Theo thông tin trên VnExpress, vào lúc 2h đêm 7/9, nhiều công nhân may mặc của công ty THHH Việt Nam Knitwear (đóng tại khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) hoảng hốt khi thấy nhiều người bị ngất xỉu. Gần một giờ sau, 6 công nhân được đưa vào bệnh viện quận Liên Chiểu cấp cứu.
Ông Nguyễn Trọng, Phó chánh Thanh tra Sở Lao Động Đà Nẵng, cho biết quá trình làm việc với công ty THHH Việt Nam Knitwear đã xác định các công nhân này ngất xỉu vì kiệt sức trong khi làm việc chứ không phải vì bệnh lý hay ngạt khí.
"Công nhân bị buộc làm tăng ca 17 giờ/ngày, trong khi quy định chỉ cho phép làm việc tối đa 12 giờ/ngày . Chúng tôi đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với công ty THHH Việt Nam Knitwear vì bắt công nhân làm việc vượt quá số giờ quy định", ông Trọng cho biết.
Theo ông Trọng, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, công nhân phản ánh họ bị ép làm quá giờ. Giám đốc công ty người Trung Quốc tỏ ra hợp tác và hỗ trợ các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Một công nhân của Công ty Wondo Vina bị chích điện ngất xỉu |
"Đến cuối giờ chiều nay, 4 trong số 6 bệnh nhân đã xuất viện. Đây là lần đầu tiên tại Đà Nẵng phát hiện công nhân ngất xỉu do kiệt sức lao động. Phía sở sẽ có văn bản báo cáo UBND thành phố về vụ việc này", ông Trọng thông tin.
Đây không phải là lần đầu tiên công nhân Việt phải làm việc quá thời gian khiến sức khỏe bị vắt kiệt. Tình trạng công nhân bị ép tăng ca, cắt bữa ngày càng gia tăng. Nhiều công nhân Việt rơi vào cảnh khốn cùng. Tình trạng công nhân bỏ xưởng ngày càng nhiều hơn vì áp lực tăng ca và không có các phúc lợi khác.
Mới đây nhất, 4/9, hơn 3.000 công nhân Công ty May Wondo Vina ( Hàn Quốc) có trụ sở ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đồng loạt ngừng việc tập thể vì cho rằng công ty không chi tiền thưởng cho các ngày lễ 30/4, 1/5 và 2/9; chi trả phụ cấp tăng ca không thỏa đáng.
Trong lúc đó, Trưởng phòng nhân sự của Công ty Wondo Vina - Phan Chí Độ, đã đánh công nhân. Còn Phó phòng tên là Diện thì giật roi điện của bảo vệ chích vào một phụ nữ đang mang thai làm chị này té ngã xuống đất.
Bức xúc trước hành vi trên, một công nhân đã dùng tay đập bể kính phòng bảo vệ. Hàng trăm công nhân vây kín khu vực phòng nhân sự yêu cầu phải đưa ông Độ và ông Diện ra cho công nhân “xử”.
Ngẫm lại công nhân, nông dân Việt vẫn là người khổ nhất. Người nông dân thì một nắng, hai sương bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà thóc vẫn rẻ, nợ vẫn hoàn nợ mà nghèo ngày càng nghèo hơn. Bỏ ruộng đi làm công nhân thì khổ trăm bề. Cơm bị cắt bữa, làm việc quần quật, thậm chí một số nơi công nhân còn không được trả lương, đóng bảo hiểm theo chế độ.
Có lẽ vì thế mà người ta cứ đổ xô đi chạy vào công chức. Thậm chí, nhiều gia đình còn tán gia bại sản vì chạy vào công chức cho con nhưng rơi vào đường dây lừa đảo, tiền mất, tật mang.
Tâm lý lo lót tìm một công việc an nhàn trong bộ máy công chức Việt cố hữu ở nhiều gia đình. Nhiều gia đình cố gắng tìm mọi "cửa" để chạy chọt cho con một suất công việc. Làm nhà nước lương tăng theo thâm niên, làm trong phòng điều hòa, salon thì có ai không thích được chứ. Hơn nữa, đâu phải công chức nào cũng vất vả. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói "30% công chức sáng cắp ô đo, chiều cắp ô về, có cũng như không".