Có nên tắt máy khi dừng đèn đỏ? - Những tiết lộ chắc chắn sẽ khiến bạn giật mình!

( PHUNUTODAY ) - “Để tiết kiệm xăng và bảo vệ môi trường, hãy tắt máy xe nếu đèn đỏ báo hiệu còn hơn 20 giây nữa”, đó là lời khuyên mà chúng ta có thể bắt gặp trên mạng hay của các bạn sinh viên của các câu lạc bộ môi trường… Vậy có nên tắt máy khi dừng đèn đỏ?

Ngày nay mọi người khuyên việc tắt máy khi dừng đèn đỏ thì đưa ra lập luận rằng, giả sử cứ 3 người có 1 xe máy, mỗi ngày bạn đi qua 8 ngã tư. Xác suất gặp đèn đỏ là 50%. Xác suất gặp đèn đỏ trên 20 giây là 30%. Nhiên liệu đỗ xe bằng chạy xe = 760đ/km. Một giây đi được 0.00617km. Mỗi năm hai thành phố nói trên tiết kiệm được 328 tỉ đồng.

Thoạt nghe, lập luận này quả rất có lý, vì việc tắt máy động cơ sẽ vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm được lượng xăng đáng kể cho người sử dụng. Tuy nhiên, nếu phân tích một cách khoa học, chưa hẳn tắt máy động cơ đã là một điều có lợi.

dung-den-do-1

Ảnh minh họa. 

Thảo luận về vấn đề này, có rất nhiều ý kiến khác nhau: có người cho rằng nếu tắt động cơ xe khi có đèn đỏ rồi khởi động lại, nhiên liệu tiêu tốn còn nhiều hơn. Chưa kể một số trường hợp, do xe cũ nếu khởi động lại mà không nổ máy, sẽ gây ách tắc giao thông.

Một số chuyên gia kỹ thuật cho hay, việc khởi động lại thậm chí còn gây thiệt hại hơn để máy nổ không tải. Nếu xe có dung tích 150cm3 trở lên thì hãy tính tiết kiệm bằng việc tắt máy. Việc đề nổ và khởi động làm động cơ hao mòn và tốn xăng hơn chạy ở chế độ cầm chừng. Do đó, nên tính toán kỹ trước khi tắt máy xe. Nếu phải dừng quá 90 giây thì hãy nên tắt máy.

Hiện trạng lưu thông trong các thành phố lớn phần đông là xe gắn máy, các đèn đỏ ở giao lộ cũng sáng không quá 90 giây, thông thường, đèn đỏ sáng trong vòng 30-60 giây, thậm chí nhiều ngã tư chỉ có 20 – 25 giây cho nên việc tắt máy xe sẽ có hại hơn là có lợi.

Khi dừng xe bạn để ở chế độ ga thấp nên lượng xăng tiêu thụ rất ít. Nếu bạn tắt máy rồi khởi động lại, lượng xăng tiêu thụ cho khởi động nhiều nên bạn chẳng tiết kiệm bao nhiêu mà máy khởi động nhiều sẽ hao mòn hơn. Chỉ nên tắt máy trong trường hợp bị kẹt xe quá lâu cho đỡ ô nhiễm.

PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng bộ môn Động cơ đốt trong, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Phòng thí nghiệm động cơ đốt trong đã thử nghiệm để đánh giá xem trong trường hợp có tắt máy và không tắt máy, liệu nó có lợi về mặt tiêu thụ nhiên liệu và môi trường hay không. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy về mặt môi trường rất có lợi. Thậm chí chỉ 10 giây là có lợi về mặt môi trường. Tuy nhiên, khi xét về mặt tiêu thụ nhiên liệu và tiêu hao ắc quy, chúng tôi đưa ra khuyến cáo là trên 20 giây có thể tắt máy được”

Ông cũng miêu tả cụ thể hơn rằng thí nghiệm của Viện Động cơ đốt trong được thực hiện trên băng thử. Điều đó giúp thí nghiệm chạy xe với điều kiện vận hành giống như trên đường. Sau đó tiến hành thử và tính về mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải độc hại.

Theo GS. TS Lê Anh Tuấn, lời khuyến cáo của các bạn trẻ là có cơ sở khoa học và nên làm theo. “Thậm chí trên thế giới còn có những bài học về lái xe sinh thái. Người ta còn đưa vào chương trình để huấn luyện cho người lái xe khi cấp bằng lái. Người ta đào tạo với chủ điểm là tắt máy khi dừng đèn đỏ”- ông Tuấn cho biết thêm.

Tuy nhiên, những điều trên chỉ nên thực hiện trong điều kiện xe máy đạt tiêu chuẩn: máy tốt, đề tốt. Vì nếu loại không đề được hoặc đề khó thì không nên tắt máy. Bởi tắt máy có thể gây ùn tắc giao thông. Nhưng với ô tô, người ta thường ngại tắt máy vì trong xe có điều hòa, thêm nữa chỉ khoảng mấy chục giây với ô tô, không ý nghĩa gì. Hơn thế, theo tính toán, khi tắt máy ô tô thì quá trình khởi động lại phải thực hiện trước đó 10 giây. Tức là khi đồng hồ đếm ngược còn 10 giây là lái xe phải khởi động. Nếu không kịp, có thể sẽ gây ùn tắc cho cả dòng xe đằng sau vì kích cỡ ô tô rất lớn trong làn đường.

Khi được hỏi về những ý kiến: “Khởi động lại máy có thể tốt cho môi trường và nhiên liệu nhưng gây hao mòn động cơ. Trong phép tính của Viện vừa rồi đã tính tới yếu tố động cơ chưa?” Ông Tuấn trả lời thẳng thắn: “Tôi vẫn khẳng định rằng, không có gì liên quan đến hao mòn của động cơ. Chỉ có tần suất tắt máy và đề lại nhiều hơn, có thể có những ảnh hướng đến ắc quy”.

Theo tính toán, tắt máy khi dừng xe 20 giây, mức phát thải ra môi trường sẽ giảm 20% so với khi vẫn để máy nổ.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn