Cô gái bán hàng rong ở bến xe thành Giám đốc sở (1)

16:33, Thứ bảy 19/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Nhà nghèo, đông con, trước khi biết cắp sách đến trường, cô gái ấy đã phải đội thúng bánh dừa đi bán ở bến xe. Để có tiền đi học, cô gái đã một buổi đi học, một buổi bán bánh dạo ở bến xe...

(Phunutoday) - Nhà nghèo, đông con, trước khi biết cắp sách đến trường, cô gái ấy đã phải đội thúng bánh dừa đi bán ở bến xe. Để có tiền đi học, cô gái đã một buổi đi học, một buổi bán bánh dạo ở bến xe suốt những năm tiểu học, trung học cơ sở... Cô đã vượt qua tất cả những khó khăn để vào được đại học. Thế nhưng, khi tốt nghiệp đại học về, không nơi nào chịu nhận cô vào làm việc.
Giống dừa mới lai tạo.
Thạc sỹ Thủy đứng bên giống dừa mới lai tạo.
Cuộc đời có những lúc diễn biến bất ngờ, chính sự “thất nghiệp” của cô kỹ sư thủy sản mới ra trường đã đưa cô gái đến với cây dừa, để rồi cô đã cùng cây dừa Bến Tre bay cao, bay xa. Cô trở thành chuyên gia về dừa nổi tiếng trên thế giới, là nhà khoa học về dừa hàng đầu ở Việt Nam. Cô vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bến Tre.
 
Sự bất ngờ của các chuyên gia nước ngoài
 
Tại Lễ hội Dừa lần đầu tiên vừa được tổ chức ở Bến Tre từ 13 đến 19/1/2009, nhiều kỷ lục về dừa đã được giới thiệu: bàn gỗ dừa lớn nhất, tranh, đèn dừa lớn nhất, đũa dừa dài nhất, chén dừa lớn nhất VN... Ban tổ chức còn giới thiệu một kỷ lục khác: nơi cho ra đời nhiều giống dừa nhất Việt Nam. Đó là Trung tâm Dừa Đồng Gò ở huyện Giồng Trôm - Bến Tre. Tác giả của kỷ lục này là 1 người con gái của Bến Tre tên Nguyễn Thị Lệ Thủy. Từ đôi bàn tay mềm mại của cô, những giống dừa có ưu điểm vượt trội đã lần lượt ra đời, góp phần làm cho kinh tế dừa Bến Tre phát triển như ngày nay.
 
Về Bến Tre dự Lễ hội Dừa lần ấy, tôi chú ý đến một cuộc hội thảo về dừa được tổ chức ở khách sạn Hùng Vương. Chú ý bởi lẽ, trong số những khách tham dự có khá nhiều nhà kinh tế, khoa học đến từ nhiều nước trên khắp thế giới. Tôi càng quan tâm hơn, khi đọc thấy trong chương trình hội thảo người chủ trì cuộc hội thảo lại là 1 người con gái của Bến Tre - Thạc sỹ Nguyễn Thị Lệ Thủy.
 
Đến khi hội thảo diễn ra, tôi càng bất ngờ về khả năng sử dụng tiếng Anh của cô. Còn các vị khách ngoại quốc thì bị cuốn hút vào những kiến thức về dừa của cô gái mặc chiếc áo dài truyền thống Việt Nam. Thế nhưng, tôi và các chuyên gia nước ngoài trong ngày hội thảo hôm đó không phải là những người bị bất ngờ thú vị nhiều nhất về cô gái. Sau đó ít lâu, một nhóm chuyên gia về dừa đến từ “cường quốc” dừa Mexico mới là những người ngạc nhiên, thú vị hơn cả.
 
Vào giữa tháng 2/2009, có một đoàn công tác của Hạ viện Mexico đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Mexico là một “cường quốc” về dừa, có nền kinh tế dừa khá phát triển, nên sau khi làm việc với các bộ, ngành trung ương, đoàn công tác đã đến thăm tỉnh Bến Tre để nghiên cứu về kinh tế dừa. Ông Nguyễn Thái Xây - lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - đã tiếp và làm việc với đoàn.
 
Tại buổi làm việc ấy, các chuyên gia Mexico đã có sự bất ngờ rất thú vị. Trong thành phần đoàn làm việc của phía chủ nhà có 1 cô gái được giới thiệu là Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh, cô cũng là người phiên dịch cho cuộc nói chuyện giữa Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác. Đến phần trao đổi về nghề trồng dừa, kinh tế dừa..., bằng tiếng Anh thông thạo, cô gái đã giới thiệu về kinh tế dừa Bến Tre bằng những kiến thức chuyên sâu và đầy tính thực tiễn, mà với hiểu biết nghề nghiệp, các chuyên gia khách phải nhìn nhận cô gái là “bậc thầy” về dừa.
 
Một chuyên gia của đoàn khách ngờ ngợ nhận ra cô gái đó là người quen, chính xác hơn là cô đã từng giảng dạy cho anh ta về môn di truyền dừa ở Mexico cách đó gần 10 năm. Anh ta nhớ không sai, chính Thạc sỹ Nguyễn Thị Lệ Thủy đã từng giảng dạy ở trường Đại học Colimage – Mexico. Trong hàng trăm sinh viên là học trò của cô, sau này, có những người trở thành chuyên gia hàng đầu về di truyền dừa ở Mexico, và họ đã có mặt trong chuyến công tác ở Việt Nam. Sau hàng chục năm, cô giáo và các học trò gặp lại nhau ở chính quê hương của cô giáo. Họ chuyện trò, trao đổi thật sôi nổi về chuyện trồng dừa, lai tạo dừa, phát triển kinh tế dừa ở Bến Tre và ở đất nước Mexicô.
 
Cô bé bán hàng rong ở bến xe
 
Để trở thành một chuyên gia về dừa hàng đầu của Viêt Nam, Nguyễn Thị Lệ Thủy đã đi qua một chặng đường dài đầy chông gai nhưng cũng đầy bất ngờ, thú vị mà chỉ có bàn tay của số phận mới có thể sắp đặt được hoàn hảo như thế. Cô chào đời vào đêm mùng một Tết Mậu Thân 1968, đêm mở màn cho năm chiến tranh khốc liệt, cũng là năm rừng dừa ở Bến Tre bị hủy diệt tàn khốc nhất, còn gia đình Thủy thì trở nên trắng tay vì khói lửa chiến tranh, nhà cháy, tài sản tiêu tan.
 
Nhà nghèo, đông con (9 anh chị em), Thủy đã biết kiếm sống trước khi biết chữ. Lên 5 tuổi, cô gái đi gói kẹo dừa, bán bánh dừa ở bến xe thị xã Bến Tre. Những năm học tiểu học, cô bé đến trường phải mang theo giỏ bánh để bán trong giờ ra chơi, nhờ vậy mà có tiền đến lớp, không phải nghỉ học như những đứa trẻ đồng cảnh ngộ. Suốt những năm trung học, Thủy ngày đi học, tối gói kẹo dừa phụ mẹ, có khi đến 1 – 2h sáng.
 
Cuộc đời đã khẽ mỉm cười với cô gái, khi kỳ thi vào đại học năm 1986, cô thấy tên mình trong danh sách những học sinh đậu vào khoa Thủy sản trường Đại học Cần Thơ. Cô chọn khoa  Thủy sản vì quê hương Bến Tre của cô có thế mạnh về nuôi trồng, đánh bắt và chế biến tôm, cá, nghêu... Vào đại học, cô sinh viên nghèo vừa học vừa làm thêm nghề may, thêu, thắt giỏ… để có tiền trang trải học tập, không để trở thành gánh nặng cho gia đình đang còn phải nuôi nhiều đứa em của cô đang còn đi học.
 
Thủy chọn ngành thủy sản cho phù hợp với lợi thế vùng sông nước cù lao quê mình. Thế nhưng, khi tốt nghiệp ra trường trở về quê hương, Thủy lại không xin được việc ở Sở Thủy sản Bến Tre, có lẽ vì lúc ấy cô gái quá ốm yếu, bị người ta chê. Trong lúc thất nghiệp, chưa biết phải rời khỏi quê hương để tìm việc làm hay tiếp tục chờ, tình cờ có người bạn công tác ở Trung tâm Dừa Đồng Gò (đặt tại huyện Giồng Trôm, thuộc Viện Nghiên cứu Dầu và cây có dầu - Bộ Công nghiệp) rủ đến đó chơi.
 
Khi đến Trung tâm Dừa Đồng Gò, cũng rất tình cờ, Lệ Thủy nghe nói ở đó đang cần kỹ sư thủy sản để nuôi cá dưới mương dừa. Ngẫm nghĩ học 4 – 5 năm tốt nghiệp kỹ sư thủy sản mà đi nuôi cá dưới mấy cái mương dừa, Thủy thấy ngậm ngùi, nhưng đang lúc thất nghiệp, cô đã nộp đơn và được người ta nhận ngay vào làm việc.
 
Những đàn cá dưới mương dừa được cô thủy sư thủy sản chăm sóc đúng bài bản đã khỏe mạnh, lớn nhanh. Thế nhưng, khu vực xung quanh Trung tâm lúc đó rất phức tạp, cá nuôi không bao giờ thu hoạch được, vì chưa lớn đã bị trộm sạch. Việc nuôi cá không thành, Trung tâm chuyển Thủy qua làm hành chính, kế toán, thủ quỹ, tạp vụ, trợ giúp các kỹ sư trong các dự án về dừa… Nói chung, tất cả những công việc gì trong Trung tâm thiếu người làm là Thủy phải lao vào làm thế.
 
Cô cũng nghĩ tới việc đi nơi nào đó để tiếp tục sống và làm việc với nghề kỹ sư thủy sản của mình, nhưng nghĩ thân gái không thể đi xa gia đình, nên cô quyết định ở lại Đồng Gò dù phải làm trái nghề được đào tạo. Bất ngờ, có một chuyện xảy đến làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô. Bây giờ nghĩ lại, Thủy thầm “cảm ơn” những kẻ trộm đã làm cô thất nghiệp nghề nuôi cá, phải chuyển qua trồng dừa, nhờ đó mà cuộc đời cô đã rẽ sang hướng tốt đẹp hơn rất nhiều. Được phân công làm chân “sai vặt” (vì không đúng chuyên môn) cho các kỹ sư trồng trọt trong các dự án trồng dừa, Thủy vừa học trên thực tế qua các chuyên gia thực hiện dự án, vừa nghiên cứu qua sách vở những kiến thức về dừa.
 
Cô gái cứ bền bỉ làm việc và học tập. Tối nào, Thủy cũng đi xe đạp 8 cây số đường đá lởm chởm từ huyện Giồng Trôm lên thị xã Bến Tre để học tiếng Anh. Năm 1994, Mạng lưới Tài nguyên Di truyền Dừa Thế giới (COGENT) triển khai dự án nhân giống dừa tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Thủy có thêm điều kiện học hỏi các nhà khoa học trong và ngoài nước.
 
  • Hàm Luông       
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc