Cuộc chiến đấu huyền thoại của người con gái Tây Đô

06:22, Thứ bảy 03/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Chưa tròn 20 tuổi đời. Cái tuổi còn quá non trẻ so với cả một đời người vậy mà Hồng Quân đã làm được nhiều việc phi thường. Cả thời thanh xuân son trẻ của cô gái Tây Đô nổi tiếng tài sắc phải chôn vùi trong bom đạn.

Người con gái Tây Đô - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn nữ biệt động những năm chiến tranh khốc liệt trong nội thành Sài Gòn, tên của bà được lấy để tôn vinh những chiến sĩ Hồng Quân dũng cảm, can trường. 67 năm cuộc đời, bà vẫn tỏa sáng như ngọn đuốc rực cháy lan tỏa sức sống diệu kì, soi sáng những con đường chưa có lối đi.
[links()]
Không cần đến dịp kỉ niệm những ngày lễ chiến thắng của dân tộc để chúng ta tôn vinh họ. Những chiến công của họ không cần bất cứ ngày lễ nào, bởi lịch sử không cần bất kì bàn tay nào tô hồng, đánh bóng. Bản thân họ, cuộc đời họ, chiến công của họ đã tự tỏa sáng muôn đời.

Trong màn khói súng mập mờ ở những con đường vùng Ngã Năm, Long Mỹ, Cần Thơ những năm 1955 -1959, một cô bé 8 tuổi thoắt ẩn thoắt hiện dưới những bờ ruộng, bờ kè làm nhiệm vụ đưa thư, chuyển liên lạc cho quân giải phóng.

Với bản tính tự lập, lanh lẹ, thông minh lại giỏi bơi xuồng, chèo ghe, lặn lội… tuổi thơ của Huyền Nga gắn liền với nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng trang lứa với cô, những đứa trẻ còn chạy nhảy, chơi đùa hồn nhiên, nhưng đôi chân nhỏ bé của Huyền Nga đã đạp mọi chông gai, hiểm nguy để phụng sự Cách mạng.

Cô giao liên tuổi nhi đồng

Hồng Quân (thứ nhất từ trái qua) trong dịp thăm lại đồng đội
Hồng Quân (thứ nhất từ trái qua) trong dịp thăm lại đồng đội

Tuổi thơ của cô lớn lên đã phải chứng kiến sự đau thương, tang tóc, thấm đẫm máu và nước mắt của dân làng trước họng súng kẻ thù. Từ đó, đã tôi luyện cho Đào Thị Huyền Nga một ý chí sắt thép, một lòng căm thù cháy bỏng, khiến cô chiến đấu quên cả sự hy sinh bản thân.

Huyền Nga sinh ra và lớn lên ở vùng quê Cái Răng (TP. Cần Thơ) trong một gia đình có truyền thống Cách mạng. Năm 1945, cha cô là ông Đào Văn Tần được Đảng tín nhiệm giao giữ chức Trung đội trưởng Trung đội Cộng hòa vệ binh (một trong những đơn vị tiền thân của Lực lượng Vũ trang TP. Cần Thơ ngày nay).

Mẹ cô, bà Lê Thị Cân (tức Lê Thị Xuân) cũng tham gia phong trào giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ tiếp lương thực, tải đạn, vũ khí cho đơn vị từ những năm sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Truyền thống Cách mạng của gia đình đã ngấm dần vào máu thịt của thế hệ tiếp theo, sau này lớn lên, 5 người con của bà đều giác ngộ và tham gia Cách mạng, trong đó có người con gái áp út duy nhất Đào Thị Huyền Nga.

Và hai trong số những đứa con đi theo Cách mạng ấy đã vĩnh viễn không quay trở về. Cả nhà, mỗi người một việc, tỏa đi tứ tán khắp nơi vì mỗi nhiệm vụ riêng được tổ chức giao phó.

8 tuổi, Huyền Nga dứt áo mẹ, thoát ly làm cô giao liên tuổi nhi đồng. Nga bám trụ trên địa bàn trung tâm TP. Cần Thơ nhiều năm với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Thời gian sau, cô được tổ chức đưa về ven đô làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng thanh thiếu niên trong vùng giác ngộ cách mạng.

Lê Hồng Quân ngày nay
Lê Hồng Quân ngày nay

Ngoài ra, Nga còn có nhiệm vụ nghe ngóng tình hình địch và bảo vệ cho các đồng chí lãnh đạo. Do thông thuộc địa hình, nắm vững quy luật đồng bưng kênh rạch, Huyền Nga đảm nhận trọng trách trinh sát dẫn đường cho “đội quân tóc dài” từ ven thị xã vào nội thành đánh trực diện.

Luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm khiến nhân dân phải đối diện với những cuộc truy sát tàn khốc và man rợ nhất trong lịch sử. Chúng lập những đội quân “khát máu” chuyên đi lùng sục, bắt bớ và sẵn sàng giết hại bất cứ ai mà chúng tình nghi là Việt Cộng.

Các lãnh đạo nhận định: “Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”. Vì vậy, các cơ sở của ta được lệnh áp sát ven đô để tập trung chỉ đạo, nắm bắt tình hình. Họ phải ăn bờ, ngủ bụi suốt một thời gian dài.

Lúc này, Nga làm nhiệm vụ mới: tiếp tế lương thực cho bộ đội nằm vùng. Nga cùng những đứa trẻ khác đi làm ruộng, làm vườn, ai thuê gì làm nấy… vận động bà con trong dân nấu cơm rồi chính Nga đem vào cho các cô chú đang ẩn náu trong các hầm, hang để hoạt động.

Gánh vác trên vai những nhiệm vụ nặng nề, có lẽ tuổi đời của cô còn quá trẻ để hiểu rõ những nguy hiểm khôn lường phía trước. Cô đi trong đêm, xông vào những vùng lửa khói mà bom đạn vẫn còn lẩn khuất đâu đó để trực chờ người xấu số.

Suốt những năm tháng tuổi thơ của Huyền Nga không có những ngày nắng đẹp được đi chơi thưởng ngoạn thú vui điền viên cùng gia đình, bạn bè. Cả tuổi học trò của cô bị đốt cháy trong khói lửa chiến tranh.

Nga ý thức được vận mệnh dân tộc mình và không một suy nghĩ phải đòi hỏi quyền lợi cho bản thân. Càng đau thương, ác liệt, cô càng quyết chí bền gan.

Với phẩm chất thông minh, gan dạ, Nga được các đồng chí tin tưởng cho giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo cán bộ xã đoàn rồi xã đội trưởng chỉ huy lực lượng thanh niên du kích trong địa bàn. Cô trở thành quyền xã đội trưởng trẻ nhất khi mới 15 tuổi.

Treo thưởng cho ai bắt được nữ Việt Cộng 15 tuổi

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Mỹ đưa quân ào ạt vào Việt Nam. Lúc này, Cần Thơ là trung tâm đầu não của vùng VI chiến thuật nên địch tăng cường lực lượng phong tỏa khắp từ trong thành lẫn ven đô.

Để bám trụ được trên vùng đất không ngớt tiếng súng khi mà giặc quyết liệt muốn đẩy lùi lực lượng du kích của ta ra ngoài, Đảng đòi hỏi những con người thép, ý chí thép và tinh thần thép. Trong số này, Nga là một hạt nhân chủ đạo.

Cô ở lại, trực tiếp huấn luyện cho các du kích quân, lực lượng thanh niên. Vì là dân bản địa nên Nga có lợi thế về thông thạo địa hình địa vật vùng sông nước này. Ngoài giáo trình Nga được học, cô còn vận dụng những hiểu biết của mình kết hợp với mưu trí trong hoạt động cách mạng đã thấm nhuần từ lâu.

Cô truyền lại cho các bạn trẻ những bài học bổ ích, thiết thực và hiệu quả. Cả lý thuyết lẫn thực tiễn, xã đội trưởng 15 tuổi còn huấn luyện cho thanh niên biết gài chông, mìn, ném lựu đạn… lập hàng rào chiến đấu để cản trở giặc. Tuổi nhỏ, chí cao, Nga được các bậc đáng tuổi anh chị mình tâm phục khẩu phục và coi là tấm gương để họ noi theo.

Ở Nga, toát lên một sự kiên trung, dũng mãnh với kẻ thù và một sự chân tình, thân mật với đồng chí, đồng bào. Khối đại đoàn kết của lực lượng du kích xã Phú Thứ ngày càng bền chặt, tạo một bức tường rào bằng thép góp phần ngăn chặn nhiều cuộc càn quét, bắt bớ của giặc.

Địch đã nhận dạng được sự nguy hiểm của người Việt Cộng 15 tuổi này. Chúng tìm đủ mọi cách triệt hạ hoặc phải bắt sống cho bằng được để “hạ nhiệt” phong trào nổi dậy như vũ bão của lực lượng du kích và nhân dân trong vùng.

Không còn cách nào khác, giặc cay cú, chúng treo giải thưởng cao cho ai bắt được hoặc chỉ điểm tên Việt Cộng nữ 15 tuổi này. Ngay trong thời gian này, để củng cố tinh thần và ghi nhận công lao của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, Nga được xét đặc cách kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong ngày trọng đại đó, tổ chức quyết định đặt tên cho cô là Lê Hồng Quân, tức những người trẻ tuổi tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để trở thành những chiến sĩ Hồng Quân đúng như tên gọi. Tên gọi Hồng Quân gắn liền với cô từ đó.

Tháng 3/1963, do yêu cầu xây dựng lực lượng, tổ chức điều Hồng Quân về nhận nhiệm vụ Bí thư liên chi đoàn B10 và B80 với công việc mới là tiếp vận vũ khí ở đoàn tàu không số từ Cà Mau chuyển về tiếp sức cho Vĩnh Long, Trà Vinh.

Trong thời gian Mỹ xây dựng ấp chiến  lược nhằm thực hiện kế hoặc bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Để thực hiện kế hoạch này, giặc huy động lực lượng phong tỏa, truy lùng ráo riết các phương tiện lưu thông trên sông, rạch.

Trước sự khốc liệt của thời cuộc và vận mệnh dân tộc trên vai, đoàn B80 như con thoi, ngoan cường, mưu trí “đêm nay vượt sông, đêm mai qua lộ 4”, đưa vũ khí và cán bộ về nơi an toàn.

Chiến tranh phải có hy sinh, mất mát, thực hiện nhiệm vụ xong, một số đồng chí, cán bộ đã ngã xuống ngay dòng sông, trên đường lộ. Biến thương đau, căm thù thành hành động. Hồng Quân cùng những đồng đội của mình đã chiến đấu quả cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Một lần nữa, cô lại phải chia tay các anh em một thời vào sinh ra tử ở điểm tiếp vận tàu không số về tiểu đoàn Tây Đô nhận nhiệm vụ mới. Đồng đội nắm chặt tay cô rưng rưng nước mắt. Trước kẻ thù, họ chẳng hề chi dù cái chết cận kề nhưng tình đồng chí, đồng đội phải chia xa như nỗi đau xé lòng.

Hồng Quân khi ấy chưa tròn 20 tuổi đời. Cái tuổi còn quá non trẻ so với cả một đời người vậy mà Hồng Quân đã làm được nhiều việc phi thường. Cả thời thanh xuân son trẻ của cô gái Tây Đô vốn nổi tiếng tài sắc phải chôn vùi trong bom đạn.

Cái được duy nhất cô đang có là niềm tin vào ngày mai thắng lợi và cô không quản mọi khó khăn, gian khổ vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Ngày mai, cô lên đường làm nhiệm vụ mới “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.

(Còn nữa)

  • Uyên Uyên
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc