Chuyện tình ông chủ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một thời

06:17, Thứ bảy 18/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Có thể tóm tắt về ông: Mất nửa đời người lận đận với tù đày vì nghĩa nước, lại lận đận qua hai đời vợ không tròn, đến nửa đời còn mới tìm được sự an vui ổn định gia đình và cuộc sống với người vợ thứ ba.

Trong khuôn viên Học viện Ngân hàng ở Hà Nội có bức tượng bán thân Lê Viết Lượng được tạc dựng năm 2001, là công trình ghi nhớ vị Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) có nhiều đóng góp thiết yếu vào buổi đầu ngành tiền tệ Việt Nam. Ở thành phố Vinh tỉnh Nghệ An, thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên – Huế, thành phố Kon Tum tỉnh Kon Tum… cũng có đường phố mang tên Lê Viết Lượng.

[links()]

Lê Viết Lượng sinh năm 1900 tại làng Lương Điền (nay là xã Hậu Lộc) huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình trung nông lớp dưới, nghèo nhưng có truyền thống yêu nước và cách mạng.

Và cũng vì gia đình gặp khó khăn nhất định nên anh học trò nghèo Lê Viết Lượng sau khi đậu bằng Tiểu học năm 1919 đã không thể tiếp tục theo hết các bậc học ở ngôi trường danh tiếng Quốc học Huế mà phải bỏ nửa chừng về quê theo gia đình lên huyện miền núi Hương Sơn làm nghề sơn tràng.

Ở đây Lê Viết Lượng vừa tự học vừa đi dạy học và âm thầm tham gia các tổ chức thanh niên tiến bộ, đến năm 1927 thì vào đảng Tân Việt, được phân công phụ trách các huyện Hương Khê, Đức Thọ, Can Lộc.

Quan Tri huyện Hương Khê bấy giờ có cô con gái là Phạm Thị Trang để ý anh giáo trẻ giỏi giang dễ mến, lại cảm thương nỗi bất hạnh thầy đang mang bởi vợ thầy là Thái Thị Ba, người đàn bà bất hạnh cùng quê đã mất sau khi sinh cho chồng một bé trai đầu lòng chỉ có 5 ngày!

Sách “Lê Viết Lượng – một nhân cách lớn” có những đoạn viết về mối tình mang đầy tính “thời sự” và cũng rất “thế sự” này: “Trống tan, Lượng vội vã về nhà. Vừa đi được vài chục bước thì anh thấy có hình dáng một cô gái thấp thoáng dưới một lùm cây đang đi về phía anh.

Vợ chồng ông Lê Viết Lượng
Vợ chồng ông Lê Viết Lượng

Thầy giáo trẻ nhận ra cô Phạm Thị Trang, con gái yêu của quan huyện… Anh biết Trang có những tình cảm đặc biệt với anh qua nhiều lần gặp gỡ nhưng lý trí lại nhắc anh hãy cảnh giác: cô là con gái một gia đình quan lại… đâu có thể dễ dàng vượt qua cái hàng rào của hai ý thức hệ đối địch… mà chắc gì đoàn thể đồng ý…

Và anh tìm cách lảng tránh trong nỗi buồn luyến tiếc với những suy tư lẫn lộn… Dường như cô không vui, còn trách anh chưa thật tin mình. Riêng thầy Lượng cũng ân hận tự trách mình chưa nói thật với Trang vì nhiều lẽ mà anh không thể nói…”.

Tuy nhiên, đoàn thể đã đồng ý cho anh lấy Trang để làm vỏ bọc dễ bề hoạt động. Phần quan Tri huyện vì biết anh giáo trẻ đang có tham gia hoạt động cho phía cách mạng, sợ liên lụy nên cấm ngăn con gái, nhưng góp ý, răn đe mãi không được, quan cũng đành phải tác hợp cho hai người.

Vừa lấy nhau xong, năm 1929, nhằm cách ly tầm hoạt động của Lê Viết Lượng, chính quyền Pháp điều anh vào dạy tại trường Quốc học Huế. Ở đây, năm 1930, sau ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Viết Lượng được cử làm Bí thư lâm thời tỉnh Thừa Thiên.

Đang rốt ráo củng cố các tổ chức Đảng vùng Bình – Trị Thiên thì ngày 7/10/1930 Lê Viết Lượng bị bắt. Ngày 25/11 lĩnh án khổ sai chung thân giam ở nhà lao Thừa Phủ. Tháng 6/1931 đày lên Ngục Kon Tum rồi chuyển sang các nhà lao Lao Bảo và Ban Mê Thuột với thêm 2 lần lĩnh án chung thân nữa vì tội… đấu tranh không ngưng nghỉ!

Thời gian chồng biền biệt trên bước đường hoạt động và tù đày, ở nhà bà Trang vẫn một lòng son sắt đợi chờ. Bà tìm mang cậu bé Lê Viết Quân, con của Lê Viết Lượng với bà Thái Thị Ba về chăm lo tận tình, yêu thương như con đẻ, rồi gửi gắm nhà quen (là bố mẹ giáo sư Vũ Ngọc Khánh sau này) ăn học nên người.

Cậu thanh niên Lê Viết Quân mang truyền thống gia đình, thể hiện lòng yêu nước và cách mạng từ khi còn đi học, như một chi tiết trong hồi ký của giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết: “Có lần, nửa đêm Quân và tôi ra ga, Quân bóc tờ yết thị truy lùng Tố Hữu cất đi”. Sau đó anh tham gia Việt Minh và vào bộ đội.

Thời gian nằm trong tù ngục, nghĩ mình lĩnh án chung thân thì khó còn về lại với gia đình. Vừa cảm cái tình, vừa thương cái tính của người vợ trẻ Phạm Thị Trang, ông viết bài thơ gửi về nhà, hàm ý khuyên nhủ vợ đừng vì thủ tiết mà chôn vùi tuổi xuân xanh, nên đi lấy chồng khác, bằng không thì nên tham gia làm cách mạng để cứu nước cứu nòi:

“Thân này nghìn dặm bước lênh đênh/ Xin mượn hồn thơ gửi chút tình/ Vì nghĩa búa liềm ra biệt xứ/ Nên tình chăn gối phải hy sinh/ Bách niên đành chịu sai lời ước/ Tái giá xin đừng nghĩ chữ trinh/ Ân ái nếu còn ghi chút đỉnh/ Ra làm cách mạng cứu sinh linh”!

Cảm kích tình cảm chân thành và tinh thần cao thượng của chồng, bà Trang giữ vẹn trung trinh, tự nhủ lòng nghe lời khuyên nhủ, sẽ quyết dấn thân vào con đường cách mạng. Bà viết bài thơ họa lại, gửi cho chồng:

“Thương chàng ngàn dặm bước lênh đênh/ Nặng gánh bồng tang nhẹ gánh tình/ Dù phải chông gai đành quyết tử/ Để cho Tổ quốc được hồi sinh/ Kìa, chàng đã quyết lo tròn nghĩa/ Đây, thiếp rày xin giữ vẹn trinh/ Nhi nữ phen này đà quyết chí/ Thề cùng xã hội trước gươm linh”!

Nung nấu nhớ thương, khoảng năm 1938 bà Trang có lần liều lĩnh cải trang tìm đến tận nhà tù Lao Bảo thăm chồng. Sau đó bà Trang tiếp tục bước đường hoạt động, không ai rõ tung tích.

Mãi đến khoảng năm 1948, khi đang công tác ở Nghệ An, Lê Viết Lượng có dò hỏi và tìm đến một ngôi chùa ở thành phố Nha Trang hỏi thăm bà Trang.

Lúc này bà Trang đã bị lộ tung tích trong hoạt động nên tìm cách ẩn thân vào chùa làm ni cô. Vì đã là ni cô, sợ mang tai tiếng nhà chùa nên hai người thống nhất chia tay. Bà Trang ở vậy cho đến ngày mất.

Như vậy, tính đến tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, thả các tù chính trị thì Lê Viết Lượng mới rũ bỏ được 15 năm tù đày ròng rã, về lại quê nhà tham gia tổ chức giành chính quyền.

Cách mạng thành công, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An, rồi Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu IV và là Đại biểu Quốc hội các khóa I và II.

Năm 1949, khi Lê Viết Lượng đã 49 tuổi, đang là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên khu IV thì được đại tướng Nguyễn Chí Thanh mai mối cho cô Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Liên khu IV Trần Vân Cầu vừa 24 tuổi.

Trần Vân Cầu là con gái một quan Trần Chinh Cát thuộc Bộ Lễ triều Bảo Đại, nhưng lúc này cả nhà đã từ bỏ Triều đình Huế đi theo con đường cách mạng. “Quan” Trần Chinh Cát đã tin tưởng giao cô con gái “rượu” và hai con trai cho Nguyễn Chí Thanh đưa ra chiến khu tham gia công tác.

Trần Vân Cầu lúc bấy giờ có tiếng là cô gái Huế yêu kiều, đẹp người tốt nết nên có dịp quen biết nhiều người, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi biết chuyện, Đại tướng góp ý với Nguyễn Chí Thanh có nên mai mối không, vì ái ngại cho sự chênh lệch tuổi tác! Sự quan tâm chí tình ấy khiến Trần Vân Cầu xúc động và luôn trân trọng tình cảm của Đại tướng.

Năm 1950, ông được Bác Hồ gọi ra chiến khu Việt Bắc giao chức Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cho “Anh Cả đỏ” Nguyễn Lương Bằng. Năm 1951 thì ông thay “Anh Cả đỏ” làm Tổng giám đốc, bắt tay xây dựng thành công ngành Ngân hàng lúc này chỉ mới là trứng nước.

Bà Cầu chính là điểm tựa, là “hậu phương vững chắc” cho Lê Viết Lượng suốt thời gian sau này, như lời dặn dò của “Anh Cả đỏ” Nguyễn Lương Bằng nói với bà lúc bàn giao chức Tổng giám đốc Ngân hàng:

“Chị cố gắng giúp đỡ anh Lượng, thông cảm với tính thẳng và nóng của người Nghệ Tĩnh để hỗ trợ anh ấy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thay tôi mà Bác Hồ đã tin cậy giao phó”!

Kết quả cuộc hôn nhân sau cùng này là những đứa con yêu quý lần lượt chào đời: Lê Minh Châu, Lê Minh Sơn, Lê Minh Đức, Lê Minh Tiến. Chị cả Lê Minh Châu hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nhận trọng trách làm người tiên phong, ra tay kiến tạo, tổ chức, đặt nền móng vững chắc cho ngành Ngân hàng suốt 13 năm (1950-1963), Lê Viết Lượng chuyển sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Năm 1975 nghỉ hưu. Và, sau khi đi qua gần tròn thế kỷ XX thì con người tài năng và trí dũng này từ giã cõi đời vào một ngày giữa năm 1985.

Mất nửa đời người lận đận với tù đày vì nghĩa nước, lại lận đận qua hai đời vợ không tròn hương lửa, đến nửa đời còn lại mới tìm được sự an vui ổn định gia đình và cuộc sống với người vợ thứ ba. Mới hay thời đại lịch sử nào cũng có những con người đáng kính trọng như Lê Viết Lượng vậy!

  • Tạ Văn Sỹ
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc