Trong khi Nga đề xuất soạn thảo một chương trình liên quốc gia nhằm đối phó nguy cơ từ vũ trụ và đưa cả quân đội tham gia cuộc chiến này thì Mỹ cũng xây dựng các hệ thống cảnh báo tiểu hành tinh.
[links()]
Mảnh vỡ thiên thạch được cho đã khoét hố sâu trên hồ băng |
Các động thái trên diễn ra sau khi mảnh thiên thạch có đường kính 17m, nặng 10 tấn đâm xuống vùng núi Ural của Nga hôm 15/2 làm 1.200 người bị thương. Những mảnh vỡ từ thiên thạch gây ra một vụ nổ tương đương với 500.000 tấn thuốc nổ TNT.
Ngày 20/2, Thư ký Hội đồng An ninh Nga (SBR), ông Nikolai Patrushev cho biết, Moscow đã đề nghị soạn thảo một chương trình liên quốc gia nhằm đối phó với các nguy cơ từ vũ trụ, đồng thời soạn thảo các văn bản pháp luật quốc tế nhằm góp phần giải quyết nhiệm vụ đối phó với các vật thể nguy hiểm từ vũ trụ.
Trong khi đó, Lực lượng Phòng thủ không gian-vũ trụ Nga cũng đã nhận lệnh đối phó hiểm họa vũ trụ, đồng thời đưa ra kế hoạch bảo vệ Nga khỏi “những vị khách không mời”.
Tại Mỹ, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), các trường đại học và những nhóm tư nhân đang hợp tác xây dựng các hệ thống cảnh báo tiểu hành tinh có thể phát hiện những vật thể ngoài vũ trụ.
Văn phòng chương trình các vật thể gần trái đất (NEO) của NASA hiện đang phát hiện và theo dõi các tiểu hành tinh tiến gần tới trái đất cũng như các sao chổi bằng kính viễn vọng trên mặt đất và trong quỹ đạo.
Hệ thống kính viễn vọng Arecibo đặt tại Puerto Rico, có đường kính tới 305 mét, có thể quan sát hết sức chi tiết một phần ba bầu trời ban đêm và xác định các tiểu hành tinh kích thước lớn.
NASA đang cố gắng phát triển các hệ thống khác còn có thể phát hiện những vật thể nhỏ hơn trong vũ trụ. Hiện NASA đang bỏ tiền cho một dự án trị giá 5 triệu USD ở Đại học Hawaii, dự án Atlas, hay Hệ thống quan sát và cảnh báo tiểu hành tinh.
- D.L (Tổng hợp)