Từ một người lính mang cấp bậc binh nhì lên đến Trung tướng, ông Nguyễn Quốc Thước đã chinh chiến ở hầu hết các mặt trận nóng bỏng. 50 năm theo nghiệp nhà binh, thời gian Tướng Thước ở bên vợ chỉ có thể tính bằng ngày...
[links()]
“Chuyện tình cảm của tôi đặc biệt lắm” - vị tướng cười hiền hậu. “Vợ tôi quê ở cùng xã Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An, kém tôi tận 12 tuổi. Tôi tham gia cách mạng từ tháng 4/1945, rồi trưởng thành từ Trung đoàn 101, Sư 325. Tôi với cương vị Trưởng ban Tác chiến Trung đoàn 101 hầu như trực tác chiến liên tục, không có điều kiện thời gian rảnh rỗi cho chuyện lập gia đình.
Cho đến tận năm 1957, tôi mới có dịp ra Hà Nội họp. Ngày ấy cán bộ trung đoàn thì được mượn một chiếc xe đạp công rồi đạp từ Quảng Bình ra. Qua Vinh, tôi xin phép về thăm nhà 2 ngày. Trong dịp về thăm này tôi gặp ông chú lúc đó là Bí thư Huyện uỷ Nghi Lộc. Ông hỏi: “Cậu hơn 30 tuổi đã tính chuyện vợ con chưa?”. Tôi trả lời: “Ai lấy? Cháu cứ đi suốt thế này…”. “Tớ có đứa cháu gái, ưng thì chú giới thiệu”.
Tướng Nguyễn Quốc Thước bên người vợ bị bại liệt. |
Và lúc đó tôi được gặp một cô gái 18 tuổi. Đây là lần đầu tiên tôi được nói chuyện, tiếp xúc với bạn gái. Chúng tôi không có thời gian để tìm hiểu, đi chơi như thanh niên ngày nay. Có lẽ lúc đó chúng tôi chưa có tình yêu mà chỉ có tình thương. Sau khi tôi ra Hà Nội họp 15 ngày và quay về thì cưới luôn. Cưới xong tôi được ở nhà 4-5 ngày. Tôi vẫn còn nhớ lúc đó là tháng 5 nên trời xứ Nghệ rất nóng. Rồi tôi trở lại Quảng Bình và ở biền biệt trong đó. Tới năm 1961, nhân chuyến đi họp tôi được về nhà một đêm và vợ có thai đứa con trai đầu tiên. Thế nhưng, sau đó cháu mất vì nhiễm trùng. Con mất nhưng tôi cũng không được về mà chỉ biết tin sau 2 tháng.
Năm 1964, vợ tôi sinh thêm một đứa con trai nữa và cũng chính là thời kỳ Mỹ ném bom ác liệt. Tháng 10/1964, tôi ra Vinh nhận nhiệm vụ vào chiến trường B thì cũng là lúc con trai chào đời. Tôi ngồi với con 1 giờ rồi quay về đơn vị. Từ năm 1964 đến năm 1974, tôi ở biền biệt trong chiến trường Tây Nguyên. Trong thời gian này, tôi chỉ nhận được có 2 lá thư, một bức thư có ảnh 2 mẹ con. Ở nhà có nhiều tin đồn là tôi đã hy sinh hoặc cũng có tin nói tôi có vợ khác. Vợ tôi không tin, vẫn tiếp tục đi làm công nhân may nuôi con.
Tháng 9/1974, tôi được đơn vị cử ra Hà Nội cùng một số cán bộ tác chiến họp bàn về chiến dịch 1975. Đến Quảng Bình, tôi bắt xe khách tranh thủ về nhà. Ngồi trên xe tôi thoáng nghe tiếng Nghệ Tĩnh lao xao từ những người lên xe thứ hai. Khi tôi ngước lên nhìn thì một thanh niên hỏi: “Anh ơi, anh có phải anh Thước không?”, tôi quay lại và một lúc mới nhận ra đó là Thi - em vợ tôi. Tôi không tin vào tai mình khi Thi nói, chị Thuỷ - vợ tôi cũng đang ở đây. Thì ra, vợ tôi theo em trai vào Quảng Bình công tác nhân tiện hỏi tìm tin tức của chồng. Không ngờ chuyến xe định mệnh này đã cho chúng tôi được gặp nhau. Mọi người đổi cho tôi sang xe sau để được ngồi cùng với vợ. Tôi ở nhà được dăm ngày, lại phải tiếp tục ra Hà Nội báo cáo Quân uỷ Trung ương chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam. Vợ cứ gặng hỏi mãi sao cách biệt 10 năm bây giờ lại phải đi ngay vậy?
Nghe tin Sài Gòn giải phóng, tháng 7/1975, vợ tôi vào Sài Gòn tìm chồng. Sau khi ở Sài Gòn 3-4 ngày không tìm được, vợ tôi ra bến xe đi Bình Dương. Tại đây bà hỏi thăm một số chiến sĩ ở bến xe và may mắn gặp đúng anh em trong Ban Tham mưu Quân đoàn 3 từ Bình Dương lên Sài Gòn. Thế là bà ấy theo anh em về tận Bình Dương tìm chồng. Lần này chúng tôi được sống với nhau 12 ngày rồi vợ lại trở về Nghệ An.
Sau đó, năm 1978, súng ở biên giới phía Nam lại nổ và tôi cùng cả Quân đoàn 3 sang Campuchia. Năm 1982, Đại tướng Chu Huy Mân thấy hoàn cảnh của tôi thường xuyên phải xa nhà nên có đề nghị tôi đưa vợ con ra Hà Nội làm việc để tôi có dịp gần gũi gia đình. Cuối cùng vợ con tôi được chuyển ra xưởng may của một nhà máy ở Hà Nội. Nhưng đến năm 1983 bên nước bạn Lào lại “nóng”, cấp trên điều động tôi về Quân khu 4 tham gia tác chiến bên nước bạn. Một lần nữa vợ tôi và các con lại bơ vơ ở Hà Nội không người thân thích.
Cho đến tận khi về già, lúc tôi làm đại biểu Quốc hội, thì vợ chồng tôi mới được gần nhau. Những tưởng lúc này có thể đền đáp được công ơn trời biển của vợ nhưng tiếc là đến năm 2002 bà bị xuất huyết não và ngã bệnh từ đó. “Thời gian này, tôi ban ngày đi họp Quốc hội, tối về trực trong bệnh viện và như vậy đã gần 12 năm tôi có dịp chăm sóc vợ để đền đáp những năm tháng tuổi trẻ vợ đã hy sinh”- Tướng Thước kết thúc câu chuyện tình đậm chất lính với chúng tôi như vậy.
Không chỉ với tư cách người lính chiến đấu ngoài mặt trận, khi là Đại biểu Quốc hội các khoá: VIII, IX, X, ông Thước tiếp tục với cuộc chiến với tệ quan liêu, tiêu cực và nạn tham ô, nhũng nhiễu của một số cán bộ thoái hóa... |
- Nguyễn Thiên Việt (Dân Việt)