Có một nhan sắc khiến đàn ông từ già đến trẻ, từ quan lại đến các công tử nhà giàu đều say mê, nghiêng ngả, nhưng cô Đốc Sao – kỹ nữ nổi tiếng nhất đất Hà thành thời xưa lại chỉ chung tình với một người đàn ông duy nhất. Người đàn ông may mắn đó chính là nhà báo nghèo Hoàng Tích Chu – người có đóng góp lớn cho việc cách tân báo chí đầu thế kỷ XX.
[links()]
Phố cô đầu KHâm Thiên một thời ký ức
Phố cô đầu Khâm Thiên giờ chỉ còn là hoài niệm, nhưng ký ức về những con hát ả đào, những kỹ nữ với nhan sắc một thời từng làm mưa làm gió không biết bao danh nhân, tài tử, đến giờ vẫn là một giai thoại trong những câu chuyện lịch sử về đất Hà Nội xưa.
Trước năm 1915, phố Khâm Thiên vẫn là một nơi hoang vu, dân cư thưa thớt, chưa phải là một phố xá nhộn nhịp. Nhưng ngày đó đã có rất nhiều phường hát ca trù (còn gọi là hát cô đầu, hát ả đào) ở nhiều nơi ở Hà Nội.
Cô đầu là một kiểu kỹ nữ trong thời cận đại ở Việt Nam, tương tự như geisha ở Nhật Bản. Những cô đầu sống thành từng nhóm, trong các nhà hát cho khách đến hát ả đào. Trước năm 1954, phần lớn các tài tử danh nhân đều mê thú hát ả đào.
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, việc đi nghe hát cô đầu là một thú vui không thể thiếu của đàn ông. |
Nhưng thú chơi này, xét cho cùng nó không thông tục, tầm thường như các thú chơi thân xác bình thường. Các cô đầu không chỉ có nhiệm vụ mua vui về thân xác cho khách khi họ có nhu cầu. Họ còn phải biết hát hay, biết ca những bài khiết khách say mê và biết chiều lòng khách.
Họ phải biết ăn nói duyên dáng, biết lắng nghe khi khách cần và biết đưa đẩy những câu khiến khách êm tai. Khi cần, họ có thể ngồi châm thuốc cho khách hút. Miễn là việc gì khách hài lòng, các cô đầu đều phải làm.
Nơi có các nhà hát cô đầu trước khi phố cô đầu Khâm Thiên xuất hiện phải kể đến có lẽ chính là phố Hàng Giấy. Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, việc đi nghe hát cô đầu là một thú vui không thể thiếu của đàn ông.
Những danh nhân nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Tế Xương, như nhà văn Vũ Bằng, rồi đến những quan chức, những công chức giàu có người Pháp ở Việt Nam đều coi việc ghé qua các khu phố cô đầu như một thói quen.
Khi xưa phố cô đầu nổi tiếng nhất từng là phố Hàng Giấy. Nhưng sau này việc ca quán hoạt động nhộn nhịp, xe tay đưa đón khách khuya khoắt đêm hôm rồi lại xảy ra cả chuyện ghen tuông nên chính quyền thành phố đã ra quy định cấm gây huyên náo vào đêm khuya.
Mặt khác, ngay Hàng Giấy lại có bốt Hàng Đậu khiến người đến ca quán cũng thấy ngại khi nhìn thấy đám cảnh sát người Pháp to cao lừng lững đi lại.
Rồi nhà đất ở Hàng Giấy ngày càng đắt hơn đã kéo giá thuê cũng cao hơn vì thế nhiều ca quán tìm đến chỗ rộng hơn, xa trung tâm và không bị làm cảnh sát làm khó dễ về đêm. Thái Hà với Khâm Thiên chính là những nơi các cô đầu lựa chọn để mở những nhà hát mới.
Trước 1915, phố Khâm Thiên vẫn chưa hình thành, đường đi vẫn là đất đá lổn nhổn và chiều ngang chỉ đủ rộng cho một chiếc xe tay đi qua. Hai bên còn hồ ao, bãi tha ma, ruộng rau muống, ao bèo. Làng lui sâu vào bên trong.
Đầu đường (chỗ chắn tầu hiện nay) giáp với đường Thiên Lý (đường Lê Duẩn ngày nay) không có nhà cửa chỉ có mấy quán bán xôi, cháo cho công nhân hỏa xa.
Đầu thập niên 20, do đất trong phố đắt lên, người ta mới mua ở đây làm nơi sản xuất trong đó có bà Long nấu xà phòng hiệu Con Dê, tiếp đó là Trịnh Đình Kính chủ hiệu thủy tinh Thanh Đức ở Hàng Bồ đặt xưởng.
Hai người có công mở mang ra phố Khâm Thiên là lý trưởng Bát Chắm, làm nghề bán thuốc đông y điều kinh và Cửu Khê - một tay anh chị có tiền. Cả hai bỏ tiền mua đất giá rẻ làm nhà cho thuê.
Đầu năm 1920, khi các nhà hát ả đào ở ấp Thái Hà bị tên Tiến con trai Trần Vương trùm du côn đến quấy phá ả đào và quan viên nên một số nhà hát chuyển lên phố Khâm Thiên nhờ Cửu Khê và Bát Chắm che chở.
Từ vài nhà dần tiến tới chục nhà. Ở đây không phải theo luật lệ của cảnh sát thành phố nên thoải mái trống phách tới sáng. Sự phồn thịnh của phố Khâm Thiên từ 1930-1940 là nhờ nhà hát cô đầu và tiệm nhảy.
Trong một cuốn sách viết năm 1938, Đốc lý Hà Nội Virgitti viết: "Khâm Thiên là một xóm ăn chơi nhất, hiện đại nhất và đắt khách nhất. Đó là một xóm giầu có nhất trong khu vực này. Nhà hát ở Khâm Thiên có từ trước song người ta đua nhau đến đây mấy năm gần đây thôi.
Trên một đoạn phố không đầy tám trăm mét mà có tới bốn mươi nhà hát với trên hai trăm con hát, thêm năm tiệm khiêu vũ với khoảng dăm chục gái nhẩy và có hai nhà săm cho thuê buồng. Các mụ chủ xuất thân từ cô đầu, nhân tình của các cô là quan lại An Nam cao cấp".
Việc làm ăn phát đạt đến mức hễ có ngôi nhà nào mới xây sạch đẹp là lập tức có người đến thuê với giá cao. Những chủ ít vốn không chịu nổi tiền nhà phải đi xa hơn, xuống Ngã tư Sở, đường Tầu bay, Vạn Thái (ngõ 357 phố Bạch Mai), Chùa Mới (ngã tư chợ Mơ).
Đầu những năm 1930, khách hát ở Khâm Thiên còn là tổng lý, lái buôn, lái xe các tỉnh về thì đến 1935 chỉ có khách sang, còn đám khách ít tiền mê hát phải tìm đến nhà hát ở Vạn Thái, Ngã tư Sở, Chùa Mới,... nên mới có câu:
Giầu ra Khâm Thiên
Ít tiền ra Vạn Thái
Ngứa dái ra Ngã tư Sở
Trong bốn mươi nhà hát, tập trung chủ yếu từ ngõ Tương Thuận đến ngõ Liên Hoa, Cống Trắng. Các nhà hát thường bài trí theo hai kiểu, theo lối Tầu có ghế gụ, sập, tủ chè còn theo lối mới có sa lông nhưng cũng có sập để khách nằm hút thuốc phiện.
Nhà báo Hoàng Tích Chu |
Ban ngày các nhà hát bình thường như các nhà hàng phố khác nhưng tối xuống là nhà nào cũng sáng trưng, nhà chưa có khách thì mở rộng cửa cho mấy ả ăn mặc chải chuốt đi lại ngóng khách.
Thời kỳ đầu, người ta còn chuộng con hát hay, thạo tay phách, nhưng sau nhiều nhà thay đổi cần cô đầu biết chiều khách, biết hầu rượu. Nếu gặp khách cần cô đầu hát hay thì họ đi mượn quán khác.
Kỹ nữ huyền thoại đất Hà thành
Thuở ấy trong phố Khâm Khiến có 40 nhà hát, đều là những nhà hát cô đầu hạng sang, nhưng trong đó chỉ có nhà hát cô đầu của cô Đốc Sao – kỹ nữ nức tiếng một thời đất Hà thành là đông khách nhất.
Cô Đốc sinh năm 1898, quê ở Hưng Yên. Thời trẻ, không ai biết tên thật của cô Đốc Sao là gì, chỉ biết người chồng đầu tiên và duy nhất của cô là bác sỹ người Hoa tên là Lưu Nam Sao (Lầu Màn Sầu) vì thế người ta gọi cô là cô Đốc Sao.
Cô Đốc Sao có một thân hình đầy đặn, phồn thực và một gương mặt mà khiến bất cứ người đàn ông nào nhìn vào cũng không thể nghĩ đến gì khác. Cô Đốc Sao có giọng hát ca trù hay, 14 tuổi nhan sắc đã đã rực rỡ như thiếu nữ 18 nên trở thành một cô đầu có tiếng, khiến nhiều người đàn ông say mê.
Thời đó, trong số những người thường xuyên đến nghe cô Đốc Sao hát, có bác sĩ người Hoa Lầu Màn Sâu – Lưu Nam Sao. Bác sĩ người Hoa này hơn cô Đốc sao nhiều tuổi, đã góa vợ và mê cô Đốc Sao như điếu đổ.
Ông đã bỏ không biết bao công sức, tiền của để chinh phục cô Đốc Sao và cuối cùng cũng nhận được cái gật đầu đồng ý làm vợ của cô Đốc Sao. Tuy nhiên bác sĩ Lầu Màn Sầu yểu mệnh. Lấy nhau được vài năm, ông đã bị bệnh nặng qua đời.
Ở tuổi thanh xuân phơi phới, cô Đốc Sao trở thành góa phụ. Được thừa kế gia sản của chồng, cô Đốc Sao không còn phải sống cuộc đời khó khăn, vất vả trước đây. Cô mở một nhà hát cô đầu ở ngay phố Khâm Thiên và trở thành bà chủ sang trọng.
Nhà hát của cô Đốc Sao nhanh chóng trở nên đắt khách, trở thành địa chỉ mà giới thượng lưu giàu có, giới quan chức và các danh nhân nổi tiếng thường xuyên lui tới. Đây là nhà hát đầu tiên ở phố Khâm Thiên có sàn khiêu vũ.
Cô Đốc Sao không chỉ xinh đẹp mà còn khiêu vũ rất đẹp. Nhiều khách đến nhà hát của cô chỉ để được chiêm ngưỡng những bước nhảy mê hoặc của cô trên sàn khiêu vũ và mơ được một lần nhảy cùng người đẹp.
Cô Đốc Sao cũng biết lợi thế nhan sắc của mình. Mỗi tối cô chọn nhảy với vài người khách. Ai được nhảy cùng với cô Đốc Sao đều coi đó là diễm phúc lớn của họ. Vì thế mà nhà hát cô đầu của cô Đốc Sao ngày càng đông khách và lấy hết khách của các nhà hát cô đầu khác.
Nhà hát này chuyên chọn gái mười lăm-mười sáu tuổi con nhà nghèo ở nông thôn có dáng đẹp, mặt xinh và thông minh rồi thuê người dạy tí ti ca trù, dăm ba câu tiếng Pháp. Đốc Sao cũng huấn luyện các cô biết uốn éo, cợt nhả với khách.
Lại cho dùng hàng phấn sáp của Pháp, tơ lụa tốt. Vì thế trông cô đầu của Đốc Sao mơn mởn. Váy áo của con hát ở nhà hát của Đốc Sao cũng được thiết kế riêng. Con hát nhà Đốc Sao có kỷ luật, cấm không nói chuyện riêng và cười với nhau trước mặt khách.
Ra phố ban ngày có xe tay của nhà chủ đưa đi vừa để kiểm soát vừa làm sang. Đốc Sao có nhiều cô đầu đẹp và khéo như Uyên, Xuyến, Phượng...
Giá một chầu tại nhà hát hạng sang này từ 1936-1940 là khoảng hai mươi đồng, thêm chi phí ngoài như rượu Tây, thuốc phiện hộp, gọi ăn đêm nên tốn bạc trăm, trong khi lương một viên tri huyện tập sự là tám mươi đồng.
Tuy đã qua một đời chồng, nhưng cô Đốc Sao vẫn có nhan sắc rỡ không kém bất cứ thiếu nữ chưa chồng nào. Nhiều quan chức, nhiều công tử chưa vợ, con nhà gia thế, trẻ tuổi hơn cô Đốc Sao cũng say mê cô như điếu đổ và mơ ước được lấy cô làm vợ.
Có những người khi tỏ tình với cô Đốc Sao đã nói được nên vợ nên chồng với cô Đốc Sao, hoặc được ở bên cô Đốc Sao một đêm, cũng là hạnh phúc lớn nhất đối với cả cuộc đời họ.
Mối tình vĩ đại trong cuộc đời kỹ nữ tài sắc Đốc Sao
Tuy là một cô đầu – làm cái nghề kỹ nữ mua vui cho nhiều người, từng qua tay nhiều đàn ông, nhưng cô Đốc Sao có thể coi là một kỹ nữ chung tình nhất từ trước đến nay.
Có rất nhiều người đàn ông quyền thế đã hứa hẹn lấy cô và cho cô một cuộc sống sung sướng như một bà hoàng, nhưng cô Đốc Sao đều từ chối.
Sau khi người chồng Lầu Màn Sầu chết, cô Đốc Sao chỉ yêu và chung thủy với duy nhất một người đàn ông là nhà báo Hoàng Tích Chu – nhà báo nổi tiếng của Việt Nam đầu những năm thế kỷ XX.
Nhà báo Hoàng Tích Chu được biết đến với một cuộc đời tài hoa nhưng ngắn ngủi. Ông là một người có công lớn trong việc cách tân báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Cuộc đời của ông thật ngắn ngủi.
Đúng 30 Tết, thiên hạ đang nô nức chuẩn bị đón giao thừa, ông từ giã cõi đời trong ngày cuối cùng năm Quý Dậu (1933), khi mới tròn 36 tuổi (1897 - 1933). Nhưng Hoàng Tích Chu đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử báo chí Việt Nam.
Ông đã làm chủ bút bốn tờ báo lớn, làm đảo lộn quan niệm cách viết báo đương thời, gây nhiều tranh cãi và hứng nhiều đả kích, nhưng nhiều người đã bắt chước cách viết của ông.
Hoàng Tích Chu sinh năm 1897 tại làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình quan lại. Cha ông là Hoàng Tích Phụng, một thời làm tri phủ.
Đó là những năm cuối cùng của thế kỷ 19, những năm đầu tiên của thế kỷ 20, thực dân Pháp đã chiếm được toàn bộ nước ta, đang tiến hành cuộc khai thác bóc lột nhân dân ta trên quy mô lớn.
Nền văn minh phương Tây xâm nhập và khởi đà phát triển. Lối học sáo cũ suy tàn. Những năm thiếu thời Hoàng Tích Chu theo học chữ Hán, cũng đã từng lều chõng đi thi, những khoá thi cuối cùng của nền học chữ nho nhưng không đậu.
Gia đình ông cũng có phần nào ngậm ngùi, nhưng lại may cho cuộc đời của ông. Tuổi trẻ nhạy cảm, Hoàng Tích Chu quay sang học chữ Pháp. Năm 1921, ông đã giúp việc cho toàn soạn Nam Phong, một tạp chí lớn lúc bấy giờ.
Ngày 15 tháng 7 năm 1921, báo Khai hoá ra đời, do nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi, một trong 4 người giầu nhất Việt Nam lúc đó, một nhà tư sản mới có ý thức dân tộc mạnh mẽ sáng lập.
Hoàng Tích Chu được Bạch Thái Bưởi chọn làm chủ bút. Ông bắt đầu ký tên Kế Thương trên các bài báo (ý nói kế liền nhà Thương là nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc). Với bút danh này, Hoàng Tích Chu làm cho giới báo chí và người đọc chú ý đặc biệt.
Một năm sau, vì một lý do riêng xảy ra trong toà soạn, ông từ biệt báo Khai hoá. Lúc này Hoàng Tích Chu nghĩ tới sang Pháp học nghề làm báo. Nhưng gia đình không có đủ tiền chu cấp cho ông du học.
Năm 1923, Hoàng Tích Chu vào Nam Kỳ, nhờ người bạn làm dưới tàu thuỷ xin cho chân phụ bếp trên con tàu chạy sang Pháp. Do đó ông đã được qua Hồng Kông, Thượng Hải và Nhật Bản trước khi tới Pháp.
Trong thời gian học tại Pháp, Hoàng Tích Chu và người bạn thân Đỗ Văn (sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm) hàng tháng nhận tiền trợ cấp của giáo sư trường Albert Sarraut, Lê Hữu Phúc gửi sang. Hoàng Tích Chu học nghề làm báo, Đỗ Văn học nghề in.
Khi về nước, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn đã thực hiện một loạt cải cách. Hoàng Tích Chu sử dụng lối văn mới, gọn gàng, sáng sủa, giàu lượng thông tin, khác hẳn lối văn cũ đã mang lại một luồng gió mát mẻ, đầy sinh khí, giàu chất sống cho văn phong báo chí lúc đó.
Bấy lâu nay các báo thường in xã luận dài dòng, chiếm hai cột ngang trên trang nhất, Hoàng Tích Chu viết xã luận ngắn gọn, sắc bén, hàm súc như khẩu hiệu. Trước kia, phần tin tức chỉ được in ở trang 2, 3, Hoàng Tích Chu cho in ở ngay trang nhất, tin quan trọng được in nổi bật, phản ánh tin sốt dẻo, kịp thời.
Ban đầu, những bài báo của ông bị chỉ trích, nhưng sau dần, rất nhiều tờ báo đã học theo cách làm báo của Hoàng Tích Chu. Ông cũng chính là người đã lập ra tờ báo Đông Tây, một tờ báo rất nổi tiếng của Việt Nam đầu những năm thế kỷ XX.
Là người mải mê theo đuổi sự nghiệp chữ nghĩa, con đường hoạn lộ lại không mấy suôn sẻ, nên Hoàng Tích Chu sống một cuộc đời rất nghèo túng. Tuy vậy ông lại là một người hào hoa, phong nhã, cử chỉ nho nhã, ăn nói dịu dàng, duyên dáng, khiến nhiều cô gái đem lòng yêu thương say đắm.
Trước khi sang Pháp du học, Hoàng Tích Chu từng có một cuộc tình say đắm với cô Vương Thị Phương – hay còn có tên gọi là cô Phượng Hàng Ngang – một trong bốn tứ đại mỹ nhân Hà thành. Cô Phượng Hàng Ngang vì yêu Hoàng Tích Chu, đã bỏ chồng đi theo Hoàng Tích Chu vào Nam ra Bắc.
Nhưng sau này khi Hoàng Tích Chu sang Pháp du học, cô Phượng Hàng Ngang không được bố của Hoàng Tích Chu – vốn là một tri huyện chấp nhận. Cô Phượng Hàng Ngang đành phải đi làm vợ bé cho một người đàn ông giàu có và sau này bị vợ của ông ta vì ghen tuông mà đầu độc đến chết.
Sau mối tình đau khổ với cô Phượng Hàng Ngang, nhiều năm trời Hoàng Tích Chu không yêu ai, cho đến khi đi học nghề báo về nước và gặp cô Đốc Sao, lúc này đã góa chồng trong một lần ghé thăm nhà hát cô đầu của cô Đốc Sao.
Thời điểm đó, tuy Hoàng Tích Chu không thể sánh với nhiều người đàn ông theo đuổi cô Đốc Sao, vì Hoàng Tích Chu chỉ là một nhà báo nghèo, sống bằng tiền nhuận bút, nhưng ông lại chinh phục người góa phụ xinh đẹp bởi sự thông minh, hiểu biết của mình.
Hoàng Tích Chu không chỉ giỏi làm báo, mà còn rất có khiếu về ca hát, về thời trang. Ông chính là người đã gợi ý cô Đốc Sao mở sàn khiêu vũ theo lối phương Tây trong nhà hát, là người đã dạy cô Đốc Sao nhảy đẹp nức tiếng như thế và cũng là người đã gợi ý, giúp đỡ cô Đốc Sao trong việc tuyển chọn các con hát và giúp cô Đốc Sao chọn trang phục cho họ.
Tuy không có tiền, nhưng Hoàng Tích Chu là người có công lớn trong việc giúp nhà hát của cô Đốc Sao ngày càng lớn mạnh.
Cô Đốc Sao yêu Hoàng Tích Chu bằng một tình yêu kỳ lạ đến mức mê muội. Đời kỹ nữ chẳng ai có khái niệm về hai chữ “chung tình”, nhưng từ khi gặp Hoàng Tích Chu, cô Đốc Sao cấm cửa tuyệt đối những người đàn ông khác.
Khi Hoàng Tích Chu bị tòa báo sa thải, gặp khó khăn về tài chính, cô Đốc Sao là người giúp đỡ Hoàng Tích Chu. Đến lúc Hoàng Tích Chu lập nên tờ báo mới, cô Đốc Sao cũng là người đỡ đần Hoàng Tích Chu chuyện tài chính cho tờ báo.
Tuy hai người chưa kết hôn, vì cô Đốc Sao khó vượt qua được rào cản gia đình của Hoàng Tích Chu – vốn là một gia đình gia giáo, nhưng tình yêu giữa họ thì vô cùng bền chặt. NHững ngày cuối đời, Hoàng Tích Chu bị bệnh nặng, cô Đốc Sao là người ngày đêm túc trực bên Hoàng Tích Chu.
Kể từ khi Hoàng Tích Chu mất, trong 3 năm trời, cô Đốc Sao chỉ mặc đồ đen và không hề cười nói bất cứ ai. Cũng kể từ đó, cô in danh thiếp ghi tên mình là “Bà Quả phụ Hoàng Tích Chu”. Cô cũng yêu cầu mọi người gọi cô với danh xưng đó.
Tâm niệm mình đã trở thành vợ của Hoàng Tích Chu, cô Đốc Sao ở vậy kể từ đó, không qua lại với bất cứ người đàn ông nào khác, để trọn vẹn mối tình với nhà báo nghèo Hoàng Tích Chu.
- Hương Quỳnh