(Đời sống) - Khi xã hội này còn đang đau đầu với các tệ nạn xã hội thì một quy định mới từ trên bộ rơi xuống ép các bậc cha mẹ không được cấm con ra khỏi nhà như tiếp thêm định chế cho giới trẻ thỏa sức ăn chơi.
Nghị định "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Công an tại điều 55 Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó.
Đọc xong dự thảo nghị định xử phạt này không chỉ riêng người viết thấy bất ngờ với những quy định "khác người" ở Việt Nam. Hình thức xử phạt này thật vô lý và không có tính thực tiễn. Trong khi, hiện nay giới trẻ có thói đua đua, bị chi phối nhiều bởi internet thì vai trò quản lý của bố mẹ lẽ ra phải đặt lên hàng đầu thì người ta lại phạt vai trò quản lý của bố mẹ. Ra quy định như con dao cắt đi cái quyền ấy.
Chắc hẳn những nhà soạn thảo quy định cũng phải theo dõi báo chí. Tôi xin đặt lại câu hỏi cho người soạn thảo, "ông bà nghĩ sao khi có rất nhiều các bé gái vì đi chơi về khuya bị hiếp dâm hay bị bạn bè rủ rê lôi kéo đi chơi?"... Khi họ ra quy định này chắc họ không nghĩ đến hậu quả của việc tháo cũi sổ lồng cho con trẻ. Hoặc nhà soạn thảo không thể hiểu nổi nỗi lòng của cha mẹ mỗi khi con cái ra khỏi nhà. Không chỉ có riêng những tai nạn rình rập con cái mà dù mối quan hệ có lành mạnh đến đâu thì vẫn có những điều đáng tiếc xảy ra.
Nếu nhà nào mà có con gái đến tuổi cập kê, con gái đòi đi chơi đêm với người yêu. Cậu thanh niên này được bố mẹ nhận xét không được ngoan cho lắm và rất lo cậu ta có thể đưa con mình vào nhà nghỉ làm những việc đi quá giới hạn. Không lẽ, bố mẹ không được cấm con. Chiếu theo nghị định thì mối quan hệ này hợp pháp vì con người có quyền tự do yêu đương.
Một quy định vô lý hết chỗ nói |
Nói đến đây chúng ta không thể nhắc tới nạn phá thai. Khi nghe con số về tình hình phá thai ở tuổi vị thành niên ở Việt Nam nhiều người cũng phải bất ngờ. Dân số Việt Nam đông thứ 13 trên thế giới nhưng tỷ lệ nạo phá thai chúng ta cán đích lên vị trí thứ 5. Theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên ở Việt Nam 46/1.000 trường hợp, cao hơn một số nước Đông Nam Á.
Theo Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, bình quân mỗi năm có khoảng 300.000 ca phá thai (chiếm 20% trong tổng số ca phá thai), cao nhất so với các nước Đông Nam Á. Tình hình nạo phá thai có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Đấy là nhiều trẻ cha mẹ còn cấm cửa không cho đi chơi mà còn xếp thứ 5 của thé giới. Chắc quy định này đi vào thực tế thì có khi nước ta sẽ cán đích về tỷ lệ phá thai. Đặc biệt là ở cái tuổi trăng tròn các em còn thiếu kinh nghiệm sống và chủ yếu làm theo cảm tính của mình.
Không cấm được con cái ở nhà, nếu con gái có chửa, bố mẹ phải làm thế nào. Không lẽ bố mẹ chấp nhận mất tiền để giữ con. Nhìn thấy đứa con của mình đang ra ngoài với những người bạn không mấy tin tưởng lắm mà không biết làm sao để giữ con mình. Cấm con là vi phạm pháp luật đấy. Chắc các bậc phụ huynh nghe thấy câu vi phạm pháp luật lại sợ ngay. Bố mẹ nào cũng muốn làm gương cho con cái mà giờ lại vi phạm pháp luật, bị nộp phạt thì còn dạy con sao được.
Không được cấm ra khỏi nhà bố mẹ quản lý con sao nổi |
Đứng ở hoàn cảnh này thật là khổ. Chắc con không may bị lừa, có bầu vì đi chơi với người yêu. Bố mẹ chắc đành ngậm ngùi: "con dại cái mang thôi, chứ mình làm đúng hết rồi".
Ấy là chưa kể đến những đứa trẻ đi chơi game, những đứa con đi chơi với bạn bè rồi "đập đá" và đua xe. Các mối quan hệ đó đều rất lành mạnh. Bạn bè học cùng của con mình đều được coi là bạn bè hợp pháp nên cấm con khó lắm chẳng dễ đâu.
Chúng tôi thử đặt hoàn cảnh bố mẹ cấm con cái đi ra khỏi nhà với bạn trai. Trường hợp này xem như xảy ra phổ biến nhất. Nếu ông bố bà mẹ nào kiên quyết chống lại quy định thì cơ quan thi hành phạt sẽ làm thế nào để thu được khoản nộp phạt kia. Sai thì đã nhìn rõ rồi nhưng để tận thu được nguồn này cũng là bài toán nan giải. Tôi dám chắc, không có người con nào lại tố cáo bố mẹ mình. Ở Việt Nam con cái muốn bố mẹ bị phạt hay ngồi tù thì ít lắm. Nhất là trong cái điều kiện xin tiền bố mẹ đi học, đi chơi còn khó thì chả đứa con nào dại gì mang tiền mình đi góp quỹ phạt cả.
Trong thế bí này, Bộ Công an sẽ phải thương thảo với con cái như chia % hoa hồng cho người tố cáo thì may ra có một vài đứa con vì thiếu tiền chơi game hay đi bar sẽ tố cáo bố mẹ mình để vừa khỏi bị cấm cửa vừa có tiền tiêu.
Một cách khác Bộ Công an có thể làm nữa để bắt tận tay, day tận trán gia đình nào vi phạm, bộ công an sẽ phải lập một đội "thổ địa" cài cắm ở mọi nơi vào những giờ cao điểm mà các gia đình hay cấm con ra khỏi nhà để bắt phạt.
- Ngọc Khánh