Địa ngục trần gian Côn Đảo từng chứng kiến những trận đòn dã man của địch với những người tù chính trị, từng chứng kiến những cái chết đau đớn nhưng oai hùng của những người Cộng sản. Nhưng nơi đó cũng chứng kiến một câu chuyện tình đẹp của hai người tù Côn Đảo. Họ yêu nhau trước khi biết mặt nhau, yêu nhau chỉ vì tiếng hát mượt mà văng vẳng giữa hai trại tù…
[links()]
Giọng hát thần kỳ trong nhà lao Côn Đảo
Bao nhiêu năm nay, vợ chồng ông Trương Văn Bảy và bà Nguyễn Thị Kiếm vẫn sống ở vùng quê yên bình xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Những dịp họp mặt tù chính trị của tỉnh, dù eo hẹp về thời gian và tài chính đến mấy, hai vợ chồng ông Bảy cũng không bao giờ thiếu mặt.
Thiếu mặt làm sao được trong những dịp ấy, bởi nhà tù Côn Đảo là nơi hai ông bà đã từng trải qua những ngày tháng kinh hoàng bị địch tra tấn, cũng là nơi hai người đã được ông trời se duyên cho nhau qua tiếng hát.
Thời chống Mỹ, anh Bảy là chiến sĩ biệt động thuộc Bộ Tư lệnh Miền, còn chị Kiếm là du kích của xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Chị Kiếm gia đình truyền thống cách mạng, thấy bố mẹ tham gia cách mạng và yêu cách mạng, chị cũng đi theo. 13 tuổi chị đã là giao liên. 19 tuổi thì tham gia tập kích đánh đồn địch.
Anh Bảy – chị Kiếm (người thứ nhất và thứ 2 từ trái sang) |
Năm 1969, chị bị địch bắt trong một trận đánh. Địch tra tấn chị thế nào bà cũng không khai. Thấy chị ngang bướng, lì lợm, tụi địch nghĩ chị chắc là cán bộ cách mạng nòi. Chúng đưa chị ra tù ở Côn Đảo, chung với nhiều chị em tù chính trị khác.
Để có thêm niềm tin và lạc quan, chị Kiếm và các chị em tù chính trị thường tổ chức những đêm hát những bài hát về quê hương, về cách mạng, như một điều động viên họ tiếp tục hi vọng vào ngày mai.
Nhà tù Côn Đảo chia thành nhiều khu giam, đánh số thứ tự từ nhỏ đến lớn. Chị Kiếm bị giam chung với các nữ tù chính trị ở khu giam số 4, còn anh Trương Văn Bảy bị giam ở khu giam số 6, cách đó không xa.
Giống như chị Kiếm, anh Bảy cũng lì lợm, ngang tàng, bị địch bắt và tra tấn vẫn quyết không khai nửa lời. Cả khi ra đến Côn Đảo, dù sống đói khổ, đau yếu đủ bề, anh Bảy vẫn cùng với anh em trong khu giam số 6 vùng lên chống lại địch mỗi khi có thể.
Anh em tù chính trị hồi đó thường tuyệt thực, thường hát Quốc ca vào những ngày lễ. Địch biết được, chúng mang từng người ra tra tấn. Anh Bảy là một trong số đó. Có lần, để “trị” cái đầu ương bướng của anh Bảy, chúng bỏ đói và bắt anh Bảy ra phơi nắng nhiều ngày trời.
Cái nắng biển ở Côn Đảo khắc nghiệt như thế nào, cứ hỏi những người tù chính trị, ai cũng biết. Mỗi ngày phơi nắng về, người anh Bảy khô đét vì mất nước, sức cùng lực kiệt, da cháy sạm, chỉ nằm thở thoi thóp, đến uống miếng nước cũng thấy khó khăn.
Có đêm, sau một ngày bị tra tấn như thế, anh Bảy thấy chắc mình chẳng qua khỏi đêm nay được nữa. Anh nằm nhớ gia đình, nhớ đồng chí, đồng đội, nhớ quê hương và chuẩn bị sẵn tinh thần ra đi.
Nhưng đúng lúc kiệt quệ và tiệt vọng nhất, bỗng nhiên anh Bảy nghe được một giọng hát mềm như nhung, trong như tiếng suối từ đâu vọng lại: “Ơi câu hò chiều nay, sao nghe nặng tình ai, hay là anh bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi. Gởi niềm tin theo gió qua mấy câu thiết tha hò ơi…”.
Câu hát da diết ân tình ấy khiến anh Bảy bỗng dưng trào nước mắt vì xúc động. Giữa đêm khuya, giọng hát êm ả, mượt mà ấy như một liều thuốc thần kỳ. Anh Bảy thấy nó vừa giống như một lời ru, vừa giống một lời động viên, gửi gắm cho riêng mình.
Sức lực tưởng như đã tàn trong người anh bỗng nhiên trỗi dậy, mạnh mẽ. Niềm tin, niềm hi vọng vào cuộc sống và ngày mai trong người anh Bảy bỗng nhiên trở lại.
Trước đó anh Bảy nghĩ mình chắc chẳng qua nổi đêm nay. Nhưng sau khi nghe tiếng hát thần kỳ, anh bỗng thấy mình sống lại và biết mình sẽ sống đến ngày độc lập.
Kể từ sau đêm đó, đêm nào anh Bảy cũng thức chờ nghe tiếng hát với tâm trạng vô cùng hồi hộp. Tiếng hát văng vẳng vọng lại, trong vắt, ngọt ngào khiến những trận đòn tra tấn bớt đau hơn và những đêm của người tù thanh bình và hạnh phúc hơn.
Ngày đó mỗi lần nghe tiếng hát, anh Bảy cứ không thôi tưởng tượng về người con gái có tiếng hát mê hoặc lòng người đó.
Anh không biết cô là ai, cô bao nhiêu tuổi, gương mặt cô ra sao, đôi mắt cô thế nào, nhưng anh Bảy biết dù cô xinh hay xấu, anh cũng sẽ yêu quý và thấy thương và thấy biết ơn vô cùng cô gái có giọng hát diệu kỳ đó.
Có đêm, bọn coi tù nổi điên lao vào đánh tù nhân trong khu giam số 6. Anh Bảy cũng bị đánh đập. Giữa trận đòn đau, anh thầm thì một điều ước: “Đồng chí có giọng hát thiên thần ơi, hãy hát lên nữa đi, hát lên đi, để tôi có thêm sức mạnh”.
Cứ như là có thần giao cách cảm, ngay lúc đó giọng hát mềm mại kia lại vang lên dịu dàng, tha thiết, xoa dịu nỗi đau của người tù chính trị. Cả phòng giam số 6 lặng im nghe tiếng hát đó. Lũ coi tù cũng sững người, không thể tiếp tục đánh đập anh em tù được nữa.
Sau này, biết sự lợi hại của tiếng hát, địch đã vào khu giam số 4 tìm bằng được người có tiếng hát đó. Chúng đánh đập từng nữ tù chính trị, bắt họ khai ra, nhưng các chị em tù cạy răng không nói nửa lời. Thế là chúng đánh tất cả.
Vậy mà những trận đòn đó không làm tiếng hát ấy tắt đi. Ban ngày bị tra tấn, ban đêm tiếng hát ấy lại vang lên. Tiếng hát ấy như tiếng hát của nàng Tiên cá trong truyện cổ tích, khiến cho những kẻ xấu xa điên đảo, và giúp xoa dịu vết thương của những con người có trái tim trong sáng.
Đi tìm “người thương” qua câu hát ngày giải phóng
Bao năm bị giam trong tù Côn Đảo, anh Bảy chỉ có một ao ước là được nhìn thấy người con gái có giọng hát đó. Anh Bảy thương giọng hát đó và thương thầm người hát những câu hát đó lúc nào chính anh Bảy cũng không biết.
Anh tự coi người ta là “người thương” lúc nào chính anh cũng không hay. Mỗi khi biết chị em bên khu giam số 4 bị tra tấn, anh lại thắt lòng lo cho “người thương”, để rồi đêm đến, nghe tiếng hát vang lên, anh lại trào nước mắt vì hạnh phúc khi biết “người thương” vẫn bình an, và giọng hát vẫn mượt mà, trong trẻo như thế.
Giọng hát của “người thương” đã giúp anh Bảy sống qua những ngày tháng kinh hoàng ở nhà tù Côn Đảo. Đêm 30/4, rạng sáng 1/5, tù nhân Côn Đảo nhận được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Họ được các đồng chí, đồng đội phá cửa nhà tù, trả tự do.
Việc đầu tiên khi rời khỏi phòng giam mà anh Bảy làm là đi dò hỏi về cô gái có giọng hát mượt như nhung đó. Nhưng giữa bao nhiêu chị em tù nữ, anh Bảy chẳng biết hỏi ra sao để tìm được người con gái mình chưa từng biết mặt.
May mắn làm sao, đêm 2/5, tù nhân Côn Đảo tổ chức đêm văn nghệ mừng chiến thắng. Đứng dưới hàng ghế khán giả mà anh Bảy hồi hộp đến rớt tim ra ngoài. Anh Bảy biết đó là cơ hội không thể tốt hơn để anh tìm được “người thương” của mình.
Nhưng hết tiết mục này đến tiết mục khác qua đi, bao nhiêu giọng hát đã cất lên, anh Bảy vẫn không tìm thấy giọng hát đó. Có rất nhiều tiết mục hay, những giọng hát hay, nhưng không giọng hát nào khiến anh Bảy thấy thân thương như giọng hát “người thương” mà anh vẫn nghe trong tù.
Nhưng khi đến tiết mục cuối cùng, cô “ca sĩ” vừa cất tiếng hát, thì nước mắt anh Bảy lập tức trào ra. “Người thương” đây rồi! Giọng hát thân thương ấy đây rồi!
Anh Bảy đứng nhìn người con gái nhỏ bé ấy cất tiếng hát trên sân khấu mà mắt sáng long lanh vì xúc động, chân tay cứ thừa thãi, nhấp nhổm không yên. Anh chỉ mong hết tiết mục văn nghệ, để anh đến để làm quen với người con gái ấy.
Chị Kiếm kể, đêm hôm đó khi chị đứng hát cho những đồng chí ở nhà tù Côn Đảo nghe, chị cũng không hiểu sao mình lại bối rối khi dưới khán đài có một người đồng chí cứ nhìn chị với ánh mắt vừa rực lửa, vừa tha thiết, như nhìn người thương, người nhớ của mình.
Hôm đó, khi những người tù bắt đầu gặp gỡ, hỏi han quê quán để tìm đồng hương, thì anh Bảy đến tìm chị. Chị nhận ngay ra ánh mắt rực lửa mà chị nhìn thấy dưới khán đài ấy. Họ trò chuyện với nhau và biết họ đều là người quê Đồng Nai.
Đến khi được đưa về đất liền, họ lại được ở cùng nhau trong khu an dưỡng ở Bà Rịa. Tình yêu đến như điều đương nhiên. Đám cưới đến như một sự đương nhiên phải thế. Ngày cưới anh Bảy chị Kiếm, khách mời của anh chị là những người bạn tù chính trị cùng bị giam ở Côn Đảo những năm đó.
Trong đám cưới, chị Kiếm lại hát cho anh Bảy nghe câu hát định mệnh: “Ơi câu hò chiều nay, sao nghe nặng tình ai, hay là anh bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi. Gởi niềm tin theo gió qua mấy câu thiết tha hò ơi…”.
Sau này chị Kiếm vẫn thường hát cho anh Bảy nghe, mỗi khi cuộc sống gặp khó khăn, cơ cực. Giọng hát của chị vẫn luôn giúp anh Bảy vượt qua những khó khăn chồng chất của cuộc sống đời thường, khi hai vợ chồng không nhà không cửa, phải đưa 4 đứa con đi ở nhờ; khi hai vợ chồng phải dắt nhau đi bán vé số.
Giờ cuộc sống bình yên, anh chị đã lên chức ông bà, họ vẫn cùng nhau cất tiếng hát và nhớ về những năm tháng đau đớn nhưng diệu kỳ và thiêng liêng ở Côn Đảo.
- Trầm Xuân