CSGT chào người lịch sự hay chuyện "đi với ma mặc gì"?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trên thực tế không ít người cho rằng việc quy định CSGT chỉ chào những người lịch sự thực chất chỉ có tác dụng gây khó khăn và mất thêm thời gian cho những người lịch sự và xinh đẹp.

“CSGT chỉ chào hỏi với người lịch sự. Còn với những người vừa dừng xe đã hỏi 'sao mày không chào tao' thì cảnh sát không cần phải chào", đại tá Tuấn nói.

Việc CSGT được khuyên chỉ chào những người lịch sự đã khiến không ít người bất ngờ bởi việc chào hỏi là theo điều lệnh của người chiến sỹ Công an nhân dân, hơn nữa đã là điều lệnh của nghành thì dù gặp mọi trường hợp đều phải thực thi, như vậy mới đúng phong thái của một quân nhân chuyên nghiệp. Chính vì vậy, xung quanh vấn đề này đã nảy sinh rất nhiều ý kiến khác nhau.

Trên thực tế không ít người cho rằng việc quy định CSGT chỉ chào những người lịch sự thực chất chỉ có tác dụng gây khó khăn và mất thêm thời gian cho những người lịch sự.

Quy định CSGT chỉ chào người lịch sự có thể gây thêm phiền phức và mất thời gian cho những người lịch sự. Ảnh:VNE

Này nhé, quý vị thử nghĩ mà xem lời khuyên trên được đưa ra với mục đích nhằm nâng cao cách ứng xử của CSGT với người vi phạm luật giao thông, nghĩa là CSGT chỉ chào những người lịch sự vi phạm luật. Ấy thế nhưng mà người lịch sự thì có mấy khi vi phạm luật, chính vì vậy CSGT có muốn chào người lịch sự cũng rất khó.

Và như vậy, nếu CSGT muốn thực thi điều lệnh, muốn chào người lịch sự thì sẽ phải dừng những người lịch sự đi trên đường để chào hỏi, để kiểm tra giấy tờ... Như vậy rõ ràng là gây thêm phiền phức và làm mất thời gian của những người lịch sự còn gì. Vấn đề này quả thật là đau đầu, nan giản.

Đấy là chưa kể một số người còn hài hước cho rằng thực thi điều lệnh rõ ràng là quy định bắt buộc đối với các chiến sĩ công an, và phải thực hiện hàng ngày. Tuy nhiên, với quy định này CSGT sẽ rất có khả năng không được chào hỏi hàng ngày, mà như vậy thì có lẽ sẽ có không ít CSGT cảm thấy thiếu vắng điều gì đó rất quen thuộc để rồi thèm được chào người dân. Trong hoàn cảnh đó, CSGT hoàn toàn có thể lựa chọn những cô gái xinh đẹp, lịch sự đang lưu thông trên đường để có thể làm vơi đi phần nào nỗi nhớ việc chào điều lệnh.

Bên cạnh đó cũng có những ý kiến thắc mắc về việc người lịch sự thì phải chào hỏi là đã đành, tuy nhiên, với người không lịch sự thì các chiến sĩ CSGT sẽ hành xử như thế nào? Phải chăng CSGT sẽ áp dụng cách thức 'đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy', đối với những người không lịch sự sẽ hành xử kiểu không lịch sự?

Chính vì vậy mà đã có không ít người tha thiết mong rằng GSGT hãy đưa ra những tiêu chí để có thể phân định người lịch sự và không lịch sự, để từ đó mọi người cố gắng học tập phong thái lịch sự, có không lịch sự ở đâu đi nữa thì ra đường cũng phải cố lịch sự để không may có bị giữ lại thì còn được CSGT chào hỏi.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn