Chuyện tình dệt bằng nước mắt của người đặc công miền Tây

06:11, Thứ ba 27/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Ông đã mất mát quá nhiều. Một phần cơ thể gửi lại chiến trường, những cuộc tình đẹp như mơ rồi cũng lỡ hẹn, giọt máu duy nhất lưu lại nguồn cội đã vội tan. Những tận cùng của khổ đau chẳng thể nói thành lời.

Tham gia vào bộ đội từ năm 1947, Lê Thống Nhứt là một trong những chiến sĩ đặc công đầu tiên của tỉnh Cần Thơ. Ông đã cùng đồng đội đột kích vào tận sào huyệt, bắt sống tên đồn trưởng, đánh sập nhiều đồn bốp giặc đang chiếm đóng. Gần 10 năm vào sinh ra tử ở chiến trường, tham gia vào những trận đánh ác liệt nhất, năm 1952, ông bị thương nặng.
[links()]
Từ đây, ông trở thành thương binh hạng đặc biệt được chuyển ra Bắc điều trị. Gặp giặc thì ông gan lì sắt đá, vậy nhưng đụng chuyện tình cảm, anh lính đặc công ấy lại nhút nhát, e dè chẳng dám thổ lộ.

Không chiến thắng được sự nhút nhát vậy nên “những chuyến đò” đành ngậm ngùi qua sông đơn chiếc. 82 tuổi, ông kể lại chuyện tình với những tiếc nuối hóa thành lệ rơi.

Những chuyến đò lỡ hẹn qua sông

Một hôm, khi tôi đang cà phê vỉa hè với một ông nghệ sĩ thì tôi bất ngờ “tóm” được hình ảnh một người đàn ông “cưỡi” trên chiếc môtô ba bánh. Phía trước treo một lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong gió, bộ áo cựu binh gắn đầy huy chương cùng chiếc kính to quá khổ che lấp cặp mắt lão thương tật tèm nhem.

Tôi không quên “chộp” một tấm hình ghi lại khoảnh khắc hùng dũng ấy của ông và hẹn một ngày sẽ tới viếng thăm. Bóng người đàn ông bước thấp bước cao đổ dài dưới cái nắng buổi chiều tàn trong con hẻm yên bình ven sông Sài Gòn.

Niềm hạnh phúc của mối duyên muộn trong ngày cưới
Niềm hạnh phúc của mối duyên muộn trong ngày cưới

Ông đón tôi bằng chiếc nạng chỉ dành riêng cho thương binh đặc biệt, những bước đi liêu xiêu và cả sự đau đớn bởi thương tật nặng nề khắp cơ thể. Bất giác, tôi cảm thấy lòng mình xao xuyến, bùi ngùi.

Hôm trước, thấy ông ngồi xe môtô oai phong là vậy, cười rạng rỡ là vậy, nhưng cuộc sống đời thật trong căn nhà vắng lạnh lúc này làm tôi tò mò về chuyện đời của ông.

Ông tên đầy đủ là Lê Thống Nhứt, một chàng trai quê Kiên Giang. Sống trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, gia đình chạy loạn tứ tán mỗi người một phương. Thống Nhứt may mắn được một người đàn ông cưu mang. Trong lúc bĩ cực nhất, ông nhận ân nhân làm cha nuôi.

Cha nuôi là người đứng đầu một cơ sở cách mạng. Năm 15 tuổi, cha nuôi về đưa Thống Nhứt vào vùng giải phóng. Từ đây, ông chính thức khoác lên mình chiếc áo người lính cụ Hồ.

Trong môi trường quân đội, Thống Nhứt được rèn luyện qua lửa đạn chiến tranh, tố chất người chiến sĩ Cách mạng dần bộc lộ, ông cùng đồng đội vào sinh ra tử, quyết đấu cùng giặc những trận cận kề với cái chết.

Thống Nhứt trở thành một trong những chiến sĩ trinh sát đặc công đầu tiên của Cần Thơ. Bọn giặc nghe tên ông đều khiếp vía bởi lối đánh hiểm hóc, mưu trí, khôn khéo, sẵn sàng giáp lá cà tay bo với giặc. Ông có thể nhảy rào, vượt luới bao vây đồn bốt để lao vào tận sào huyệt của giặc, bắt sống tên chỉ huy.

Đánh giặc giỏi là vậy, gan lì là vậy, nhưng trong chuyện tình yêu ông lại chỉ là người thua cuộc. Ông thua chỉ một lý do duy nhất vì nhút nhát. “Thương người ta, biết người đó cũng thương lại nhưng hổng dám nói. Người ta chờ đợi không được đành theo chồng sang ngang”, lời tâm sự của ông Nhứt.

Hình ảnh người thương binh đặc biệt Lê Thống Nhứt trên chiếc xe môtô có một không hai
Hình ảnh người thương binh đặc biệt Lê Thống Nhứt trên chiếc xe môtô có một không hai

Mối tình đầu của ông là cô Út quê Hậu Giang. Ngày đó, ông vừa tròn 18 tuổi, còn cô út thua ông hai tuổi. “Trai anh hùng, gái thuyền quyên” đẹp như mơ, vậy mà chính ông bỏ lỡ mất. Ông quen cô Út trong một lần đi nhờ đò qua sông, ngay ánh mắt đầu tiên, họ đã như có tiếng sét ái tình.

Cô ấy không cho ông chèo đò. Được thể, thay vì ngồi nói chuyện với ba của cô Út, anh chàng bộ đội lại chăm chăm nhìn theo dáng yêu kiều, mềm mại trong bộ áo bà ba đang sải tay chèo. Khúc sông Hậu dài lắm mà sao nhanh đến bờ thế, làm cách nào để được ở lại lâu hơn bên cạnh cô gái ấy.

Đang mông lung suy nghĩ thì ba cô Út biết ông là bộ đội nghỉ phép liền ngỏ lời mời về nhà chơi. Mừng như bắt được vàng, Nhứt gật đầu không cần suy nghĩ. Những ngày ngắn ngủi ở nhà cô Út, Thống Nhứt cảm nhận được tình cảm của cả hai người ngày càng sâu nặng.

Cô Út may vá rất khéo, những chỗ sứt chỉ, lỗ rách trên áo quần Nhứt đều được cô may lại tỉ mỉ, chắc chắn và rất đẹp. Những lúc ấy, Nhứt thường ngồi sát bên cô Út, ngắm nhìn đôi tay thoăn thoắt của cô không biết chán, nhiều khi hai ánh mắt chạm phải nhau đắm đuối rồi bẽn lẽn quay đi.

Đến lúc không còn áo rách để vá nữa, Nhứt nghĩ ra một kế, cứ mỗi đêm, ông lại lấy luỡi lê chà sát vào ống quần, tạo ra những đường rách tự nhiên rồi nhờ cô Út may lại.

Tình yêu của họ đang tiến triển tốt đẹp theo những đường kim mũi chỉ thì Nhứt phải lên đường chiến đấu. Ngày ra đi, cô Út ở bến sông chờ đợi và hồi hộp để được nghe câu tỏ tình của chàng cùng lời ước hẹn.

Thống Nhứt hiểu rõ lòng Út nhưng để nói ra sao khó quá, ông bứt rứt, khó chịu trong người, khoác ba lô nhìn Út đắm đuối rồi cũng nói được câu: “Anh đi nhé, hẹn ngày gặp lại”. Chia tay nhau mà lòng buồn vời vợi, đôi chân nặng trĩu kéo cả mái chèo.

Hai năm sau, cô Út vẫn mòi mỏi đợi chờ mặc dù chẳng có lời ước hẹn giao duyên. Ông bị thương thập tử nhất sinh, cô Út lại nghe được tin ông hy sinh nên đành ngậm ngùi “sang sông” với một “chuyến đò” khác.

Nghe tin Út lấy chồng, ông buồn mênh mang, tình yêu ngay trong tầm tay mà để nó vuột mất. Lại biết Út vẫn đợi chờ mình, Nhứt đau khổ tột cùng. Những ân hận, giằng xé bản thân: “Tại sao nói lời yêu khó thế, chỉ vì nhút nhát mà để mất người con gái mình thương”.

Tình muộn và nỗi buồn dằng dặc

Sau khi bị thương nặng, Lê Thống Nhứt được chuyển về hậu cứ. Năm 1954, ông tiếp tục được chuyển ra Bắc điều trị vết thương. Ở Thanh Hóa, Thống Nhứt có mối tình với cô gái tên Liên. Cảm động trước tấm chân tình của anh thương binh miền Tây, Liên đem lòng thương thầm nhớ trộm ông.

Những buổi hẹn hò, Nhứt được Liên chở bằng xe đạp bon bon qua các triền đê, lũy tre làng rợp bóng mát. “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, Nhứt lại chẳng dám thổ lộ lời yêu với Liên. Sự chờ đợi của người con gái có hạn, một thời gian không thấy động tĩnh gì, Liên đành cất bước theo chồng.

Tập kết ra Bắc ở Hà Nội, ông thương người phụ nữ đã có chồng và 2 con. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình của bà ấy cũng đứt gánh giữa đường. Hai tâm hồn đồng điệu cảm thông cho hoàn cảnh của nhau. Đã 30 tuổi đời, cũng trải qua hai mối tình mặn nồng, vậy mà ông chưa một lần được nắm tay người con gái nào.

Rút kinh nghiệm ở hai lần lỡ bước, sau khi cảm thấy tình cảm đã “chín muồi”, Nhứt mạnh dạn thổ lộ tâm tình trong tâm trạng run run, lo lắng, xen lẫn hồi hộp. Tưởng như có tia sét đánh trúng mình khi Nhứt vừa dứt lời thì phía bên kia hồi đáp:

“Em cũng thương anh nhiều lắm, em chờ đợi câu nói này của anh đã lâu rồi nhưng sao bây giờ anh mới nói. Giá như trước đó 3 tháng thì mọi chuyện đã khác, em đã nhận lời cầu hôn của người khác rồi”.

Nhứt lại đau khổ, ông gào thét, tự trách bản thân mình, tự giày vò tâm can hằng đêm. Để khỏa lấp nỗi cơ đơn cùng những mất mát quá lớn trong tình yêu, Nhứt tập lái môtô. Lúc đầu cái chân giả không quen cứ lúc lắc, đạp thắng không được, nhiều khi chiếc xe lao vút xuống ruộng lúa bùn đất lầy lội.

Rồi cũng quen, ông chạy xe chẳng khác nào một người có đầy đủ chân tay, chạy đi khắp các tỉnh rong chơi, thăm bạn bè. Hơn 20 năm ở vùng đất Kinh Bắc, năm 1976, ông quay trở vào TP. HCM làm một người thương binh lao động theo guồng quay của xã hội ngày mới giải phóng.

Con người và những mối tình ngày nào luôn ngự trị trong trái tim ông, ông bảo, ông coi miền Bắc là quê hương thứ hai của mình, ở đó ông có thật nhiều kỉ niệm, tình yêu đẹp mà dang dở.

54 tuổi, mái tóc đã chuyển sang màu muối tiêu, ông nhận ra, có lẽ đời mình sẽ phải sống cảnh đơn thân gối chiếc đến hết đời. Đúng lúc đó, ông gặp người phụ nữ của đời mình. Bà ấy là Trương Ngọc Mai, quê Tây Ninh, lên TP. HCM học nghề uốn tóc, kém ông tròn 20 tuổi.

Gặp nhau nhiều rồi thấy mến, rồi hẹn hò tâm sự. Tình yêu ở tuổi xế chiều khi con người ta đã đi gần hết cuộc đời thì cũng trở nên gấp gáp hơn. Ông thấy bà thùy mị, chịu khó, bà thấy ông hiền lành, đáng thương, vậy là một đám cưới nho nhỏ có bà con thân quyến, bạn hữu gần xa đến chia vui cùng đôi vợ chồng đã có tuổi.

Ba năm sau, đứa con trai Lê Nhất Thống ra đời, niềm hạnh phúc đã đẩy lùi bao khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Gần 60 tuổi mới được làm cha, ông như trẻ lại thêm mấy tuổi. Vậy nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, tai họa ập đến gia đình khiến hai vợ chồng suy sụp.

Gặp tôi, đôi mắt buồn xa xăm của ông chợt đục ngầu, ông bảo: “Con trai duy nhất của tôi còn sống giờ cũng 24 tuổi rồi. Gặp những người trẻ như cô, tôi lại nhớ tới con vô cùng”. Ông lặng lẽ đẩy chiếc xe lăn quay mặt vào trong.

Tôi hiểu, ông đã mất mát quá nhiều. Một phần cơ thể gửi lại chiến trường, những cuộc tình đẹp như mơ rồi cũng lỡ hẹn, giọt máu duy nhất lưu lại nguồn cội đã vội tan. Những tận cùng của khổ đau chẳng thể nói thành lời.  

  • Uyên Uyên
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc