Chuyện tình của Thứ trưởng Bộ lao động

06:16, Chủ nhật 24/04/2011

( PHUNUTODAY ) - Cô gái Việt xinh đẹp ở đất Thái với cái tên giản dị Hoàng Thị Lam làm anh Song Tùng ngẩn ngơ ngay lần gặp đầu tiên


Cô gái Thái gốc Việt

 Cô gái Việt xinh đẹp ở đất Thái với cái tên giản dị Hoàng Thị Lam làm anh Song Tùng ngẩn ngơ ngay lần gặp đầu tiên. Đoàn cán bộ Việt Nam sang Thái Lan vào một ngày cuối đông năm 1948. Anh Song Tùng được cử sang hoạt động bí mật ở Thái Lan. Anh đóng vai nhà tư sản. Sau những ngày lênh đênh trên sông Mêkông, anh Song Tùng cùng các đồng chí rẽ vào nhà bà Năm Việt kiều, cơ sở cách mạng lâu năm, ở Outhên.

Ngôi nhà xinh xắn bên bờ sông thơ mộng. Cô gái nhỏ nhắn trắng trẻo khoảng mười chín tuổi  ra rót nước mời khách. Thấy anh Song Tùng nhìn mãi theo cô gái đi khuất phía sau tấm rèm, bà Năm giới thiệu:

- Cháu ngoại tôi đấy. Nó mồ côi mẹ từ nhỏ nhưng ngoan lắm.

Lam sinh ra và lớn lên ở Thái Lan. Bà ngoại chị chạy sang Thỏi từ hồi Pháp mới chiếm Việt Nam. Mẹ mất sớm, cha đi hoạt động cách mạng Lam ở với bà ngoại. Nhà Lam là nơi tiếp đón và nuôi các cán bộ hoạt động bí mật từ Việt Nam sang Thái Lan và từ Thái Lan về nước. Anh Song Tùng ở lại nhà bà Năm gần mười ngày. Những ngày sống với hai bà cháu, anh thầm yêu cô bé Lam dịu dàng, chăm chỉ. Có lần, anh đánh liều hỏi:

- Lam đã có ai chưa?

Lam ngại ngùng im lặng và cười lắc đầu. Xinh xắn, thông minh, chị được nhiều chàng trai để ý nhưng chị nghĩ: Khi nào nước nhà độc lập, mình mới lấy chồng”.

Buổi tối trước khi rời Outhên, anh Song Tùng tìm gặp Lam:

- Sáng mai tôi phải vào Udon làm việc với Tổng hội Việt kiều. Có dịp, tôi sẽ trở lại thăm Lam.

Bà ngoại Lam xuống cầu thang tiễn đoàn các bộ. Ngoái lại, không thấy Lam, anh Song Tùng hơi buồn: “Thế là mình chẳng để lại ấn tượng gì cho Lam cả”. Anh không biết, Lam nhìn trộm theo anh qua khe cửa. Anh cũng không biết chị đã thầm yêu người con trai tình tình vui vẻ hài hước, rất bản lĩnh lại đẹp trai. Chị đã nhận lời lấy anh sau khi được sự đồng ý của bà ngoại.

Lễ ăn hỏi được tổ chức tại nhà Lam. Vợ chồng ông Hồng xin phép bà Năm đưa Lam vào làm nhân viên của cơ quan đại diện của Việt Nam đặt tại Băngkok. Các đồng chí cùng công tác trêu anh Song Tùng:

- Cậu tán được cô bé xinh thế, nhưng trông trẻ con quá, chắc chỉ khoảng15 tuổi?
Để đảm bảo bí mật cho cơ sở cách mạng, anh chị không tổ chức lễ cưới ở nhà bà ngoại chị Lam. Ngày 1 tháng 5 năm 1949, lễ cưới được tổ chức giản dị ở cơ quan và chỉ có các đồng chí trong cơ quan dự.

Năm 1950, Lam sinh con trai đặt tên Nguyễn Xuân Thắng kỷ niệm mùa xuân đại thắng ngoại giao. Một năm sau anh Song Tùng được điều về tham gia chỉ huy mặt trận Campuchia. Chuyến đi này, xác định có thể sẽ hi sinh, anh đưa vợ con về với bà ngoại Lam. Hai vợ chồng chia tay trong đêm, nước mắt chị rơi ướt má anh.

r
Ông Tùng, bà Lam khi còn trẻ


Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh Song Tùng được cử làm đại diện của Quân đội nhân dân Việt Nam trong ban liên hiệp đình chiến ở Sài Gòn. Chị Lam vẫn ở Thái Lan. Mấy lần anh muốn đón chị về nước. Nhưng Xuân Thắng còn quá nhỏ, đi đường xa rất nguy hiểm. Để con trai lại thì chị không đành lòng. Sau mấy đêm thức trắng, chị viết thư khuyên anh nên lấy một người phụ nữ khác. Nhận được thư, anh rất buồn. Thời gian này anh đã chuyển từ quân đội sang làm công tác ngoại giao.

Năm 1955, anh Song Tùng làm đại diện ở Sứ quán Việt Nam tại Đức. Sau hai năm hoà bình, chị Lam vẫn ở Thái Lan mà không nhận được tin tức gì của chồng. Ngày ấy chị Lam mới hai mươi bốn tuổi, nhiều chàng trai để ý cô gái một con xinh đẹp. Nhưng chị vẫn một lòng đợi anh. Chị ngày đêm nhớ mong, trước khi đi ngủ lại mang ảnh anh ra ngắm khóc thầm.

Có lần, mật thám đến hỏi chị:

- Chồng chị đi bộ đội cụ Hồ phải không?

Chị trả lời:

- Chồng tôi sống ở Băngkok với cô bồ nên tôi bỏ về Outhên.

Ngày 19 tháng 5 năm 1955, Việt kiều ở Thái Lan tổ chức lễ sinh nhật Bác Hồ. Dự lễ sinh nhật Bác về, chị Lam bất ngờ nhận được thư anh Song Tùng. Anh gửi thư từ Đức về nhà hàng xóm của chị. Trước đây anh đã gửi nhiều thư cho chị nhưng bị thất lạc nên anh không biết vợ con mình vẫn còn ở Outhên. Mấy năm bặt tin, bây giờ mới nối được liên lạc với chồng, chị mừng rơi nước mắt.

Gia đình

Anh Song Tùng xin phép đoàn thể cho vợ con về Việt Nam. Mẹ con Lam bịn rịn chia tay bà ngoại. Biết Lam lo mình sống cô đơn, bà hết lời an ủi Lam:

- Bà rất mừng con về nước sống trong tình yêu thương của Bác Hồ, lại được gần chồng. Con không phải lo cho bà, bà ở bên này sống với bác con ở tỉnh Nakhon và bà con Việt kiều.

Một ngày mùa đông 1956, mẹ con chị hồi hộp nghĩ đến giây phút đựơc gặp lại anh. Con trai chị chưa biết mặt cha từ khi chào đời. Nhưng về đến Việt Nam, chị Lam mới biết anh Song Tùng vẫn còn đang công tác ở Đức.

Chị đưa con về nhà anh ở Nam Đàn, Nghệ An ra mắt bố mẹ chồng. Mọi người bên nhà anh Song Tùng ai cũng tò mò về cô gái Thái gốc Việt. Khi nào chị gánh nước cũng có một đoàn người nối nhau theo chị từ nhà ra sông Lam rồi lại từ bến sông về nhà. Nhưng chỉ ít lâu sau mẹ anh Song Tùng đã rất hài lòng về cô con dâu hiền lành, đảm đang. Lam gánh nước, xay lúa giã gạo giỏi không kém các cô gái Việt Nam khác. Chị nói tiếng Việt giỏi, đặc sệt giọng khu bốn (Nghệ Tĩnh).

Hai tháng sau, anh Song Tùng về Việt Nam. Sau bảy năm xa cách,  gia đình nhỏ bé của anh chị mới được đoàn tụ.

Anh Song Tùng rất yêu vợ nên đi đâu cũng muốn chị đi cùng. Trong công tác của chị, anh cũng tham gia bàn bạc, cùng giải quyết khi chị gặp khó khăn. Buổi tối, anh chị trao đổi với nhau việc gia đình, việc dạy con. Không bao giờ anh chị to tiếng với nhau trước mặt các con. Nhiều hôm, nhà có khách, chị Lam làm những món ăn Thái rất cầu kỳ, anh Song Tùng vui vẻ xuống bếp giúp chị. Anh vui tính, hay kể chuyện vui vào bữa ăn, mấy mẹ con cười đến không ăn được cơm.
Những câu chuyện vui anh kể thường mang ý nghĩa giáo dục các con.

Kỷ niệm anh chị không bao giờ quên là những lần gặp Bác Hồ vào những năm 1957 - 1959. Thời kỳ ấy, anh Song Tùng làm công tác ngoại giao ở Đức và Nga. Nhân dịp sang thăm các nước bạn, Bác ghé thăm gia đình anh chị. Trong album ảnh gia đình, chị vẫn giữ được hai bức ảnh gia đình chụp chung với Bác Hồ. Cả hai đều chụp lúc chị Lam đứng hát cho Bác nghe. Năm 1965, Bác Hồ đến thăm đoàn học sinh đạt giải học sinh giỏi ở Hà Nội, trong đó có Xuân Thắng. Thắng rất bất ngờ thấy Bác nhìn mình hỏi: “Ba Song Tùng có khoẻ không?” Thắng không nghĩ sau sáu năm Bác vẫn nhận ra mình.

Từ năm 1963 đến năm 1970 anh Song Tùng được cử làm phó Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng (tương đương với cấp thứ trưởng Bộ Ngoại giao). Công tác ngoại giao của Đảng thời kỳ chiến tranh rất vất vả nhưng anh vẫn  rất quan tâm đến việc giáo dục các con. Ngày Xuân Thắng còn nhỏ sang sống cùng ba mẹ ở Đức. Anh Song Tùng thấy con không viết được tiếng Việt, lại ham chơi, anh bàn với chị đưa Thắng về Việt Nam:

- Cứ sống như vậy, con sẽ không nên người được. Mình cho con về quê ngoại ở Đô Lương, Nghệ An.

Chị Lam buồn lắm khi phải xa con, nhưng thấy anh nói có lý, chị đưa con về quê ngoại. Hơn hai năm sau anh chị mới về nước, đón con ra Hà Nội. Sống ở quê Nghệ An, Xuân Thắng phải chăn trâu, ăn uống kham khổ. Nhưng từ đó, Thắng không mải chơi, nghịch ngợm như truớc và học rất giỏi. Hiện nay Nguyễn Xuân Thắng là Chủ tịch liên hiệp các hội Unesco Việt Nam, và là Tổng thư ký Liên hiệp các hội Unesco thế giới.

Con trai thứ hai của anh chị, sinh trong thời gian anh Song Tùng công tác ở Đức nên được đặt tên là Cảnh Đức. Cảnh Đức tốt nghiệp Đại học Kinh tế Hà Nội, hiện nay đang làm việc tại Đức.

Nguyệt Nga, con gái út của anh chị rất hợp với ba. Khi ở tuổi yêu, Nga lấy ba làm tiêu chuẩn cho người chồng tương lai của mình. Nga nói: Người đàn ông mẫu mực đối với con là ba, ba vừa có tâm vừa có trí tuệ. Khi nào gặp được người như ba, con mới yêu”. Hiện nay Nguyệt Nga là Vụ trưởng vụ hợp tác kinh tế Bộ Ngoại giao. Chị có một gia đình hạnh phúc với người bạn cùng lớp Phạm Bình Minh con trai cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Hiện  nay anh đang làm Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao.

Sau thời gian làm việc ở Bộ Ngoại giao, năm 1975 anh Song Tùng được cử về làm Thứ trưởng Bộ Lao Động.

Thái cực trường sinh đạo

Năm 1984, khi đang làm Thứ trưỏng Bộ Lao Động, anh Song Tùng lâm bệnh nặng. Anh bị cắt một phần ba đại tràng. Kinh tế gia đình rất khó khăn, chị Lam bán gần hết đồ đạc trong nhà để chữa bệnh cho chồng. Ba năm sau, khi bình phục và được nghỉ hưu, anh Song Tùng về quê Nghệ An dưỡng sức. Dòng họ Nguyễn Cảnh của anh là một dòng họ lớn ở Nghệ An, có công “phù Lê diệt Mạc” (thời vua Lê chúa Trịnh). Anh Song Tùng được ông trưởng họ cho xem cuốn “Hoan Châu Ký” viết bằng chữ Hán. Là gia phả của một dòng họ, cuốn sách lại có nhiều tư liệu lịch sử quý. Được sự đồng ý của dòng họ, anh Song Tùng đã tặng lại cuốn sách này cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Trong một lần tâm sự, ông trưởng họ băn khoăn vì dòng họ Nguyễn Cảnh còn có môn võ Thái cực Trường sinh có nguy cơ bị thất truyền. Môn võ này anh Song Tùng đã từng biết từ những năm sáu mươi. Đây là môn võ vừa có thể tự vệ lại có thể nâng cao sức khoẻ, chữa được nhiều bệnh. Sau nhiều ngày tập võ ở quê anh Song Tùng thấy sức mình hồi phục nhanh chóng. Anh quyết tâm trở lại Hà Nội thành lập câu lạc bộ Thái cực trường sinh để nhiều người được tham gia. Tin yêu chồng trong mọi việc, chị Lam rất ủng hộ ý nguyện ấy của anh. Hai vợ chồng chị đi thuyết phục bạn bè tập Thái cực Trường sinh.

Năm 1990, tại sân Bảo tàng Quân đội, mỗi buổi sáng sớm, xuất hiện một nhóm khoảng mười cán bộ tuổi trung niên và cả thanh niên đến tập rất đều đặn. Họ tập môn thể dục mới, bài tập Thái cực trường sinh. Người hướng dẫn bài tập là ông Song Tùng. Cùng tập trong nhóm hạt nhân đầu tiên của phong trào Thái cực trường sinh có vợ chồng Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo -  Nguyệt Tú. Học viên ngày càng đông, nhiều người chữa được bệnh mãn tính. Học trò năm trước thành thầy giáo năm sau. Vợ chồng anh Song Tùng, chị Lam tìm được niềm vui hạnh phúc cùng nhau tuyên truyền phổ biến Thái cực trường sinh. Chị còn động viên và cùng anh viết cuốn Thái cực trường sinh.

Năm 1995, Hiệp hội các câu lạc bộ Unesco Hà Nội bảo trợ và thành lập Trung tâm Thái cực Trường sinh đạo. Viện khoa học Thể dục thể thao đó tiến hành nhiều hội thảo để đánh giá tác động của Thái cực Trường sinh đạo và đã công nhận bài tập này. Phong trào tập luyện Thái cực Trường sinh đã lan rộng từ nhiều tỉnh xuống các  huyện, phường, xã trong cả nước.

Cho đến tuổi ông bà ngoại, ông bà nội, anh chị vẫn tình cảm như hồi trẻ. Anh chị vẫn gọi nhau “anh - em” ngọt ngào như trước. Các con trêu: “Tuổi này mà bố mẹ không thay đổi xưng hô nhỉ?”. Các cháu ngoại của anh chị hay nói đùa với bố mẹ: “Bố mẹ cũng phải lãng mạn như ông, bà ấy”.

Anh Song Tùng đã đi xa, để lại cho vợ yêu của mình một “tài sản” lớn: Môn Thái cực trường sinh. Làm tiếp những dự định còn dang dở của anh là lẽ sống của chị những năm còn lại của cuộc đời.

Nguyệt Tú – Nguyệt Tĩnh

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc