Độ tuổi thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự 2025
Theo Điều 12 thuộc Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm:
- Công dân nam từ đủ 17 tuổi trở lên.
- Công dân nữ từ đủ 18 tuổi trở lên có ngành, nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân.
Như vậy, các công dân nam đủ 17 tuổi trở lên sẽ phải thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự. Đối với công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên mà có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân cũng được thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Do đó, các công dân sinh năm từ 2007 trở về trước sẽ đủ tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự 2025.
Quy định về việc đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu
Đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu được quy định cụ thể tại Điều 16 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:
- Tháng một mỗi năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu hoặc những người đại diện hợp pháp của các cơ quan, tổ chức báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện danh sách công dân nam từ đủ 17 tuổi trong năm và các công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự.
- Tháng tư, Chỉ huy trưởng của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi các công dân nêu trên để đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.
- Công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu sẽ phải trực tiếp đăng ký tại cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Không đăng ký nghĩa vụ quân sự liệu có bị phạt không?
Theo Điều 4 thuộc Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định các mức phạt đối với các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự như sau:
- Phạt cảnh cáo đối với các hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với các công dân nam đủ 17 tuổi trong năm hiện thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.
- Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu;
+ Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định;
+ Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về các chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn cũng như tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định;
+ Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi có sự thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định;
+ Không thực hiện đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.
Ngoài phạt tiền, công dân còn phải buộc thực hiện các thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với các hành vi vi phạm quy định hoặc đăng ký nghĩa vụ quân sự trong ngạch dự bị hoặc đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, đăng ký khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập hoặc đăng ký tạm vắng tuỳ thuộc vào hành vi vi phạm.
Như vậy, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì người có hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự sẽ có thể bị phạt cao nhất lên đến 10.000.000 đồng.