Con trai Công tử Bạc Liêu lại… thất nghiệp

06:13, Thứ tư 23/01/2013

( PHUNUTODAY ) - Dù đang thất nghiệp, nhưng con trai Công tử Bạc Liệu vẫn dự định sẽ làm có tiền kha khá để đòi lại thương hiệu công tử Bạc Liêu, sau đó lấy thương hiệu này bán kiếm tiền sống vào những ngày cuối đời.

Ông Trần Trinh Đức - con trai công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy đã chính thức bị Công ty du lịch sinh thái Hồ Nam (Bạc Liêu) chấm dứt hợp đồng lao động từ 1/1/2013 sau 15 tháng làm việc.
[links()]
Ngồi chờ nhận nhà tình thương

“Họ cho anh Đức nghỉ việc rồi. Người ta nói với anh Đức là công ty lúc này làm ăn khó khăn nên giảm người làm. Họ nói vậy nên mình đâu có lý do gì mà ở lại nữa”- ông mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Vẫn phong thái như ngày nào. Tóc chải ngược, áo bỏ vào quần chỉnh chu thẳng tắp, không có biểu hiệu gì của một người thất nghiệp những ngày áp tết.

cong-tu-Bac-Lieu-that-nghiep-Phunutoday.vn.jpg
Ông Trần Trinh Đức (phải) và ông Phan Kim Khánh - cháu gọi Công Tử Bạc Liêu bằng cậu- hằng ngày ngồi tại nhà hàng khách sạn Công tử Bạc Liêu khi mất việc. Ảnh LĐO.

Sau thời gian bôn ba tại TP. HCM, ông Trần Trinh Đức - con trai của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy - không tiền bạc, chẳng còn “cục đất chọi chim” nên hồi cố hương, mong có cuộc sống tốt hơn khi tuổi đã xế chiều trong cảnh chẳng nghề nghiệp, không tiền bạc. Cảm thương tình cảnh của ông và thán phục cách “ăn chơi mát trời ông địa” của cha ông, một doanh nghiệp cho vợ chồng ông mượn căn nhà để ở.

Hằng ngày, ông ra ngồi tại nhà hàng khách sạn Công Tử Bạc Liêu – nhà cũ của mình để… uống cafe. Những người quen biết hay du khách đến tham quan nhà công tử Bạc Liêu gặp ông bắt tay, cùng uống nước và… trả tiền giùm ông. Có người thơm thảo thì tặng ông vài trăm ngàn gọi là sau khi nhận từ ông cuốn sách viết về cha ông. Cảm thương với hoàn cảnh của ông, các nhà báo Trung ương thường trú tại Bạc Liêu bàn và xin Giám đốc Công ty du lịch Sinh thái Hồ Nam nhận ông vào làm việc với mức lương 4 triệu đồng/tháng.

Gọi là làm việc, nhưng theo “anh Đức” thì công việc chính là tiếp khách và trò chuyện với khách, nói chuyện về công tử Bạc Liêu. Thời gian rảnh thì cho cá ăn, chăm sóc cây kiểng. Do tính tình trầm lắng, ít nói về những giai thoại của cha mình mà hay trầm tư, thậm chí liên hồi đính chính về những giai thoại “ đốt tiền nấu trứng”, “ hiến đất cho cách mạng”, “ ăn chơi chẳng kể số gì”… nên làm không ít khách hàng phật lòng.

Trầm ngâm bên ly cafe, ông xa gần: “Tỉnh ủy Bạc Liêu hứa với anh Đức sẽ cho căn nhà bên phường 5 trị giá gần 200 triệu đồng. Các anh bảo là đã nói với UBND tỉnh rồi, chờ tỉnh gọi thì qua nhận để ở. Bây giờ anh Đức đang chờ người ta gọi. Có căn nhà để ở là mừng lắm rồi”.

Chẳng biết làm gì

Chuyện cấp nhà cho ông Đức chắn chắn sẽ có, bởi Tỉnh ủy đã có chủ trương. Theo ông Dương Ngọc Ẩn, Giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu, ông Đức không thuộc bất cứ trường hợp ưu tiên nào theo quy định được xét cấp nhà, nhưng Bạc Liêu không nỡ để ông không nhà cửa chính nơi quê hương của mình. Điều này thể hiện tính nhân đạo của người Bạc Liêu đối với người xưa.

nha-cong-tu-Bac-Lieu-Phunutoday.vn.jpg
Phòng ngủ của công tử Bạc Liêu tại “nhà lớn”, nay là “khách sạn công tử Bạc Liêu”. Ảnh LĐO.

“Không nghề, lại mất việc sắp tới ông dự định làm gì để nuôi vợ con?” - tôi hỏi. Ông không trả lời thẳng câu hỏi của chúng tôi, mà chậm rãi phân trần: “Anh Đức chẳng lo gì cả. Anh từ trước đến giờ chẳng tính toán gì, tới đâu hay tới đó. Trước mắt có căn nhà là mừng lắm rồi”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến vợ và con gái ông đang bị động kinh, nếu không làm gì thì ai lo, ông ngậm ngùi: “Anh Đức bay giờ chẳng biết làm gì nữa. Dự định nếu có nhà thì cho mẹ con nó ở, anh Đức chắc lên Sài Gòn tìm việc làm để có tiền gửi về cho mẹ con nó sống. Nghe nói qua Tết này, nhà hàng khách sạn Công tử Bạc Liêu đi vào hoạt động, anh Đức xin vô đây làm”.

Trong lúc “anh Đức” vẫn vô tư, thì chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Huệ, Giám đốc Công ty Hồ Nam.

Ông Huệ phân trần: “Công việc kinh doanh của Công ty gần đây có chút khó khăn nên chúng tôi cơ cấu lại tổ chức, vì vậy cho ông nghỉ việc. Công ty hoàn toàn không mích lòng gì với ông Đức cả, dù rằng rất nhiều anh em phân bì do công việc giao cho ông quá nhẹ nhàng”.

Dẫu mất việc làm, thời gian tới chưa biết làm gì, nhưng ông Trần Trinh Đức vẫn chưa thôi ước mơ. “Anh Đức dự định sẽ làm có tiền kha khá để đòi lại thương hiệu công tử Bạc Liêu, sau đó lấy thương hiệu này bán kiếm tiền sống vào những ngày cuối đời” (!?).

Nghe ông nói thấy vừa giận vừa thương. Ông Đức không hiểu hay cố tình không hiểu rằng, thương hiệu công Tử Bạc Liêu đã được Tỉnh ủy Bạc Liêu đăng ký từ lâu và công tử, hay Bạc Liêu đâu phải là sở hữu của một cá nhân nào, dẫu rằng ông là con trai của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (!).

  • Theo LĐO
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc