Dù bị căn bệnh lạ cướp đi sức lực của đôi tay, đôi chân khiến tứ chi bị liệt phải nằm một chỗ nhưng Trần Thị Thúy An (SN 1985) không đầu hàng số phận.
Lúc nào nụ cười cũng thường trực trên gương mặt. Và từ khi cơn bạo bệnh ập đến, thì Thúy An lại có được một khả năng kỳ lạ từ cái lưỡi thần kỳ.
Thúy An có thể dùng miệng để xỏ chỉ qua lỗ kim nhỏ xíu và dùng lưỡi kết thành nhiều hình giấy như chim cò, hoa lá tuyệt đẹp.
Tuổi thơ bất hạnh
Vừa đến trung tâm quận Thốt Nốt, cách con sông Hậu không bao xa, khi chúng tôi hỏi thăm đã có nhiều người biết tiếng An.
“Con bé này hay lắm. Cái gì nó cũng làm được bằng miệng, nhưng tội là nhà nghèo nên lúc bị bệnh không tiền chạy chữa phải nằm liệt một chỗ” - ông Lê Thanh Hòa, một người hành nghề vá ép ven quốc lộ 91 nói.
Rồi ông Hòa còn tận tình chỉ dẫn chúng tôi đến nhà của Thúy An, ông đưa chúng tôi xuống tận bến phà Tân Lộc.
Chiếc phà bồng bềnh trên sông Hậu, chúng tôi bắt chuyện với một phụ nữ trạc 50 tuổi là người dân gốc cù lao.
Nhìn nước sông Hậu xanh rì, mát rượi, bao bọc lấy cái xã cù lao nổi tiếng của quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, người phụ nữ nhớ lại cuộc sống của người dân nơi đây khoảng 10 năm về trước.
Khi đó, cồn Tân Lộc rất thanh bình, yên ắng còn bây giờ thì đã vô cùng nổi tiếng.
Đúng là nổi tiếng thật, bởi chừng 10 năm trước, cồn Tân Lộc rất nghèo, đường giao thông không có chỉ là đường đất, nắng bụi mưa lầy, nhà cửa người dân thì xập xệ.
Thế nhưng đùng một cái cù lao Tân Lộc đổi thay nhanh chóng, nhà nhà xây tường, mái ngói khang trang.
Rồi người dân miền Tây đặt cho cù lao Tân Lộc một cái tên rất “bảnh”: “Đảo Đài Loan”.
Sở dĩ có tên gọi đặc biệt ấy là vì ở cái xã cù lao nhỏ bé, ngăn sông cách trở như Tân Lộc lại là nơi có tỉ lệ phụ nữ nông thôn lấy chồng ngoại, nhất là Đài Loan cao nhất TP.Cần Thơ và cả Đồng bằng sông Cửu Long này.
Cồn Tân Lộc bây giờ nổi tiếng có nhiều đại gia nuôi cá Tra với những ngôi biệt thự trị giá bạc tỷ mọc lên san sát đường quê.
Cạnh đó là một xóm nghèo của người dân lao động, làm mướn làm thuê, hình ảnh đối lập dễ dàng bắt gặp ở bất cứ nơi đâu. Người dân nơi đây hết sức nhiệt tình, hướng dẫn chúng tôi đến tận nơi.
Trong căn nhà tôn nhỏ mới được sửa chữa lại, khi chúng tôi đến có một bà mẹ già và cô gái tật nguyền lúc lắc cái đầu to gần bằng nửa thân mình.
Đó chính là Trần Thị Thúy An (SN 1985) là con ông Trần Văn Nghiêm và bà Nguyễn Thị Kim Tuôi, một gia đình nghèo ở ấp Lân Thạnh, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ.
Thoạt nhìn chúng tôi cứ ngỡ An đang thè lưỡi liếm vào “rờ mốt” điều khiển ti vi cho đỡ buồn. Nhưng quan sát mới biết An đang chơi trò chơi điện tử bằng miệng. '
Mẹ Thúy An kể “Gia đình tôi có 5 đứa con, các anh chị của An đều lành lặn chỉ có Thúy An phải mang kiếp tật nguyền. Khi sinh ra Thúy An vẫn lớn và đi đứng bình thường.
Cô gái xỏ kim bằng lưỡi Trần Thị Thúy An. |
Bé An vẫn chạy nhảy khắp nơi, vẫn hay chạy sang nhà cậu mỗi khi bên ấy phát ra tiếng nhạc từ các chương trình trên ti vi. Thế nhưng, lên 7 tuổi thì tự nhiên cơ thể của Thúy An teo nhỏ lại, xương trên cơ thể dường như có biểu hiện teo tóp.
Lúc đầu bé chỉ cảm thấy mệt và không muốn đi lại, lâu dần cô không còn ngồi được nữa.
Các xương tay xương chân dường như đã tan biến và hòa chung vào da vào thịt của cháu. Cơ thể Thúy An bây giờ chẳng khác nào một con gấu bông ướt sũng nước.
Từ lúc đó đến nay, Thúy An chỉ có thể nằm một chỗ, tứ chi và hầu hết các bộ phận trên cơ thể cô đều không cử động được.
Toàn thân em nó cứ như cọng bún, các khớp xương tay, chân như rời ra nên không cử động được. Chỉ còn có cái đầu là ngoắc ngoải được chút ít.
Mắt và miệng Thúy An còn vận động được nên cái gì em muốn làm đều dùng miệng hết. Cũng bởi nhà nghèo không ruộng đất, lo miếng ăn hàng ngày nên không tiền đi bệnh viện, vì thế Thúy An mới chịu cảnh này”.
Hễ ai chạm vào người Thúy An thì thịt em cứ giật, run lẩy bẩy. Mẹ Thúy An nói, bác sĩ cho biết An mắc chứng bệnh còi xương. Cái nghèo càng quấn lấy gia đình An khi lúc nào cũng phải dành hẳn một người để chăm sóc cho An.
“Chồng tôi làm phụ hồ, làm mướn, cả nhà ai cũng làm thuê “bá nghệ tùy thân” kiếm sống qua ngày.
2 năm trở về trước, gia đình gần chục nhân khẩu nhưng không có cái nhà kín mưa, che nắng.
Hễ mỗi khi mưa xuống, căn nhà vách lá dột nát ướt sũng mọi người, đồ đạc trong nhà hết di dời chỗ này lại dọn sang chỗ khác để tránh bị ướt.
Những trận mưa to, tôi phải ẵm Thúy An chạy sang nhà hàng xóm lánh nạn, sợ giông làm sập nhà đè chết” - bà Nguyễn Thị Kim Tuôi ứa nước mắt tâm sự.
Thương đứa con gái tật nguyền, bất hạnh, bà Tuôi thường ngồi lặng lẽ khóc một mình. Mỗi lần nhìn Thúy An bị các cơn đau hành hạ, lòng người mẹ đau như bị ngàn mũi kim đâm vào da thịt.
Những lúc như vậy, bà Tuôi cũng không biết phải làm sao mà chỉ biết nhẹ nhàng đến bên con vỗ về khe khẽ. Cũng chính vì vậy bà Tuôi thường xuyên túc trực bên đứa con gái bất hạnh để chăm sóc. Thế nhưng cái nghèo cái khổ vẫn cứ quyết đeo bám lấy gia đình này.
Những người trong nhà từ ông Nghiêm đến các anh chị của Thúy An đều quần quật đi làm thuê, làm mướn suốt ngày để chạy gạo.
Trước đây bà Tuôi cũng đi làm cỏ mướn cho các gia đình trồng vườn cây ăn trái gần trong xóm. Nhưng từ khi Thúy An phát bệnh nặng thì bà ở hẳn nhà để chăm sóc con.
Dẫu làm lụng siêng năng, không dám nghỉ nhưng trong nhà không có lấy một đồng dư để phòng khi hữu sự.
Thúy An gấp hạc giấy bằng lưỡi. |
Mấy lần Thúy An bệnh nặng quá đau nhức hoành hành nên gia đình phải chạy đầu làng cuối xóm mượn nợ, vay ít tiền đưa con đi bệnh viện. Nhưng khổ nỗi trong túi không đủ tiền nằm lại bệnh viện nên chỉ khi sau khi được bác sĩ tiêm thuốc giảm đau là phải trốn viện về.
Bà Tuôi cho biết, dẫu khó khăn, gia đình cũng đã tìm mọi cách đưa Thuý An đi khám chữa bệnh nhưng không khỏi.
Mới đây, khi lên các bệnh viện trên Sài Gòn khám thì các bác sĩ kết luận, Thuý An bị nhiễm chất độc màu da cam. Có tiền cũng không thể nào trị khỏi và cô gái có thể sống đến khi nào?
Trong cái khó, “ló” biệt tài độc đáo
Từ ngày mang bệnh hiểm nghèo, Thúy An chỉ nằm bất động một chỗ không di chuyển hay nhúc nhích được.
Thế nhưng cô gái 27 cái “xuân xanh” lại có thân hình mền nhũn và chỉ cao 90cm như một đứa bé chừng 8 - 9 tuổi này lại tỏ ra hết sức lạc quan.
Chỉ trừ khi bị những cơn đau từ căn bệnh lạ quái ác hoành hành là Thúy An phải khóc, phải nhăn mặt, chứ bình thường lúc nào nụ cười cũng thường trực trên gương mặt của cô gái tật nguyền bất hạnh.
Từ khi tay chân bất động, chỉ còn có đôi mắt, cái đầu và cái miệng là không bị “chết” (theo cách nói của Thúy An) nên dù làm bất cứ việc gì An cũng dùng đến cái miệng. Vậy là trong cái khó, “ló” biệt tài.
Cái miệng và lưỡi của Thúy An trở nên hết sức “tài ba” và vô cùng linh hoạt, giúp cô gái làm được nhiều việc khó khăn, tưởng chừng như chỉ có trong cổ tích.
Chẳng hạn như Thúy An có thể dùng lưỡi để xỏ chỉ qua lỗ cây kim may tay nhỏ xíu, điều mà với người bình thường, sáng mắt đôi lúc cũng gặp khó khăn. Hay Thúy An có thể dùng lưỡi xếp hình giấy, hoa văn đủ kiểu vô cùng đẹp mắt.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi về biệt tài trên, Thúy An nói: “Em ckhông biết nữa, cũng không luyện tập gì và cũng không nghĩ đó là tài năng thần kỳ gì hết.
Em thấy mọi người xung quanh làm gì là em học làm theo. Nhưng người ta lành lặn bình thường thì làm những việc đó bằng tay, còn em chỉ có cái miệng “là còn sống” nên em bắt cái miệng tập làm”.
Mẹ Thúy An – bà Tuôi kể, khoảng năm 2001, trong lúc khâu vá thì bà nội hết chỉ, thấy nội loay hoay xỏ mãi sợi chỉ qua lỗ kim bé xíu, Thúy An cũng muốn thử nhưng nội không cho vì sợ nguy hiểm.
Xỏ mãi không được nên bà ghim cây kim vào chiếc gối của Thúy An đang nằm rồi bỏ đi ra ngoài một lúc. Thúy An liền cố với lấy cây kim bằng chiếc lưỡi.
Trần Thị Thúy An đang kết hoa bằng miệng và lưỡi. |
Cô bé ngậm lấy kim giấu vào trong miệng rồi mới xin bà cho sợi chỉ... để chơi. Chẳng biết làm thế nào mà loay hoay một lúc thì Thúy An xỏ được sợi chỉ qua lỗ kim bé xíu.
Thúy An liền dùng lưỡi, dùng răng và lúc lắc cái đầu cắm cây kim đã xỏ chỉ trở lại chiếc gối cho bà nội. Khi bà nội đi tìm người đến giúp xỏ kim trở vào nhà thì đã thấy kim xỏ chỉ được rồi.
Bà nội hỏi Thúy An “ai đã xỏ kim cho bà”, thì em chỉ cười cười. Một lúc sau, Thúy An nhận là do mình xỏ nhưng bà nội không thể nào tin.
Thấy vậy, Thúy An hỏi mượn bà nội cây kim và xin sợi chỉ để “biểu diễn” xỏ kim bằng miệng nhưng sợ cháu gặp nguy hiểm, bị kim đâm, bà nội An không chịu.
Cô bé cố nài nỉ một lúc thì bà nội mới đồng ý nhưng lòng bà vẫn phập phồng lo sợ và không thể tin Thúy An có thể làm được điều “thần kỳ” như vậy.
Thúy An kêu bà nội cắm cây kim trên gối của em, rồi nghiêng đầu, há miệng ngậm lấy cây kim, cho phần mũi nhọn nằm bên ngoài, lỗ kim nằm bên trong miệng.
Tiếp đó, Thúy An xin bà nội sợi chỉ, đưa vào miệng rồi cái lưỡi của em cứ đánh qua đánh lại một lúc thì sợi chỉ đã được xỏ qua lỗ kim bé xíu.
Chứng kiến điều kỳ lạ này, bà nội của Thúy An đã phải gào lên vì ngạc nhiên và vui sướng, rồi gọi nhiều người trong xóm đến xem biệt tài độc đáo của đứa cháu tật nguyền.
Bà con hàng xóm cứ cho là bà nội của An lú lẫn, nhưng sau khi tận mắt thấy cô “biểu diễn lại” việc xỏ chỉ, thậm chí lần này Thuý An xỏ một lần 4 sợi chỉ qua một lỗ kim thì ai nấy đều há hốc miệng nhìn nhau.
Không một ai dám tin vào những gì mình vừa thấy dù mình tận mắt chứng kiến. Kể từ đó, chuyện cô bé không xương xỏ kim bằng lưỡi cứ lan truyền trên miền sông nước như cổ tích “sọ dừa” giữa đời thường.
Dù sống như đời thực vật, nhưng sự nhanh nhẹn và khả năng ứng xử của An bằng cái miệng xem ra chẳng thua kém người lành lặn đồng trang lứa.
Khi nghe chúng tôi hỏi Thúy An biết làm gì, cô bé đưa mắt, nghiêng cái đầu một cách nặng nhọc sang nhìn chúng tôi rồi nhanh nhảu đáp: “Em làm được nhiều thứ lắm”.
Để chứng minh cho chúng tôi xem qua tài nghệ của mình, Thúy An bắt đầu kêu mẹ mang đến những vật dụng cần thiết để em biểu diễn.
An làm đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Bài biểu diễn đầu tiên, Thúy An kêu mẹ lấy miếng giấy ni lon có màu đưa cho em ngậm vào miệng.
Tôi chăm chú nhìn, môi, lưỡi và răng của Thúy An liên tục mấp máy, đảo, lừa qua, lừa lại. Chỉ thế thôi, chưa đầy 2 phút An đã thắt thành công một sản phẩm hình ngôi sao 5 cánh, rồi đừa ra đầu môi cho tôi xem.
Tiếp đến, mẹ An yều cầu con làm cho tôi xem màn thắt hình con cò, rồi sau đó là xỏ chỉ qua những hạt ngọc cườm mủ nhỏ. Tiết mục thực sự gây sốc cho chúng tôi là việc em xỏ 8 sợi chỉ xuyên qua lỗ kim may.
Đầu tiên, bà Tuôi đưa 8 sợi chỉ kèm cây kim cho vào miệng con. Thúy An bắt đầu ngộn nghiến và không ngừng “uốn éo” cái miệng.
Tất cả các bộ phận trong miệng của Thúy An đều cử động và kết hợp với nhau rất điêu luyện như một “cỗ máy” đặc biệt để hoàn thành tác phẩm kỳ diệu này.
Chưa đầy 3 phút, từ trong vòm họng Thúy An đưa đẩy cây kim ra, cuốn kim đã có 8 sợi chỉ được xuyên ngang cái lỗ.
Chúng tôi hỏi An bằng sự thán phục: “làm cùng một lúc nhiều tác phẩm và liên tục trong gần chục phút liền chỉ bằng cái miệng, em có cảm thấy mỏi mệt không?”
An lại đưa mắt sang phía tôi rồi cười bảo: “Làm riết quen rồi anh ạ. Chẳng mệt chút nào” Mặc dù đã tận mắt chứng kiến, nhưng tôi vẫn cố tìm hiểu xem làm thế nào chỉ bằng lưỡi, môi và răng mà An đã xuyên được nhiều sợi chỉ qua lỗ kim như vậy.
Bởi trong suy nghĩ của chúng tôi, một người bình thường lấy cả hai tay để xuyên chỉ qua lỗ kim đã là một thao tác đòi hỏi sự tỉ mỉ và gặp khá nhiều khó khăn, huống hồ đây là một cô gái tật nguyền nằm liệt một chỗ, thực hiện các thao tác bằng miệng và lưỡi.
Thúy An thật thà tâm sự: “Em cũng không biết vì sao mình làm được chuyện này. Tự nhiên đưa kim vô miệng rồi đưa lưỡi cuốn lấy sợi chỉ. Tất cả cho hết vào miệng, em lừa lừa một lúc thì sợi chỉ xỏ được qua lỗ kim thôi, dễ ợt hà”.
Bà Tuôi cho biết, từ khi bị bệnh phải nằm liệt giường, mọi phần trên cơ thể đều không cử động được, chỉ có cái đầu là cựa quậy được thôi.
Những tác phẩm do Thúy An làm nên từ cái miệng và chiếc lưỡi thần kỳ. |
Cho nên, mọi hoạt động Thúy An đều sử dụng cái đầu và bộ phận linh hoạt nhất chỉ có thể là cái lưỡi.
Ban đầu, An dùng lưỡi để chuyển kênh truyền hình trên chiếc “rờ- mốt” điều khiển ti vi, dùng lưỡi để xỏ kim và bây giờ chị dùng lưỡi để sáng tạo nghệ thuật.
Theo Thúy An thì nằm mãi thấy buồn, khi thấy mấy đứa cháu đi học về tập gấp hạc, gấy ngôi sao, gấp máy bay, tàu thủy bằng giấy, em đã hết sức chăm chú học hỏi để tự làm theo.
“Có lẽ trời thương nó bạc số bị tật nguyền nên ban cho khả năng kỳ lạ với cái lưỡi “thần kỳ” để con bé còn có niềm vui, nghị lực để sống” - bà Tuôi trải lòng với chúng tôi.
Mơ ước được hết bệnh để đi bán vé số
Sau khi biểu diễn cho chúng tôi xem tiết mục xuyên 8 sợi chỉ qua một lỗ kim, tôi lại hỏi “em có sợ bị mũi kim đâm vào miệng khi xỏ không?”.
Thúy An cười hồn nhiên “Đâu có, làm sao nó đâm em được. Vì em ngậm vào chỉ có cái đuôi cây kim, còn cái mũi em đưa cho nó nằm ngoài miệng thì làm sao đâm.
Em chỉ sợ kim chích của bác sĩ thôi vì em bị bệnh nhiều lắm đi bác sĩ hoài hà”. Nghe lời tâm sự của cô bé bất hạnh mà ai nấy lòng se thắt.
Thúy An kể, khi đưa chỉ vào miệng thì em cho răng nghiền đầu 8 sợi chỉ dính chặt lại thành một, rồi lừa qua, đảo lại nhiều lần để phần đầu 8 sợi chỉ nằm lên đầu lưỡi.
Cây kim cho nằm ngang cửa miệng, rồi dùng hai môi giữ chặt kim. Thế là từ trong cuốn họng lưỡi đẩy đầu sợi chỉ ra ngoài, nơi có lỗ kim giữ chặt.
Rồi em cứ nâng lưỡi từ trong ra là chỉ được xỏ vào lỗ kim một cách gọn gàng. Khi đầu sợi chỉ được xuyên qua lỗ kim thì chỉ nhú lên chạm vào môi nên Thúy An biết ngay là chỉ đã được xỏ xong.
Rồi An tiếp tục dùng lưỡi kéo đầu chỉ xỏ qua cho dài hơn để không bị tuột trở lại. Thế là xong một tác phẩm xuyên chỉ qua lỗ kim.
Thúy An giải thích: “Em cũng không biết vì sao em lại muốn xỏ kim, muốn xếp hình giấy nữa. Vì em thấy mấy đứa cháu xếp hình chơi vui quá nên em tập làm, không ngờ làm được.
Kể cả lúc xỏ chỉ qua lỗ kim hay xếp hình giấy em đều phải dùng cái đầu để tưởng tượng ra hình dạng hoàn chỉnh của hoa văn mình sắp làm.
Từ đó em phải biết làm động tác nào trước, động tác nào sau. Cái lưỡi em làm nhiệm vụ chính là lật giấy qua, lật lại, xếp vào, mở ra như một bàn tay, còn 2 bờ môi em mím chặt lại để giữ giấy không di chuyển, cũng giống như bàn tay còn lại.
Còn hai hàm răng được em dùng như cây thước. Khi xếp các góc cạnh, em đều đẩy giấy chạm hàm răng mới dùng lưỡi gấp được.
Tất cả các bộ phận trong miệng em như: lưỡi, răng, môi đều làm việc, phối hợp với nhau rất nhịp nhàng”.
Bà Tuôi bày ra cho chúng tôi xem những tác phẩm thủ công do cái miệng và chiếc lưỡi “thần kỳ” của Thúy An làm ra.
Trong đó, An đã làm được những cái lồng hình tam giác với nhiều đường chỉ buộc phức tạp. Hay hình ngôi sao, con cò, hay xếp thuyền buồn, bánh ú, bông hoa bằng giấy…
Đặc biệt, em còn ren mốc được dây màng với nhiều hạt cườm óng ả, xuyên kết cực kỳ rối rắm, để gia đình làm trãi trước cái tủ thờ trong nhà.
Kể ra việc luồn chỉ qua chôn kim không hề đơn giản khi thực hiện bằng miệng, nhưng đối với An từ hơn chục năm qua nó đã trở thành việc quá đỗi bình thường.
“Vì nhà nghèo nên ngoài chuyện cha làm hồ, các anh chị làm nghề vác cám nuôi cá Tra, mẹ em cũng đi bán vé số. Từ ngày biết em làm được nhiều chuyện lạ, mẹ em đẩy xe lăn cho em biểu diễn để bán vé số kiếm tiền sinh sống.
Nhưng nhiều lúc vào quán cà phê, quán nhậu bị người ta đuổi không cho làm, không cho bán vì sợ làm phiền khách của họ”, Thúy An buồn bã nói. Nhắc đến chuyện bươn chải mưu sinh của con mình, bà Tuôi lại rưng rưng nước mắt.
Bà kể: “Từ khi biết con mình làm được chuyện khó, tui chở con nhỏ đến chùa Phù Dung và Thạch Động ở TX. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang biểu diễn, hầu mong bà con thương tình mua ủng hộ vé số để kiếm sống, nhưng như vậy người ta cũng ganh ghét.
3 tháng trước đây, mẹ con tui cũng đến chùa Phù Dung biểu diễn thì bị bảo vệ đến đuổi. Thế nên mấy tháng nay mẹ con tui phải ở nhà, không bán vé số được nữa.
Vì vậy tiền bạc cũng eo hẹp, còn con An lúc bị cơn đau hành hạ cũng không có tiền mua thuốc giảm đau cho nó uống”.
Thúy An nói, thân em bị tật nguyền nên cả khi ở nhà ai kêu em biểu diễn rồi thương tình cho ít tiền là em làm ngay.
Vậy mà mấy chú ở xã cũng cấm làm. Em mơ ước sao bệnh của em được trị hết để em có thể ngồi dậy được để em đi bán vé số kiếm tiền giúp mẹ trang trải trong nhà.
Theo bà Tuôi thì thời gian gần đây, sức khỏe của Thúy An không tốt, yếu đi rất nhiều nên em cũng ít khi đủ sức dùng miệng và lưỡi làm những tác phẩm nghệ thuật bằng giấy nữa.
Giờ Thúy An chỉ nằm một chỗ và sống những tháng ngày còn lại trong sự dày vò, hành hạ của những cơn đau xé thịt da từ căn bệnh quái ác.
Tuy là đang quằn quại trong đau đớn, đau khổ vì bệnh tật và bi kịch hơn là chưa biết lúc này Thuý An sống được bao lâu nhưng cô gái tật nguyền, khiếm khuyết về thân xác mà tâm hồn vẫn lạc quan, yêu đời này luôn nở nụ cười thường trực trên môi.
Thúy An nói, em sẽ cố gắng vượt qua cơn đau, sẽ cố sống bên mẹ để giúp mẹ xỏ kim.
Bây giờ em không buồn vì em có rất nhiều bạn và các anh chị nuôi từ khắp nơi, những người đã từng đến đây xem em biểu diễn.
Học sinh tiểu học trong xã thường ghé nhà chơi với Thúy An và để thưởng thức những tác phẩm xếp hình giấy nghệ thuật do An làm ra.
Không chỉ vậy, Thúy An còn làm “cô giáo” dạy ngược lại tụi nhỏ kỹ thuật xếp hình giấy nên rất được chúng quý mến.
Lúc chúng tôi ra về, Thuý An còn nhờ mẹ tặng lại chiếc kim đã xỏ 8 sợi chỉ và chuỗi dây xỏ những con hạc, chiếc tàu thủy, ngôi sao cùng vài hạt màu xanh đỏ mà em vừa hoàn tất.
Rời nhà cô gái liệt tứ chi Trần Thị Thúy An với nhiều khả năng thiên phú, mà lòng chúng tôi se thắt lại khi nhớ về những lời tâm sự của bà Tuôi: “Ước gì có một phép màu giúp con An hết bệnh.
Thấy con quằn quại, vật vã trong những cơn đau mà lòng người mẹ đau như dao cắt. Nếu có thể đánh đổi, tôi nguyện sẽ chịu thay bất hạnh cho con”.
- Gia Bảo
[links()]