Công chúa Amelia chết vì tình

08:03, Thứ ba 28/06/2011

( PHUNUTODAY ) - 18, tình yêu và hôn nhân tự do dường như là giấc mơ quá xa vời cho một công chúa, nhất là khi nàng lại là con gái của hoàng đế nước Anh George III.

(Phunutoday) - Một chuyện tình đẹp đẽ giữa nàng công chúa và chàng kỵ sĩ có thể sẽ kết thúc có hậu ở đâu đó trong thế giới cổ tích. Nhưng vào thời đại của sự phân biệt giai cấp và địa vị nặng nề, thế kỷ 17-18, tình yêu và hôn nhân tự do dường như là giấc mơ quá xa vời cho một công chúa, nhất là khi nàng lại là con gái của hoàng đế nước Anh George III.


Được vua cha yêu chiều hết mực, công chúa Amelia đương nhiên cũng trở thành báu vật của cả quốc gia. Một nàng công chúa như thế không bao giờ được phép vượt ra ngoài khuôn khổ mà hoàng tộc đề ra.

Nàng công chúa xinh đẹp và yếu đuối

Là con út trong số 15 người con của vua George III và hoàng hậu Charlotte, cô bé Amelia ngay từ khi mới lọt lòng đã cực kỳ xinh đẹp. Sinh ngày 7 tháng 8 năm 1783, cô kém người anh trai cả George IV những 21 tuổi. Khoảng cách lớn về tuổi tác so với các anh chị, cô đương nhiên luôn là đứa trẻ bé bỏng được cả hoàng gia thương yêu chiều chuộng, đặc biệt là vua cha. Hoàng đế George III yêu thích Amelia một cách kỳ lạ, hơn tất cả những người con khác của ông.

Ngay từ lúc mới sinh ra, thể chất của công chúa đã vô cùng yếu ớt. Nghe theo lời bác sĩ, Amelia được nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên, thoáng đãng, nhiều nắng và khí trời.
Chính vì lẽ đó mà, trái ngược với những người chị quen dành phần lớn thời gian trong cung cấm vùi đầu vào sách vở, Amelia lớn lên thành một cô gái tự do, cởi mở và đặc biệt có thiên hướng nghệ thuật. Cô say mê hội họa, âm nhạc và cũng rất giỏi cưỡi ngựa.

Nữ văn sĩ Madame d’Arblay, có cơ hội gặp Amelia năm cô 14 tuổi đã miêu tả cô gái nhỏ “tao nhã và cao quí như mọi nàng công chúa” với “tính cách thẳng thắn, khiêm tốn và có giọng nói dịu dàng như chính con người cô. Khó có thể tìm thấy một thiếu nữ đáng yêu hơn thế ở trên đời.”

Phương pháp nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên xem ra đã phát huy tác dụng tốt bởi đến năm 17 tuổi, sức khỏe của Amelia đã tương đối ổn định. Công chúa hạnh phúc và yêu đời giống mọi cô bé ở vào độ tuổi ấy.

Năm công chúa Amelia 18 tuổi, anh trai cô, người sau này trở thành vua George IV của nước Anh, vướng vào chuyện tình đầy tai tiếng với phu nhân Fitzherbert. Trong một nỗ lực chia tách đôi tình nhân, vua cha đề nghị thái tử đến khu nghỉ dưỡng của hoàng gia ở Weymouth một thời gian, mang theo Amelia với lý do không khí trong lành ở vùng bờ biển này sẽ có ích cho sức khỏe của cô.

Thời gian sau, khi thái tử trở về hoàng cung, Amelia vẫn còn lưu luyến với thành phố hiền hòa này tới mức quyết định sẽ lưu lại đây thêm ít lâu, dưới sự chăm sóc của cô gia sư Gomme và cận vệ Charles Fitzroy.

Fitzroy là một người đàn ông cao thượng và rộng lượng, hơn thế nữa, ông là cận vệ rất trung thành của nhà vua. Vua George III coi trọng và tin tưởng ông như một người bạn. Chính vì thế mà vua cha và hoàng hậu hoàn toàn yên tâm giao phó con gái yêu của mình cho ông chăm sóc.

Tình yêu không môn đăng hộ đối

Charles hơn Amelia những 20 tuổi và ông đã theo hầu đức vua từ khi công chúa mới là một cô bé con. Hai người vẫn thường cùng nhau chơi cờ, với cả vua cha và hoàng hậu. Nhất là khi công chúa Amelia đặc biệt ham thích cưỡi ngựa thì gần như ngày nào cô cũng có cơ hội gặp Charles Fitzroy bởi vì chính ông là người phụ trách việc chăm sóc những con ngựa quí của hoàng gia.

 Thực ra mà nói, giữa Amelia và Charles từ lâu đã hình thành một mối cảm tình êm dịu mà họ vẫn nghiễm nhiên coi đó đơn giản là tình bạn mà thôi. Tuy nhiên những ngày tháng bên nhau ở Weymouth, tình bạn này đã lớn lên thành một thứ gì khác.

Sự vắng vẻ và yên tĩnh ở khu nghỉ dưỡng này nhiều khi khiến Amelia cảm thấy cô đơn. Những lúc như vậy, cô thường tìm đến Charles để tâm sự. Với cô, anh là một người đàn ông thực thụ. Sự hiểu biết và dịu dàng của anh làm cho nàng công chúa ngây thơ tự nhiên cảm thấy những cuộc trò chuyện bình thường này trở nên lý thú lạ thường. Rồi họ cùng nhau cưỡi ngựa dạo chơi trên bờ biển, mỗi buổi bình mình và dưới ánh chiều tà.
1
 

Sự dịu dàng và tính cách vui vẻ của Amelia dường như làm mềm nhũn tâm hồn khô cứng của người đàn ông. Bản thân anh luôn biết rõ, với địa vị của mình thì thậm chí không được phép mơ mộng đến việc kết hôn với công chúa. Nhưng giống như qui luật bất biến từ bao đời nay, lý trí có bao giờ thắng được tình yêu, nhất là tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ. Nàng công chúa và chàng hộ vệ như cặp thiêu thân mù quáng đắm mình vào ngọn lửa ái tình nồng nhiệt.   
  
Dĩ nhiên cô gia sư Gomme không phải là một con bù nhìn. Chứng kiến sự việc ngay từ đầu nhưng thực sự cô chẳng biết phải can thiệp như thế nào. Khi đã chìm đắm trong tình yêu, Amelia bỏ ngoài tai mọi lời khuyên can của cô giáo. Cô Gomme đành để mặc cho mọi sự tiếp diễn với hi vọng đó chỉ là niềm say mê nhất thời của tuổi trẻ, rồi cũng sẽ nhanh chóng qua đi.

 Nhưng rồi một năm thấm thoắt trôi qua và cả thân thể lẫn tâm hồn của Amelia đáng thương đang dần bị hủy hoại bởi nỗi giày vò về một tình yêu vô vọng. Cô Gomme quyết định không thể tiếp tục im lặng được nữa. Cô tiết lộ bí mật này cho một trong những người chị của Amelia và người chị, tức công chúa Mary đem toàn bộ sự việc kể với nữ hoàng. 

Về phần nữ hoàng, trước cơn giông tố đe dọa sự bình yên của hoàng thất, bà chọn giải pháp che giấu sự việc mà trước hết là với đức vua. Nhà vua nhất định không được nghe đến, dù chỉ là một lời đồn thổi về mối quan hệ bất chính này. Trong lòng đức vua, Amelia lúc nào cũng là cô con gái bé bỏng, ngây thơ như một thiên thần mà ông hết mực yêu thương.

Sẽ là một đòn giáng mạnh vào trái tim vị vua nghiêm khắc nếu ông biết Amelia trong trắng của mình cũng học theo những quí tộc bê bối, dính vào một chuyện tình cảm hoàn toàn đi ngược lại lễ giáo phong kiến. Hoàng hậu Charlotte quyết định viết cho Amelia một lá thư.

 Trong thư bà không hề khiển trách cô con gái, thậm chí cũng không đề cập thẳng thắn đến vấn đề. Bà chỉ bóng gió khuyên cô nên thận trọng trong từng bước đi, nhất là trong việc lựa chọn bạn bè bởi vì một sai lầm nhỏ cũng có thể hủy hoại cả cuộc đời cô.

Amelia đã thực sự choáng váng. Cô không bao giờ ngờ một người bạn mà cô hết sức tin tưởng lại có thể phản bội mình. Cô đã tức giận đến mức quyết định không bao giờ tha thứ cho cô Gomme và thậm chí đề nghị vua cha sa thải cô gia sư ngay lập tức. Điều này làm cho hoàng hậu Charlotte lo lắng đến mức mất ăn mất ngủ. Nhà vua đã quá căng thẳng với hàng núi việc quốc gia: sự bất mãn của quốc hội, cuộc nổi loạn ở Ireland và nhất là những tranh chấp chính trị với Napoleon.

Sẽ là quá sức chịu đựng với ông nếu phải giải quyết thêm một rắc rối từ trong gia đình nữa. Nhà vua nhất định không được biết sự thật. Và để cho ông không chút nghi ngờ từ sau vụ việc bất mãn với cô gia sư thì mọi hoạt động của Amelia phải diễn ra một cách hoàn toàn bình thường: từ những cuộc cưỡi ngựa dạo chơi buổi sáng cho đến thú chơi bài buổi tối. Như vậy không còn cách nào khác, nữ hoàng đành để mặc cho mối tình bí mật này tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa.

Đôi tình nhân trẻ trân trọng từng phút giây ngắn ngủi được ở bên nhau. Dù chỉ thoáng qua thôi, trong những lần cưỡi ngựa hoặc những cuộc dạo chơi, họ liếc nhìn nhau thật nồng nàn hay chạm tay trìu mến. Họ lén lút hẹn hò nơi vườn thượng uyển hay trong cung điện mênh mông.
Charles Fitzroy
Charles Fitzroy

Niềm hạnh phúc và nỗi lo âu hòa trộn vào nhau như một bản tình ca day dứt cứ ngân nga trong tâm hồn họ. Amelia có thể vẫn là một cô bé nhưng tình yêu của cô cũng nồng nhiệt, thiết tha và mãnh liệt như bất cứ người đàn bà nào. Từ lâu cô đã biết suốt đời mình sẽ yêu và chỉ yêu duy nhất một người là Charles Fitzroy.

Kết thúc buồn cho một tình yêu

Nhưng có lối thoát nào cho mối tình không môn đăng hộ đối này? Họ không muốn suốt đời lén lút như những kẻ tội phạm bởi vì tình yêu vốn dĩ đâu có tội gì. Và cuối cùng Amelia đã tìm ra một hi vọng mong manh.     
 
Một điều khoản trong luật pháp Anh quốc thời đó qui định rằng nếu thành viên hoàng tộc bước qua tuổi 25 mà vẫn kiên quyết theo đuổi cuộc hôn nhân bị quốc vương phản đối thì thành viên đó có thể gửi thông cáo đến Hội đồng cơ mật của triều đình. Nếu sau 12 tháng kể từ khi thông cáo đó được gửi đi mà không bị Hội đồng phản đối thì cuộc hôn nhân đó sẽ được chấp nhận.

Bám lấy hi vọng nhỏ nhoi này, Amelia quyết định sẽ không kết hôn cho đến năm cô 25 tuổi. Dĩ nhiên, còn nhiều năm nữa mới đến ngày cô tròn 25 tuổi và ngay cả đến lúc ấy thì cũng chưa có gì đảm bảo quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ. Nhưng tình yêu đã cho Amelia yếu đuối thêm sức mạnh. Cô sẽ kiên nhẫn chờ đợi. Cô thề với bản thân rằng dù cho có kẻ đặt cả ngai vàng châu Âu dưới chân để cầu hôn thì cô cũng từ chối bởi toản bộ trái tim và tâm hồn cô chỉ thuộc về Charles yêu dấu.

Càng ngày, khát khao về một cuộc hôn nhân danh chính ngôn thuận, về một mái ấm với người đàn ông mình yêu thương càng thêm cháy bỏng trong con người Amelia. Mặc dù từ lâu cô công chúa đã tự coi mình là người vợ về mặt tâm hồn của Charles nhưng không ít lần cô bày tỏ mong muốn có một đám cưới.

 Trong một bức thư gửi cho Charles Fitzroy mà sau này khi công chúa đã qua đời người ta tìm thấy, viết: “Hôm nay quả là một ngày đẹp trời cho đám cưới của L.B. Em hi vọng đó là điềm lành cho tương lai của họ. Nhưng em cũng đau khổ vì ghen tị với những người có thể kết hôn…”.

Hay trong một lá thư khác, cô viết: “Em nhất định phải được lấy anh. Mặc dù em biết sự đồng điệu trong tâm hồn quan trọng hơn là một nghi lễ phù phiếm nhưng dù sao đám cưới cũng sẽ là sự đảm bảo cho chúng ta. Tình yêu của em, đã bao lần em thầm nhủ với Chúa trời rằng chồng em, người bạn chân thành và cũng là vệ sĩ của em, sẽ luôn ở bên để bảo vệ em và sẽ chẳng còn điều gì có thể làm em sợ hãi …”.

Cả hai lá thư này đều được viết vào năm 1807, tức là khi công chúa Amelia ở vào độ tuổi 24. Giấc mộng hôn nhân có vẻ như đang rất gần tầm tay với. Nhưng sự yên bình này chỉ là bước khởi đầu cho cơn bão tố sắp sửa ập xuống cuộc đời họ.

Năm 1808, khi đã sắp đủ tuổi để được đấu tranh cho tình yêu đích thực của mình, Amelia và Charles đã vui mừng đến mức gần như quên mất tầm quan trọng của việc giữ bí mật về mọi chuyện.

Đôi khi Amelia không thể kiềm chế nổi tình cảm nữa và cô công khai bày tỏ sự tôn thờ đặc biệt dành cho Charles. Cách cư xử thiếu thận trọng này gây ra vô số lời đồn đại về mối quan hệ giữa hai người và những lời đồn thậm chí còn vượt xa cả thực tế. Người ta nói rằng đôi tình nhân đang trông đợi từng ngày sự ra đi của hoàng đế để có thể đường hoàng chung sống với nhau.
Công chúa Amelia
Công chúa Amelia

Và bởi vì vua George III năm ấy đã 70 tuổi, cả sức khỏe và tinh thần đều suy yếu trầm trọng cho nên những lời đồn đại kiểu này quả là bất lợi cho công chúa cùng chàng cận vệ. Mẹ của nàng, hoàng hậu Charlotte, khi nghe tin đã vô cùng tức giận, lập tức gửi một lá thư cho Amelia. Trong thư, hoàng hậu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kìm nén những đam mê sai trái và những hành động nông nổi mà có thể gây kích động mạnh cho người cha đang đau yếu của công chúa và mang lại bất hòa trong gia đình.

Lá thư này của mẹ khiến Amelia thêm đau khổ. Cô không muốn chống lại cả gia đình và cũng không nỡ nhìn cha mẹ âu sầu phiền muộn. Cô nghĩ đến một giải pháp: cùng Charles bỏ trốn. Cô muốn cùng chàng đến vùng đất xa lạ, nơi không ai biết đến hai người.

Ở đó cô sẽ không còn là công chúa lá ngọc cành vàng và Charles cũng không còn là chàng hộ vệ thấp kém nữa. Ở đó họ sẽ tìm một nhà thờ nhỏ, kết hôn dưới sự chứng giám của Chúa trời và sống bên nhau trọn đời như mọi cặp vợ chồng hạnh phúc.

Nhưng Charles, bằng sự tỉnh táo và chín chắn của một người đàn ông trưởng thành, đã không cho phép con tim điều khiển lí trí. Trước hết, ý thức của một bề tôi trung thành khiến chàng không thể cướp đi cô con gái yêu, ánh sáng của cuộc đời nhà vua lúc tuổi già.

 Và sau đó, quan trọng hơn cả, nếu cùng nàng cao chạy xa bay, đồng nghĩa với việc chàng sẽ mất luôn vị trí trong triều đình và công chúa cũng sẽ phải bỏ lại toàn bộ tài sản.

Là con trai út trong gia đình, khoản thừa kế mà chàng được hưởng chẳng đáng là bao. Vậy thì cuộc sống kham khổ, thiếu thốn trong tương lai, liệu nàng có chịu đựng được không? Amelia của chàng vốn dĩ đã ốm yếu. Rời xa hoàng cung tráng lệ, không có kẻ hầu người hạ bên mình, không có bác sĩ chăm sóc, làm sao nàng có thể sống nổi?
 
Cuối cùng thì những đồn đại về chuyện tình bí mật của Amelia cũng đến tai hoàng đế George đệ tam và chắc hẳn ai cũng đoán được một cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra giữa cha và con gái. Không gì trên thế gian này có thể làm Amelia đau đớn hơn là ánh mắt thất vọng và những lời trách cứ của vua cha bởi vì ngay từ nhỏ, ông đã là người mà cô yêu kính nhất.

Thêm vào đó, cả gia đình bao gồm mẹ và 14 anh chị không ai đứng về phía cô, bênh vực hoặc cảm thông cho cô, dù chỉ một chút. Tất cả những áp lực nặng nề và tổn thương ghê gớm đó khiến cho sức khỏe của Amelia nhanh chóng suy sụp. Amelia ngày một gầy mòn và dần dà hầu như không đủ sức rời khỏi giường bệnh. Vua cha, vì quá thương xót, cũng không thể tiếp tục giận dữ với cô thêm được nữa.

Nhưng bây giờ đây, thứ duy nhất có thể kéo dài sự sống mong manh cho Amelia là niềm hi vọng về một đám cưới khi mà đề xuất của cô gửi lên Hội đồng cơ mật đã được gần một năm và có vẻ như chưa gặp phải phản đối nào. 

Năm 1810, Amelia đã vô cùng yếu ớt. Sự sống của cô chỉ còn tính từng ngày. Fitzroy vẫn lén lút đến thăm cô thường xuyên, nhờ có sự giúp đỡ của hai người chị là công chúa Mary và công chúa Augusta. Họ ngồi bên nhau hàng giờ, ôn lại những kỉ niệm và tâm tình đủ chuyện.

Biết mình chẳng thể qua khỏi mùa đông năm nay, Amelia bày tỏ nguyện vọng cuối cùng, duy nhất của đời cô, đó là được kết hôn với Charles. Hai người tổ chức một hôn lễ bí mật, dưới sự chứng kiến của những người hầu thân tín cùng vị bác sĩ vẫn chạy chữa cho cô.

Bác sĩ Henry Halford sau này kể lại: trong những ngày cuối đời, hạnh phúc vì đã được làm vợ nhưng công chúa đáng thương vẫn luôn trăn trở vì cảm giác có lỗi với cha mình. Nhiều lần cô nài nỉ ông đến tâu trình với vua cha về việc cô đã bí mật kết hôn nhưng do e ngại cơn thịnh nộ của đức vua giáng xuống, bác sĩ Henry đành từ chối.

Về phần Hoàng đế George III, nỗi lo sợ cô con gái yêu sẽ lặng lẽ rời bỏ mình luôn ám ảnh ông. Mặc dù bản thân cũng đã già nua và ốm yếu, thậm chí đôi mắt gần như bị mù, ông vẫn đích thân đến thăm Amelia mỗi ngày. Và Charles Fitzroy, chàng cận vệ trung thành, luôn theo sát nhà vua trong những lần viếng thăm ấy. Anh đứng đó, lặng lẽ ngắm nhìn người vợ thân yêu mà nỗi đau đớn dâng tràn trong đôi mắt. Một nỗi đau không thể nói thành lời.

Vào ngày 2 tháng 11, Amelia, dồn chút sức lực cuối cùng, đặt vào tay cha chiếc nhẫn có lồng trong đó một lọn tóc của cô. Công chúa thều thào: “Hãy đeo nó khi cha cầu nguyện cho con, và xin đừng quên con”. Nhà vua xót xa đáp: “Không bao giờ đâu con gái, con luôn ở trong trái tim ta”.

 Rồi vị vua oai nghiêm bật khóc, quì sụp xuống hôn lên trán cô lần cuối cùng. Nhà vua quá xúc động đến mức gần như sụp đổ và Charles lập tức phải hộ tống ông trở về. Chính vì thế, anh không thể có mặt ở bên lúc Amelia lìa đời.

Trước khi chết, cô công chúa đáng thương chỉ nhắn lại một điều: “Hãy nói với Charles em chúc phúc cho chàng”. Trong di chúc của cô, Amelia để lại cho người bạn, người tình, người chồng duy nhất, Charles Fitzroy, toàn bộ tài sản của mình.

Năm 1810, Charley Fitzroy cuối cùng cũng phải kết hôn do áp lực từ phía gia đình nhưng những ký ức về công chúa Amelia không bao giờ chết trong anh. Câu chuyện tình đẹp đẽ và bi thương này đã trở thành nguồn cảm hứng cho văn chương và nghệ thuật hàng thế kỉ sau đó.

Hương Nguyễn
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc