Mồ côi mẹ khi vừa tròn một tuổi, Lò Văn Phúc, SN 1988, trú tại bản Tà Lành, xã Chiềng Hoa, huyện Mường La, tỉnh Sơn La phải ở với người mẹ kế. Sống trong cảnh dì ghẻ con chồng, Phúc phải chịu nhiều đắng cay, tủi nhục. Và rồi sự nhịn nhục của Phúc bị đẩy lên đến đỉnh điểm khiến cho “giọt nước tràn ly”, gã quyết tâm trả thù mẹ kế…
[links()]
Tuổi thơ bất hạnh
Cách đây hơn 20 năm, trong một ngôi nhà nhỏ ở cuối bản Tà Lành, cậu bé Lò Văn Phúc được sinh ra trong sự vui mừng và hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng chỉ duy nhất một năm đầu đời, Phúc được tận hưởng trọn vẹn tình thương của mẹ và hơi ấm của cha.
Khi Phúc vừa tròn một tuổi, mẹ Phúc mắc bạo bệnh và qua đời, để lại cho chồng đứa con còn nhỏ dại. Từ đó, bố Phúc phải sống cảnh “gà trống nuôi con”.
Mất mẹ, Phúc khóc ngằn ngặt vì khát sữa, vì thế mà hàng ngày bố Phúc phải bế con đi khắp bản để xin các chị, các mẹ đang nuôi con nhỏ cho Phúc bú nhờ. Những hôm không đi xin được sữa, Phúc phải uống nước cơm, nước cháo để no bụng.
Có lẽ vì thiếu thốn nên so với những đứa trẻ cùng trang lứa, Phúc luôn nhỏ con nhất. Thương con và muốn có một người phụ nữ chăm sóc, vun vén cho gia đình nên bố Phúc đã đi bước nữa với một người phụ nữ tên Hạnh, với mong muốn người vợ kế sẽ chăm sóc Phúc chu đáo.
Sau khi về sống với bố con Phúc, bà Hạnh thể hiện mình là người phụ nữ cay nghiệt, nhất là đối với đứa con riêng của chồng. Chung sống một thời gian, bà Hạnh đã sinh cho bố Phúc hai người con, và cũng từ đó mà bà Hạnh luôn coi Phúc là cái gai trong mắt nhưng chưa thể “nhổ” được.
Phạm nhân Lò Văn Phúc trong trại giam |
Vì thế bà chỉ chờ khi chồng không có nhà để trút lên đầu Phúc những trận đòn oan nghiệt. Trước sự phân biệt đối xử của người mẹ kế, Phúc chỉ biết khóc. Nhưng đối với Phúc, việc bị ăn đòn cũng không đáng sợ bằng những lúc bị bỏ đói.
Những hôm bố vắng nhà, Phúc không được ngồi vào mâm ăn cơm cùng với hai em của mình, có đồ ăn ngon, dì ghẻ dành hết cho các em. Nhìn cảnh đó, Phúc ứa nước mắt.
Rồi cả những ngày mùa đông giá rét, bản vùng cao lạnh cắt da cắt thịt, nhưng Phúc vẫn phải co ro trong manh áo mỏng, khiến cho cơ thể gầy gò cứ tím tái và run lên từng đợt theo những cơn gió lạnh ùa về.
Thấy cháu còn quá nhỏ mà đã phải chịu nhiều đắng cay, tủi nhục, nhìn những vết thâm tím lằn lên trên cơ thể cháu, bà ngoại Phúc như cắt từng khúc ruột. Vì thế, cho dù cuộc sống còn rất khó khăn, nhưng bà vẫn quyết định đón Phúc về nuôi dưỡng, bà cháu sẽ rau cháo nuôi nhau sống qua ngày.
Vậy là năm lên 6 tuổi, Phúc được về sống với cậu và bà ngoại. Sống với bà và cậu, dù cuộc sống còn thiếu thốn bộn bề, thậm chí có những bữa không có gạo để nấu cơm ăn, nhưng đó vẫn là những năm tháng hạnh phúc nhất của Phúc.
Thay vì phải hứng chịu những trận đòn, những lời nói cay nghiệt của người mẹ kế, Phúc được nằm trong vòng tay ấm áp và được nghe những lời yêu thương của bà ngoại.
Phúc tưởng rằng sẽ được hưởng niềm hạnh phúc đó qua hết tuổi thơ. Nhưng đến năm Phúc tròn 11 tuổi, bố và mẹ kế qua nhà ngoại năn nỉ Phúc quay về. Theo lời Phúc, có lẽ bà Hạnh thấy lúc này anh ta đã bắt đầu làm được việc nên muốn Phúc quay về để giúp việc cho gia đình.
Phúc không muốn quay lại ngôi nhà chất chứa những kí ức đau buồn đó, nhưng vì cậu Phúc đã có gia đình nên ở lại cũng không tiện. Hơn nữa, thấy bà Hạnh ngọt nhạt dỗ dành và hứa chắc chắn sẽ đối xử tốt nên Phúc đã đồng ý quay về.
Nhưng tất cả chỉ như một màn kịch khi chỉ vài hôm sau, mẹ kế lại trở về với con người cũ, và Phúc lại quay về sống cuộc sống trước kia. Vì Phúc đã lớn nên bà Hạnh không thể đánh đập như trước, bà quay ra hành hạ Phúc về tinh thần khi thường xuyên chửi bới con chồng bằng những lời cay nghiệt.
Hơn nữa, bao nhiêu việc to nhỏ trong nhà, mẹ kế bắt Phúc phải một mình cáng đáng để cho hai đứa em cùng cha khác mẹ được rảnh rỗi.
Thậm chí, đến cả khi lấy vợ, Phúc vẫn bị mẹ kế chèn ép. Tưởng rằng khi lấy vợ, đã trưởng thành thì mẹ kế sẽ phải cư xử khác, nhưng bà vẫn luôn tìm cách gây sự, chửi bới hai vợ chồng Phúc. Vợ Phúc cũng là người hiền lành nên bà Hạnh càng ra sức chì chiết, đay nghiến con dâu.
Mới đầu, vợ chồng Phúc cũng nhẫn nhịn, nhưng về sau thấy bà càng được đà lấn tới, nên đã có lời qua tiếng lại, vì thế mà trong gia đình nảy sinh mâu thuẫn. Để giữ hòa khí cho gia đình, vợ chồng Phúc xin bố mẹ cho ra ở riêng.
Tưởng sẽ rất khó khăn nhưng không ngờ cả hai ông bà đều đồng ý và chia cho hai vợ chồng một mảnh đất nhỏ gần nhà. Vợ chồng Phúc như mở cờ trong bụng, dồn hết sức lực để dựng lên một căn nhà nhỏ. Nhưng nhà vừa được dựng lên, gia đình Phúc chưa được một ngày ở trong căn nhà mới, thì bà Hạnh lại đổi ý không cho con chồng ra ở riêng nữa.
Và căn nhà ấy, Phúc phải nhường cho một người cháu họ của bà. Vậy là biết bao hy vọng và công sức của vợ chồng Phúc đều tan biến. Chưa bao giờ Phúc thấy uất hận người mẹ kế nhiều đến thế. Sự nhẫn nhịn và chịu đựng của Phúc cũng có giới hạn.
Đến một ngày, chính bà mẹ kế đã khiến cho “giọt nước tràn ly”, và trong cơn uất ức, không thể kiềm chế bản thân, Phúc đã xuống tay sát hại người mẹ kế.
Những tiếc nuối còn lại sau tội ác
Mâu thuẫn xảy ra vào tối 7/10/2009, khi vợ chồng Phúc đi chơi về thì thấy bà Hạnh đang xem tivi. Sau khi vợ bế con lên nhà, Phúc vào gầm sàn lấy một bao ngô của gia đình định đem đi bán để trả nợ. Nhưng Phúc vừa bê bao ngô ra thì bà Hạnh nhìn thấy.
Vì tiếc của nên bà chửi bới Phúc thậm tệ. Nghe những lời cay nghiệt của mẹ kế, Phúc thấy “nóng mặt”. Trong khoảnh khắc ấy, sự uất ức và tức giận do bị mẹ kế hành hạ về thể xác và tinh thần dồn nén từ ngày thơ bé bỗng dưng bùng lên trong Phúc.
Gã vứt bao ngô xuống đất, lẳng lặng đi ra ngoài sân nhặt một thanh gỗ, chạy lên nhà theo cầu thang bếp. Qua bếp, Phúc cầm thêm một con dao rồi đi vào trong nhà, vừa đi vừa nói: “Hôm nay, con sẽ giết mẹ”.
Bà Hạnh không nghe thấy lời Phúc dọa bởi bà đang bận gọi điện cho bố Phúc để kể tội gã định mang bao ngô đi bán, chưa kịp quay ra thì Phúc đã đi về phía sau lưng bà, tay phải túm tóc bà Hạnh, tay trái cầm dao cứa mạnh một nhát vào cổ mẹ kế.
Bị tấn công bất ngờ, bà Hạnh phản ứng lại bằng cách túm chặt con dao trên cổ, vì lưỡi dao sắc nên bà đã bị đứt bốn ngón tay. Lúc này, vợ Phúc vào can chồng nên Phúc thả tay ra, làm bà Hạnh ngã ra sàn nhà. Thấy máu từ cổ bà Hạnh chảy nhiều, Phúc tưởng mẹ kế đã chết nên bỏ đi.
Nhưng khi Phúc vừa quay lưng bước đi, người mẹ kế nhỏm dậy tiếp tục chửi bới. Thấy mẹ chửi, mặc cho vợ can ngăn, Phúc nhặt thanh gỗ quay lại đánh vào đầu bà Hạnh năm nhát, mục đích là để bà chết hẳn.
Thấy dì ghẻ gục tại chỗ, Phúc bỏ ra ngoài để con dao ngoài bể nước rồi cầm chiếc gậy ném xuống sông Đà. Sau đó, Phúc đến cơ quan công an đầu thú.
Tin Phúc sát hại mẹ kế ngay tại nhà đã gây xôn xao cả bản Tà Lành, bởi từ xưa đến nay ở cái bản nhỏ này chưa bao giờ xảy ra chuyện động trời đến vậy. Tội ác của Phúc là đáng lên án, nhưng bà con trong bản đều thông cảm cho Phúc. Bởi ai cũng biết Phúc phải chịu đựng và tủi nhục đến thế nào dưới sự hành hạ của người mẹ kế suốt bao năm trời.
Thậm chí, khi Phúc bị truy tố về tội “Giết người”, chính thái độ coi thường đạo đức và trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con cái của bà Hạnh lại là tình tiết để Phúc được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Nếu như bà Hạnh không đối xử tàn nhẫn với Phúc thì có lẽ gã đã không gây ra tội ác.
Với bản án 4 năm tù, Phúc được chuyển xuống trại giam Nam Hà thụ án. Những ngày mới xuống, nỗi buồn và thương nhớ vợ con cứ ngày đêm dày vò Phúc. Nhưng vì đường xa nên vợ con gã không xuống thăm nom.
“Mỗi lần mọi người trong phòng được gặp gia đình, em nghĩ tủi thân đến bật khóc, nhưng rồi em gắng gượng chịu đựng nên giờ cũng đã quen với cảm giác ấy rồi…”, Phúc bộc bạch.
Phúc bảo rằng, sau tất cả những chuyện đã qua, đối với Phúc, người mẹ kế không phải là người khiến gã bận tâm nhất:
“Thực sự em không nghĩ nhiều về mẹ kế, bởi cứ nghĩ đến, em chỉ thấy những kí ức buồn và đau đớn. Điều em thấy hối tiếc nhất là trong thời gian em bị bắt thì bà ngoại em mất, và em không thể gặp được bà lần cuối.
Mẹ sinh ra em, nhưng bà mới là người cho em tâm hồn và nghị lực sống. Vì không thể ở bên cạnh lúc bà ra đi, nên em thấy thương và có lỗi với bà nhiều”, Phúc trải lòng.
Tuy bà ngoại không còn, nhưng ở cái bản nhỏ vùng cao ấy, vẫn còn có một người vợ và ba đứa con thơ đang đợi Phúc trở về, và đó cũng chính là động lực để Phúc rút ngắn bản án của mình.
- Bảo Nam