Con gái Nguyễn Tuân lấy chồng vì tìm thấy bóng dáng của cha

12:27, Thứ hai 18/04/2011

( PHUNUTODAY ) - Vì tình yêu với cha quá lớn, khi cha mất bà kết hôn với người mang bóng dáng của cha. Vì tình yêu với chồng quá lớn bà sẵn sàng từ bỏ nghiệp vẽ để làm hậu phương vững chắc cho chồng.



Xuất hiện trên văn đàn vào cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân được đánh giá là “kết tinh mọi tinh hoa làm nên sự hoàn thiện và hoàn mỹ của một phong cách viết”. Văn chương tạo nên danh vọng cho Nguyễn Tuân, đưa tên tuổi của ông vượt ra khỏi biên giới quê nhà. Thế nhưng ông lại khuyên con gái mình tránh xa con đường văn chương.

Con gái út nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Thu Giang vẫn nhớ như in từng lời dạy dỗ, chỉ bảo của cha: "Ông cụ là người không bao giờ ngăn cản con cái mà chỉ góp ý thôi. Biết tôi có năng khiếu, ông cụ khuyên tôi nên học vẽ chứ không nên viết văn. Ông cụ bảo theo nghiệp văn chương phải chấp nhận gian truân, khổ ải. Đã làm nhà văn, thì hoặc phải đạt đến đỉnh cao, hoặc không là gì cả, chứ không nên làng nhàng. Người viết văn đôi khi phải hy sinh đến độ không còn là bản thân mình nữa".

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân rất yêu hội họa và hiểu biết kỹ lưỡng về lĩnh vực này. Các trang văn của ông thấm đượm hình ảnh, giàu hình tượng, dường như ông làm hội họa trong văn. Ông cho rằng văn chương muốn lan tỏa đi khắp thế giới thì phải thông qua phiên dịch, mà đã thông qua dịch thuật thì có dịch giỏi đến đâu vẫn không thể truyền tải hết được ý tứ của người viết. Nhưng hội họa thì không cần phiên dịch vì vậy trên trái đất này những ai được thưởng thức tác phẩm đều có thể cảm nhận được ý nghĩa của nó. Bà Thu Giang không chọn con đường văn chương cũng vì quan niệm ấy của cha.

Biết cha thích hội họa, bà đã quyết tâm trở thành họa sĩ. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được cha dẫn sang nhà họa sĩ Thế Ngọc học vẽ. Bà kể: "Tôi may mắn hơn các anh chị em khác là được sống với ông cụ trong cùng một căn nhà nên hai cha con rất gần gũi. Ông cụ tìm thầy cho tôi học vẽ, theo tôi trong suốt chặng đường đi. Tác phẩm nào của tôi ông cụ cũng ngắm nghía kỹ lưỡng, bức nào được thì cụ khen, bức nào không được thì cụ lắc đầu "bức này xấu quá"".

Trong trí nhớ của họa sĩ Thu Giang, Nguyễn Tuân là một người cha rất nghiêm khắc nhưng cũng rất hồn hậu và thương con. Bà kể: "Bên ngoài, cha tôi có thể sống phóng khoáng, đầy chất nghệ sĩ. Nhưng trong gia đình, cụ rất nghiêm khắc, rất khắt khe trong việc giữ nền nếp gia phong. Cụ bảo gì là phải làm nấy, làm sai là không xong với cụ. Cụ rất coi trọng những gì đặc trưng của dân tộc bởi thế mà trên ban thờ ngày Tết không thể thiếu đi chiếc bánh chưng xanh, khúc giò lụa, con gà và mâm ngũ quả, gà nhất thiết phải là gà ri, bưởi cũng phải là loại bưởi Đoan Hùng. Nhưng cụ lại rất thương con. Tôi là con gái nhưng rất láo lếu và nghịch ngợm, cụ vẫn thương nhất. Tôi không thể nhớ hết được nhưng phải có đến 7 - 8 cái Tết, cha không có ở nhà, chỉ có mấy mẹ con cùng ông nội đón Tết. Cái Tết có mất đi chút không khí trọn vẹn nhưng không vì thế mà mất đi cái nếp sống, cái dư âm của cha trong cách sinh hoạt của gia đình".

1
Họa sĩ Thu Giang - con gái nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh: VnExpress

Sống gần gũi với cha trong một căn nhà, coi cha là thần tượng nên cuộc đời và con người của họa sĩ Thu Giang chịu ảnh hưởng rất lớn từ người cha nổi tiếng, từ cách ăn mặc đi đứng đến cách đối nhân xử thế. Hồi trẻ bà thường hay thích những cái gì màu mè bắt mắt, những cái gì giống người ta, nhưng cha bà luôn dạy người con gái phải mặc phù hợp với không gian và thời gian, khi mặc thì trang điểm thật nhẹ nhàng, tươi tắn. Cũng như vào chùa phải thật trang nhã và quan trọng nhất tâm phải thành kính không nhất thiết phải mang đồ lễ.

"Cha dạy chúng tôi nhiều thứ lắm, tôi đều ngấm hết, có cái thực hiện được, có cái không. Tôi là con gái nên cụ rất chú tâm răn dạy cách đi đứng và lời ăn tiếng nói. Cụ bảo, con gái đi guốc phải kiễng chân sau lên, để mũi chân chạm đất trước rồi mới hạ gót xuống. Như thế mới không phát ra những âm thanh lọc cọc. Còn các cô gái bây giờ, gót và mũi chân nện xuống đất một lần nên đi đứng rất ồn ã và thiếu thanh lịch. Cha cũng là người dạy tôi cách đánh phấn son. Cụ có con mắt thẩm mỹ tinh tế nên rất sành chuyện này.

Cụ bảo, trang điểm phải đẹp nhưng làm sao giữ được nét tự nhiên để người ta không biết là mình trang điểm. Một lần tôi bôi trát mặt trắng phớ, má đỏ choét. Cụ gọi tôi vào mắng rồi dặn: “Da con không trắng nên không được dùng phấn trắng, phải dùng phấn hợp với màu da”", họa sĩ Thu Giang bồi hồi nhớ lại.

Người ta ấn tượng về Nguyễn Tuân không chỉ bởi con chữ "rất ngông" mà còn bởi ông là người yêu ghét rõ ràng, ông không thích những gì nửa chừng. Họa sĩ Thu Giang cho rằng bà thừa hửng nét tính cách này từ cha mình. Bà bảo, ông cụ có ý thức dạy cho con cái cách đối nhân xử thế từ rất sớm, nhiều khi cụ không trực tiếp dạy ta phải làm gì mà luôn cố gắng thể hiện những bài học qua cách cụ xử sự hàng ngày. Cũng như trong quan hệ xã hội, cụ yêu quý ai thì đặc biệt rất chân tình và hết lòng nhưng ngược lại những người cụ không thích thì thẳng tưng nói không thích. Nếp sống của cụ truyền lại và tự nó đã thấm vào con người bà và trở thành nếp sống rất Hà Nội.

Lấy chồng vì tìm thấy bóng dáng của người cha

Năm 1987, Nguyễn Tuân qua đời. Lúc đó, họa sĩ Thu Giang ở độ tuổi 40. Trong quãng thời gian 40 năm sống chung với cha, bà đã nhờ cậy vào cha mẹ quá nhiều nên khi mất chỗ dựa bà vô cùng hụt hẫng. Họa sĩ Thu Giang nhớ lại quãng thời gian khó khăn ấy: "Khi cha mất, tôi mới phát hiện ra mình giống như một đứa con vô dụng, bởi tôi nhờ cậy cha mẹ mình quá nhiều. Tôi không biết làm gì và bắt đầu từ đâu, mọi thứ thay đổi quá đột ngột. Chỉ đến khi tôi gặp lại ông Nghiêm, tôi mới lấy lại được cân bằng".

Bà Thu Giang kết hôn với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm khi ông đã vào tuổi 70. Bà tâm sự, ngày trước, chưa khi nào bà nghĩ sẽ là người nâng khăn sửa túi cho ông vì họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vốn là bạn của nhà văn Nguyễn Tuân. Bà biết ông từ lâu và kính trọng như bậc cha chú. Bà cũng đã từng lập gia đình, có con. Rồi chồng bà mất. Con cái giờ cũng đã trưởng thành đâu vào đấy. Ông bà đến với nhau như một lẽ tự nhiên không thể khác, như kết cục tất yếu của hai tâm hồn đồng cảm.

Bà học về hội họa từ nhỏ rồi gắn bó nhiều với cha mình nên bà ảnh hưởng rất nhiều từ cha. Tôn thờ cha nên khi cha mất, bà cảm thấy trong mình là một khoảng trống vắng hụt hẫng không gì bù đắp. Gặp ông Nghiêm, bà có cảm giác rất khác, bà như gặp lại tình cảm kính trọng, tôn thờ từng có với cha mình. Mối lương duyên của ông bà không đơn thuần chỉ là sự nương tựa nhau lúc tuổi già nữa mà là sự đồng cảm mãnh liệt cả trong cuộc sống và nghệ thuật. Bà chia sẻ: "Tình cảm giữa tôi và ông Nghiêm còn cao hơn cả tình cảm nam nữ thông thường. Tôi yêu và kính trọng ông ấy giống như là một người cha. Ông Nghiêm và cha tôi gặp nhau ở một điểm là yêu ghét rõ ràng. Chỉ có điều mỗi người một cách thể hiện khác nhau. Cha tôi mà không thích là ông cụ cho biết ngay, biểu hiện bằng thái độ, hành động. Còn ông Nghiêm thì âm thầm, phải tinh ý hoặc sống với ông ấy lâu ngày mới phát hiện ra được".

Bà Thu Giang là người vợ đầu tiên và cũng là người vợ duy nhất của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, một trong "bộ tứ" nổi tiếng của giới hội họa Việt Nam đương đại "Sáng, Nghiêm, Liên, Phái" (Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái). Bà bảo, ông kết hôn với bà cũng vì hội họa. Người tài năng như ông, không thiếu phụ nữ vây quanh. Nhưng ông sợ kết hôn với một người phụ nữ không thông cảm với niềm đam mê hội họa của ông thì sẽ không thể vẽ, người ta cũng vì thế mà mất đi hạnh phúc. Chính vì vậy khi gặp bà, một người hiểu và thông cảm với đam mê hội họa của ông, ông mới mở lòng mình.

Bà Giang hiểu rằng, với một người bị ma lực của hội họa cuốn hút đến mức quên cả xây dựng hạnh phúc riêng như ông Nghiêm thì hội họa được đặt lên trên hết. Với ông, vẽ như cơm ăn, nước uống, như máu thịt. Không vẽ là ông ốm. Chỉ khi đối diện với bức toan và những mảng màu ông mới sống trọn vẹn là mình với những niềm vui, nỗi buồn, và cả sự cô đơn thường trực của người nghệ sĩ. Bà tự nguyện từ bỏ nghiệp vẽ của mình để làm hậu phương vững chắc cho ông. "Không thể có hai cái tôi quá lớn ở một nhà. Tôi cũng không thể tranh màu vẽ, giá vẽ của ông ấy. Với lại ông ấy cực kỳ ghét sự ồn ào, bon chen của cuộc sống. Tôi muốn ông ấy có không gian yên tĩnh để vẽ nên lo giải quyết hết mọi việc bên ngoài", bà Giang nở một nụ cười hạnh phúc.

e
Ảnh: Tạp chí Hồn Việt

Từ một người thích ồn ào, tụ họp bạn bè đây đó, họa sĩ Thu Giang đã trở thành người phụ nữ của gia đình, tỉ mẩn chăm lo cho chồng từ bữa ăn đến giấc ngủ để ông yên tâm cống hiến hết mình cho hội họa. Chính bà nhiều khi cũng cảm thấy ngạc nhiên, sững sờ với sự thay đổi của mình. Nhưng cùng là nghệ sĩ, lại cảm nhận được cái tâm hết lòng vì nghệ thuật của hai nhân cách lớn, cha là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân, chồng là họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Tư Nghiêm nên bà cho rằng "hi sinh cho nghệ thuật là xứng đáng".
  • Kim Minh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc