Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo đó nhiều người dân vẫn lo lắng thấp thỏm phải bắt buộc đổi sang Căn cước, và sẽ xảy ra tình trạng phải xếp hàng, phải tranh thủ buổi tối đi cấp đổi sang căn cước như giai đoạn đổi từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân mã vạch sang Công cước công dân gắn chip.
Quy định không bắt buộc đổi Căn cước công dân gắn chip sang Căn cước?
Điều 46 của Luật căn cước quy định về giai đoạn chuyển tiếp như sau:
1. Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
2. Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
3. Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.
4. Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước quy định tại Luật này cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Như vậy người dân có Căn cước công dân còn hiệu lực thì vẫn sử dụng đến hết thời hạn. Do đó những người không thuộc diện phải bắt buộc cấp đổi không nên đổ xô đi cấp đổi.
Có phải đổi sang Căn cước sẽ an toàn thông tin hơn Căn cước công dân gắn chip?
Trước năm 2021, người dân được cấp giấy tờ tùy thân dạng Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân mã vạch. Sau đó Căn cước công dân gắn chip ra đời. Ngoài những đối tượng phải cấp đổi vì đến thời hạn, vì có một số lý do phải cấp đổi theo luật thì ở giai đoạn đó, cơ quan chức năng còn khuyến khích người dân đi cấp đổi sang Căn cước công dân gắn chip. Công nghệ gắn chip giúp bảo mật toàn thông tin hơn và đó là công nghệ mới.
Trước tình huống đó thì đã có hiện tượng người dân đổ xô đi cấp đổi sang căn cước công dân gắn chip. Thẻ gắn chip được đánh giá có nhiều điểm ưu việt trong việc lưu trữ và bảo mật thông tin. Chính vì thế, đối tượng cấp đổi sang thẻ CCCD gắn chip là rất lớn. Lực lượng công an phải làm việc ngày đêm, kể cả ngày nghỉ; trong khi người dân xếp hàng đi làm thủ tục cấp thẻ.
Tuy nhiên khi Luật Căn cước ra đời và hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thì cơ quan chức năng cũng nhấn mạnh là những người có căn cước công dân gắn chip vẫn sử dụng đến hết thời hạn. Chỉ Chứng minh nhân dân bắt buộc phải cấp đổi từ 1/1/2025.
Khi ấy, ngoài những người thuộc diện bắt buộc theo quy định, cơ quan chức năng còn khuyến khích mọi những người đã có chứng minh nhân dân hoặc CCCD mã vạch (còn thời hạn sử dụng) cũng nên cấp đổi sang CCCD gắn chip, để hưởng các tiện ích do chip điện tử mang lại.
Công nghệ sản xuất thẻ Căn cước vẫn giữ như Căn cước công dân gắn chip do đó mức độ bảo mật tương tự nhau, chỉ khác là Căn cước thay đổi tên gọi và có nhiều thông tin lưu trữ trong thẻ căn cước hơn CCCD. Do đó người dân nếu có nhu cầu thì có thể đi cấp đổi còn không bắt buộc phải cấp đổi nếu Căn cước công dân gắn chip còn hiệu lực.