Người B’râu hiện có trên 300 nhân khẩu, đang sống tập trung tại một làng duy nhất, là thôn Đăk Mế thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, vùng ngã ba Đông Dương. Trong số dân ít ỏi ấy có một người phụ nữ rất đặc biệt. Đó là Y Pan, nay đã tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng hãy còn nhanh nhạy lắm. Chị là người có tri thức và đức hạnh, năng nổ và tế nhị, dễ tạo được sự quý mến và tin tưởng cho mọi người ngay lần gặp đầu tiên.
[links()]
Y Pan được sinh ra trên đất Mường May tỉnh Atôpơ của nước bạn Lào. Năm lên 4 tuổi, Y Pan mồ côi cả cha lẫn mẹ, được một đơn vị Cách mạng mang về nuôi dưỡng. Từ môi trường ấy, chị đã tiếp xúc và tham gia hoạt động rất sớm.
Lúc nhỏ làm liên lạc, chuyển đưa thư từ tin tức, canh gác cảnh giác cho các cuộc hội họp, mang cơm nước từ cơ sở vào rừng tiếp tế, tập diễn các tiết mục văn nghệ tuyên truyền v.v… Bước chân non dại của cô bé mảnh khảnh mồ côi theo các cô chú, anh chị in dấu khắp vùng núi rừng Tam biên.
Năm 14 tuổi, Y Pan lại theo chân các cô chú, anh chị tập kết ra miền Bắc. Được đến Thủ đô Hà Nội của Bok Hồ, nơi mà lâu nay từ trong tâm tưởng, cô thiếu niên rất đỗi kính yêu, khao khát.
Rồi được vào học trường Học sinh Miền Nam. Năm năm ở trường, cô học trò người dân tộc thiểu số Tây Nguyên nhỏ nhắn thông minh, siêng năng này luôn tạo được sự mến yêu ở bạn bè và niềm tin tưởng của thầy cô.
Tiếp sau, Y Pan theo học khoá sơ cấp Y tế 19 tháng, về làm y tá ở bệnh viện Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái ngày nay). Từ Tây Nguyên lại về Tây Bắc, bước chân Y Pan lại ruổi rong qua bao khe suối núi đồi suốt gần 13 năm công tác.
Y Pan luôn miệt mài tận tụy, luôn đi đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn nêu gương sáng lối sống đạo đức mẫu mực. Người nữ viên chức mẫn cán giỏi giang ấy luôn được đồng nghiệp yêu mến, bệnh nhân tin cậy, được ghi nhận và tưởng thưởng bằng nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp.
Chị Y Pan- người phụ nữ người B'râu đầu tiên được công nhận là Phụ nữ ưu tú |
Tại Bệnh viện Nghĩa Lộ và qua các đợt đi cứu thương ở những nơi bị máy bay Mỹ oanh kích, Y Pan từng tận mắt chứng kiến biết bao cảnh bộ đội, dân quân ta bị mất mát, hy sinh.
Lắm lúc Y Pan khóc thầm xa xót trước đau đớn của đồng đội, đồng bào, nhất là trước những sinh mạng đang cơn ngàn cân treo sợi tóc. Cầm lòng không đặng, nhiều lần Y Pan quên béng đi cái sức khoẻ của một thân hình còm nhom của mình mà xung phong hiến máu để kịp thời cứu sống một số ca bị thương nguy kịch.
Thời gian này, Y Pan gặp anh bộ đội trẻ Đinh Ngọc Reng, người con trai dân tộc Giẻ-T’riêng cùng quê hương Kon Tum, cùng tập kết xa nhà. Nỗi nhớ quê hương khi gặp người cùng quê đã khiến hai trái tim tuổi trẻ như rủ nhau cùng đập một nhịp, cùng nghĩ một ý.
Hai người gặp nhau như duyên tiền định. Một tình yêu rất tự nhiên đã đến giữa hai người. Và kết quả, dĩ nhiên là một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Tình yêu ấy, hạnh phúc ấy Y Pan chắt chiu vun vén thành một đại gia đình cho đến ngày nay.
Năm 1972, Y Pan lại tiếp tục được cử sang học trung cấp Y tế ở Sơn La 3 năm để nâng cao tay nghề và bổ sung kiến thức văn hoá. Tại đây Y Pan được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Và cũng đúng lúc này chiến trường miền Nam đang ở vào thời kỳ ác liệt, nhu cầu chi viện cho chiến trường càng trở nên cấp bách, tất cả cho thắng lợi cuối cùng.
Do vậy, năm 1974 Y Pan được lệnh về Nam, phục vụ tại chiến trường B3, tức mặt trận Tây Nguyên, ngay trên mảnh đất quê nhà yêu dấu đã đằng đẵng 20 năm dài mong nhớ.
Tại đây, Y Pan được điều về làm Y tá trưởng Bệnh viện Kon Đào, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Suốt 16 năm, cho đến ngày Y Pan về hưu (1990), bệnh nhân và nhân dân nơi đây lúc nào cũng thấy thấp thoáng bóng dáng một Y tá trưởng cần mẫn, gần gũi và tin tưởng như người thân những khi chẳng may ốm đau bệnh tật.
Y Pan luôn là con người của sự thầm lặng, của tính chuyên cần. Ở đất Bắc cũng như lúc về Nam, chị luôn âm thầm lặng lẽ làm tròn chức năng, trách nhiệm của mình, thầm lặng nêu gương mẫu mực trước mọi người.
Chị không bao giờ tỏ vẻ khiên cưỡng, xao nhãng và cũng không hề tỏ ra cường điệu, lên gân trong quá trình công tác.
Nhiều đồng chí đồng đội và bà con quanh vùng đã từng nói về đức tính làm việc và tính cách ôn tồn khiêm cung của chị là rất xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ phong tặng phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng - Bất khuất – Trung hậu - Đảm đang”.
Ngày nghỉ hưu, trở về làng cũ sau mấy mươi năm “thoát ly”. Được gần gũi, cận kề với bà con buôn làng, hằng ngày chứng kiến trước mắt thực trạng nghèo đói, lạc hậu của bà con đồng tộc khiến tỉ lệ đau bệnh, chết chóc quá nhiều.
Y Pan xót xa khi nhìn dân tộc B’râu của mình có lúc chỉ còn vỏn vẹn trên 100 người để đến nỗi dư luận lu loa lên rằng dân tộc này có nguy cơ tiệt chủng!
Nhớ về công sức tổ tiên người B’râu đã vượt rừng sâu núi thẳm từ vùng Nam Lào, từ Đông Bắc Campuchia sang sinh cơ lập nghiệp bên bờ sông Bờ Y này đã 6, 7 đời nay rồi mà vẫn không “ngóc đầu lên nổi”, ngồi nhìn thôn Đăk Mế được Nhà nước chọn cho một thế đất thoáng đãng phong quang trải dài dọc theo quốc lộ 40 nối về vùng Ba biên giới để di dời về sau vụ cháy làng cũ trong sâu tít rừng già, Y Pan nghĩ phải làm gì đó để làng buôn và bà con mình bằng bạn bằng bè! Càng nghĩ chị càng nhức nhối tâm can và quyết tâm thực hiện.
Thế là Y Pan lao vào các hoạt động xã hội không ngưng nghỉ. Ở bất cứ tổ chức nào, đoàn thể nào, phong trào nào, từ thôn đến xã, đến huyện, chị cũng đều có mặt, từ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đội văn nghệ xã v.v…
Chị đặc biệt chú ý công tác vận động quần chúng: Vận động sinh đẻ có kế hoạch, vận động nếp sống mới, ăn ở vệ sinh văn minh tiến bộ; vận động bảo tồn và phát huy những phong tục tốt, xoá bỏ các tập tục xấu, lạc hậu;
tuyên truyền giữ vững an ninh biên phòng nơi vùng biên giới; khuyên nhủ bà con không nghe lời tuyên truyền xằng bậy của Tin lành Đê-ga; nhắc nhở chuyện giữ gìn sự đoàn kết, hòa hợp các dân tộc cộng cư quanh mình…
Lúc đầu bà con chưa nghe ra, Y Pan phải tự tay làm mọi việc để nêu gương trước. Ví như dọn dẹp vệ sinh quanh nhà và những nơi công cộng cho buôn làng luôn sạch đẹp; hoặc nghe nhà nào có người bệnh thì lập tức mang thuốc men đến cứu giúp và trực tiếp theo dõi tận tình v.v… Khi đã có nhiều người nhờ thế mà khỏi bệnh, không phải cúng Giàng, bà con mới tin theo…
Là phụ nữ nên chị rất bất bình trước tập tục phụ nữ B’râu khi sinh nở cứ phải một mình “vượt cạn” nơi căn chòi được che đơn sơ tạm bợ ngoài rừng. Như thế là rất thiệt thòi và nguy hiểm cho chị em. Y Pan kiên trì rỉ tai chị em nên kiên quyết bỏ.
Nhưng trước áp lực và áp đặt của cộng đồng không dễ gì một sớm một chiều mà thay đổi được, nếu không có chứng nghiệm thực tế.
Và thực tế được chứng nghiệm bằng những trường hợp nhờ sự can thiệp của Y Pan mà một số chị em thoát cơn nguy kịch, lúc này bà con mới tin nghe. Đến nay dân làng còn kể lại nhiều chuyện với sự cảm phục và hàm ơn sâu sắc đối với “bà đỡ” Y Pan.
Ví như năm 2001, vì phải tuân thủ tập tục cũ, nàng Y Son (người B’râu gọi phụ nữ trẻ là nàng) phải một mình ra rừng sinh con. Chẳng may đứa bé ra ngược, mà lại chỉ có một cẳng chân thò ra trước! Vì để quá lâu, Y Son càng lúc càng lả dần.
Chồng là Thao Noi thương vợ con, bất chấp lệ làng, lén chạy về cầu cứu Y Pan. Chị vội vàng băng rừng, bằng mọi biện pháp nghiệp vụ có được lúc ấy, đã cứu nàng Y Son thoát chết, mẹ tròn con vuông. Nay cháu bé bụ bẫm dễ thương hằng ngày tung tăng theo bạn đến trường và hay theo mẹ tới thăm nhà Bà Pan.
Hoặc như năm 2003, nàng Y Pao có thai, con bị chết lưu trong bụng, cũng ra rừng tự đẻ. Thai tử không ra. Được tin, Y Pan lại xăng xái vượt rừng đến cứu cấp, mất một ngày đêm mới xử lý xong! Bây giờ Y Pao cứ nhớ ơn Mẹ Pan hoài hoài!...
Song song với sứ mệnh “con chim đầu đàn” ngoài xã hội, trong gia đình Y Pan cũng là người vợ, người mẹ, người bà mẫu mực. Chồng chết năm 1985, một mình chèo chống nuôi 5 đứa con.
Nay 2 cô con gái lớn đã học qua lớp 9 (là những người B’râu có học lực cao nhất, tính đến nay) là Y Thanh đang làm công tác Y tế xã và Y Hiệp công tác ở Hội đồng nhân dân xã. Các con khác Y Lan, A Hanh và A Huyên đều xong lớp 7, đang dần ổn định cuộc sống.
Giống như mẹ, các con của chị đứa nào cũng tháo vát, lanh lợi, cũng biết lo nghĩ, kế hoạch cho một cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn sau này.
Từ những thành tích ấy, Y Pan đã nhận được rất nhiều tặng thưởng Huân Huy chương, nhiều Huy hiệu danh dự, nhiều Bằng khen của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương. Đã từng 2 lần là Chiến sĩ thi đua, được ra Thủ đô Hà Nội báo cáo điển hình.
Y Pan hiện đang là Uỷ viên Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liền hai khóa. Với sự kiện một người con của một dân tộc chỉ vỏn vẹn trên 300 người mà được là Ủy viên trung ương của một tổ chức đoàn kết toàn dân tộc lớn nhất nước đã làm cho bà con người B’râu và các dân tộc sống cộng cư quanh vùng lấy làm tự hào, vui sướng lắm!
Hỏi chuyện, người B’râu nào cũng nói rằng mong sao sẽ có nhiều người B’râu ưu tú như Y Pan! Người phụ nữ tài giỏi này còn là một con người tài hoa nữa. Lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn, trí tuệ của Y Pan có một con người nghệ sĩ.
Bằng chứng sinh động là bài hát “Người B’râu ơn Đảng” do chính Y Pan sáng tác luôn được cất vang trong các lễ hội, trong các buổi sinh hoạt văn nghệ quần chúng nơi ngả ba biên giới xứ Đông Dương heo hút xa xôi này.
Vâng, người B’râu ơn Đảng, và ngược lại, Đảng, chính quyền, bà con nhân dân cũng luôn biết ơn những người con đã góp phần làm nên những tốt đẹp cho đời và cho xã hội như Y Pan.
- Tạ Văn Sỹ