Hỏi:
Tôi không đội mũ bảo hiểm, bị công an phường (thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội) yêu cầu dừng xe và kiểm tra giấy tờ. Tôi muốn hỏi thẩm quyền của công an phường trong việc xử lý vi phạm giao thông như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật, ngoài cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ theo quy định tại Thông tư 65/2012/TT-BCA do Bộ công an ban hành ngày 30/10/2012 còn một số lực lượng khác cũng có thẩm quyền dừng phương tiện đang lưu thông để kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Căn cứ Nghị định số 27/2010/NĐ-CP quy định các lực lượng có thể được huy động phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi cần thiết gồm: Công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng cảnh sát khác (gồm: cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động (CSCĐ), cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát bảo vệ, và cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội).
Công an phường có được xử lý vi phạm giao thông? (Ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, việc huy động phải thực hiện bằng Quyết định hoặc Kế hoạch huy động, trong đó nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn huy động, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của CSGT, cảnh sát khác và công an xã tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông.
Khi hết thời gian huy động ghi trong Quyết định hoặc Kế hoạch huy động mà không có văn bản huy động mới của cấp có thẩm quyền thì lực lượng cảnh sát khác và công an xã kết thúc nhiệm vụ được huy động, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.
Theo Điều 8 Nghị định số 27/2010/NĐ-CP về Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát khác và công an xã với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ “Các lực lượng cảnh sát khác và công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng thì phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thường xuyên thông báo cho lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ về việc tuần tra, kiểm soát của mình, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc quyền xử phạt của mình theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết”.
Theo Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 47/2011/TT-BCA hướng dẫn thực hiện Nghị định số 27/2010/NĐ-CP thì “Trường hợp không có lực lượng cảnh sát giao thông đi cùng thì lực lượng cảnh sát khác và công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Theo quy định này, khi độc lập làm nhiệm vụ (nghĩa là không phải là đi cùng lực lượng cảnh sát giao thông), công an phường chỉ được thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được phê duyệt. Và công an phường chỉ có quyền dừng các phương tiện vi phạm giao thông trong các trường hợp: điều khiển xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chở hàng hóa cồng kềnh; đỗ xe ở lòng đường trái quy định; điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả, không có gương chiếu hậu, lưu thông đường cấm, ngược chiều; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông... hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật và các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ như họp chợ dưới lòng đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.
Về thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì Trưởng công an cấp xã (phường, thị trấn) cũng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Luật sư Trương Anh Tú Văn phòng luật sư Trương Anh Tú – Đoàn luật sư Hà Nội
Mẹ chồng không đưa bản chính sổ hộ khẩu, tính sao? Hiện tòa án đã thụ lý giải quyết việc ly hôn của tôi và chồng. Tôi muốn cắt hộ khẩu từ nhà chồng để nhập vào nhà mẹ đẻ. Nhưng mẹ chồng không đưa bản chính sổ hộ khẩu. |