Đời sống)-Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Tài chính định kỳ hằng quý phải thực hiện việc công bố công khai tình hình trích lập, quản lý, sử dụng và tồn Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
[links()]
Mục đích của việc công khai này nhằm cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan chức năng và nhân dân về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính thực hiện theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Về vấn đề tăng cường, công khai minh bạch Quỹ Bình ổn giá, Bộ Tài chính khẳng định, điều này luôn là tư duy điều hành của Bộ. Thông tin về Quỹ Bình ổn giá cần minh bạch ở mức cao nhất để người dân và các cơ quan chức năng được biết.
Cũng liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết Bộ đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP trình Chính phủ trước 30/6. Hiện Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo để tiếp thu ý kiến và công khai lấy ý kiến của người dân, trong đó có nội dung quan trọng như Quỹ Bình ổn giá xăng dầu…
Cuối tháng 4 vừa qua, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết đang tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh xăng dầu tại một số doanh nghiệp (DN), trong đó có nội dung kiểm tra về việc trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Thông qua cuộc kiểm tra, dựa vào các kết luận sẽ có cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 84 và Thông tư 234.
Trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Quỹ Bình ổn giá do Liên Bộ Tài chính-Công Thương quyết định, không phải do doanh nghiệp (DN) tự quyết định.
Hiện nay, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang được đặt trong các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối. Nhưng, việc sử dụng quỹ này, DN không được quyền quyết định mà chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo và giám sát của liên Bộ Tài chính - Công thương. Định kỳ hàng quý, các DN báo cáo kết quả trích và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với Bộ Tài chính, kể cả trong những trường hợp yêu cầu báo cáo đột xuất.
Trong khi đó, tính đến ngày 28/3/2013, tổng số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã âm 524 tỷ đồng. Nên liên Bộ đã thống nhất ngừng sử dụng Quỹ và tăng giá bán xăng dầu. Đó là lý do giá xăng dầu vào lúc 20 giờ ngày 28/3/2013 (dầu diezen tăng tối đa 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít, dầu madút tăng 807 đồng/kg và xăng tăng 1.430 đồng/lít có giá cao ngất ngưởng 24.580 đồng/lít).
Sau đó, vào ngày 9/4, giá xăng giảm 500 đồng/lít; ngày 18/4, giá xăng tiếp tục giảm 410 đồng/lít. Như vậy, sau 2 lần giảm trong tháng 4 so với 1 lần tăng trong tháng 3, giá xăng vẫn cao hơn 520 đồng/lít so với trước đó.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3/2013 Bộ trưởng Vũ Đức Đam - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định: Cần công khai minh bạch, Quỹ bình ổn giá xăng dầu có bao nhiêu, doanh nghiệp sử dụng bao nhiêu, giá nhập, giá bán bao nhiêu…
Tất cả thông tin đó đã được công khai và đề nghị các bộ kiểm soát chặt chẽ việc công khai này để người dân được biết.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thừa nhận: “Quỹ Bình ổn giá chưa được công khai, minh bạch. Quan điểm của liên bộ cũng như Chính phủ là phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Thời gian tới chúng tôi sẽ công khai, minh bạch để nhân dân giám sát và điều hành xăng dầu tốt hơn”.
Mai Nguyên (Tổng hợp Chinhphu, ĐVO)