Chuyện tình yêu vượt qua song sắt của một cựu sinh viên kiến trúc

07:38, Thứ tư 29/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Từng thi đỗ 2 trường Đại học Kiến Trúc và Đại học Bách khoa, từng học đến năm thứ 4 tại Đại học Kiến Trúc Hà Nội, từng là niềm tự hào của cha mẹ, nhưng những cám dỗ vật chất đã khiến chàng sinh viên Phạm Văn Phú sa ngã, để rồi phải sa chân vào vòng lao lý suốt gần 1 năm trời.

(Phunutoday) - Từng thi đỗ 2 trường Đại học Kiến Trúc và Đại học Bách khoa, từng học đến năm thứ 4 tại Đại học Kiến Trúc Hà Nội, từng là niềm tự hào của cha mẹ, nhưng những cám dỗ vật chất đã khiến chàng sinh viên Phạm Văn Phú sa ngã, để rồi phải sa chân vào vòng lao lý suốt gần 1 năm trời.


Từ một người thanh niên trẻ, có tri thức và tương lai rộng mở phút chốc trở thành một người tù tội, Phạm Văn Phú đã trải qua những tháng ngày không thể đen tối hơn khi ngỡ rằng mình đã mất tất cả.

 Nhưng trong những ngày tháng khủng khiếp nhất của cuộc đời mình, có một người con gái đã luôn ở bên anh, chia sẻ với anh những đắng cay, vấp váp của tuổi trẻ và động viên anh vững vàng trên con đường làm lại cuộc đời. Hai con người ấy đã cùng nhau đi qua những năm tháng khó khăn, cùng nhau đi qua những thăng trầm, vất vả của đời người, để viết lên một cái kết đẹp cho mối tình thời sinh viên đầy sóng gió.

Vấp ngã đầu đời của chàng sinh viên xứ Nghệ

Người dân ở xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vẫn thường nhắc đến vợ chồng Phạm Văn Phú – Nguyễn Thanh Trà như một cặp vợ chồng đã bền bỉ cùng nhau vượt khó để vươn lên trong cuộc sống, sau những vấp váp không dễ gì vượt qua của một thời tuổi trẻ.

Phạm Văn Phú sinh ra ở vùng quê nghèo Phúc Thành – Yên Thành, trong một gia đình nông dân nghèo, có 4 anh chị em. Ngày nhỏ, Phú nổi tiếng thông minh, sáng dạ, nên lúc nào cũng được cha mẹ yêu thương, kỳ vọng. Thời cấp 3, Phạm Văn Phú nổi tiếng khắp huyện Yên Thành về thành tích học tập của mình.

Anh luôn là một trong những học sinh xuất sắc nhất khóa của Trường PTTH Phan Đăng Lưu thời đó. Năm 18 tuổi, anh thi đỗ hai trường đại học danh tiếng là Đại học Bách khoa và Đại học Kiến trúc. Ấp ủ ước mơ trở thành kiến trúc sư như người anh trai, Phú khăn gói ra Hà Nội học, đem theo không ít những hoài bão vào tương lai và cả niềm kỳ vọng của cha mẹ ở quê nhà.

Từ nhỏ đến lớn chỉ sống bên cha mẹ ở một vùng quê nghèo và thanh bình, nên khi bước chân vào cuộc sống sinh viên ở một đô thị lớn như Hà Nội, Phú đã trải qua không ít bỡ ngỡ. 2 năm đầu, Phú chỉ dốc sức học hành để không phụ lòng mong mỏi của gia đình. Nhưng đến năm thứ 3, khi chứng kiến lối sống xa hoa của nhiều sinh viên thành phố ở xung quanh mình, anh đã không ít lần chạnh lòng nghĩ đến hoàn cảnh mình.
Vợ và con Phạm Văn Phú
Vợ và con Phạm Văn Phú

Đời sinh viên của Phú đã trải qua rất nhiều lần mà trong túi không còn đủ tiền để mua một xuất cơm ăn. Có những hôm đến mì tôm cũng chẳng có để ăn trừ bữa. Biết cha mẹ ở quê còn nghèo khó, vất vả, anh chẳng dám đòi hỏi gì. Nhưng mỗi lần rơi vào cảnh túng thiếu đó, Phú đã bắt đầu ngán ngẩm cảnh nghèo của mình.

Khi đó, dường như hiểu được tâm tư của Phú, có một người bạn học lúc nào cũng tiêu tiền vào hạng “đại gia” đã đến bày cho Phú cách kiếm tiền: “Mày học giỏi, nên chỉ cần biết cách là nhất định sẽ sống thoải mái”.

 Đang lúc cần tiền để thoát khỏi cuộc sống sinh viên nghèo khổ của mình, nên khi được người bạn đó đề nghị tham gia đường dây làm giả giấy tờ, hồ sơ và thi hộ, Phú đã nhận lời. Nhưng việc làm sai trái của Phú và bạn bè cuối cùng cũng bị phát hiện.

Phú bị bắt khi nhận lời đi thi thuê cho một thí sinh ở Bắc Giang. Khi bị bắt, Phú đang là sinh viên năm thứ 4 của trường Đại học Kiến trúc. Công cha mẹ vất vả nuôi ăn học, tưởng sắp đến ngày hái quả bỗng chốc đổ xuống sông xuống biển.

Thời sinh viên, Phú có yêu Nguyễn Thanh Trà, một cô gái quê ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), là sinh viên của Trường Trung cấp Kinh tế. Hai trường ở gần nhau, lại thường xuyên qua lại giao lưu với nhau, mối tình sinh viên nhanh chóng nảy nở giữa Phú và Trà. Thời yêu nhau, anh đã từng đưa chị về thăm cha mẹ ở Nghệ An.

Chị cũng đưa anh về ra mắt gia đình. Họ hẹn nhau bao giờ cả hai ra trường, công việc ổn định sẽ tính đến chuyện trăm năm. Nhưng khi chuyện hẹn ước chưa thành thì chị nhận được tin người yêu mình bị bắt. Chị kể lúc nghe tin anh bị bắt, chị như không tin nổi vào tai mình, thấy trời đất tối sầm lại. Suốt cả tuần trời, chị khóc vùi trong đau đớn, vừa thương anh đang phải sống cảnh tù tội, vừa giận anh bồng bột, nông nổi.

Suốt một thời gian dài, cứ nghĩ đến anh là chị khóc. Chị thương anh đến nỗi ngay cả những món ăn mà anh thích ăn, chị cũng nhất định không ăn, vì chị bảo cứ nhìn những món ăn đó, chị lại nhớ đến anh và ứa nước mắt vì xót xa. Giống như chị, cái tin anh bị bắt cũng là tin sét đánh với cha mẹ anh ở quê nhà. Nhận được tin con trai bị bắt, mẹ anh gần như ngất lịm đi, cha anh lên cơn tai biến mạch máu não phải đi cấp cứu bệnh viện. Đó là những ngày tháng vô cùng u tối với chị và với cha mẹ anh.

Vượt qua sóng gió, tình yêu vẫn vẹn tròn

Những ngày mới bị bắt, Phạm Văn Phú vô cùng suy sụp, tuyệt vọng khi nghĩ đến viễn cảnh tương lai u ám phía trước.

Tương lai bị hủy hoại, ước mơ công danh, sự nghiệp tiêu tán, nhiều đêm trong trại giam, anh không ngủ được khi nghĩ đến cha mẹ và người yêu. Lúc đó anh cảm thấy có tội vô cùng với cha mẹ đã chắt chiu từng đồng nuôi anh ăn học; thấy có lỗi vô cùng với người yêu khi đã phụ lòng tin của chị.

Khi bước chân vào vòng lao lý, không còn hi vọng vào tương lai, anh đã nghĩ mình sẽ mất chị, bởi anh tin chẳng có người con gái nào chấp nhận việc yêu một người tù tội, gia đình nghèo khó và hoàn toàn không có chút hi vọng gì vào tương lai. Nhưng khác với những gì anh nghĩ, chị đã không bỏ anh mà chọn cách ở lại, cùng anh vượt qua sóng gió. Chị kể, lần đầu tiên được vào trại giam thăm anh kể từ ngày anh bị bắt, chị chỉ biết khóc và động viên anh vững lòng vượt qua cú sốc lớn nhất của cuộc đời.

Lúc đó chị nói với anh: “Em mong anh chân cứng đá mềm, đủ nghị lực và bền bỉ vượt qua gian khó, vấp váp. Em sẽ luôn ở bên cạnh anh, dù bất cứ điều gì xảy ra”.

Thời gian anh ở trong trại giam, đều đặn mỗi tháng 1 lần, chị bắt xe từ Hà Nội vượt gần 100km lên trại giam Kế ở Bắc Giang chỉ để được gặp anh 15 phút, đem cho anh một chút đồ tiếp tế, dặn dò anh vài ba câu, động viên anh cố gắng rồi lại tất tả bắt xe về. Ngày anh được trả tự do, cũng chính chị là người lên tận trại giam đón anh và bắt xe đưa anh về tận nhà ở Nghệ An.

 Trên chuyến xe về Nghệ An hôm đó, biết tâm trạng rối bời, chán chường của anh, chị đã nắm tay anh thật chặt, như để khẳng định một lần nữa với anh, chị sẽ ở bên anh trong bất cứ hoàn cảnh nào và sẽ ở bên anh mãi mãi. Chính sự ấm áp mà anh nhận được từ chị đã khiến anh vượt qua những ngày chông chênh, đổ vỡ sau khi ra tù.
s
Vợ chồng Phạm Văn Phú

Vài tháng sau khi anh ra tù, chị về thưa chuyện với bố mẹ, xin được phép theo anh về làm dâu xứ Nghệ. Tôn trọng quyết định của con, bố mẹ chị đồng ý, nhưng trong lòng không tránh khỏi những nỗi lo lắng mơ hồ. Bạn bè chị cũng chỉ biết ủng hộ chị và chúc phúc cho chị, chứ không biết chị sẽ làm gì để có thể vực lại anh, cùng anh vượt qua khó khăn, khi mà cả gia đình hai bên đều nghèo, đều không có điều kiện kinh tế để hỗ trợ.

Ra tù, để chấp nhận sự thật về hoàn cảnh thực tại của mình, anh đã trải qua không ít khó khăn, khi thử làm hết việc này đến việc khác mà không thành, bởi dù định làm gì, anh cũng bị cái lý lịch từng có vết đen của mình cản trở. Những lúc đó, chị luôn ở bên anh, động viên anh dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được nản lòng.

Không tìm được một công việc phù hợp vì không dễ được xã hội đón nhận, chị bảo anh: “Đâu nhất thiết phải làm công chức nhà nước. Mình là nông dân, mình sẽ sống và làm giàu theo cách của nông dân. Bố mẹ em và anh đều là nông dân mà vẫn sống tốt đó thôi”.

Ở quê chị ở Ứng Hòa – Hà Nội có nghề tăm tre. Sau một hồi suy đi tính lại, chị quyết định vay vốn về quê mình học nghề làm tăm hương rồi mang vào phát triển trong Yên Thành – Nghệ An.

Những ngày đầu mới làm nghề, vốn liếng không có, lại chưa tìm được đầu ra, thường xuyên bị thua lỗ, đã có lúc anh nản chí, muốn bỏ nghề, chị lại động viên anh vượt qua khó khăn. Từ chỗ làm ăn chật vật, sau gần 7 năm trời, anh chị đã có một xưởng sản xuất tăm hương uy tín, tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng và nhiều xã trong huyện.

Từ chỗ vấp ngã trở về và bắt đầu với hai bàn tay trắng, vợ chồng anh chị đã tạo dựng được một cơ ngơi cho mình khi mua được một chiếc xe ô tô để chở hàng và chuẩn bị đặt những viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà mới của họ, ngôi nhà mà anh chị đã từng mơ ước được cùng nhau xây dựng từ thời còn yêu nhau.

Mẹ chồng chị bảo với tôi, mỗi khi chứng kiến vợ chồng anh chị tu chí làm ăn, chứng kiến anh chí thú chăm lo công việc, bà vô cùng tự hào và biết ơn chị. Bà bảo nếu không có một người vợ hiền đảm như chị bên cạnh, anh sẽ khó lòng có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn, vấp váp của cuộc đời. Trong cái rủi cũng có cái may, nhờ có bài học lớn đó mà anh đã tìm được một người con gái thực sự yêu thương và chia sẻ với mình mọi sóng to, gió cả trong cuộc đời.

PV
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc