Có một làng nghề lạ lùng- se dây thừng giữa Sài Gòn

( PHUNUTODAY ) - nghề se dây thừng.

Sài Gòn nổi tiếng là vùng đất của trung tâm thương mại, của khu công nghiệp, khu chế xuất sầm uất, náo nhiệt. Cũng tại thành phố này, có một khu vực được nhiều người biết đến với cái nghề lạ - nghề se dây thừng.

Vốn dĩ nhiều người xem nghề đã mai một bởi công nghệ máy móc xâm chiếm, nhưng tại nơi đây, hàng trăm hộ dân nhập cư vẫn bám trụ mưu sinh với nghề dẫu thu nhập không cao. Đó là khu vực thuộc khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM.

Sợi tơ, dòng đời

Mỗi khuôn đất được phân ra để se dây thừng độ vài héc ta. Người se dây thừng dựng chòi sống ngay trên đất. Hay đúng hơn mỗi mảnh đất có một chủ. Họ đứng ra thuê đất, mua thành phẩm rồi trực tiếp thuê người làm.

Cứ một ký dây thừng thành phẩm, nhân công được trả 1.400 đồng, trung bình thu nhập mỗi ngày một người từ 70 - 100 ngàn đồng, mỗi tháng cũng trên xấp xỉ 2 triệu đồng.

Đối công việc se dây thừng không nhiều công đoạn. Cần một người đứng phân loại, chia số lượng dây cước nhỏ ban đầu rồi buộc vào đầu máy se, một người cầm dây kéo thẳng sang đầu máy bên kia và người đầu máy bên kia giữ máy mỗi lúc bắt đầu se dây để dây được cố định, thẳng hàng.

Sài Gòn nổi tiếng là vùng đất của trung tâm thương mại, của khu công nghiệp sầm uất, náo nhiệt. Cũng tại thành phố này, có một khu vực được nhiều người biết đến với cái nghề lạ - nghề se dây thừng.
Sài Gòn nổi tiếng là vùng đất của trung tâm thương mại, của khu công nghiệp sầm uất, náo nhiệt. Cũng tại thành phố này, có một khu vực được nhiều người biết đến với cái nghề lạ - nghề se dây thừng.

Trong 3 công việc, khó nhất phải kể đến người đứng phân loại. Đây là giai đoạn chọn từng sợi cước nhỏ buộc vào máy. Chị Nguyễn Thị Vân (người làm công, quê An Giang) chia sẻ:

“Chọn cước khá lâu. Nếu thừng to thì phải chọn đến hơn trăm sợi, thừng nhỏ thì vài chục sợi. Lấy và phân chia đều thì từng sợi thừng cũng nhỏ đều nhau, theo đó thân dây thừng thành phẩm sẽ tròn đều, đẹp, chắc chắn.

Ngược lại bản thừng sẽ méo, không to đều, xấu và không chắc chắn. Vì thế đòi hỏi người chọn quen tay, khéo tay, cẩn thận kẻo sợi cước bị rối mà vứt đi. Công việc này thường hợp với phụ nữ hơn”.

Tuy nhiên, so với công đoạn đầu thì người kéo dây lại mất nhiều sức nhất. Ông Nguyễn Văn Ba (quê An Giang) cho biết: “Người kéo dây lao lực nhiều. Để có được một đoạn dây thừng dài khoảng 200m, chỉ riêng người kéo phải chạy ít nhất 2 vòng, mỗi vòng tương đương với chiều dài sợi dây.

Từ đầu máy này, kéo cho thẳng dây sang đầu máy kia se lần 1 và chạy ngược lại để gộp dây se lần 2. Nếu dây thừng to hơn thì lại tiếp tục chạy. Vị tính mỗi ngày mỗi người chạy đi, chạy lại cũng cả hơn chục km”.

Xem ra, nghề se dây thừng nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng cũng khá kén công. Người làm bỏ nhiều công sức may ra mới có thu nhập cao. Gia đình ông Ba có 3 người làm tất cả, tháng trừ hết mọi chi phí cũng được vài triệu đồng.

Nhưng thông thường, thu nhập nhiều hay ít vẫn phụ thuộc nhiều nhất vào người kéo. Bởi một phần công việc này phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Trời nắng thì phải dậy sớm làm cho mát, ngược lại trời mưa thì coi như bỏ.

Thế nên, nếu người kéo có khỏe, nhanh thì thừng được se nhiều và ngược lại. Gia đình ông Ba và mọi gia đình khác, đều dành việc này cho chồng hoặc con trai vì họ là người khỏe nhất.

Hầu hết những gia đình về đây làm nghề se dây thừng đều còn rất trẻ, từ các tỉnh miền Tây Nam bộ như Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng… Có gia đình gửi con ở quê học hành, cũng có gia đình mang theo cả con cái về đây phụ giúp cha mẹ.

Họ gắn bó với nghề se dây thừng với mong muốn xây dựng kinh tế, lo cho gia đình vì ở quê không có công ăn việc làm ổn định, ruộng vườn không có để canh tác nên đành ly hương kiếm sống. Chị Vân cho biế:

“Nhà tôi có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ đang học cấp 1. Bố mẹ nghèo, chúng tôi không có ruộng đất nên sớm làm thuê từ nhỏ. Nhưng ở miền sông nước, thu nhập chủ yếu vào mùa khô, còn lại mưa ở nhà.

Quyết định lên đây vì điều kiện làm ăn dễ hơn, theo đó cũng có tiền mà nuôi con ăn học. Mỗi tháng vợ chồng tôi tiết kiệm cũng gửi về được chút ít”.

Người dân đang se dây thừng
Người dân thực hiện những công đoạn se dây thừng

Giáp “hộ” se dây thừng nhà ông Ba là “hộ” của anh chị Đặng Văn Minh (Tiền Giang). Vợ chồng anh chị có vẻ vất vả hơn vì chỉ có 2 người. Mỗi lần kéo dây anh Minh kiêm luôn cả việc giữ máy. Ngược lại chị vợ vừa phải đứng máy chọn cước vừa phải phụ chồng gom dây se lần 1.

Song cũng vì cha mẹ ở quê già yếu lại trông nom đứa con nhỏ 5 tuổi của anh chị nên hai vợ chồng cứ cần mẫn suốt để có tiền gửi về quê. Lắm hôm mới 5 giờ sáng, mấy hộ gia đình trong khu đã nghe tiếng máy se nhà anh kêu rồ rồ.

Thế nên, mới 7 giờ sáng, chiếc áo anh Minh mặc trên người đã thấm đẫm mồ hôi. Hai chân trần, trên đầu chỉ có cái mũ lưỡi trai mà ngày ngày anh vẫn cứ chạy kéo dây đều đều.

Ước mơ về một tương lai tươi sáng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề se dây thừng xuất phát từ miền Tây và tồn tại từ lâu. Trước đây, khi chưa có máy móc hiện đại, nghề làm thủ công là chính. Đây cũng là một phần công việc chính của bà con sông nước.

Tuy nhiên máy móc xuất hiện ngày càng nhiều, dần thay thế giai đoạn thủ công, bà con có làm cũng không được bao nhiêu, chỗ tiêu thụ ít, thế nên nghề dần đi xuống, thưa người làm. Thanh niên trong vùng chuyển sang làm thuê, làm mướn, vào nhà máy, xí nghiệp là nhiều.

Để tìm hướng phát triển cho nghề, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động nghèo, nhiều thương gia đã đánh ngược lên thành phố, tìm kiếm những khu đất trống, thuê làm mặt bằng, dựng chòi, mua nguyên liệu và kéo bà con về.

Mỗi lần tập trung thành khu vực cũng cả trăm hộ dân nhưng nếu chia ra theo chủ, theo từng mảnh đất thì còn vài chục hộ. Được cái, vốn là nghề truyền thống, người làm công chỉ lo làm ăn, không phải mất tiền chỗ ăn ở, thu nhập cũng ổn định nên dù lương có thấp nhưng họ cũng chịu gắn bó.

Đơn cử gia đình ông Ba gắn bó cũng đến hơn chục năm. Đa số người lớn tuổi ra về thì người trẻ lại đến. So với những năm đầu nhiều người lớn tuổi thì nay hầu hết là thanh niên, vợ chồng trẻ.

Ai đó nói con người miền Tây tính phóng thoáng, làm được bao nhiêu thường ăn nhậu hết bấy nhiêu. Nhưng tại dải đất Vĩnh Lộc này, điều ấy chỉ đúng một phần.

Đến đây rồi mới biết, trong con người họ có phần phóng khoáng thật vì chúng tôi mới gặp ít phút mà đã bắt được chuyện và cứ như người thân quen. Song nhìn vào cuộc sống, công việc, ước mơ mới thấy rằng họ đoàn kết, chịu khó làm ăn mong muốn đổi đời.

Nhìn những ngôi nhà mà họ sinh sống, thực ra đó là những túp lều, dựng tạm dựa vào nhau mà tá túc. Mỗi gia đình ngăn cách nhau bằng tấm bạt, nhà này nói gì nhà kia nghe hết thế nhưng chưa một lần mất mát đồ đạc, xảy ra cự cãi.

Nhiều vật dụng sinh hoạt gia đình này có đều có thể cho gia đình khác mượn như xe đạp, xe máy, thậm chí là tiền… Nói cho ngay, liên quan đến vấn đề thu chi, một người trong khu vực đứng ra đại diện đi chợ búa về rồi bán lại cho những hộ xung quanh.

Mọi giao dịch chỉ thông qua cuốn sổ nhỏ, ai mua bó rau, lạng thịt, cân cá… cứ thì ghi vào. Nhớ đến ngày lĩnh lương trả là được, nếu không có thì cho thiếu lại.

Chị Vân tâm sự: “Một năm mọi người ở đây chỉ về quê vào dịp tết. Hoặc chỉ khi gia đình có công việc. Thế nên, cùng xa quê, cùng hoàn cảnh nghèo khó, mọi người lấy tình cảm để mà sống với nhau.

Gia đình nào gặp khó khăn thì tất cả các gia đình khác ngồi lại tìm cách giúp đỡ, dù chỉ là chút ít. Có thể nói, mọi người tin nhau là chính, chỉ như thế mới không mất đoàn kết và sống tốt cùng một khu nhà như vậy”.

Theo chị Vân, điều đáng mừng là, chính tình thần đoàn kết, đùm bọc động viên nhau làm ăn mà gia đình nào cũng chịu khó làm ăn, biết chắt chiu tiết kiệm chứ không tiêu pha nhiều.

Gia đình ông Ba, hiện tại vừa làm, vừa tích cóp gửi về quê và còn nuôi 2 con nhỏ đang học cấp tiểu học. Nhìn thấy thế, gia đình anh Minh cũng chạnh lòng: “Ngày ngày nhìn mấy đứa trẻ trường tiểu học Trí Tuệ Việt  gần đó tan trường, hay nhìn con ông Ba được đi học mà tôi nóng lòng quá.

Sang năm con tui vào lớp 1 rồi, vợ chồng phải cố tích cóp nhiều hơn cho nó đi học. Chứ cuộc sống cha mẹ nó đã khổ, không có ruộng đất, sau này nó không học hành đàng hoàng lại nối tiếp con đường làm thuê như ba mẹ nó. Cuộc đời riết cũng chán. Chỉ đến trường, đến lớp may ra mới đổi đời”.

Và cũng chính ý chí, ước mơ xây dựng kinh tế này cũng là động lực để họ gắn bó hơn với nghề. Kể từ ngày nghề se dây thừng chuyển về thành phố thì nghề cũng không ổn định như xưa. Vốn dĩ thương gia phải thuê đất của người khác theo hợp đồng, vì thế hợp đồng thuê đất hết hạn thì thương gia phải tìm kiếm những mảnh đất khác.

Thuê được mảnh đất như cũ thì mọi người tiếp tục công việc. Ngược lại thì số nhân công giảm đi. Cứ như vậy nay đây mai đó với nghề song không vì thế mà con người nơi đây chán nản, bỏ đi, ngược lại họ vẫn cứ bám theo nghề.

Ông Ba cho biết “Nghề này di chuyển thường xuyên. Mấy năm trước, ông và những hộ dân khác làm ở quận Tân Phú, vì hết hạn hợp đồng họ lại khăn gói lên đây. Cứ chủ đi đâu, chúng tôi theo đó”.

Có thể thấy, so với ngành nghề khác ở Sài Gòn, người dân tứ phương đổ về đây để kiếm kế sinh nhai, âu cũng là xây dựng nền kinh tế cho bản thân, gia đình thì se dây thừng cũng xem như một cái nghề để một bộ phận người có quê quán miền Tây lên đây lập nghiệp, xây dựng tương lai.

Ờ đó họ xum vầy, đoàn kết và nuôi những ước mơ cho con cái.

  • Nguyễn Thùy

[links()]

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn