Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc đã thông qua sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người cao tuổi. Theo đó, các gia đình phải quan tâm đến nhu cầu tinh thần của cha mẹ, ông bà, không xem thường hoặc ghẻ lạnh người lớn tuổi. Luật cũng yêu cầu các cơ quan phải tôn trọng quyền thăm nom cha mẹ của nhân viên.
[links()]
Ứng xử với Nghịch Tử bằng Luật là tất yếu
Có những ý kiến phản hồi không tốt về Luật này, cho rằng đây là chuyện vớ vẩn. Chuyện con cái chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ là chuyện đương nhiên, nằm ở phạm trù tình cảm và đạo đức, không thể mang Luật ra để ép buộc. Làm thế sẽ đau lòng các bậc phụ huynh.
Theo nguyên tắc phát triển xã hội, nếu một ngày vật chất phát triển đến mức độ nào đó thì ý thức sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp. Hiểu trong trường hợp này là: Có quá nhiều vụ bạo hành, bỏ rơi cha mẹ già của con cái, sau khi nhắc nhở không được, người ta buộc phải đưa ra, thông qua Luật để có biện pháp cưỡng chế những người như thế. Không biết ai nghĩ như thế nào, tôi thấy đó là một việc tất yếu của xã hội.
Ngay cả trong giáo dục tích cực thì vẫn phải có những biện pháp trừng phạt, kỷ luật đối với những đứa trẻ không ngoan, không làm đúng những điều dạy dỗ. Bài học giáo dục cơ bản đầu tiên đối với con người là: Làm tốt được nêu gương, làm sai bị nhắc nhở, kỷ luật, trừng phạt.
Cần lắm Luật để "xử" những nghịch tử nhốt mẹ trong chuồng lợn như thế này. |
Có vẻ bài học đó chỉ kiểm soát được những đứa trẻ hư khi chúng còn quá nhỏ, chưa tự quyết định được gì. Nhưng khi chúng có thể tự kiếm sống được, không có cái gì để bắt chúng phải nghe lời cha mẹ. chúng còn có thể hỗn láo, không cần và bỏ rơi, thậm chí còn bạo lực với cha mẹ. Những đứa trẻ (đã lớn và đã khôn) như thế được gọi là những NGHỊCH TỬ. Ứng xử với những nghịch tử không thể bằng lời, không thể bằng roi vọt, chỉ có thể bằng Luật.
Đã có Luật quy định bố mẹ phải chăm con
Những nước lấy gốc Nho giáo làm nền tảng xã hội như Trung Quốc và Việt Nam đều rất coi trọng gia giáo, phép nhà. Nền tảng gia đình được coi là nền tảng của Quốc gia. Mô hình Nhà nước phong kiến thực chất là mô hình gia đình mở rộng: Vua quan như phụ mẫu chăm dân như con.
Trong xã hội (xét ở Việt Nam và Trung Quốc), ông bà, cha mẹ có ngoài nghĩa vụ chăm sóc và dậy dỗ con cái đến tuổi trưởng thành (như Luật Hôn nhân và gia đình quy định), họ còn có một bản năng hi sinh hết mình vì con cái. Mọi việc cha mẹ làm đều vì con. Cha mẹ có thể hi sinh mọi quyền lợi cá nhân, hi sinh cả tính mạng vì tương lai và hạnh phúc của con cái. Họ làm với tâm lý mong con trưởng thành và không mong báo đáp. Tư duy này được cụ thể hóa như dòng nước chảy xuôi. Họ làm không chỉ là nghĩa vụ nữa, mà bằng tình cảm thiêng liêng của cha mẹ. Rất khó rạch ròi việc này, chỉ biết gọi đó là sự hi sinh.
Ở xã hội chúng ta, ông bà, bố mẹ như một quả chanh, vắt kiệt sức lực vì con cái. Khi về già, tài sản duy nhất của họ chính là con cái. Họ quay lại bản chất là những đứa trẻ, cần được chăm sóc, cần được thăm hỏi, cần được đối xử nhẹ nhàng. Lúc này họ không còn sức chống đỡ đối với bất cứ biến cố nào trong cuộc sống. Có điều, họ khác những đứa trẻ là họ đã đủ trải nghiệm cuộc sống nên biết thế nào là đau lòng, biết thế nào là cay đắng…
Nói về lý, tất cả những người lao động trong xã hội, bất cứ việc gì, đều được hưởng một khoản gọi là tiền công. Số tiền công đó ngoài việc dùng để tái tạo sức lao động, chi tiêu cho những nhu cầu của người thân gọi là trách nhiệm gia đình,… thì họ còn một khoản để phòng lúc ốm đau, bệnh tật, già cả. Khoản đó tạm gọi là bảo hiểm cuộc đời.
Như vậy, xét một cách công bằng: Những người đã từng làm cha, làm mẹ, họ đã có một quá trình lao động trước đó phục vụ mọi nhu cầu của con cái. Mọi thứ không tự nhiên có mà phải đánh đổi bằng sức lao động, bằng sự tận tụy của cha mẹ. Chính vì vậy, bảo hiểm của đời họ khi họ về già chính là con cái.
Bảo hiểm về già của cha mẹ dựa trên vấn đề ý thức, trách nhiệm của con cái. Nghĩa là những đứa con hiểu vấn đề như trên sẽ hiếu lễ, chăm sóc cha mẹ. Còn những đứa con không hiểu những vấn đề trên sẽ… đối xử tệ bạc với cha mẹ.
Những vụ đối xử tệ bạc với cha mẹ của các nghịch tử đều rơi vào những cụ ông, cụ bà ngoài 70. 70 tuổi, lực bất tòng tâm. Những đứa con bất hiếu (gọi những đứa con bất hiếu là lấy phạm trù đạo đức ra để “xử”) lợi dụng lúc cha mẹ không còn sức chống đỡ để hắt hủi cha mẹ. Chúng còn lợi dụng tình yêu thương của cha mẹ để uy hiếp họ im lặng trong vấn đề này. Chúng yên tâm là không cha mẹ nào đi tố con cái chuyện con cái bỏ rơi mình…
Tất nhiên, đó không phải là chuyện điển hình trong xã hội. Nhưng đó là việc xảy ra, xảy ra nhiều đối với những đứa con được gọi là nghịch tử.
Vấn đề đặt ra là: Số ít nghịch tử trong xã hội tạo một tiền lệ xấu về cách đối xử với ông bà, cha mẹ trái với đạo đức con người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về nhận thức xã hội cũng như xâm phạm nghiêm trọng đến thân thể, tinh thần của người già phải xử lý như thế nào? Đã lên án, đã nhắc nhở, nhưng chúng đá trách nhiệm, tranh cãi trách nhiệm như đá một quả bóng và không bao giờ sút được vào gôn. Những kẻ đối xử tệ bạc với cha mẹ thường là những kẻ có điều kiện vật chất rất tốt.
Ở Việt Nam chưa đặt ra vấn đề Luật báo hiếu với cha mẹ, nhưng tôi nghĩ là cần có. Luật không phải để giơ ra đe dọa mọi người, Luật dùng trừng phạt những kẻ cố tình làm sai trách nhiệm làm Người của mình.
Trước khi xử bằng Luật, chúng ta đã có nếp nhà. Nếp nhà là truyền thống gia đình, là căn bản nền giáo dục của gia đình. Nếp nhà cộng với hệ thống quy định đạo đức con người sẽ xử những trường hợp “vi phạm” nhẹ về việc chăm sóc và kính trọng người già. Luật là thứ cuối cùng phải dùng đến sau khi đạo đức, ý thức, trách nhiệm,…bó tay.
Con đánh gẫy tay mẹ già lại... "không lạ"! |
- Mẹ Trường Giang