Phải là người lịch sự mới được CSGT chào?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - "Cảnh sát chỉ chào hỏi người lịch sự, còn những người vừa dừng xe đã hỏi 'sao mày không chào tao' thì không cần phải chào", Phó cục trưởng Cục CSGT, nói.

Theo VnExpress, phát biểu trong buổi tập huấn “Nâng cao văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của lực lượng CSGT” tại TP HCM, đại tá Phạm Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT nhận định, tình hình trật tự an toàn giao thông đang "hết sức phức tạp". Ông Tuấn cũng cho rằng, xung quanh vấn đề này ít nhiều là trách nhiệm của người thi hành công vụ.

“Nhiều trường hợp trên đường người dân hỏi về luật sâu quá, CSGT nắm không được dẫn đến bực bội rồi phát biểu tùy tiện dẫn đến xung đột, cãi cọ”, vị Cục phó cho hay và đề nghị CSGT phải thường xuyên tập huấn, nâng cao nghiệp vụ trong cách ứng xử với người dân.

CSGT chỉ chào người lịch sự. Ảnh: VNE

Về quy trình "CSGT phải chào người vi phạm" khi làm việc, đại tá Tuấn cho rằng không phải lúc nào cũng cần thiết. “CSGT chỉ chào hỏi với người lịch sự. Còn với những người vừa dừng xe đã hỏi 'sao mày không chào tao' thì cảnh sát không cần phải chào", đại tá Tuấn nói.

Còn theo thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó Phòng CSGT TP HCM, hiện nay đa phần người tham gia giao thông đều có ý thức chấp hành tốt. Tuy nhiên, vẫn có những người vi phạm khi bị xử lý đã có hành động cự cãi, thậm chí chống đối. Ngoài đợt tập huấn, công an thành phố cũng như Phòng CSGT đã xây dựng một cẩm nang “Qui trình xử lý các tình huống trong việc chống người thi hành công vụ”.

“Tài liệu này sẽ được phát tận tay các cán bộ chiến sĩ để áp dụng thực tiễn, tránh những tình huống không đáng có”, thiếu tá Phong nói.   

Hội nghị tập huấn tiến hành cho 100% cán bộ chiến sĩ lực lượng CSGT. Nội dung giảng dạy sẽ tập trung đánh giá về thực trạng văn hóa ứng xử, giao tiếp của CSGT, kiến nghị những giải pháp nhằm khắc phục những thiếu sót và nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Việc CSGT chỉ chào hỏi những người lịch sự khi xử lý vi phạm đã khiến không ít người bất ngờ và không khỏi thắc mắc làm thế nào để các chiến sĩ CSGT phân biệt được người lịch sự giữa biết bao nhiêu người vi phạm họ tiếp xúc hàng ngày?

Có nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp này có lẽ CSGT phải đợi người dân chào trước rồi thấy ai lịch sự chào thì mới chào lại.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng nếu đợi người vi phạm hay người dân chào trước thì không hay cho lắm, không thể hiện được sự chủ động, niềm nở, nhiệt tình vì nước vì dân của các chiến sĩ cảnh sát.

Chính vì vậy, có lẽ CSGT nên yêu cầu người những người lịch sự trong xã hội phải đeo thẻ ghi rõ ràng để CSGT biết đường mà chào. Bởi chỉ có như vậy CSGT mới được tạo điều kiện thuận lợi trong việc chào người lịch sự và hạn chế những xung đột, cãi cọ không đáng có giữa người dân và cảnh sát.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn