Theo VOV Giao thông, vào khoảng 16h chiều 13/10, Phạm Thị Trang (SN 1993, quê huyện Sóc Sơn, Hà Nội) hiện là sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang đứng chờ xe buýt ở điểm dừng trước cổng trường Tiểu học Nam Trung Yên để bắt xe về nhà. Trong lúc chờ xe buýt, Trang đã cắm tai nghe nghe nhạc và cho điện thoại vào trong túi.
Khi chiếc xe buýt chuẩn bị vào bến thì bất ngờ đằng sau có một thanh niên chạy đến giật chiếc điện thoại iPhone 4S của Trang rồi bỏ chạy lên xe máy đỗ gần đó đi về phía đường Phạm Hùng, đoạn gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Cùng thời điểm, có 3 chiến sỹ CSGT thuộc Đội CSGT Số 6 - Công an Tp.Hà Nội là Thượng úy Trần Văn Túc, Thiếu úy Nguyễn Thái Bình và Thượng sỹ Phạm Văn Trình đang làm nhiệm vụ phân luồng đảm bảo giao thông tại nút giao thông Phạm Hùng - Trần Duy Hưng (quận Đống Đa) gần cổng siêu thị Big C.
Nhận được tin báo của người dân về một vụ cướp giật điện thoại vừa xảy ra trên địa bàn đường Phạm Hùng, ngay lập tức Đội CSGT số 6 đã triển khai lực lượng truy bắt đối tượng.
Khi phát hiện thấy chiếc xe máy chở 1 nam thanh niên khả nghi đang phóng về phía đường cao tốc Hòa Lạc, Thượng úy Túc đã chạy bộ đuổi theo rồi tóm gọn đối tượng và đưa về Đội CSGT Số 6 để đấu tranh làm rõ.
Đối tượng Bùi Quang Vinh tại trụ sở công an |
Tại đây, đối tượng cướp khai tên là Bùi Quang Vinh (SN 1982, trú tại Hồng Thuận, Giao Thủy, Nam Định). Vinh khai nhận: Lúc xe buýt chuẩn bị vào bến, y thấy cô gái để điện thoại iPhone trong cặp nhưng không kéo khóa nên đã giật lấy rồi bỏ chạy.
Sau khi bắt được đối tượng, Đội CSGT số 6 bàn giao cho Công an phường Trung Hòa, Cầu Giấy để tiếp tục xử lý.
Trước đó, vào chiều 11.10, tổ công tác Y12/KH141 Công an Tp.Hà Nội, do Đại úy CSGT Phạm Tiến Dũng chỉ huy, làm nhiệm vụ tại ngã tư Kim Giang - Nghiêm Xuân Yên đã yêu cầu hai nam thanh niên đi xe máy không BKS, không đội mũ bảo hiểm dừng xe kiểm tra vì có dấu hiệu nghi vấn.
Qua đấu tranh khai thác tại chỗ, tổ công tác đã phát hiện hai đối tượng trên vừa cướp giật 2 chiếc điện thoại iPhone màu trắng phố Hàng Bài và phố Xã Đàn.
Có thể nói hành động bắt cướp của CSGT là những hành động đẹp và vô cùng đáng quý, khẳng định việc CSGT không chỉ hoàn thành tốt việc đảm bảo trật tự an tòa giao thông mà còn có những đóng góp không nhỏ cho việc mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Từ hành động bắt cướp đó, không ít người đã hy vọng rằng CSGT sẽ ngày càng xây dựng hình ảnh đẹp và gần gũi hơn nữa với người dân để xóa bỏ những lời kêu ca, than phiền của xã hội đối với nạn mãi lộ trên đường.
Trên thực tế điều này là hoàn toàn có thể bởi cách đây không lâu, lực lượng CSGT đã được học cách cười, cách giao tiếp với dân, cũng như được đào tạo các chương trình sơ cứu để giúp đỡ người dân khi bị nạn... đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để CSGT trở nên gần gũi và thân thiện với người dân hơn nữa.
CSGT hoàn toàn có thể phát huy những gì được đào tạo để xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng dân |
Theo đó, từ ngày 8 đến hết ngày 15/4/2013, Phòng PC67 đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về “văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ chiến sĩ CSGT” trong quá trình thi hành công vụ. Một trong những nội dung cơ bản trong đợt tập huấn này là nhằm xây dựng hình ảnh giao tiếp, ứng xử có văn hóa của CSGT với người dân trong khi thi hành công vụ như cười và xin lỗi dân khi xử phạt hành chính hành vi vi phạm trên đường phố.
Sau đó, trong 2 ngày 22-23/8, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TPHCM phối hợp với BCH Chi đoàn Phòng Y tế Công an thành phố tổ chức tập huấn các kỹ thuật sơ cấp cứu, chuyển thương cho cán bộ chiến sĩ Phòng PC67. Nội dung buổi tập huấn nhằm cung cấp cho Đoàn viên thanh niên Phòng PC67 nắm bắt các các thao tác cấp cứu căn bản, trang bị khả năng xử trí kịp thời, hiệu quả trong sơ cấp cứu, chuyển thương người bị tai nạn giao thông.
Nếu thực hiện tốt những gì đã được học như cười thật tươi, xin lỗi thật thành tâm, sơ cấp cứu người dân hiệu quả cũng như phát huy tốt khả năng săn bắt cướp mỗi khi có điều kiện thuận lợi, CSGT hoàn toàn có thể xây dựng hình ảnh người chiến sĩ tuyệt vời trong mắt nhân dân.