Cô dâu tuổi teen tự thiêu vì nhà chồng

06:15, Thứ bảy 24/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Lý do tự thiêu thì có muôn vàn, từ việc bị nhà chồng hành hạ, bị cha dượng cưỡng hiếp, bị ép buộc đến việc để bảo toànhellip; danh dự cho gia đìnhhellip;

Tự thiêu dường như đã trở thành chuyện thường ngày ở Afghanistan. Chỉ trong một năm qua, các bác sỹ ở khoa bỏng đã phải chứng kiến 83 vụ tự thiêu, mà gần 2/3 trong số đó dẫn đến tử vong. Nhiều người phụ nữ nơi đây đã chọn tự thiêu như một cách đơn giản nhất để thoát khổ. Lý do tự thiêu thì có muôn vàn, từ việc bị nhà chồng hành hạ, bị cha dượng cưỡng hiếp, bị ép buộc đến việc để bảo toàn… danh dự cho gia đình…

Những cô dâu tuổi teen tự thiêu vì bị nhà chồng hành hạ

Aatifa là cô gái sinh ra và lớn lên tại thành phố Hetar, thành phố miền Tây vẫn còn khá bảo thủ của Afghanistan. Đến giờ đây, sau những phút kinh hoàng nhất trong cuộc đời, cho dù xung quanh cô bé là những người thân yêu nhất, là các bác sỹ, các chuyên gia tâm lý, Aatifa vẫn chưa thoát khỏi cảm giác hoảng loạn.

Đôi mắt to xanh của cô bé 16 tuổi, cái tuổi lẽ ra còn đang hồn nhiên, vô lo hết giận dữ lại hoảng loạn rồi ngấn lệ sợ hãi. Cô kể lại cho mọi người nghe về hành trình dẫn đến việc một cô bé khuôn mặt còn chưa hết trẻ con, non nớt tự tẩm xăng vào người và châm lửa tự thiêu như thế nào.

Aatifa, giống như rất nhiều cô gái ở Afghanistan, là nạn nhân của nạn tảo hôn. Cô lấy chồng khi mới 14 tuổi.

Ngoài cô ra, bố mẹ cô còn sinh được tất cả 8 anh chị em khác và do nhà quá đông người nên gia đình cô luôn lâm vào cảnh túng đói triền miên.

 Ở độ tuổi 14, cái tuổi quá hợp để về nhà chồng ở đất nước này, lại sống trong một gia đình đông miệng ăn, cô bé được bố mẹ cho đi lấy chồng cũng là điều hợp lẽ.

Cô bé được xem là khá may mắn vì được gả vào một gia đình có tiếng là khá giả ở Hetar. Nhưng không ai biết rằng, những ngày tháng tưởng như được ăn sung mặc sướng của Aatifa lại là những ngày tháng cô bé bị đầy đọa về tinh thần và thể xác nhiều nhất.

Lấy cớ con dâu được làm dâu trong một gia đình nhà giàu như chuột sa chĩnh gạo, mẹ chồng Aatifa bắt ép cô phải làm việc quần quật hầu hạ cả gia đình nhà chồng từ việc cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa từ sáng sớm đến tối mịt.

Đã thế mẹ chồng cô bé còn liên tục săm soi việc nhà của em, bắt lỗi em từng chi tiết nhỏ và Aatifa chỉ cần làm mẹ chồng không hài lòng một chút thôi cũng có thể bị bà ta nhiếc móc, cấm ăn cơm. Aatifa thực ra mới chỉ là một cô bé còn nhỏ dại, làm sao có thể làm hài lòng được mẹ chồng khó tính.

Bất hạnh càng đến với cô hơn nữa khi một lần mẹ đẻ tới thăm, do quá thương mẹ đường xa tới, lại thương các em ở nhà, trước khi mẹ ra về, cô đã biếu mẹ một ít lương khô. Từ đó, mẹ chồng Aatifa ngày càng đặt điều hành hạ cô bé hơn, bà ta còn công khai xúi giục con trai mình đánh vợ vì tội đã để mẹ đẻ tới thăm.

Có lần do không chịu nổi trận đòn của chồng, cô bé đã tới trình báo với nhà chức trách nhưng họ không những không bảo vệ cô mà còn khiển trách cô bé đã gây thêm rắc rối và báo với gia đình nhà chồng cô khiến họ càng hắt hủi cô hơn.

Rồi cô được mẹ chồng thông báo rằng chồng cô ghét cô và sẽ cưới vợ khác vì thế cô nên trở về nhà bố mẹ đẻ thì hơn.

Aatifa cảm thấy vô cùng tuyệt vọng khi nghe được tin này. Không ai đứng về phía cô, bảo vệ, che chở cho cô, trái lại chỉ có sự hắt hủi và xua đuổi.

Cô bé đã có một quyết định đau lòng: đổ xăng từ đầu xuống chân, bước ra khỏi nhà và châm lửa. Khi ngọn lửa bùng cháy khắp thân thể cô bé, em trai cô đã phát hiện ra và dùng quần áo của mình để dập lửa

Atatifa với vết bỏng trên người
Atatifa với vết bỏng trên người

. Sau đó, cô được hàng xóm đưa đi viện.

Khi tỉnh lại, do còn quá đau đớn trước những việc vừa xảy ra, Aatifa liên tục kêu không muốn sống nữa.

“Tôi chỉ muốn được chết, đó là mục đích của tôi”, nhìn cánh tay gầy trơ xương chằng chịt vết bỏng, cô bé nói: “Tôi có thể làm được gì nào? Tôi không còn hữu dụng nữa. Tôi muốn ly hôn, nhưng tốt hơn hết là chấm dứt mọi thứ”.

Tiếng gào thét vì đau đớn sau vụ tự thiêu của cô bé vang lên khắp bệnh viện. Da bị lột gần hết, do cô bé quá gầy, có chỗ nhìn rõ xương, cả thân hình bị băng bó trong băng trắng, nhìn tình cảnh của cô bé không ai là không thấy sợ hãi và thương cảm. Tương lai của cô bé rồi không biết sẽ ra sao?

Bị trói buộc bằng một cuộc hôn nhân sớm, bước vào cuộc sống gia đình không hòa hợp, hàng chục cô gái giống như Aatifa ở thành phố Hetar đã chọn cách giải thoát tự thiêu đầy đau đớn. Cùng nằm trong một bệnh viện với Aatifa là cô gái 18 tuổi Zarkhuma.

Cô kể lại việc đi làm dâu của mình: “Chồng tôi không tàn nhẫn với tôi. Nhưng mẹ chồng và em chồng luôn luôn dè bỉu, chê bai những việc tôi làm”.

Theo lời cô bé, cô bị mẹ chồng và em chồng ghen tị bởi có đôi lần họ chứng kiến cảnh chồng cô giúp đỡ cô làm việc nhà. Họ ngày càng trở nên vô cùng khắt khe với cô. Vừa sinh con nhưng cô đã bị mẹ chồng bắt làm rất nhiều việc nặng nhọc. Rồi khi con trai vừa được 4 tháng tuổi, cô đã bị mẹ chồng đuổi về nhà bố mẹ đẻ chỉ vì một lỗi nhỏ.

Đuổi con dâu đi nhưng mẹ chồng lại giữ lại cháu trai và không cho phép hai mẹ con cô gặp nhau.

 Cho dù cô có dùng nhiều cách từ van xin, khóc lóc đến nhờ cha mẹ đẻ mình tới xin lỗi, nhưng cô vẫn không được nhìn thấy con mình cho dù rất nhớ con. Cha cô cho rằng cô không được báo vụ việc với các nhà chức trách mà để số phận của họ cho chúa trời phán định.

 “Tôi để mọi người cho chúa trời phán quyết. Tôi chỉ muốn họ cầu nguyện cho con gái tôi, bởi họ cũng là những người nghèo. Tôi không muốn làm gì chống lại họ, bởi họ cũng nghèo” - cha  Khor Mohammad nói. “Tôi không nghĩ chính phủ có thể giúp chúng tôi.”

Sau sáu tháng bị cấm gặp đứa con mới lọt lòng, quá đau khổ và tuyệt vọng và cũng là phản ứng với gia đình nhà chồng, Zarkhuma đã quyết định đổ xăng vào người tự thiêu. Sau tất cả nỗi đau đớn phải chịu đựng, Zarkhuma vẫn không ly dị, cô nói rằng hành động gần giết chết chính mình của cô đã khiến gia đình nhà chồng nghĩ lại.

 “Mẹ chồng và em chồng muốn tôi nằm dưới sự kiểm soát của họ chứ không phải của chồng tôi. Nếu anh ấy đối xử tốt với tôi, tôi sẽ tiếp tục sống với anh ấy”.

 Ngồi dựa trên chiếc gối, trong khi cơ thể chằng chịt sẹo do bị bỏng tới 65% được quấn trong lớp áo choàng đen và chăn đỏ, cô gái 18 tuổi nở nụ cười méo mó hiếm hoi. Không biết rồi mẹ chồng của Zarkhuma có thực sự nhận ra rằng mình đã quá tàn nhẫn không nhưng dù sao so với Aatifa, cô vẫn còn có hi vọng hơn một chút.

Nếu Zarkhuma và Aatifa tự thiêu vì bị mẹ chồng hành hạ thì  Amina, mới 14 tuổi người hành hạ cô lại là một phụ nữ khác - vợ cả của anh chồng. Cô bé này lấy chồng rất sớm, từ khi mới 11 tuổi và nhà chồng cô lại rất nghèo.

Atatifa
Atatifa lau nước mắt khi nhớ lại quãng thời gian bị hành hạ


Cô và người vợ cả không giành giật nhau anh chồng vì dù sao cô cũng còn quá bé mà giành giật nhau từng miếng cơm, manh áo “Có lúc bà ấy đánh tôi, giật tóc tôi và không cho tôi lấy nước từ vòi bơm” - Amimage kể.

Cổ và người cô bé trông rất thảm hại: da tróc, nước màu đỏ rỉ ra. Amimage nhăn nhó than mình đã “chán ngấy cuộc sống và phải tìm đến cái chết” để giải thoát khỏi khổ đau. Thật đáng thương khi một cô bé ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” như Amina đã phải chịu đựng những đau đớn quá sức như vậy.

Tự thiêu để giữ gìn… danh tiếng cho gia đình

Trái với những cô gái trên, Farzana lại chọn cách tự thiêu để giữ gìn… danh tiếng cho gia đình. Là một cô gái thông minh lại có một chút học hành, Farzana từng mơ ước trở thành giáo viên.

Nhưng rồi mơ ước ấy của cô tan vỡ khi cô buộc phải lấy một người chồng với lý do rất… trên trời: làm dâu cho một gia đình đã gả con gái của họ cho anh trai cô để trả nợ.

 Cũng chính vì kiểu hôn nhân chỉ để trả nợ như vậy mà cô phải chấp nhận lấy một anh chồng nhỏ hơn cô rất nhiều tuổi để rồi hằng ngày chịu cảnh “bồng bồng cõng chồng đi chơi”. Anh chồng càng lớn thì càng giống bố ở tính cách tàn nhẫn, vũ phu. Nghe theo lời cha mẹ. anh ta sẵn sàng đánh đập “chị” vợ của mình không thương tiếc.

Những vụ đánh đập Farzana phải chịu đựng ngày càng tăng khi anh trai cô đi lấy vợ thứ hai, điều này đồng nghĩa với việc cô vợ cả không còn được coi trọng như trước.

Điều này giống như một sự sỉ nhục đối với gia đình nhà chồng Farzana và không ai khác ngoài cô phải thay anh trai chịu đựng sự trừng phạt vô lý của nhà chồng.

Bố chồng và chồng cô ra sức hành hạ cô với một suy nghĩ lệch lạc là để “bù đắp” cho con gái mình. Quá chán cuộc sống vô nghĩa, đã nhiều lần Farzana nghĩ đến chuyện trốn khỏi nhà chồng, nhưng cô lại nghĩ đến danh tiếng cho gia đình.

Gia đình cô chắc hẳn sẽ bị người ta dè bỉu nếu có con gái bỏ nhà ra đi như thế. Có khi họ lại nói rằng cô bị nhà chồng đuổi đi thì sao.

Nghĩ vậy, Farzana không bỏ đi nữa. Để chấm dứt cuộc sống như một chuỗi ngày “trả nợ” cho người khác cũng là để bảo toàn danh dự cho gia đình, cô quyết định tự thiêu. Ở Afghanistan, rất nhiều cô gái phải kết hôn như một món đồ trả nợ như thế và không ít người trong số họ đã chọn cách tự thiêu khi quá tuyệt vọng về cuộc sống.

Bác sỹ Jalali, bác sỹ điều trị trực tiếp cho nhiều phụ nữ tự thiêu ở Afghanistan trong đó có Farzana, nhiều người phụ nữ thường nhầm tưởng rằng tự thiêu sẽ sớm kết thúc cuộc đời. Ban đầu các cô cũng đã nghĩ đến nhiều cách tự tử khác như nhẩy lầu nhưng lại sợ rằng chỉ bị gẫy chân. Còn nếu tự thiêu thì cái chết sẽ đến nhanh hơn.

 Nhưng không hẳn như vậy, những người tự thiêu có thể sẽ chết sau đó do bị nhiễm trùng hoặc nếu sống sót sẽ để lại những di chứng nặng nề. Bản thân Farzana sau nhiều tháng điều trị đã không khỏi.

Những vết bỏng càng ngày càng loét sâu khiến cô vô cùng đau đớn. “Vấn đề là phải làm thế nào cho những người phụ nữ đó hiểu rằng tự tử, dù là dưới bất kì hình thức nào đều không phải là cách để giải quyết” - bác sỹ Jalali nói.


Tự thiêu vì bị cha dượng cưỡng hiếp

Zahra sống ở Heart, vùng đất giáp Iran lại tự thiêu vì bị cha dượng cưỡng hiếp. Cô bé có một tuổi thơ cơ cực trong một ngôi làng nghèo ở Heart. Từ ngày cha bị mất, cuộc sống của ba mẹ con cô càng trở nên khó khăn hơn nữa.

Mẹ cô phải làm đủ thứ công việc nặng nhọc để nuôi sống 2 chị em cô. Nhưng công việc làm thuê của mẹ cô không phải dễ dàng gì. Ở mảnh đất nghèo khổ này, người ta sẵn sàng giành giật việc của nhau để kiếm cơm.

Là một người phụ nữ, mẹ cô chắc chắn không lại được với người ta. Và để duy trì sự tồn tại, mẹ cô đã chấp nhận làm một công việc bị xã hội chê trách, làm gái bao. Từ đó, cuộc sống gia đình cô đỡ vất vả hơn trước nhiều, ít ra là chị em cô cũng được ăn no, mặc ấm hơn.

Một ngày, mẹ cô dẫn về nhà một người đàn ông và nói với hai chị em cô rằng đây là chồng của mẹ. Mẹ nói với Zahra, lúc này đã lớn hơn một chút rằng có cha dượng, cuộc sống của ba mẹ con cô từ nay sẽ đỡ khổ hơn, sẽ ổn định hơn.

Nhưng sung sướng đâu chẳng thấy, chỉ biết rằng từ ngày về nhà cô sống, người đàn ông được mẹ gọi là chồng kia chẳng chịu làm bất cứ một việc gì. Suốt ngày ông ta chỉ chơi bời, nhậu nhẹt.

Có lần ông ta còn dẫn gái về chính ngôi nhà của mẹ con cô. Mẹ cô đã khóc rất nhiều nhưng ông ta không thay đổi mà càng ngày càng lấn tới hơn nữa.

 Tệ nhất là nếu không chiều theo ý ông ta, ông ta sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với những người đã nuôi ăn,  nuôi ở mình.

Ông ta biết, mẹ cô chẳng dám đuổi ông ta đi. Mọi người xung quanh cũng biết ông ta là chồng của mẹ cô nên nếu ông ta đi, mẹ cô sẽ càng bị người ta bêu xấu hơn nữa. Vậy là 3 mẹ con cô ngậm đắng nuốt cay chịu đựng người đàn ông này. Zahra giờ đây cũng đã có thể giúp đỡ mẹ nhiều việc.

Nhưng cuộc sống của 3 mẹ con cô như thế đã đâu phải yên ổn. Điều kinh hoàng nhất giáng xuống số phận vốn đã nhiều thiệt thòi đau khổ của cô bé Zahra. Trong một lần mẹ và em đi vắng, Zahra đã bị cha dượng cưỡng hiếp. Cho dù cô đã lạy lục van xin nhưng ông ta nhất định không tha cho cô.

Những ngày sau đó, Zahra sống trong hoảng loạn và sợ hãi. Mẹ cô nhận ra tình trạng này của con gái nhưng không hiểu tại sao. Mỗi lần định nói ra sự thật, nghĩ lại ánh mắt dữ dằn của cha dượng và nhìn ánh mắt mẹ, cô bé hoảng sợ không nói nên lời.

Cô cũng biết, mất trinh tiết là cô trở thành một gái không ra gì. Zahra dằn vặt, đau khổ. Rồi một lần, cô bé quyết định nói ra hết sự thật với mẹ của mình.

Sau đó, trước ánh mắt bàng hoàng của mẹ, trong tâm trạng bấn loạn, Zahra chạy vào buồng lấy can xăng đã chuẩn bị sẵn, đổ vào người rồi chạy ra ngoài châm lửa tự thiêu như một cách để sám hối với mẹ cho dù đó không phải lỗi của cô.

Người mẹ đau khổ sau phút bàng hoàng đã nhận ra rằng con gái mình đang trở thành một ngọn đuốc.

Bà vội vàng vơ lấy chăn dập lửa trên người con gái rồi đưa cô tới bệnh viện. Cho dù tìm mọi cách chữa trị cho con gái, cô cũng chỉ sống được thêm một tuần do bị nhiễm trùng nặng. Người mẹ tới cơ quan chức năng tố cáo hành động thú tính của tên chồng hờ nhưng sau cái chết của Zahra, hắn đã bỏ đi biệt tăm.

Tự thiêu vì bị… ép

Nếu như hành động tự tử của các cô gái trên là do các cô nghĩ ra, cho dù nguyên nhân từ người khác thì họ cũng gián tiếp gây ra chứ không ép các cô chết thì với Zada, cô phải tự thiêu do bị người khác bắt ép. Hành động của những kẻ độc ác, ép buộc Zada thực chất là những hành động giết người.

Vào ngày 26/2, trên đường từ chỗ làm về nhà, cô gái đã bị một tên đàn ông lạ mặt cưỡng hiếp. Qúa sợ hãi, cô đã la hét dữ dội nhưng những người trong làng chạy ra thì tên lạ mặt đã chạy mất sau khi kịp thực hiện hành vi đồi bại.

Thấy hoàn cảnh đáng thương của cô, thay vì cảm thông cho cô gái, cả dân làng lại quay ra bắt tội cô. Họ bắt cô phải nộp phạt rất nhiều tiền và xông vào nhà bắt mất con bò của cô.

Sau khi lột sạch tài sản của cô, họ tuyên bố rằng cô gái phải khăn gói rời khỏi làng nếu không sẽ bị lột quần áo và bắt diễu khắp làng. Cô gái tất nhiên chẳng biết đi đâu.

Thế rồi, theo, lệnh của những người đứng đầu trong làng, cô gái bị những người đang ông to khỏe, lực lưỡng xông vào nhà bắt trói lột sạch quần áo và buộc vào một cái cây ở giữa làng.

Sự việc không dừng lại ở đó khi ông trưởng làng nói rằng cô nên tự thiêu để dân làng khỏi bị vạ lây bởi sự ô uế của cô.

Nghĩ rằng cho dù có cố sống cũng không thoát khỏi sự nhục mạ của người khác, cô gái đã chấp nhận tự thiêu theo lời khuyên của trưởng làng. Thật may là cơ quan chức năng tới kịp giải thoát cho cô trước khi cô có hành động cuối cùng kết liễu đời mình.

Thậm chí, khi cơ quan chức năng tới, trường làng vẫn còn nói rằng: “Cô gái phải bị trừng phạt theo lệ làng. Trong làng tôi, chúng tôi luôn phạt những trường hợp như thế và cô gái này cũng không phải ngoại lệ. Chúng tôi phải luôn luôn tuân theo lệ làng”.

Cô gái còn chưa hết bàng hoàng nói: “Họ bảo tôi phải tự tử hoặc rời bỏ ngôi làng và lấy đi con bò của tôi. Mọi người đe dọa và đánh đập tôi, cửa nhà tôi cũng bị phá”.

 Zada đã được một tổ chức xã hội nhận giúp đỡ. Cô gái cảm thấy mình khá may mắn bởi trước cô, trong làng đã có cô gái chết vì tự thiêu với lý do bị nghi ngờ có quan hệ với một trai làng khác.

Khi tự sát thoát khổ thành chuyện thường ngày ở Afghanistan

Tự thiêu thoát khổ dường như đã trở thành chuyện thường ngày ở Afghanistan. Chỉ trong một năm qua, các bác sỹ ở khoa bỏng đã phải chứng kiến 83 vụ tự thiêu, mà gần 2/3 trong số đó dẫn đến tử vong.

 Nhiều người phụ nữ nơi đây đã chọn cách tự thiêu như một cách đơn giản nhất để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của mình.

Ở Afghanistan, tự thiêu xảy ra nhiều tại nơi gần Iran. Một số người, như bác sỹ Wazir, cáo buộc các chương trình truyền hình và phim ảnh của Iran đã lãng mạn hóa cái chết tự thiêu.

Chẳng hạn trong bộ phim Bemani năm 2002, một cô gái tự hy sinh tính mạng để thoát khỏi một cuộc hôn nhân cưỡng ép.

 Trong khi đó, các nhà quan sát khác lập luận rằng thực tế từ lâu đã tồn tại một cách thức mà phụ nữ Afghanistan dùng để thoát khỏi những khổ đau mà họ phải chịu đựng. Thế nhưng do quá hoảng loạn, bế tắc mà họ không nghĩ tới những hậu quả có thể xảy ra.

Khan Bawa - người đứng đầu phòng phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo tại khoa bỏng của bệnh viện thành phố Ghafar nói: “Nếu những người phụ nữ đó không được chấp nhận trước khi tự thiêu, thì họ sẽ được chấp nhận như thế nào khi đã trở nên xấu xí, biến dạng và tàn phế?”.

“Tự thiêu trở thành bình thường đến nỗi đôi khi chỉ vì một lý do rất nhỏ mà họ tự thiêu” - bác sỹ Bawa cho hay.

 Nhưng bác sỹ cũng nhận ra rằng, thực ra lý do được cho là rất nhỏ đó chỉ như giọt nước làm tràn ly, chỉ là cái cớ, bởi ông nhận thấy “có sự tích tụ của tuyệt vọng, mệt mỏi, bạo lực gia đình và rồi người phụ nữ chỉ muốn tìm cách thoát khỏi tình trạng đó. Tự thiêu là cách để thể hiện sự giận dữ, cách để thể hiện sự tuyệt vọng của họ”.

Những người phụ nữ tự thiêu phần lớn nguyên do từ phía gia đình chồng của mình, từ sự hà khắc trọng nam khinh nữ và những hủ tục tàn nhẫn. Muốn tình trạng này được giải quyết, ai cũng biết là xã hội Afghanistan phải thay đổi cách nhìn và cách đối xử với người phụ nữ.

Nhưng ai cũng biết đây là một việc vô cùng khó khăn ở đất nước Hồi giáo này bởi mới đây chính Tổng thống Afghanistan - ông Hamid Karzai đã công khai lên tiếng bày tỏ ủng hộ việc các ông chồng đánh đập vợ, một trong những pháp quy tôn giáo nhằm hạn chế quyền lợi phụ nữ.

Tổng thống mới ban hành bản "Pháp lệnh hành vi" trong đó quy định: phụ nữ không được ra ngoài khi không có đàn ông giám hộ, không được tiếp xúc với đàn ông lạ ở nơi công cộng như trường học, siêu thị, văn phòng; đàn ông có thể đánh phụ nữ trong các trường hợp liên quan đến các quy định, giáo quy của tôn giáo. Biết như vậy, người ta hiểu rằng, con đường thoát khổ của phụ nữ Afghanistan còn quá xa xôi.

  • Thu Hương

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc