì có chị, vẫn trẻ trung mơn mởn, và vẫn vẹn nguyên tình yêu, sự tôn thờ chồng như ngày nào. Ông có tài, và nhiều tật. Chị cũng biết, bảo: “Chú Dũng thì nhiều người yêu lắm”. Nhưng biết là biết để đấy, chứ cũng không dằn hắt, o ép cái tính “văn nghệ” của ông. Ông bảo mình làm thơ, nhiều lúc cũng định “lẹo tẹo” một tý, nhưng lại nhớ đến sự tử tế của vợ.

Ông nhớ cái ngày 2 vợ trồng trọ trong Nam sau mấy tháng bỏ đi, còn nghe trên đài gọi tên vợ mình, nhắn tìm... trẻ lạc. Bà chủ nhà ngồi ung dung tán chuyện, bảo: “Đấy con cái nhà ai, ở với bố mẹ không biết đường sướng, vừa nứt mắt đã bỏ đi theo giai”. Ông ngồi cạnh vừa bấm bụng cười, vừa nghĩ xót cho vợ. Rồi ông nhớ cái đận ở Thanh Hóa, ông mua cho chị một cái thúng, một cái mẹt để vào cổng nhà máy xi măng bán mấy bao thuốc lá, mấy quả cóc.

Vợ chồng nghèo túng, đúng nghĩa là buôn thúng bán mẹt. Theo lẽ thường, đến giờ trưa ông sẽ đạp xe vào đón. Thế mà bữa ấy mải đánh cờ với ông hàng xóm, ông quên béng mất. Đến lúc giật mình chạy vào, chị đã tay bưng thúng, bụng chửa vượt mặt, vừa đi vừa khóc. Cái hình ảnh ấy nó ám ảnh mãi trong ông.

Rồi cái đận ở căn chòi lấn chiếm, xây lén xây lút bằng gạch nhặt nhạnh, mái lợp fibro xi măng gác lên mấy cây luồng, gió nhẹ cũng thấy rung rung. Đêm ấy bão, 2 vợ chồng chỉ xin được một cụm sắn của nhà hàng xóm, luộc lên vừa ăn vừa đợi bão giật đổ nhà. Thế mà rồi ăn ở phúc đức làm sao, căn chòi của họ vẫn bình yên qua bão lớn.

Ngay cả những lúc thống khổ như thế, hai người lại không thấy khổ. Đúng là “một mái nhà tranh, hai trái tim vàng” (ông vẫn đùa thực ra là vàng mắt vì đói). Sau này, đến khi bạc đầu, ông nghiệm ra lúc người ta viên mãn với tình yêu, người ta ít nghĩ đến vật chất. Có thể sẽ chỉ giật mình khi quá đói, quá rét. Sau này già rồi, tình yêu không còn nồng cháy, thì lại là nỗi thương xót cho nhau.
 

3. Ông là người có học. Ông hiểu được cái đạo lý không sống chà đạp lên người khác để sung sướng phần mình. Thế nhưng có một lần ông đã làm vì tình yêu. Nhiều người chê cười. Thế nhưng với ông tình yêu càng ngô nghê, ngốc nghếch bao nhiêu thì càng chân thực bấy nhiêu. Tình yêu mà khôn ngoan, tinh xảo, điêu luyện thì đều là giả dối. “Dẫu đầu 2 thứ tóc/ Khi yêu vẫn dại khờ/ Ôi tình yêu trẻ thế/ Ngàn năm vẫn ngây thơ” (Thơ Đỗ Việt Dũng viết tặng vợ). Thôi thì được - mất trong cuộc đời không bao giờ trọn vẹn...

  • Như Loan

 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn